Cuối năm lại nóng thực phẩm “bẩn”

VietTimes -- Những tháng cuối năm, tình trạng thực phẩm "bẩn", không rõ nguồn gốc đang có nhiều diễn biến phức tạp, khi một số đối tượng tìm cách vận chuyển thực phẩm kém chất lượng đưa ra thị trường để bán cho người tiêu dùng.
Thực phẩm được bày bán tại một khu chợ
Thực phẩm được bày bán tại một khu chợ

Đội Cảnh sát giao thông số 10, Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP. Hà Nội vừa bắt giữ một xe container vận chuyển khoảng 25 tấn nội tạng động vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe chở nhiều thùng xốp chứa khoảng 25 tấn nội tạng động vật. Danh tính lái xe được xác định là ông Đoàn Đức Thịnh (Hồng Bàng, TP. Hải Phòng).

Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình được các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số hàng trên và khai nhận, được thuê chở hàng từ Hải Phòng đến bến xe Yên Nghĩa và không biết chủ của lô hàng là ai.

Vụ việc sau đó được tổ công tác lập biên bản và bàn giao số hàng hóa trên cho Đội Quản lý thị trường số 26, đồng thời bàn giao hồ sơ cho Đội Cảnh sát điều tra thực phẩm về Kinh tế Công an Quận Hà Đông tiếp tục củng cố hồ sơ thụ lý.

Cơ quan chức năng thực hiện công tác kiểm tra
Cơ quan chức năng thực hiện công tác kiểm tra

Mới đây, tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông số 6, Công an TP. Hà Nội làm nhiệm vụ tại ngã tư Phạm Hùng - Phạm Văn Đồng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã phát hiện một đối đượng đi xe máy chở hàng vi phạm luật giao thông nên dừng xe kiểm tra.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 4 thùng xốp trên xe có trọng lượng khoảng 200kg đều là nội tạng động vật, trứng gà non. Số nội tạng trên dù đã được ướp đá nhưng vẫn có dấu hiệu chảy nhớt và bốc mùi hôi thối.

Làm việc với lực lượng chức năng, lái xe Đỗ Văn Thạch (sinh năm 1985, Tiền Hải, Thái Bình) không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ số hàng trên.

Lái xe khai nhận, toàn bộ số hàng hóa trên được một người thuê chở từ số 7 Phạm Văn Đồng tới Ga Hà Nội.

Theo Cục An toàn thực phẩm, công tác chống thực phẩm bẩn chưa bao giờ hết “nóng”. Để hạn chế và từng bước đẩy lùi nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ngoài nâng cao ý thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về an toàn thực phẩm, yêu cầu đặt ra là phải có sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức, các cơ quan truyền thông cùng chính quyền địa phương trong việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm.

Về phía người dân, cũng cần kiên quyết nói không với thực phẩm bẩn, đồng thời nâng cao ý thức đấu tranh, dũng cảm tố giác các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm về an toàn thực phẩm.