Cuộc đua tăng vốn mới của công ty chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Một số công ty chứng khoán tốp đầu tiếp tục lên kế hoạch tăng vốn với kỳ vọng hệ thống KRX sẽ được vận hành năm 2022, cho phép giao dịch T0; đồng thời bổ sung nguồn vốn cho vay ký quỹ (margin).

CTCP Chứng khoán SSI (Mã CK: SSI) vừa công bố dự thảo tờ trình lấy ý kiến cổ đông về phương án chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Nội dung dự thảo cho biết, sau khi thực hiện xong việc phát hành 10 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), quy mô vốn điều lệ của SSI ước đạt 9.947,5 tỉ đồng.

Sau đó, công ty chứng khoán này sẽ tiến hành chào bán thêm 497,3 triệu cổ phiếu (tỉ lệ 2:1) cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ lên mức 14.921,2 tỉ đồng. Với giá phát hành 15.000 đồng/cp, SSI dự kiến thu được 7.460,6 tỉ đồng từ thương vụ này.

Nguồn vốn thu về sẽ được sử dụng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, cho vay giao dịch ký quỹ (margin), chào bán các sản phẩm tài chính và nâng cao năng lực bảo lãnh phát hành. Thương vụ dự kiến sẽ được thực hiện vào năm 2022 hoặc thời hạn khác theo quyết định của HĐQT.

Lưu ý rằng, sau đợt phát hành cho cổ đông hiện hữu, SSI sẽ tiếp tục tiến hành chào bán riêng lẻ 104 triệu cổ phiếu theo kế hoạch đã được ĐHĐCĐ thường niên 2021 thông qua.

Theo tính toán của VietTimes, nếu các đợt phát hành kể trên diễn ra thuận lợi, quy mô vốn điều lệ của SSI sẽ tăng lên mức 15.961,7 tỉ đồng, tăng gấp 2,6 lần so với đầu năm 2021.

CTCP Chứng khoán VNDirect (Mã CK: VND) mới đây đã công bố kế hoạch chào bán 434,9 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với mức giá 10.000 đồng/cp để tăng vốn lên gấp đôi.

Đồng thời, VND cũng trình cổ đông thông qua phương án phát hành 347,9 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Sau các đợt phát hành này, quy mô vốn điều lệ của VND ước đạt 12.178 tỉ đồng, chưa bao gồm số cổ phiếu ESOP mà công ty dự kiến phát hành thêm. Các thương vụ dự kiến sẽ được thực hiện trong năm 2021 và/hoặc năm 2022, sau khi có chấp thuận của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.

Trong khi đó, ĐHĐCĐ bất thường năm 2021 của CTCP Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương (Mã CK: APS) cũng đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm 3.200 tỉ đồng trong giai đoạn 2021 – 2022.

Vì sao công ty chứng khoán đua tăng vốn?

Tính đến cuối tháng 10/2021, chỉ số VN-Index đã tăng 33,4%. Thanh khoản thị trường cũng gia tăng đột biến với giá trị giao dịch trung bình ngày là 18.800 tỉ đồng, tăng gấp 2,6 lần so với giá trị giao dịch trung bình của năm 2020.

Bên cạnh đó, số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường cũng tăng mạnh. Theo số liệu của Trung tâm Lưu ký Việt Nam (VSD), luỹ kế 10 tháng đầu năm 2021, có gần 1,09 triệu tài khoản chứng khoán được mở mới, tăng gấp 3 lần số tài khoản mở mới của năm 2020 và cao hơn tổng tài khoản mở mới trong giai đoạn 2017 – 2020.

Tính đến cuối quý 3/2021, dư nợ cho vay margin tại 60 công ty chứng khoán cao kỷ lục, đạt gần 154.000 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, hệ thống giao dịch KRX cũng được kỳ vọng sẽ đi vào hoạt động từ năm 2022, mở ra cơ hội cho phép triển khai nhiều sản phẩm mới như bán chứng khoán chờ về, giao dịch T0, hay triển khai mô hình đối tác bù trừ thanh toán trung tâm (CCP) giúp nhà đầu tư có thể không cần phải ký quỹ 100% tiền để mua chứng khoán như hiện nay mà chỉ cần ký quỹ một lượng nhỏ 10 – 20% giúp nhà đầu tư có đòn bẩy tốt hơn khi giao dịch chứng khoán./.