Cuộc đua số 2018: Mơ về xe tự lái trên đường phố Việt Nam

VietTimes -- Tối ngày 17/5 tại nhà thi đấu quận Tây Hồ (Hà Nội), 8 đội đến từ 6 trường Đại học trên cả nước đã tham dự vòng chung kết cuộc thi dành cho xe tự lái kích thước nhỏ. Nhìn những chiếc xe mini tự lăn bánh băng băng trên sa bàn, chúng tôi lại mơ về một tương lai xe tự hành trên đường phố Việt Nam.
Niềm vui đội vô địch - ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội
Niềm vui đội vô địch - ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội

“Cuộc đua số 2017-2018” là cuộc thi do tập đoàn FPT tổ chức. Cuộc thi này đã quy tụ được 260 đội thi đến từ 32 trường Đại học trên toàn quốc. Trải qua nhiều trận đấu kịch tính tại vòng Sơ loại và Bán kết, 8 đội xuất sắc nhất đã được góp mặt tại vòng chung kết diễn ra vào tối qua (17/5).

Trải qua 3 tháng luyện tập và thi đấu tại Cuộc đua số 2017 – 2018, các bạn sinh viên đã làm quen và từng bước chinh phục được các bài toán của xe tự hành. Ban đầu, các bạn được làm quen với kiến thức về xử lý ảnh, trí tuệ nhân tạo và sau đó được hướng dẫn thực hành trên xe mô hình với kích thước bằng 1/10 xe thật.

Cuộc đua số 2018: Mơ về xe tự lái trên đường phố Việt Nam ảnh 1 Các trận đấu diễn ra rất hấp dẫn

Ở vòng bán kết, xe tự hành của các bạn sinh viên có thể di chuyển chính xác theo làn đường có sẵn, tránh các vật cản và di chuyển theo biển chỉ dẫn. Đến vòng chung kết, mức độ khó sẽ tăng lên khi biển chỉ dẫn sẽ được thay đổi ngẫu nhiên và các làn đường cũng quanh co hơn. Các vạch kẻ đường hoặc nét đứt cũng là một bài toán phải giải đối với các bạn sinh viên khi lập trình cho xe tự hành.

Ở trận đấu đầu tiên trong vòng chung kết, đội BK-PIF của ĐH Bách khoa TP.HCM thi đấu với đội NII của ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Trận đấu diễn ra khá thú vị khi xe của hai đội so kè quyết liệt, đáng tiếc là xe của đội NII nhiều lần “lấn làn” lao ra khỏi đường đua. Nguyên nhân có thể là do các bạn sinh viên đã mạo hiểm tăng tốc độ cho xe để hoàn thành chặng đua trong thời gian ngắn nhất, điều này đã gây ra rủi ro là xe không kịp bẻ lái khi vào các khúc cua. Kết quả đội BK-PIF đã giành chiến thắng trong cặp đấu tay đôi này.

Trận thứ hai là cuộc so tài giữa đội MTA-Race4Fun của Học viện Kỹ thuật Quân sự và đội UET Fastest của ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội). Chiến thắng của trận đấu này đã thuộc về đội của Học viện Kỹ thuật quân sự.

Cuộc đua số 2018: Mơ về xe tự lái trên đường phố Việt Nam ảnh 2 Chiếc xe tự hành của đội vô địch

Trận đấu “chênh lệch” nhất là trận thi đấu của đội Winwin Spiral của Đại học FPT với đội DUT Stark của Đại học Đà Nẵng. Trong khi xe của đội Winwin Spiral chạy rất trơ tru trong đường đua thì xe của đội DUT Stark vài lần lao ra ngoài.

Trận chung kết đã diễn ra giữa hai đội UET Fastest của Đại học Công nghệ và Winwin Spiral của Đại học FPT. Với chiến thuật thi đấu hợp lý, thiết bị chạy ổn định và thuật toán lập trình tốt, đội của Đại học Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội đã trở thành nhà vô địch Cuộc đua số 2017 – 2018 và nhận giải thưởng trị giá 450 triệu đồng.

Cuộc đua số 2018: Mơ về xe tự lái trên đường phố Việt Nam ảnh 3 Rất nhiều khán giả đến theo dõi và cổ vũ cuộc thi

“Các môn học trong nhà trường phần lớn vẫn chỉ là lý thuyết. Cuộc đua số chính là động lực để chúng em phải tìm hiểu về các công nghệ mới như xử lý ảnh, học sâu, trí tuệ nhân tạo. Dù mới chỉ tham gia trong thời gian ngắn nhưng cuộc thi đã giúp chúng em có những kết quả ban đầu về xe tự hành”, Nguyễn Minh Châu, thành viên đội UET Fastest cho biết.

fig come here
90% giá trị của ô tô tương lai nằm ở phần mềm. Ngành ô tô sẽ thay đổi nhanh nhất trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam chúng ta sẽ có hàng triệu người tham gia vào phát triển công nghệ ô tô tương lai.
ông Trương Gia Bình
Chủ tịch HĐQT công ty FPT
Vẫn còn hân hoan trong niềm vui chiến thắng, khi được hỏi về tương lai của xe tự lái trên đường phố Việt Nam, bạn Trần Anh Dũng, một thành viên khác của UET Fastest nói rằng có thể tương lai này còn xa nhưng cả đội sẽ cố gắng hiện thực hóa ước mơ ấy.

Ông Lê Hồng Việt, Giám đốc Công nghệ, tập đoàn FPT nhận định: “Các sinh viên Việt Nam có khả năng học hỏi và nắm bắt công nghệ rất nhanh. Tôi tin rằng từ Cuộc đua số, sẽ có nhiều bạn sinh viên trở thành lực lượng nòng cốt, tiên phong tham gia chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu, góp phần đưa Việt Nam có vị trí xứng đáng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.

Tại Việt Nam, FPT là đơn vị tiên phong trong việc nghiên cứu xe tự lái. Năm 2016, FPT đã thành lập công ty hoạt động trong lĩnh vực này với quy mô 700 người. Giữa năm 2017 những ứng dụng công nghệ mới nhất về xử lý hình ảnh, trí tuệ nhân tạo, học sâu, đã được FPT đưa vào thử nghiệm trên xe ô tô mô hình. Tháng 10/2017, chiếc ô tô thương mại đầu tiên tích hợp công nghệ xe tự hành do FPT nghiên cứu và phát triển đã được đưa vào chạy thử nghiệm trọng khuôn viên của công ty. Xe có thể chạy ổn định ở tốc độ 20km/h trong các điều kiện thời tiết khác nhau. Mới đây nhất vào trung tuần tháng 5/2018, FPT đã chính thức nộp đơn đến bộ GTVT xin phép chạy thử nghiệm chiếc xe này trong khuôn viên của khu công nghệ cao quận 9 TPHCM, khu công nghệ cao Hòa Lạc HN và khu đô thị FPT City.

Theo nhiều nghiên cứu đã công bố, một trong những ngành được xem là có sự thay đổi mạnh mẽ nhất trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư chính là công nghiệp ô tô với 90% sáng tạo thuộc về ứng dụng phần mềm. Ngành công nghiệp ô tô trong tương lai sẽ phát triển theo 4 xu hướng chính gồm tự động hóa, kết nối, xe điện và chia sẻ xe. Dự báo tổng doanh thu của ngành công nghiệp ô tô đến năm 2030 đạt 6.700 tỷ USD, trong đó 1.500 tỷ USD là đến từ phần mềm. Cũng đến năm 2030, 70% xe hơi bán ra thị trường có được tích hợp công nghệ tự lái.

Xem thêm: