Cuộc đua công nghệ 4.0 của những 'ông lớn' ngành thang máy tại Việt Nam

Các tập đoàn ứng dụng IoT (kết nối vạn vật), big data (dữ liệu lớn), machine learning (công nghệ học máy) vào quản lý, vận hành thang máy, tối ưu hóa giao thông trục đứng trong các tòa nhà đô thị.

Sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghệ 4.0 tạo nên cuộc dịch chuyển đa ngành với 3 trụ cột phát triển chính gồm AI (trí tuệ nhân tạo), IoT và big data. Cùng với đời sống kinh tế - xã hội phát triển, nhu cầu ngày một nâng cao, dự báo đến năm 2020 sẽ có hơn 50 tỷ thiết bị kết nối Internet từ cửa, đèn, điều hòa, camera, loa...

Theo báo cáo của McKinsey & Company, tính đến năm 2025, tổng giá trị tác động của nền công nghiệp IoT ước tính từ 3,9– 11,1 tỷ USD một năm.

Với tuổi đời lịch sử gần 170 năm, ngành sản xuất thang máy cũng không ngoại lệ trong việc nắm bắt nhu cầu, cập nhật xu hướng chuyển đổi trong việc áp dụng công nghệ vào sản phẩm.

Từ khi cuộc cách mạng 4.0 và kỷ nguyên IoT bùng nổ với những lợi ích từ dữ liệu lớn, tính kết nối vạn vật và trí tuệ nhân tạo, ngành công nghiệp sản xuất thang máy toàn cầu cũng không đứng ngoài cuộc chơi khi các ông lớn trong ngành không ngừng tìm kiếm riêng cho mình những đối tác công nghệ để bắt đầu nghiên cứu và ứng dụng IoT.

Mức giá trị khổng lồ trong ứng dụng IoT, dữ liệu lớn, máy học thôi thúc các doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực nhập cuộc.

Có thể thấy, từ chiếc thang khách đầu tiên được sản xuất tại châu Âu vào năm 1857, chỉ có một tốc độ cố định, cabin có kết cấu đơn giản, cửa tầng đóng bằng tay, tốc độ di chuyển thấp. Đến nay, thang máy vẫn không ngừng cải tiến với các tính năng vượt trội nhằm tăng thêm độ an toàn, tính hiệu quả vận hành cao và trở thành thiết bị tự động hóa phổ biến, thân thiện với người sử dụng, cũng như là người bạn đồng hành không thể thiếu cùng các tòa nhà chọc trời hiện nay.

Các nhà sản xuất thang máy lớn trên thế giới như Otis, Schindler, Mitsubishi… cũng đang đẩy hết tốc lực trên cuộc đua công nghệ. Đơn cử như Schindler, một trong Top 3 nhà sản xuất thang máy lớn nhất thế giới đã chi hàng tỷ USD cho hoạt động nghiên cứu và phát triển nhằm ứng dụng những tiến bộ công nghệ vào việc cải tiến quy trình quản lý vận hành thang máy, mang đến những dịch vụ và trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.

Ông Tạ Huy Vũ – Tổng giám đốc Schindler Việt Nam - cho biết, một trong những mũi nhọn tăng trưởng của doanh nghiệp là mảng dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ kỹ thuật số giúp quản lý toàn diện trên nền tảng công nghệ 4.0 – Schindler Ahead. Schindler Ahead là giải pháp quản lý vận hành thang máy thế hệ mới ứng dụng nền tảng IoT, machine learning, big data giúp Schindler và khách hàng quản lý và theo dõi tình trạng thang máy mọi lúc mọi nơi chỉ qua chiếc smartphone.

Thông qua dữ liệu hiển thị trên ứng dụng di động Action Board của Schindler Ahead, khách hàng có thể quan sát rõ tình trạng hoạt động của từng thang và chủ động ứng phó hoặc yêu cầu kiểm tra khi cần thiết.

Với mỗi thang máy tham gia mạng lưới IoT, Schindler lắp đặt thêm một chip thiết bị như máy tính thu nhỏ, kết nối vào thang để thu thập, xử lý và truyền dữ liệu vận hành trực tiếp về trung tâm điện toán đám mây. Qua đó, “nhất cử nhất động” của thang được theo dõi theo thời gian thực tế và 24/7. Hoạt động thang máy khi được kiểm soát bởi công nghệ cao có thể cảnh báo trước rủi ro, “chuẩn bệnh” từ xa và tối ưu hóa hiệu quả vận hành.

Nằm trong giải pháp Schindler Ahead, doanh nghiệp có thể triển khai chuyển đổi số toàn diện trong đội ngũ, đặc biệt với mảng dịch vụ bảo trì. Mỗi kỹ thuật viên của Schindler đều được cấp smartphone kết nối với hệ thống lưu trữ dữ liệu.

“Ngày trước, khi phát sinh tình huống, khách hàng phải gọi đến trung tâm hotline, từ đó chúng tôi cắt cử kỹ thuật viên bảo trì đến tận nơi mới có thể tìm hiểu vấn đề. Nay bằng công nghệ, chúng tôi có thể nhận biết chỉ trong khoản thời gian ngắn nếu có bất cứ cảm biến thang máy nào báo lỗi. Kỹ thuật viên sẽ có trong tay thông tin cụ thể trước khi đến nơi xử lý, giúp đẩy nhanh quá trình đánh giá vấn đề, lên phương án và tiến hành xử lý. Điều này giúp Schindler quản lý tốt hơn hoạt động thang máy, đảm bảo an toàn khi vận hành và chủ động ứng phó trong mọi tình huống,” ông Nguyễn Xuân Yên, Giám đốc Bảo trì Schindler Việt Nam chia sẻ.

Theo Transparency Market Research, quy mô toàn ngành thang máy thế giới ước tính 59,26 tỷ USD vào năm 2017 và dự báo tăng lên 151,26 tỷ USD vào năm 2026 với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 11,1%.

Theo ARC Advisory Group, thế giới hiện có 12 triệu thang máy đang vận hành, vận chuyển hơn một tỷ người mỗi ngày, đưa thang máy trở thành một trong những phương tiện di chuyển phổ biến nhất, hứa hẹn một thị trường đầy tiềm năng cho những cuộc chuyển đổi số toàn diện ở thời đại 4.0.

Tổng giám đốc Schindler Việt Nam khẳng định, với công nghệ, ngành thang máy góp phần quan trọng vào giao thông trục đứng của các đô thị. Mỗi tòa nhà có thể chứa vài nghìn người, nếu hệ thống thang máy hoạt động không thông suốt thì giao thông trục đứng sẽ xảy ra tình trạng tương tự như kẹt xe.

Theo ICTNews

https://ictnews.vn/cntt/cuoc-dua-cong-nghe-4-0-cua-nhung-ong-lon-nganh-thang-may-tai-viet-nam-186087.ict