Cuộc chuyển mình của Nova Consumer trước thềm IPO

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – 43.462 đồng/cp – đó là mức giá tối thiểu cho đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng (IPO) sắp tới của Nova Consumer, trước khi niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán HOSE.
Nhà máy Anova Feed tại Long An của Nova Consumer

Nhà máy Anova Feed tại Long An của Nova Consumer

CTCP Tập đoàn Nova Consumer (Nova Consumer) vừa công bố việc chào bán 10,9 triệu cổ phiếu ra công chúng, với mức giá tối thiểu 43.462 đồng/cp. Mỗi nhà đầu tư được đăng ký mua từ 1.000 tới 5,4 triệu cổ phiếu. Thời gian nhận đăng ký mua và nộp tiền đặt cọc từ 7/2 – 28/2/2022.

Thương vụ IPO sắp tới của Nova Consumer cũng hé mở phần nào tiềm lực và tham vọng của doanh nghiệp hàng đầu trong mảng thuốc thú y và đang theo đuổi tham vọng hoàn thiện chuỗi mô hình 3F từ trang trại đến bàn ăn (Feed - Farm – Food).

Về mặt pháp lý, Nova Consumer được thành lập từ năm 2007, song, khởi nguồn của doanh nghiệp này phải tính từ khi ra đời của Công ty cổ phần Thành Nhơn năm 1992, hoạt động chính trong mảng kinh doanh thuốc thú y.

Năm 2007, sau quá trình tái cấu trúc, Tập đoàn Anova được thành lập, chủ yếu kinh doanh trong lĩnh vực thuốc thú y, trại chăn nuôi, thức ăn gia súc, vaccine và tiến đến thành lập chuỗi giá trị cung cấp nguồn thực phẩm sạch chất lượng cao, an toàn, giàu dinh dưỡng.

Tới năm 2021, Tập đoàn Anova đổi tên thành Nova Consumer, đánh dấu cột mốc phát triển quan trọng, tích hợp với ngành hàng tiêu dùng nhanh qua M&A nhằm hoàn thiện chuỗi cung ứng thực phẩm có truy xuất nguồn gốc theo mô hình 3F.

Trải qua nhiều năm phát triển, Nova Consumer đã 8 lần tăng vốn điều lệ. Cập nhật tới ngày 7/7/2021, công ty này có quy mô vốn điều lệ 1.088 tỉ đồng.

Về hoạt động kinh doanh, năm 2020, Nova Consumer đạt 3.112 tỉ đồng doanh thu thuần và 185,3 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng với tỉ suất lợi nhuận/doanh thu ở mức 5,9%.

Chỉ sau 9 tháng đầu năm 2021, Nova Consumer đã ghi nhận khoản lãi sau thuế cao gấp 1,8 lần so với cả năm 2020. Điều này đồng nghĩa với tỉ suất lợi nhuận/doanh thu của công ty đã được nâng lên gấp đôi, ở mức 12,8%.

Kết quả kinh doanh kể trên có sự đóng góp không nhỏ từ việc thay đổi chiến lược kinh doanh của công ty, tập trung vào các mảng sức khoẻ vật nuôi, trang trại và thức ăn chăn nuôi.

Nova Consumer đang chiếm lĩnh hơn 30% thị phần kinh doanh mảng thuốc thú y của cả nước, với hệ thống máy móc tiên tiến, trang thiết bị dây chuyền hiện đại và đội ngũ chuyên gia dày dạn kinh nghiệm.

Trong khi đó, với sự hậu thuẫn của Nova Consumer, CTCP Anova Feed là một trong 20 công ty thức ăn gia súc có vị thế trên thị trường, chỉ đứng sau các công ty lớn có vốn đầu tư nước ngoài đã có mặt nhiều năm trên thị trường Việt Nam về mặt sản lượng như C.P (Thái Lan), CJ (Hàn Quốc), Cargrill (Mỹ), hay De Heus (Hà Lan).

Nền tảng sẵn có giúp Nova Consumer tiếp tục kế hoạch mở rộng sang mảng kinh doanh thực phẩm để khép kín chuỗi giá trị từ trang trại đến bàn ăn, đặc biệt trong bối cảnh mức độ tiêu thụ thịt trên đầu người ở Việt Nam mới chỉ đạt 16,5kg/người/năm – còn thấp so với các nước trong khu vực.

Ở thương vụ IPO sắp tới, với nguồn vốn huy động được, Nova Consumer dự kiến sẽ chi ra 430 tỉ đồng để mua lại phần vốn góp của CTCP Đầu tư Tiêu dùng tại Công ty TNHH Thực phẩm Mặt Trời Mọc để phát triển chuỗi thực phẩm của công ty. Thương vụ dự kiến sẽ thực hiện trong nửa đầu năm 2022.

Ngoài ra, mức giá IPO cũng sẽ là một trong những căn cứ để quyết định mức giá tham chiếu cho ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu Nova Consumer khi niêm yết trên sàn chứng khoán./.