Cuộc chiến Việt Nam: Mỹ thất bại với dự án siêu bí mật

VietTimes -- Năm 1965, Không quân đặt ra mục đích phá hủy cây cầu thuộc tỉnh Thanh Hóa ở Miền Bắc Việt Nam. Dự án siêu bí mật - Operation Carolina Moon - đã sử dụng đến một số công nghệ tiên tiến nhất tại thời điểm đó của nền khoa học Mỹ nhằm triệt hạ cây cầu Hàm Rồng, một cái gai chọc vào mắt Không lực Mỹ.
Toàn cảnh cầu Hàm Rồng trong không ảnh của Không quân Mỹ
Toàn cảnh cầu Hàm Rồng trong không ảnh của Không quân Mỹ

Cây cầu có tên là Hàm Rồng, có nghĩa là "hàm răng rồng" ở Việt Nam, được bảo vệ bằng một tuyến phòng không rất mạnh và các vụ không kích dữ dội của bom đạn Mỹ cũng không làm chiếc cầu bị ảnh hưởng đáng kể.

Mặc dù việc bảo vệ cầu Hàm Rồng đòi hỏi nhiều binh lực và phương tiện chiến tranh của Miền Bắc Việt Nam, cây cầu nhanh chóng trở thành một biểu tượng của sự thách thức và quyết tâm khi đối mặt với một kẻ thù có tiềm lực quân sự lớn hơn và mạnh hơn gấp nhiều lần.

Bất lực trong việc không kích đánh sập cây cầu biểu tượng này. Tháng 09.1965, phòng thí nghiệm vũ khí không quân Mỹ bắt đầu phát triển một loại bom phao nổi độc đáo với hy vọng cuối cùng phá hủy cây cầu có cấu trúc rất tốt trên một khu vực địa hình quá khó khăn.  Dự án siêu bí mật - Operation Carolina Moon - đã sử dụng đến một số công nghệ tiên tiến nhất tại thời điểm đó của nền khoa học Mỹ nhằm triệt hạ một cây cầu, một cái gai chọc vào mắt Không lực Mỹ.

Lực lượng không quân rất thất vọng với những cuộc không kích không hiệu quả của không lực Mỹ nhằm vào cầu Hàm Rồng. Hàng loạt cuộc ném bom liên tiếp diễn ra, các phi đội cường kích F-105 Thần Sấm và các máy bay khác đã tấn công cây cầu hơn 300 lần mà không gây bất kỳ tổn thất nào đáng kể.

Một nhà nghiên cứu lịch sử không quân nhận xét: "Thực sự quá khó khăn khi sử dụng một quả bom 750 bảng Anh để phá hủy một cây cầu có cấu trúc vững chắc như vậy”. Nhưng thực tế do cây cầu nằm trên một địa hình quá phức tạp, hai bên là núi Rồng và núi Ngọc đứng án ngữ khiến máy bay ném bom chỉ có thể bay thấp dọc theo sông Mã, lấy độ cao ở khoảng cách ném bom và thả bom theo một hướng nhất định. Điều đó khiến cho hỏa lực phòng không dọc hai bờ sông Mã và trên hai ngọn núi Rồng và núi Ngọc thỏa sức nã đạn vào bụng các máy bay Thần Sấm. Thế trận này đã khiến hơn 100 máy bay các loại của Mỹ trả giá bằng mạng sống của mình.

Trên thực tế, cây cầu không có ý nghĩa chiến lược lớn đến mức như vậy, nhưng vấn đề ý nghĩa chính trị và biểu tượng bất khả xâm phạm của cầu Hàm Rồng đã làm người Mỹ phát điên. Mãi đến tháng 4.1972, Mỹ sử dụng bom điều khiển laser đánh sập cây cầu. Lực lượng công binh Việt Nam đã nhanh chóng khôi phục cầu và đưa vào khai thác sử dụng phục vụ cho việc vận chuyển binh lực, vũ khí trang bị tiếp viện cho Miền Nam.

Trong thời gian trước đó, những tuyến đường từ Bắc vào Nam chưa hề bị tắc nghẽn hoặc đình trệ.

Cuộc không kích vào cầu Hàm Rồng
Cầu Hàm Rồng bị trúng bom điều khiển laser GBU - 10
Tốp máy bay ném bom F-105 Thần Sấm không kích cầu Hàm Rồng
Một trận địa pháo phòng không, không ảnh do máy bay trinh sát Mỹ chụp

Để phá hủy cầu Hàm Rồng, không quân Mỹ cần một loại vũ khí có đương lượng nổ đủ lớn để phá hủy thực sự cầu Hàm Rồng và loại trừ chiếc cầu hoạt động vĩnh viễn. Vũ khí cũng cần độ chính xác để đánh sập cầu mà các phi công Mỹ vẫn tránh được lưới lửa phòng không dày đặc đã tiêu diệt cả trăm máy bay.

Kế hoạch Dự án Moon Carolina đề xuất sử dụng máy bay vận tải C-130 thả những quả bom phao khổng lồ bằng dù xuống Sông Mã. Các quả bom này sẽ nổi lên ở phía hạ lưu, trôi dần xuống cầu Hàm Rồng, bị kích nổ và phá hủy chiếc cầu nổi tiếng này. Phương án này cho phép các máy bay ném bom tránh được hỏa lực phòng không dày đặc của Việt Nam xung quanh chiếc cầu. Quả bom phao sẽ hoàn thành nửa còn lại của sứ mệnh kỳ quái này.

Bom phao nặng gần 4.000 pound (1.814 kg), đường kính khoảng 8 feet (2,4 m) và cao 3 feet (0,9 m), những thông tin này do trang War is Boring nhận được theo Luật Tự do Thông tin. Những tài liệu này không mô tả phương thức các nhà thiết kế thực hiện để khiến quả bom phao nổi được và nổi ở mức nào.

Bản phác thảo thiết kế bom phao của Không quân Mỹ

Vỏ thép của các quả bom phao quá lớn, lực lượng không quân Mỹ phải yêu cầu Ủy ban Năng lượng nguyên tử giúp đỡ để chế tạo nó.

Tổ hợp công nghiệp Y-12 An ninh Quốc gia ở Oak Ridge, bang Tennessee đã chế tạo các vỏ bom phao này, sử dụng máy móc thiết bị chế tạo các bộ phận cho vũ khí hạt nhân.

Trang War is Boring không nhận được bất cứ hồ sơ bổ sung theo Đạo luật Tự do yêu cầu thông tin FOIA từ Phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge và tổ hợp Y-12.

Trong lớp vỏ kim loại là một đầu đạn có khối lượng lên tới khoảng 500 pound (226 kg) sẽ phát nổ bên dưới cây cầu. Các nhà chế tạo vũ khí không quân Mỹ ước tính sẽ tạo ra vụ nổ tương đương với 1.000 tấn TNT.

Có hai ngòi nổ khác nhau được lắp đặt vào mìn. Bộ phận gây nổ chính là một ngòi nổ kích hoạt radar mà các kỹ sư lấy từ đầu đạn tên lửa đất đối không CIM-10 Bomarc.

Những tên lửa phòng không SAM Bomarc của lực lượng Không quân Mỹ chưa bao giờ chiến đấu thực tế. Tại thời điểm này, lực lượng không quân đang tháo dỡ tên lửa và các trận địa phóng.

Các ngòi nổ của CIM-10 sẽ hoạt động nếu phát hiện một khối lượng lớn phía trên ngòi nổ - ví dụ là một cây cầu. Đây thực sự là một thiết kế đáng quan tâm. Các nhà thiết kế đã sửa đổi hệ thống, đảm bảo đầu đạn có thể phân biệt một công trình lớn và các đối tượng nhỏ hơn như "máy bay bay thấp hoặc chim".

Các quả bom phao cũng lắp đặt thêm một ngòi nổ sử dụng cảm biến hồng ngoại chủ động trong trường hợp bộ phận kích nổ radar không hoạt động. Thiết bị nhận dạng quang hồng ngoại này hoạt động tương tự như những thiết bị hồng ngoại mà chúng ta thường gặp trong nhà vệ sinh tự động, ví dụ như máy thổi gió làm khô tay, nhưng lúc đó nó là công nghệ siêu hiện đại.

Không quân Mỹ đã chế tạo 20 quả bom phao chiến đấu và 10 quả bom huấn luyện không có chất nổ. Tổng chi phí cho tất cả các quả bom này khoảng 600.000 USD, tương đương với 4,5 triệu USD ngày nay.

Trước khi đưa các quả bom phao này sang Việt Nam, đội huấn luyện đặc biệt kiểm tra hoạt động của các thiết bị tại Căn cứ Không quân Eglin ở Florida. Nhưng căn cứ cũng không có khu vực thích hợp để thực hiện kế hoạch tấn công từ đầu đến cuối.

Thay vào đó, các máy bay thả bom phao xuống nước để xem các quả bom dù sẽ hạ cánh và trôi theo ý đồ dự án. Các thiết bị được thu hồi và sau đó lôi bom trên đất đến một cấu trúc giả theo mô hình các bộ phận của cầu Hàm Rồng Thanh Hóa.

Chưa đầy một năm sau khi dự án được thực thi, Bộ tư lệnh Liên quân Mỹ thông qua chiến dịch tấn công cầu Hàm Rồng khi các bom phao đã đường đến Việt Nam. Nhưng không phải tất cả các sĩ quan không quân và chuyên viên kỹ thuật tin rằng quả bom có hiệu quả.

Trung tâm chiến thuật chiến tranh đường không quan ngại các quả mìn sẽ gặp khó khăn, dạt vào bờ sông trước khi đến Hàm Rồng và kết luận: cơ hội thành công là rất nhỏ", trích dẫn từ một bản báo cáo chính thức lên Lầu Năm Góc. Bản báo cáo cho rằng, có rất ít cơ hội để thành công. Nhưng các tác giả cũng không viện dẫn bất cứ chi tiết nào của kế hoạch để bác bỏ việc thực hiện dự án.

Cuối tháng 05.1966, một chiếc C-130 đã thả 5 trong tổng số bom phao vào Sông Mã theo kế hoạch. Các phi công báo cáo những quả bom phao đã rơi thành công xuống sông, nhưng trinh sát đường không không cho thấy bất kỳ thiệt hại nào của cây cầu sau cuộc tấn công.

Ngày hôm sau, các quan chức Mỹ lại ra lệnh tấn công và yêu cầu phi hành đoàn thả những quả bom còn lại gần cây cầu. Nhưng đến gần hơn cây cầu cũng có nghĩa tiếp cận gần hơn các trận địa pháo phòng không các cỡ nòng và tên lửa phòng không.

Chuyện còn lại xảy ra là tất yếu. Chiếc C-130 trở thành mục tiêu ngon ăn nhất của phòng không Miền Bắc Việt Nam. Số phận của các quả bom phao không rõ ràng. Tốp trinh sát F-4 Phantom báo cáo thấy một chớp sáng dữ dội ở vùng lân cận cây cầu kiên cường của tỉnh Thanh Hóa. Các quả bom pháo đã nổ tung khi chiếc máy bay C-130 rơi xuống mặt đất.

Trong một vụ bắt cóc dân thường đánh cá Miền Bắc Việt Nam sau vụ tấn công ở khu vực biển Thanh Hóa, không quân khẳng định bốn trong số các quả bom mà họ thả đã phát nổ thành công dưới cây cầu - nhưng không gây ra bất kỳ thiệt hại nào đáng kể cho cấu trúc thân cầu.

Tình huống thực sự là quân và dân Thanh Hóa đã phát hiện ra các quả bom phao trôi nổi dọc dòng sông, tất cả đều cho rằng đây là một loại thủy lôi mới có thể dùng để tấn công các cầu phá hoặc bến cảng. Đại đa số đã bị tháo gỡ và phá hủy, vỏ một quả bom phao - thủy lôi này còn được lưu giữ tại viện bảo tàng vũ khí Công binh tại Hà Nội.

Sau thất bại tệ hại này, không quân Mỹ bắt đầu quan tâm đến các loại vũ khí chính xác dẫn đường bằng laser. Sáu năm sau khi nhiệm vụ Carolina Moon thảm bại, phi công Mỹ cuối cùng cũng phá hủy được cầu Hàm Rồng với một cặp bom Paveway thế hệ đầu tiên.

 Bom điều khiển laser GBU-10  Paveway

Cuối cùng, không quân Mỹ cũng nhổ được cái gai trong mắt mình, nhưng với một cái giá kinh khủng, khoảng 700 lượt bay với hơn 800 lần không kích, ném khoảng 10.000 tấn bom đạn, khoảng hơn 100 máy bay bị pháo phòng không và tên lửa bắn hạ, không quân Việt Nam cũng bắn rơi 4 chiếc.

TTB