Cuộc chiến TV: LG vẫn trung thành với OLED khi Samsung mở rộng các công nghệ màn hình khác

Là hai nhà sản xuất TV lớn nhất và nhì thế giới, Samsung và LG tiếp tục cuộc đua công nghệ trong màn hình. Khi LG tập trung OLED thì Samsung đang hướng đến cả 3 công nghệ QLED, Micro-LED, QD-OLED.

LG Display lên kế hoạch lớn cho năm 2019, với mục tiêu bán ra 4 triệu TV OLED, sau khi đạt con số 2,9 triệu vào năm ngoái. Nhưng đằng sau thành công là một nỗi lo ngại. Là nhà sản xuất màn hình tinh thể lỏng (LCD) lớn nhất thế giới, nhưng giá LCD giảm xuống mức có thể tác động mạnh đến hãng điện tử Hàn Quốc.

Trong khi đó, đối thủ Samsung Electronics đã tận dụng lợi thế của việc giảm giá. Các TV LCD công nghệ chấm lượng tử Qualtum Dot (QD) - được họ đặt tên là QLED - đã đạt doanh số bán tốt hơn mong đợi. Samsung đã tiếp nối sự khởi sắc này vào năm 2018 khi giới thiệu các sản phẩm TV MicroLED, có thể so sánh với OLED về mức độ màu đen.

Tiếp đến, Samsung Display đã xác nhận vào đầu năm nay rằng họ đang phát triển các tấm đi-ốt phát sáng hữu cơ chấm lượng tử (QD-OLED). Nếu thành công, thế hệ TV mới của Samsung coi như bắt đầu lấn sân sang hệ sinh thái OLED vốn đang được LG gầy dựng.

TV LG dùng công nghệ OLED - Ảnh: zdnet/cnet

Ván cược của LG vào OLED

LG Display và LG Electronics đã đặt cược rất lớn vào các tấm nền OLED kích thước lớn từ năm 2012. Họ cần một lợi thế để vượt qua đối thủ Samsung Electronics, công ty đã đứng đầu doanh số TV kể từ khi đánh bại Sony năm 2007. Trong khi vị trí LG là số hai. Vì vậy, khi Samsung từ bỏ sử dụng OLED vào năm 2014 để chuyển sang sử dụng tấm nền màn hình QD-LCD thay cho TV hàng đầu của mình, LG đã giành được những tràng pháo tay vì giữ vững lập trường và có tham vọng tạo ra những đột phá công nghệ mà đối thủ lớn nhất của họ đã không làm được.

Lý do Samsung rút ra khỏi TV OLED tại thời điểm đó là do công nghệ và lợi nhuận. Ban lãnh đạo cuối cùng đã kết luận "vấn đề pixel xanh" - các pixel OLED có khoảng sáng ngắn hơn các loại khác, gây ra hiện tượng lưu ảnh vĩnh viễn, hay còn gọi là "burn-in" đã không thể giải quyết trong thời gian ngắn.

Samsung tin rằng OLED phù hợp hơn với điện thoại thông minh có màn hình nhỏ hơn, vòng đời sản phẩm ngắn hơn và tiêu thụ ít năng lượng hơn, nó không phải gặp các vấn đề tương tự TV phải đối mặt. Ngoài ra, ngành công nghiệp LCD được Samsung và LG xây dựng cùng nhau bằng cách vượt qua các đối thủ Nhật Bản và Đài Loan trong khoảng thời gian 20 năm vẫn có lãi. Quyết định này đã được tranh cãi quyết liệt.

Trong khi đó LG đã đi con đường khác. Dù không thể giải quyết vấn đề pixel xanh, hãng này đã giới thiệu OLED trắng. Bằng cách sử dụng lưới bao gồm các OLED trắng, LG có thể phủ một loạt các bộ lọc màu để tạo ra bốn pixel con màu đỏ, xanh lá cây, xanh dương và trắng. Mục đích đằng sau việc dùng OLED trắng là để bảo vệ các pixel màu xanh khỏi bị lão hóa.

Samsung đã thách thức đối thủ của mình, nói rằng một panel với các pixel màu trắng không phải là "OLED thực sự" vì nó đã phá vỡ bộ ba RGB (đỏ, xanh lá cây và xanh dương). Nhưng giải pháp của LG Display nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của ban lãnh đạo LG Corp tại thời điểm đó. LG đã bị tụt lại phía sau trong cuộc đua smartphone, hãng này cần một chiến thắng. Quyết định vẫn giữ OLED là do niềm tự hào, cũng giống như khi đưa ra tầm nhìn dài hạn. Đối với LG, OLED trong TV được coi là tương lai.

TV OLED của LG Electronics từ năm 2015 trở đi nhận được những đánh giá tích cực và xứng đáng. LG Display đã kiếm được lợi nhuận kỷ lục, dù không phải vì TV OLED mà vì thị trường LCD vẫn mạnh mẽ. OLED thực tế đã gây hao tổn lợi nhuận cho đến đầu năm nay, với gã khổng lồ màn hình Hàn Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD để cải thiện tỷ lệ sản lượng của tấm nền OLED cỡ lớn.

TV OLED 8K 88 inch của LG giới thiệu tại CES 2018 nhưng phải đến cuối năm nay mới dự kiến bán ra - Ảnh: LG Display.

Thay CEO, chiến lược của LG liệu có thay đổi?

Chủ tịch LG Koo Bon-moo, 73 tuổi, đã qua đời vào tháng Năm năm ngoái. Koo Kwang-mo, con trai của ông, sẽ sớm đảm nhận vị trí chủ tịch và CEO của LG Corp, trở thành nhà lãnh đạo thế hệ thứ tư của tập đoàn kinh doanh lớn thứ tư của Hàn Quốc. Nhiều chuyên gia dự đoán sẽ có một khoảng thời gian "trăng mật" - nơi vị CEO trẻ hơn sẽ chưa thay đổi cơ cấu và chọn giữ các lãnh đạo chủ chốt cho hội đồng.

Những dự đoán này đã sai. Koo đã nhanh chóng đề cử Kwon Yong-soo, CEO công ty con của tập đoàn viễn thông LG Uplus làm đồng giám đốc điều hành và phó chủ tịch của LG Corp, khiến ông trở thành chỉ huy chính thức của toàn bộ tập đoàn kinh doanh.

Sự nghiệp của Kwon đã nói thay tất cả. Ông được biết đến như một chiến lược gia sắc sảo của LG, luôn đặt cược táo bạo với quan điểm dài hạn. Ông được gọi là rất cạnh tranh và thực dụng. Trong nhiệm kỳ làm Giám đốc điều hành của LG Display, khi Apple và Samsung nổi lên về các vấn đề sao chép dẫn đến các vụ kiện từ năm 2009 đến 2011, Táo khuyết đã giảm mạnh việc mua các thành phần của đối thủ. Kwon đã sử dụng cơ hội đó để lôi kéo Apple mua LCD của LG Display để dùng cho iPhone.

Ông cũng là người quyết định đặt cược lớn vào tấm nền OLED cho TV, theo một cách nào đó đây là di sản của ông. LG Display ưu tiên các OLED có kích thước lớn hơn là các tấm kích thước trung bình đến nhỏ, với mong muốn chúng sẽ được sử dụng trong TV nhanh hơn. Đó là một quyết định hợp lý, ít nhất là tại thời điểm đó.

Sau đó, ông lãnh đạo doanh nghiệp pin điện LG Chem cho xe hơi. Hoạt động kinh doanh pin của LG Chem tính đến hôm nay là lớn hơn so với các đối thủ Samsung SDI và SK Innovation. Sau đó, ông chuyển sang LG Uplus. Năm ngoái, LG Uplus đã trở thành công ty đầu tiên trong số các công ty viễn thông địa phương đưa Netflix đến các thuê bao.

Tháng 3 năm nay, trong một tuyên bố được đọc bởi Kwon trong cuộc họp cổ đông thường niên của LG Corp, Koo nói tập đoàn sẽ thực hiện "các biện pháp phủ đầu để dẫn đầu trong thị trường đang thay đổi nhanh". Cùng ngày, Kwon được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị của LG Electronics, LG Display và LG Uplus. Thực tế, các CEO của cả ba công ty bây giờ cần phải báo cáo cho Kwon. Cả ba doanh nghiệp đang xem xét thay đổi cơ cấu, nhưng chìa khóa trong số đó là LG Display.

Với Kwon đang nắm quyền, tập đoàn đã bắt đầu thay đổi tại LG Chem, sau khi công ty con này để SK Innovation - ở vị trí thứ ba - tiến vào Trung Quốc. Đầu tháng này, LG Chem đã kiện SK Innovation vì ăn cắp bí mật thương mại tại Mỹ. Bất chấp những thất bại đó, LG Chem vẫn là nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới và kinh doanh thiết bị gia dụng của LG Electronics đã thu được lợi nhuận kỷ lục.

Vào tháng trước, LG Electronics tuyên bố sẽ không còn sản xuất điện thoại thông minh ở Hàn Quốc, thay vào đó là sản xuất tại Việt Nam, động thái được cho là để cắt giảm chi phí.

Tuy nhiên, LG Display phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng. Trong ba năm qua, đối thủ Samsung không chỉ phá vỡ cả về doanh thu và lợi nhuận mà còn có dấu hiệu vượt lên. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm hơn là không giống như các công ty con của mình, có vẻ như LG không có "Kế hoạch B" cho hoạt động kinh doanh màn hình.

TV Samsung QLED ban đầu bán chậm nhưng sau đó có lợi nhuận do công nghệ tiên tiến và do giá màn hình LCD giảm - Ảnh: Samsung

Samsung nhận lại sự ủng hộ

Dấu hiệu của sự đảo ngược vận may trở lại với Samsung lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2016, khi Apple ký một hợp đồng cực lớn để đặt hàng 100 triệu tấm nền OLED từ Samsung cho điện thoại thông minh của họ. Thỏa thuận này là một chiến thắng mang tính biểu tượng của Samsung so với LG, vì nó cho thấy sự đặt cược của họ rằng thị trường điện thoại thông minh sẽ đi tiên phong sử dụng OLED trước khi tiến đến TV là chính xác. Hiện nay Samsung, Apple và Huawei đều sử dụng tấm nền OLED cho các flagship của họ.

Samsung đã thua trận chiến về TV, nhưng có vẻ như họ hiện đang chiến thắng. Cuối cùng, QD-LCD của Samsung - được đổi tên từ SUHD thành QLED năm 2017 - đã chứng tỏ là một quyết định kinh doanh đúng đắn khác của Samsung so với LG sau nhiều năm. Kể từ năm 2017, giá màn hình LCD đã giảm mạnh nhờ năng lực sản xuất và chất lượng sản xuất của các đối thủ Trung Quốc tăng mạnh, dẫn đầu là tập đoàn BOE.

Do giá thấp hơn, Samsung nhờ vẫn giữ lại các cơ sở sản xuất LCD truyền thống đã mua LCD với giá rẻ và bán với giá cao với việc bổ sung chấm lượng tử. Trong khi đó, LG đã nhận một đòn đau từ sự giảm giá LCD mà không có sự bảo vệ nào từ TV OLED của mình do thị trường vẫn chưa đạt quy mô.

Samsung cũng đưa ra quyết định định mệnh vào năm 2017. BOE đang đầu tư sản xuất dòng LCD thế hệ thứ 10,5 vào năm 2018. Cùng thời gian đó, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Samsung, Kwon Oh-hyun, đã từ chối đề xuất của Samsung Display để mở rộng dây chuyền sản xuất thứ 8, vì không có gì đảm bảo lợi tức đầu tư với giá LCD giảm.

Đối với màn hình, thế hệ phản ánh kích thước của chất nền thủy tinh: số thế hệ càng cao, chất nền càng lớn. Chất nền lớn làm giảm đáng kể chi phí sản xuất, đặc biệt đối với các panel có kích thước lớn, vì nhiều tấm có thể được cắt ra với ít sản phẩm thừa hơn. Sự từ chối của Kwon giống như một cái gật đầu với sự lãnh đạo của BOE, cũng như sự từ chối việc tuân theo các tiêu chuẩn công nghiệp cho LCD. Samsung Electronics sẽ kiếm được lợi nhuận từ sự suy giảm của LCD bằng cách bán chúng với giá cao với lớp QD, trong khi Samsung Display sẽ được giao nhiệm vụ tìm kiếm các giải pháp hướng tới tương lai, kết quả là QD-OLED.

LCD về cơ bản là hàng hóa đặc biệt, không giống như chất bán dẫn bộ nhớ, vì vậy giá trị của nó sẽ theo chu kỳ tăng và giảm. Nhưng lợi nhuận phản ánh những ngày hoàng kim của nó, khi đánh bại các panel Plasma và CRT. IHS ước tính rằng giá màn hình LCD sẽ có chi phí trung bình toàn cầu là 508 USD trong quý đầu tiên của năm 2019. Con số đó dự kiến sẽ giảm, với giá LCD trung bình toàn cầu trong quý IV năm 2023 dự kiến sẽ vào khoảng 393 USD.

Về công nghệ, Samsung cũng tận dụng điểm mạnh của LCD là độ sáng. Một trong những thế mạnh truyền thống của OLED so với LCD là lượng ánh sáng thực sự có thể đến từ một khu vực hiển thị. Vì OLED có thể tự phát sáng, nên dễ dàng đảm bảo độ sáng hơn so với LCD.

Nhưng nhược điểm của nó là để tỷ lệ tương phản cao hơn và tăng độ sáng lại cần nhiều điện hơn, và mức tiêu thụ năng lượng tăng dẫn đến rút ngắn tuổi thọ của diode, đây là một nguyên nhân khác của "burn-in". Điều này sẽ gây khó chịu khi bạn muốn tăng chất lượng hình ảnh từ Full HD lên UHD, lên 8K... vì nó đòi hỏi nhiều năng lượng hơn.

Vì vậy, Samsung đã tăng cường độ sáng lên công suất tối đa cho TV QLED của mình, với TV LCD có thể xử lý mức tăng công suất cần thiết mà không gặp vấn đề gì. Đây cũng là lý do khiến Samsung có thể ra mắt TV độ phân giải 8K sớm hơn LG. TV 8K của Samsung đã được thương mại hóa, trong khi LG đang lên kế hoạch ra mắt OLED 8K 88 inch vào nửa cuối năm nay.

Những động thái này của LG và Samsung phản ánh những thay đổi thị phần trong ba năm qua. Cho đến năm 2017, LG dường như đang thu hẹp khoảng cách với đối thủ Samsung trên thị trường TV. Năm 2016, Samsung kiểm soát 28% thị phần doanh thu, trong khi LG và Sony lần lượt có 13,6% và 8,5%, theo IHS Markit.

Vào năm 2017, xét về doanh thu, khi Samsung giới thiệu thương hiệu QLED, họ đã bị lùi lại và thị phần giảm xuống 26,5%, trong khi LG và Sony chiếm 14,6% và 10,2%. Nhưng vào năm 2018, Samsung đã có sự trở lại rất lớn với 29%, trong khi LG là 16,4% và Sony 10,1%.

Điều có vẻ kỳ lạ là về số lượng, thị phần của Samsung đã giảm từ 21,6% trong năm 2016, xuống còn 20% vào năm 2017, và sau đó xuống còn 18,7% vào năm 2018. Trong khi đó, LG đã đứng ở mức 12,2% trong năm 2016, 12,6 % vào năm 2017 và 12,2% vào năm 2018.

Về cơ bản, điều này có nghĩa là cả hai tập đoàn đã thua lỗ, hoặc cố tình từ bỏ những khách hàng đang mua TV LCD ở cấp thấp. Nhưng cả hai công ty đang kiếm được doanh thu rất lớn từ các dòng sản phẩm QLED và OLED cao cấp. QLED và OLED có thể dựa trên các công nghệ khác nhau, nhưng cả hai đều đang thu hút người tiêu dùng cao cấp. Lợi nhuận của Samsung trong thị trường siêu cao cấp cũng cao hơn so với các đối thủ.

Samsung và LG là những hãng quan tâm lịch sử, mặc dù lựa chọn của họ rất khác nhau, nhưng lựa chọn kinh doanh của cả hai tập đoàn trong ba năm qua chủ yếu tập trung vào việc chống lại các công ty mới nổi của Trung Quốc, điều này rất giống với cách họ đánh bại những người khổng lồ Nhật Bản. Nhưng không giống như Sony, vốn nắm giữ di sản CRT của mình quá lâu so với mức cần thiết, Samsung và LG đã xem xét lịch sử của riêng họ và đang đặt cược táo bạo vào LCD. LG có vẻ như phải đối mặt với nhiều quyết định khó khăn trong tương lai.

Samsung sản xuất thành công TV MicroLED màn hình nhỏ, kích thước 75 inch - Ảnh: Samsung

QLED, MicroLED, QD-OLED của Samsung chống lại OLED

Samsung hiện đang đầu tư vào cả ba công nghệ QLED, MicroLED và QD-OLED. Không chỉ vậy, gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc cũng đang biến chúng thành cuộc đua giữa các doanh nghiệp của mình: Samsung's Visual Display, một phần của Samsung Electronics, đang đẩy mạnh đầu tư cho QLED và MicroLED, trong khi Samsung Display đang đầu tư vào QD-OLED.

Đây là truyền thống của Samsung có từ nhiều thập kỷ trước. Vào những năm 2000, khi chưa rõ liệu LCD hay PDP sẽ cai trị thập kỷ tiếp theo của màn hình TV, tập đoàn này đã làm cả hai. Samsung Electronics đứng đầu LCD, và Samsung SDI - chi nhánh sản xuất linh kiện của tập đoàn - tập trung vào PDP và sau đó tự sản xuất và bán TV.

Những phát triển song song và cạnh tranh này là cần thiết vì tương lai là khó chắc chắn và thị trường hiển thị bị phân mảnh hơn bao giờ hết. Apple và Foxconn được cho là đang phát triển các panel MicroLED, nhưng đang tập trung vào các thiết bị nhỏ thay vì TV.

Có báo cáo rằng Sharp - hiện thuộc sở hữu của Foxconn - đang nghiên cứu các tấm nền OLED kích thước lớn, không chỉ là những panel có kích thước nhỏ để chào mời Apple. Bên cạnh các công ty này, trên thị trường màn hình còn có BOE, Innolux, Hannstar Display, AU Optronics, Japan Display và Panasonic. Về phía TV, có Sony, Philips, TCL, Skyworth, Hisense, Toshiba, Haier, Changhong, Vizio, Sanyo, Hitachi, Pioneer và Mitsubishi cùng nhiều hãng tham gia vào ngành công nghiệp LCD. Thật sự rất khó để nói giải pháp sáng tạo nào sẽ trở thành công nghệ TV thế hệ tiếp theo. Vì dù có màn hình OLED kích thước lớn của LG, không có một hệ sinh thái cho LCD, đặc biệt là có rất ít hãng sản xuất chúng.

LG đã lo lắng đủ để ra mắt cái mà họ gọi là NanoCell TV, có thêm bộ lọc màu trên màn hình LCD. Chiến lược của Samsung về MicroLED có vẻ hỗn hợp, hãng có phiên bản 219 inch dành cho doanh nghiệp, cũng như phiên bản 75 inch nhắm vào thị trường quê nhà.

Phiên bản 75 inch được giới thiệu trong năm nay rất có ý nghĩa khi so với lần đầu tiên ra mắt một TV 149 inch vào năm 2018, điều có nghĩa là Samsung đã thành công trong việc thu nhỏ đèn LED. MicroLED sử dụng các đèn LED riêng lẻ làm pixel, nghĩa là Samsung có thể tạo ra chúng nhỏ hơn, càng nhiều pixel sẽ có thể đóng gói trong cùng một không gian. Việc giảm kích thước cũng làm giảm đáng kể chi phí, đây thường là trở ngại lớn nhất của thương mại hóa công nghệ ra đại chúng. Sony cũng đã làm theo bằng cách tiết lộ màn hình TV sáng tạo của riêng họ.

Thị trường Trung Quốc có thể sẽ quyết định thị phần cho LG

Trong khi đó LG Display chỉ là OLED. LG đặt mục tiêu bán 4 triệu đơn vị trong năm 2019 xuất phát một phần từ việc hãng đặt cược vào thị trường Trung Quốc. Hãng hy vọng bán tấm nền OLED cho các công ty sản xuất TV tại Trung Quốc. TV OLED chiếm 20% tổng số panel của LG dành cho TV hồi năm ngoái và mục tiêu của họ là đạt 30% trong năm nay.

Công bằng mà nói đây không phải là mục tiêu phi thực tế. Theo IHS Markit, có khoảng 3 triệu mét vuông diện tích panel TV OLED đã được xuất xưởng trong năm ngoái, tăng 65,6%. Để so sánh, lô hàng panel TV LCD của toàn ngành tăng 10,7%, nhưng nó lớn hơn đáng kể ở mức 145 triệu mét vuông.

Nhưng để đặt cược LG OLED, các công ty Trung Quốc sẽ phải giành chiến thắng. Samsung Electronics, nhà cung cấp TV lớn nhất thế giới trong 13 năm nay, sẽ không bao giờ mua chúng từ LG. Philips đang mua OLED, nhưng hãng này không phải là đối thủ cho các vị trí hàng đầu tại thị trường Trung Quốc. Các hãng đến từ Nhật gồm Sharp, Panasonic và Sony cũng đang mua tấm nền OLED, nhưng chủ yếu là cho những người dùng nội địa. Các công ty Trung Quốc sẽ là chìa khóa, đặc biệt là TCL và Hisense.

LG Display mặc dù vấp phải chỉ trích từ chính phủ Hàn Quốc và người dân khi thành lập nhà máy tại Quảng Châu, Trung Quốc do lo ngại rò rỉ bí mật thương mại, cũng đã bắt đầu phát triển thành công tấm nền OLED cỡ lớn tại đây. Động thái này được thực hiện phần lớn để xoa dịu các khách hàng địa phương, những người có xu hướng khẳng định rằng các cơ sở sản xuất được xây dựng tại Trung Quốc vì lý do hậu cần và chi phí. Hơn 5 nghìn tỷ won (20.000 tỷ đồng) đã được dành cho sản xuất của nhà máy.

TV OLED của LG dù gần đây đã giảm giá, nhưng vẫn tương đối đắt so với LCD, đặc biệt là các sản phẩm được sản xuất bởi các công ty Trung Quốc. Các nhà sản xuất TV Trung Quốc thậm chí còn khiến Apple phải lo lắng về việc cắt giảm chi phí cho các linh kiện và vận chuyển do sự cạnh tranh khốc liệt giữa các công ty đồng hương. Mặc dù có các mẫu TV OLED được bán với giá dưới 2.000 USD tại thị trường Trung Quốc, LG có nhiệm vụ khó khăn là cân bằng lợi nhuận với quy mô, trong bối cảnh doanh số LCD của hãng sẽ không đóng góp nhiều lợi nhuận như trước.

Ngoài ra, như sự trỗi dậy của BOE đã cho thấy những người khổng lồ công nghệ Trung Quốc không chỉ có khả năng, mà còn sẵn sàng thực hiện nghiên cứu và phát triển để tự cung cấp linh kiện. Lịch sử của LG Display là một ví dụ tuyệt vời về hãng đã làm điều này.

"Hai mươi năm trước, họ đã mua TV của chúng tôi. Mười năm trước, họ bắt đầu chỉ mua các màn hình LCD và các mô-đun. Vài năm sau đó, họ không còn cần các mô-đun và chỉ mua các màn hình LCD", một giám đốc điều hành cao cấp của LG, người yêu cầu giấu tên do tính nhạy cảm của vấn đề.

Nó cũng tương phản kỳ lạ không chỉ với Samsung, mà với hầu hết các đại gia công nghệ toàn cầu đang chuyển các cơ sở sản xuất của họ sang Việt Nam hoặc các nền kinh tế mới nổi khác. Lý do quan trọng cho những động thái này bên cạnh việc cắt giảm chi phí là rò rỉ công nghệ. Tuy nhiên, đây sẽ là một sự trỗi dậy ngắn hạn tuyệt vời cho LG, bởi vì sự khan hiếm tương đối của các tấm TV OLED, chỉ 3 triệu mét vuông so với 145 triệu của LCD, có nghĩa là giá sẽ giảm ở mức giá cao hơn so với LCD. Lợi nhuận sẽ giảm nhưng hệ sinh thái sẽ phát triển, thậm chí có thể giảm mạnh trong hai đến ba năm tới.

Hiện tượng burn-in vẫn tiếp diễn trên TV LG OLED ra mắt năm 2017-2018 - Ảnh: Cho Mu-Hyun/ZDNet

Samsung chưa vội sản xuất TV QD-OLED

Samsung Display dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất QD-OLED vào năm 2020, Samsung Electronics dự kiến sẽ ra mắt một sản phẩm thương mại vào năm 2021 và gần như chắc chắn sẽ là một mẫu TV hàng đầu. Vì vậy, ngay cả khi LG tăng thành công doanh số TV OLED của riêng mình và làm hài lòng các khách hàng Trung Quốc, Samsung sẽ có thể xâm nhập vào hệ sinh thái này.

Một điểm bất lợi khác của LG là QD-OLED của Samsung sẽ sử dụng pixel màu xanh "có vấn đề" làm nguồn sáng, và sử dụng các bộ lọc màu đỏ và xanh lục theo lý thuyết, làm giảm cơ hội bị cháy (burn-in).

Nếu QD-OLED của Samsung có thể đạt được điều này và tránh hiện tượng burn-in, các tấm nền sẽ có thể hiển thị màu sắc thực vì nó sẽ không sử dụng các bộ lọc pixel trắng.

Một lý do khiến màn hình OLED của LG bị burn-in trở nên đáng chú ý hơn là do việc sử dụng các nguồn ánh sáng khác nhau cho màu xanh lam, đỏ và xanh lục. Các pixel màu xanh chết nhanh chóng khi nó trở nên đáng chú ý từ độ tương phản. QD-OLED của Samsung sẽ chỉ sử dụng các pixel màu xanh lam làm bộ phát sáng, do đó không có sự bất thường, tất cả chúng đều chết hoặc sống cùng nhau, ít nhất là về mặt lý thuyết. Samsung có thể sẽ tận dụng các bộ lọc chấm lượng tử để làm nổi bật màu sắc mạnh mẽ, đồng thời tránh tiêu thụ năng lượng cao của pixel xanh càng nhiều càng tốt.

Nhưng Samsung không vội vàng, theo nguồn tin từ trong công ty, và lịch trình đầu tư cho QD-OLED vẫn rất linh hoạt. TV QLED thực sự tốt hơn nhiều so với ước tính của Samsung và trong nội bộ, hãng đang dự kiến các mẫu mới ra mắt trong năm nay và năm 2020 dự kiến sẽ tốt hơn so với các sản phẩm được phát hành vào năm 2018.

"Chúng tôi thực sự không có kế hoạch ra mắt TV OLED trong vài năm tới", một giám đốc điều hành cấp cao của VD Business của Samsung, người từ chối nêu tên cho biết. "Dự kiến riêng của Samsung cho TV QLED trong năm nay là hơn 5 triệu đơn vị. Chúng tôi có nhiều thời gian để xem xét tỷ lệ sản lượng của bảng điều khiển TV OLED và giải quyết vấn đề burn-in, đó là nếu chúng tôi quyết định ra mắt TV OLED trong tương lai."

Đã bảy năm kể từ khi TV OLED đầu tiên của LG được thương mại hóa, và pixel màu xanh tiếp tục chết gây ra hiện tượng burn-in, nó thậm chí xảy ra ngay cả trên các mẫu được ra mắt vào năm 2017 và 2018. Điều này cho thấy hai điều: thứ nhất, LG không thể giải quyết vấn đề pixel xanh; và thứ hai, mặc dù họ có thể có các giải pháp ngắn hạn, thực tế là độ phân giải TV và tính năng như HDR đang làm TV cần nhiều năng lượng hơn, khiến cho pixel xanh chết đi.

Nếu nạn nhân ở đây chỉ là LG Electronics, thì đó không phải là vấn đề nghiêm trọng, nhưng giờ đây nó có một hệ sinh thái để cân nhắc. LG Display đã thu hút 15 nhà sản xuất tham gia "liên minh OLED". Khi ngày càng có nhiều công ty mua OLED với số lượng lớn, các sự cố bị burn-in sẽ có khả năng gia tăng, và bất kỳ sự cố nào cũng có thể phá vỡ thỏa thuận hoặc là cái cớ để các khách hàng của LG Display từ bỏ công ty để tìm giải pháp tốt hơn.

LG có vẻ đã cược tất cả vào hệ sinh thái này và không có lựa chọn thay thế. Trong khi đó, bộ ba công nghệ của Samsung đã mang đến cho hãng nhiều lựa chọn để tiếp thị TV; Nếu công nghệ QD-OLED tạo ra bước đột phá trước MicroLED, họ có thể thúc đẩy QD-OLED cho người tiêu dùng và sản phẩm khác cho doanh nghiệp. Nếu giá vật liệu của QD tiếp tục đi xuống, công ty sẽ mở rộng của mình để giám sát, hoặc cũng có thể được chuyển sang công nghệ tầm trung. Samsung trước đây đã xác nhận rằng họ cũng đang nghiên cứu QD-MicroLED.

Viễn cảnh xấu nhất đối với LG sẽ là nếu Samsung quảng cáo QD-OLED có giá bằng mức khởi điểm của panel OLED và bắt đầu giảm xuống mức quản lý được. Có thể thấy LG Display đã tự đẩy mình vào chân tường với chỉ một con bài tủ là OLED. Phương hướng kinh doanh chỉ chú trọng OLED trong TV đã quay lại làm hại họ do LCD giảm giá và các sự cố cháy nổ, đồng thời sẽ thu hẹp thị phần trong vài năm tới.

Theo nguồn tin từ bên trong LG, tập đoàn này đã bắt đầu những nỗ lực cắt giảm chi phí kể từ khi Phó chủ tịch Kwon trở thành chủ tịch hội đồng quản trị vào tháng 3. Trừ khi phiên bản OLED cải tiến có thể cuộn được trưng bày tại CES trở nên rẻ ồ ạt trong vòng vài năm, câu đó hóc búa cho bài toán OLED sẽ tiếp tục gây khó khăn cho hãng này.

Theo ICTNews

https://ictnews.vn/the-gioi-so/hinh-anh-am-thanh/cuoc-chien-tv-lg-van-trung-thanh-voi-oled-khi-samsung-mo-rong-cac-cong-nghe-man-hinh-khac-183057.ict