Cuộc chiến thị phần hàng không nội địa

Sự có mặt của các hãng hàng không mới như Bamboo Airways hay sắp tới là Vinpearl Air tạo ra áp lực cạnh tranh lớn trên thị trường hàng không nội địa, trước đây chỉ thuộc về Vietjet Air và Vietnam Airlines.

Thị trường hàng không nội địa chứng kiến cuộc đua cạnh tranh giá vé quyết liệt giữa các hãng hàng không. Báo cáo mới đây của Công ty chứng khoán MB (MBS) cho biết, giá vé máy bay các chặng quốc nội trọng yếu trong quý 4 đã giảm khoảng 40% so với đợt cao điểm hè.

Điều này ảnh hưởng lớn tới các hãng hàng không trong nước, trong đó Vietjet Air chiếm thị phần lớn nhất. Ước tính doanh thu vận tải hành khách nội địa năm 2019 của Vietjet Air sẽ tăng trưởng chậm lại so với con số 18% của năm 2018.

Tăng trưởng doanh thu hành khách nội địa của Vietjet Air chậm lại do sức cạnh tranh khốc liệt của hãng hàng không mới xuất hiện là Bamboo Airways. Sau khi ra mắt đầu năm nay, Bamboo Airways có những chiến lược tương đồng như Vietjet Air trên thị trường nội địa như cung cấp mức vé giá thấp.

Mặt bằng giá vé khó có thể tăng trong năm 2020, thậm chí có thể tiếp tục giảm, trong cuộc đua thị phần của Bamboo Airways, Vinpearl Air (dự kiến cất cánh vào tháng 7) với Vietnam Airlines và Vietjet Air. 

Sau khi thống lĩnh thị trường nội địa, Vietjet Air đã đẩy mạnh phát triển thị trường quốc tế trong vài năm gần đây. Trong nửa đầu năm 2019, Vietjet Air công bố đạt 27% thị phần quốc tế nhờ vào việc mở rộng mạng đường bay quốc tế ở thị trường Đông Bắc Á chặng ngắn có giá trị cao như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, kết nối các thị trường du lịch trọng điểm của Việt Nam như Đà Nẵng, Phú Quốc. Chiến lược này dẫn đến khả năng mở rộng mạng bay của Vietjet không bị hạn chế bởi công suất cảng hàng không.

Trong năm 2020, Vietjet sẽ tiếp tục hưởng lợi từ thị trường du lịch bùng nổ. Dù Bamboo Airways cũng thể hiện tham vọng phát triển thị trường quốc tế song điều này sẽ ít ảnh hưởng tới Vietjet Air bởi chiến lược phát triển của Bamboo Airways có phần tương đồng với Vietnam Airlines khi triển khai dòng máy bay thân rộng B787-9 Dreamliner trên các chặng bay dài, phục vụ nhóm hàng khách có thu nhập cao.

Mặt khác, doanh thu từ phụ trợ cũng sẽ là điểm tựa tăng trưởng cho Vietjet Air. Doanh thu phụ trợ chiếm từ 25% đến 30% tổng doanh thu của Vietjet Air trong các năm qua. Các hãng hàng không giá rẻ với chiến lược cạnh tranh bằng cách hạ giá vé tối đa để bù đắp phí dịch vụ hàng không, phần dịch vụ phụ trợ, do đó, trở thành nguồn thu có chính trong lợi nhuận của hãng.

Dịch vụ phụ trợ của Vietjet Air bao gồm hành lý ký gửi, suất ăn hàng không, thành viên Skyboss, bán quảng cảo trên chuyến bay, … Trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Vietjet Air thuộc nhóm các hãng hàng không tốt nhất, dẫn đầu doanh thu phụ trợ trên mỗi hành khách đạt 15,83 USD/khách so với mức trung bình ngành 11,25 USD/khách năm 2018.

Báo cáo của MBS nhận định, mảng dịch vụ phụ trợ của Vietjet Air sẽ tiếp tục tăng trưởng trên 20%, năm 2020 đạt doanh thu 13.414 tỷ đồng bởi sự gia tăng nhóm hành khách quốc tế trong cơ cấu khách hàng của Vietjet Air. Đây là nhóm có xu hướng mua dịch vụ phụ trợ nhiều hơn do thời gian bay, thời gian lưu trú dài hơn.

Theo TheLeader