Cuộc chiến năng lượng đã bùng phát, Nga kiếm bộn tiền nhờ…bị cấm vận

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo The Guardian (Anh) ngày 27/4, cuộc chiến Nga-Ukraine đã kéo dài hơn 2 tháng, bất chấp lệnh trừng phạt ngày càng tăng của phương Tây doanh thu của Nga từ việc bán nhiên liệu hóa thạch cho EU đã tăng gấp đôi.
Kinh tế Liên minh châu Âu sẽ gặp khó khăn nghiêm trọng nếu bị Nga cắt nguồn cung khí đốt (Ảnh: QQ).
Kinh tế Liên minh châu Âu sẽ gặp khó khăn nghiêm trọng nếu bị Nga cắt nguồn cung khí đốt (Ảnh: QQ).

Mặc dù tổng khối lượng xuất khẩu giảm, nhưng hưởng lợi do giá cả tăng vọt, Nga đã kiếm được nhiều tiền hơn. Theo phân tích về vận chuyển và hàng hóa của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (Centre for Research on Energy and Clean Air, CREA), kể từ khi bắt đầu cuộc chiến Nga-Ukraine đến nay, Nga đã kiếm được khoảng 62 tỷ euro từ xuất khẩu dầu, khí đốt và than trong hai tháng, trong đó 44 tỷ euro đến từ EU.

EU vào năm ngoái đã nhập khẩu khoảng 140 tỷ euro nhiên liệu hóa thạch từ Nga, tương đương khoảng 12 tỷ euro mỗi tháng. Để so sánh, sau khi nổ ra chiến tranh EU đã chi trung bình 22 tỷ euro mỗi tháng cho việc mua nhiên liệu hóa thạch của Nga chỉ trong hai tháng qua.

Kết quả này cho thấy, ngay cả khi các chính phủ tìm cách ngăn cản ông Putin sử dụng dầu khí làm vũ khí kinh tế, nhưng Nga vẫn tiếp tục hưởng lợi từ việc kiểm soát các nguồn cung cấp năng lượng của châu Âu.

Bài báo của The Washington Post.

Bài báo của The Washington Post.

Mặc dù chiến tranh và các lệnh trừng phạt đã làm giảm xuất khẩu nhiên liệu của Nga, nhưng ưu thế tuyệt đối của Nga trong xuất khẩu khí đốt tự nhiên có nghĩa là việc cắt nguồn cung cấp của Gazprom sẽ chỉ làm gia tăng giá của nó. Với việc sản xuất toàn cầu đang phục hồi sau đại dịch Covid-19, giá khí đốt thiên nhiên đã ở mức rất cao do nguồn cung khan hiếm.

The Guardian cho biết, giá nhiên liệu hóa thạch như khí đốt tự nhiên và dầu mỏ tăng có nghĩa là ngay cả khi Nga bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt và hạn chế xuất khẩu, doanh thu sẽ tăng lên và các khoản thu này gần như chảy trực tiếp vào chính phủ Nga thông qua các doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy, thực tế Nga đã khiến EU rơi vào cái bẫy: mặc dù họ hết sức nỗ lực để hạn chế nhiên liệu hóa thạch của Nga, nhưng việc hạn chế sẽ dẫn đến giá cao hơn, làm mất đi hoặc giảm bớt tác động thu nhập của việc giảm xuất khẩu của Nga.

Lauri Myllyvirta, nhà phân tích chính tại Trung tâm CREA, cho biết: Khoản thu nhập này đã làm nền tảng cho cuộc chiến của ông Putin và cách duy nhất để làm tê liệt cỗ máy chiến tranh của ông ta là nhanh chóng rời xa nhiên liệu hóa thạch của Nga.

Nga hiện cung cấp khí đốt tự nhiên qua đường ống cho 23 quốc gia châu Âu.

Nga hiện cung cấp khí đốt tự nhiên qua đường ống cho 23 quốc gia châu Âu.

Ông Myllyvirta nói: “Xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch là động lực chính của chính quyền Putin”, ông nói thêm rằng việc tiếp tục nhập khẩu năng lượng là một kẽ hở lớn trong các biện pháp trừng phạt chống lại Nga và tất cả những ai nhập khẩu năng lượng của Nga đều là “đồng mưu” của quân đội Nga.

Tuy nhiên, theo Trung tâm CREA, nhiều công ty nhiên liệu hóa thạch như BP, Shell và Exxon Mobil vẫn tiếp tục giao dịch số lượng lớn với Nga,.

Nước Đức là nhà nhập khẩu nhiên liệu lớn nhất của Nga trong hai tháng qua, bất chấp chính phủ Đức nhiều lần tuyên bố rằng việc ngừng nhập khẩu dầu của Nga là một ưu tiên. Trong giai đoạn này, nước này đã nhập khẩu tới 9 tỷ euro. Italy và Hà Lan cũng là những nhà nhập khẩu lớn, với giá trị nhập khẩu lần lượt là khoảng 6,8 tỷ euro và 5,6 tỷ euro.

Châu Âu lặng lẽ xây dựng "thị trường mờ" để lén lút mua dầu của Nga

Liên quan đến việc mua dầu thô của Nga, tờ The Wall Street Journal trước đó đã tiết lộ rằng để duy trì hoạt động kinh tế và ngăn chặn giá nhiên liệu tăng đột biến, nhập khẩu dầu Nga của EU không giảm mà còn tăng lên, và nhiều thương nhân thậm chí đã thông qua "kênh xám" để mua trộm dầu.

Trong số 10 nước nhập khẩu khí đốt nhiều nhất của Nga, đa số là các quốc gia thành viên EU.

Trong số 10 nước nhập khẩu khí đốt nhiều nhất của Nga, đa số là các quốc gia thành viên EU.

Dữ liệu của cơ quan theo dõi tàu thuyền cho thấy, xuất khẩu dầu từ các cảng của Nga sang các nước thành viên EU đạt trung bình 1,6 triệu thùng/ngày trong tháng 4, tăng so với mức trung bình 1,3 triệu thùng/ngày trong tháng 3. Trong đó, lượng nhập khẩu của Romania, Estonia, Hy Lạp và các nước khác thậm chí còn tăng gấp đôi so với tháng trước.

Đồng thời, do lo ngại về những lời chỉ trích và các lệnh trừng phạt trong tương lai, những người mua dầu ở châu Âu cũng đang tìm cách lách các lệnh trừng phạt và tiếp tục mua dầu và đã “âm thầm” xây dựng một “thị trường mờ”.

The Wall Street Journal cho biết nhiều dầu hơn đã được vận chuyển từ các cảng của Nga đến "các điểm đến không xác định" trong tháng 4. Không giống như những thùng dầu có ghi điểm đến rõ ràng trên chứng từ vận chuyển, hơn 11 triệu thùng dầu đã được chất một cách bất thường lên các tàu chở dầu không theo lịch trình.

Các nhà phân tích và hãng buôn cho biết việc sử dụng nhãn ghi "điểm đến không xác định" thường có nghĩa là dầu của con tàu đã được giao trên biển cho các tàu chở dầu lớn hơn, một "thủ đoạn trốn tránh lệnh trừng phạt kiểu cổ xưa" mà các nước xuất khẩu dầu như Iran và Venezuela, trong số các quốc gia bị phương Tây trừng phạt đã sử dụng cách này.

Tạp chí Manager magazin (Nhà quản lý) của Đức chỉ ra rằng xuất hiện "thị trường mờ" khổng lồ như vậy là điều chưa từng có trước khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine.

EU sẽ phải đối mặt với mùa Đông khắc nghiệt khi bị Nga trả đũa lệnh trừng phạt bằng cách ngưng cung cấp khí đốt.

EU sẽ phải đối mặt với mùa Đông khắc nghiệt khi bị Nga trả đũa lệnh trừng phạt bằng cách ngưng cung cấp khí đốt.

Một số công ty năng lượng phương Tây cũng đã mượn các chiến thuật tương tự để tìm cách lách các lệnh trừng phạt trong các giao dịch của họ. Ví dụ, tập đoàn năng lượng khổng lồ Shell của châu Âu ngày 7/4 đã thông báo rằng họ sẽ ngừng mua dầu của Nga trên thị trường giao ngay. Tuy nhiên, công ty quy định rằng nếu hàm lượng dầu của Nga không vượt quá 49,9%, thì có thể được coi là dầu không phải của Nga và được giao dịch.

Phân tích của The Wall Street Journal cho biết do nguồn tài chính giao dịch ngân hàng cạn kiệt và chi phí bảo hiểm tăng cao, nhiều công ty năng lượng châu Âu đã thực hiện "tự hạn chế" vào tháng 3, khiến nhập khẩu dầu của Nga giảm. Tuy nhiên, nhập khẩu dầu Nga của châu Âu đã tăng trong tháng 4 và các chuyến hàng đến "điểm đến không xác định" đã tăng vọt, cho thấy nhiều khách mua châu Âu đã tìm thấy "giải pháp biến đổi".

Kể từ khi chiến tranh Nga - Ukraine bùng nổ, mặc dù các nước phương Tây do Mỹ đứng đầu liên tục gia tăng trừng phạt Nga nhưng tính đến thời điểm hiện tại, EU vẫn chưa đạt được nhất trí về vấn đề cấm vận năng lượng đối với Nga. Quyết định này có tác động đặc biệt rõ rệt đối với Đức, quốc gia phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga.

Bài báo của The Washington Post nói Nga đang vẽ lại bản đồ năng lượng toàn cầu.

Bài báo của The Washington Post nói Nga đang vẽ lại bản đồ năng lượng toàn cầu.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn giới truyền thông, việc áp đặt lệnh cấm vận khí đốt tự nhiên đối với Nga sẽ không thể giúp kết thúc chiến tranh. Trái lại, việc ngừng nhập khẩu năng lượng của Nga sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với Đức và toàn bộ châu Âu, Đức hy vọng sẽ tránh được hậu quả là khủng hoảng kinh tế và làn sóng thất nghiệp.

Phát súng đầu tiên của cuộc chiến năng lượng đã nổ

Tờ Financial Times của Anh cho rằng, khả năng bị cấm hoàn toàn việc nhập khẩu năng lượng của Nga, sẽ khiến tâm lý hoang mang lo sợ lan rộng ở Đức. Trước khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine, khí đốt từ Nga chiếm 55% thị trường khí đốt của Đức. Nếu nguồn cung cấp khí đốt bị gián đoạn, nó có thể làm tê liệt phần lớn ngành công nghiệp của Đức. Người đứng đầu công ty hóa chất Đức BASF cho biết, nếu lệnh cấm nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga sẽ đẩy Đức vào cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ sau Thế chiến thứ Hai.

Vì vậy, trước “lệnh thanh toán bằng đồng rúp” của Nga, nhiều nước châu Âu đã chấp nhận.

Hãng tin Bloomberg, trích dẫn những nguồn quen thuộc với vấn đề này, nói có 4 khách hàng mua khí đốt ở châu Âu hiện đã thanh toán bằng đồng rúp và 10 công ty châu Âu đã mở tài khoản bằng đồng rúp. Thủ tướng Áo Karl Nehammer ngày 27/4 cho biết nước này chấp nhận yêu cầu của Nga về việc mua khí đốt tự nhiên bằng đồng rúp và nói thêm rằng "chính phủ Đức cũng đã chấp nhận."

Với thời hạn cuối cùng đã đến gần, "lệnh thanh toán bằng đồng rúp" của Nga đã áp dụng thật: Gazprom ngày 27/4 ra thông báo sẽ ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria.

Theo "Lệnh thanh toán bằng đồng rúp" của Nga, người mua khí đốt của EU phải mở hai tài khoản bằng ngoại tệ và đồng rúp tại ngân hàng Gazprombank. Khách hàng EU trả bằng đồng euro hoặc USD, sau đó ngân hàng sẽ chuyển đổi thành đồng rúp và chuyển khoản thanh toán bằng đồng rúp cho Gazprom. Phía Nga nhấn mạnh rằng việc gửi euro hoặc USD vào tài khoản không còn được coi là thực hiện nghĩa vụ hợp đồng và Nga sẽ chỉ bắt đầu thực hiện thỏa thuận sau khi nhận được rúp.

Ngày 27/4, Nga đã nổ phát súng đầu tiên trong cuộc chiến năng lượng khi tuyên bố ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria.

Ngày 27/4, Nga đã nổ phát súng đầu tiên trong cuộc chiến năng lượng khi tuyên bố ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria.

Bulgaria và Ba Lan đã bị cắt hợp đồng do không sử dụng cơ chế này khi họ nhận được hóa đơn khí đốt mới nhất của Gazprom, đây được coi là "đòn trả đũa cứng rắn nhất" của Moscow đối với các lệnh trừng phạt đối với phương Tây cho đến nay.

Reuters cho rằng đây là một bước leo thang lớn trong cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây kể từ khi xảy ra cuộc xung đột Nga-Ukraine. Tờ The Guardian của Anh cho rằng, đây rõ ràng là một lời cảnh báo đối với phần còn lại của châu Âu. Bloomberg dẫn lời ông Naimsky, quan chức phụ trách cơ sở hạ tầng năng lượng chiến lược của Ba Lan cho biết: “Đây là một bước ngoặt và Nga đã tăng tốc nó ngay hôm nay”. Xung đột Nga-Ukraine đã bước sang tháng thứ ba và cuộc chiến năng lượng đã nổ "phát súng đầu tiên".

Tờ Washington Post ngày 1/5 đã đăng bài nói rằng biện pháp đáp trả của Nga đang "vẽ lại bản đồ năng lượng toàn cầu". Các quốc gia châu Âu vội vã chuyển hướng sang các nhà cung cấp khí hóa lỏng (LNG) với giá cao hơn như Qatar và Mỹ, cũng như các quốc gia châu Phi Algeria, Angola, Nigeria, Cộng hòa Congo vốn nằm ở rìa của bản đồ năng lượng nhằm thoát khỏi phụ thuộc vào Nga. Tuy nhiên, các nhà sản xuất năng lượng không thể nhanh chóng đáp ứng kịp thời nhu cầu, và 18 tháng tới sẽ rất khó khăn đối với châu Âu, bất kể châu Âu có bù đắp bằng cách tìm kiếm ở những nơi khác. Tờ Washington Post dội gáo nước lạnh khi viết rằng, nếu Nga ngừng cung cấp, châu Âu chỉ đơn giản là không có đủ nguồn cung khí đốt tự nhiên thay thế, không thể tránh khỏi khó khăn kinh tế nghiêm trọng trong mùa đông tới.