Cuộc chiến giành quyền khống chế vùng trời Bắc Syria giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra quyết liệt

VietTimes -- Sau tuyên bố trả đũa của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan, ngày 1/3 chiến sự ở tỉnh Idlip miền bắc Syria đã bùng nổ kịch liệt với sự tham gia của lực lượng không quân và phòng không của cả Thổ Nhĩ Kỳ lần phía chính phủ Syria; cả hai bên đều chịu những thiệt hại nghiêm trọng.
Máy bay Su-24 của quân đội chính phủ Syria ném bom trận địa phòng không của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: Sohu).
Máy bay Su-24 của quân đội chính phủ Syria ném bom trận địa phòng không của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: Sohu).

Trang tin Sohu Trung Quốc ngày 2/3 dẫn báo cáo của cả Syria và Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, trong chiến dịch không đối đất vào ngày 1/3, lực lượng phòng không của chính phủ Syria đã bắn hạ 6 máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ các lực lượng chống chính phủ Syria, bao gồm cả một chiếc UAV hỗn hợp trinh sát – chiến đấu cỡ trung Anka. Sau đó, không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã tung máy bay chiến đấu F-16 phóng tên lửa và bắn hạ một máy bay ném bom Su-24 của không quân Syria. Đây là lần thứ 2 máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ Su-24 trong năm nay sau vụ bắn hạ chiếc cùng loại của không quân Nga. Ở một khu vực khác, cùng ngày, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng bắn hạ một máy bay chiến đấu của không quân Syria, nhưng phương thức bắn và kiểu loại máy bay chưa được biết.

Phi công Syria nhảy dù sau khi chiếc Su-24 bị máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ (Ảnh: ANNA).
Phi công Syria nhảy dù sau khi chiếc Su-24 bị máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ (Ảnh: ANNA).

May mắn là, hai phi công của chiếc máy bay ném bom Su-24 bị bắn hạ đã nhảy dù thoát ra một cách an toàn. Họ đã đáp xuống khu vực của chính phủ Syria và được cứu. Trang web của Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cũng thừa nhận rằng máy bay Su-24 này đã phá hủy hai trận địa phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ trước khi bị bắn hạ.

Đồng thời, theo Thông tấn xã Syria SANA, quân đội Syria tuyên bố rằng không phận vùng tây bắc Syria, đặc biệt là Idlib, đã bị phong tỏa. Bất kỳ máy bay nào vi phạm không phận Syria sẽ bị coi là máy bay của kẻ thù và phải bị bắn hạ.

Máy bay tiêm kích MiG-29 của quân đội Syria (Ảnh: Sohu).
Máy bay tiêm kích MiG-29 của quân đội Syria (Ảnh: Sohu).

Một nguồn tin quân sự Syria nói với các phóng viên: “Lực lượng của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục các hoạt động thù địch chống lại các lực lượng vũ trang của chúng tôi; họ đang trợ giúp những kẻ khủng bố hoạt động trong và xung quanh tỉnh Idlib tiến hành các cuộc tấn công vào những người lính của chúng tôi. Đó là  những phần tử khủng bố đã được quốc tế công nhận”.

“Quân đội Syria tuân thủ hiến pháp và trách nhiệm quốc gia, có nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền của đất nước và giữ gìn an ninh, toàn vẹn lãnh thổ của mình. Bộ Tổng chỉ huy Lực lượng Vũ trang và Quân đội đã tuyên bố đóng cửa không phận phía tây bắc Syria, bao gồm cả đối với máy bay không người lái và có người lái; đặc biệt là ở tỉnh Idlip”.

Máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ bị quân đội Syria bắn hạ (Ảnh: SANA).
Máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ bị quân đội Syria bắn hạ (Ảnh: SANA).

Nguồn tin này nói thêm: “Bất kỳ máy bay nào xâm phạm không phận Syria sẽ bị coi là máy bay của kẻ thù và phải bị bắn hạ để ngăn chặn chúng đạt được mục tiêu thù địch”.

Phía Nga đã bày tỏ lo ngại về tình hình, đồng thời phủ nhận thông tin có máy bay của Không quân Nga bị bắn hạ trong ngày hôm đó. Hãng thông tấn Nga Sputnik cho biết ông Alexander Heramzihin, Phó giám đốc Viện phân tích chính trị và quân sự Nga, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông rằng, “lằn ranh đỏ” trong quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ là các cuộc tấn công quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ gây ra thương vong cho binh sĩ Nga. Một khi điều này xảy ra, để đảm bảo an ninh cho quân đội Nga, phía Nga sẽ không ngần ngại hành động.

Máy bay không người lái hỗn hợp trinh sát chiến đấu Anka của Thổ Nhĩ Kỳ bị phía Syria bắn hạ (Ảnh: Sohu).
Máy bay không người lái hỗn hợp trinh sát chiến đấu Anka của Thổ Nhĩ Kỳ bị phía Syria bắn hạ (Ảnh: Sohu).

Do mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, Nga hiện vẫn cố gắng tránh giao chiến trực diện với không quân Thổ Nhĩ Kỳ và không quân Thổ Nhĩ Kỳ cũng cố gắng tránh tấn công các máy bay chiến đấu của Nga. Cuộc đối đầu trước đây chủ yếu đến từ các đơn vị phòng không mặt đất và đối với Thổ Nhĩ Kỳ, nếu xảy ra vụ việc đều đổ vấy cho những phần tử vũ trang cực đoan, nhưng một khi xảy ra không chiến, rất khó để tránh bị liên quan.

Để thực hiện lệnh phong tỏa vùng trời do mình ban hành, Syria chỉ có thể dựa vào lực lượng không quân và phòng không mặt đất không mấy đủ mạnh của quân đội chính phủ Syria.

Hiện tại, các loại máy bay có thể thực hiện nhiệm vụ không chiến của Không quân Syria gồm MiG-29, MiG-23 và MiG-21. Trong số đó, MiG-29 và MiG-23 có thể là mối đe dọa đối với các máy bay chiến đấu F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi các máy bay chiến đấu Su-24 và Su-25 chủ yếu là máy bay cường kích tấn công mặt đất. Mặc dù có khả năng tự vệ nhất định, nhưng chúng không có cơ hội chiến thắng trước F-16.

Chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: Sohu).
Chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: Sohu).

Cuộc nội chiến ở Syria đã gây ra tổn thất cho quá nửa lực lượng không quân của Syria. Các loại máy bay hiện có chủ yếu được sử dụng cho các hoạt động tác chiến mặt đất. Thật khó để nói liệu không quân Syria có thể đáp ứng được các hoạt động đánh chặn trên không rất khó khăn hay không. Tuy nhiên, người ta nói rằng Nga đã giúp Syria nâng cấp một số máy bay MiG-29. Mặc dù vai trò của nó còn hạn chế, nhưng nó vẫn gây ra mối đe dọa nhất định đối với máy bay chiến đấu F-16. Ngay sau khi lệnh đóng cửa vùng trời Syria được đưa ra, Không quân Syria đã phải đeo đạn tuần tra trên vùng trời Idlib, chờ cơ hội để hạ gục máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong quá trình thực hiện các hoạt động đánh chặn, khó khăn lớn nhất đối với Không quân Syria là vấn đề không chiến tầm trung.

Hệ thống phòng không hỗn hợp tầm gần pháo - tên lửa Pantsir-S1 của quân đội Syria (Ảnh: Sohu).
Hệ thống phòng không hỗn hợp tầm gần pháo - tên lửa Pantsir-S1 của quân đội Syria (Ảnh: Sohu).

Các chi tiết về việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay ném bom Su-24 của Không quân Syria lần này hiện không rõ ràng. Tuy nhiên, với diện tích nhỏ hẹp của tỉnh Idlib, F-16 của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ rất có khả năng phóng tên lửa không đối không tầm trung AIM-120 từ bên trong lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ qua tỉnh Idlib để bắn hạ chiếc Su-24.

Tương tự, để bắn hạ máy bay chiến đấu F-16, Syria cũng cần phải sử dụng tên lửa không đối không tầm trung. Tuy nhiên, tại thời điểm này, nếu F-16 không xâm nhập, dù máy bay chiến đấu của Không quân Syria có bắn hay không, thì các loại AA-7 và AA-10 hiện họ đang sở hữu đều là tên lửa không đối không tầm trung radar dẫn đường bán chủ động hiệu quả không tốt; rất khó nói có thể đánh được  F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ từ khoảng cách xa hay không.

Nếu không quân không thể làm được, lực lượng phòng không mặt đất có thể giành được quyền kiểm soát vùng trời hay không? Điều đó cũng khó!

Hệ thống tên lửa phòng không tầm trung 9K37 “Buk” của quân đội Syria khai hỏa (Ảnh: Sohu).
Hệ thống tên lửa phòng không tầm trung 9K37 “Buk” của quân đội Syria khai hỏa (Ảnh: Sohu).

Hiện tại, các hệ thống phòng không Syria bố trí ở tuyến trước chủ yếu là hệ thống phòng không hỗn hợp pháo – tên lửa tầm gần Pantsir-S1 (NATO gọi là SA-22 Greyhound), pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 và tên lửa phòng không cá nhân vác vai. Các loại vũ khí này không có khả năng phòng không tầm trung và tầm xa, rất khó để tấn công F-16 ở khoảng cách xa, chỉ có thể bắn hạ các máy bay không người lái.

Để đe dọa các máy bay chiến đấu của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ và ngăn không cho chúng xâm nhập, ít nhất các hệ thống tên lửa phòng không tầm trung 9K37 “Buk” được triển khai ở phía sau phải được kéo lên. Bản thân 9K37 “Buk” là một hệ thống phòng không chiến trường cơ động có tính năng tuyệt vời, nhưng Syria luôn triển khai nó ở gần Damascus như là lực lượng phòng không chính. Chỉ có cách đưa hệ thống này lên tiền tuyến Idlib, nó mới có thể hình thành sự ngăn cản hiệu quả các máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ.