Cuộc chiến du hành vũ trụ: đủ các sắc thái khùng, điên, ngông!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nếu Richard Branson nổi tiếng với tính "hoang dại", Jeff Bezos được biết đến với sự "điên ngầm" thì Elon Musk lại có cái thú "chơi ngông" bất chấp của riêng mình. 
Ảnh: Sina
Ảnh: Sina

Vào ngày 20/7/2021, Jeff Bezos sẽ bay vào vũ trụ trên tàu New Shepard.

"New Shepard" được đặt theo tên của một phi hành gia Alan Shepard. Năm 1961, ông cất cánh trên chiếc "Freedom 7" và thực hiện chuyến bay dưới quỹ đạo kéo dài 15 phút, trở thành người Mỹ đầu tiên vào vũ trụ. Có lẽ vì quá ám ảnh với không gian, Bezos mới tạo ra công ty hàng không Blue Origin.

Thật không may, New Shepard đang bị lãng quên. Chỉ 9 ngày trước khi bước vào không gian, người đàn ông hơn 70 tuổi đã đi trước Jeff một bước - bay tới rìa không gian. Mặc dù New Shepard dự định thực hiện chuyến bay hoành tráng hơn, nhưng vị trí thứ hai sẽ luôn bị lu mờ bởi vị trí đầu tiên.

1. Vị tỉ phú hoang dại

Ảnh chụp màn hình trực tiếp bay vào vũ trụ Branson
Ảnh chụp màn hình trực tiếp bay vào vũ trụ Branson

Người đánh cắp ánh đèn sân khấu của Bezos là Richard Branson, người sáng lập Tập đoàn Virgin nổi tiếng.

Vào ngày 11/7, Branson, 71 tuổi, đã đưa chiếc VSS Unity SpaceShipTwo lên độ cao 80 km so với bề mặt Trái đất, trải qua cảm giác không trọng lượng trong khoảng 4 phút, và sau đó quay trở lại bầu khí quyển. Trong khoảng 90 phút, hàng chục triệu khán giả trên khắp thế giới đã xem chương trình phát sóng trực tiếp.

Đối với nhiều khán giả yêu thích không gian, chắc hẳn không ít người thốt lên: "Khoảnh khắc tuyệt vời!"

Có lẽ khoảnh khắc tuyệt vời đến từ thăng trầm, và cuộc sống không có thăng trầm thì không trọn vẹn.

Vào những năm 1980, Branson đã lập kỷ lục về chuyến bay nhanh nhất qua Đại Tây Dương bằng khinh khí cầu, nhưng cuối cùng khi ông quay trở lại, khinh khí cầu gặp sự cố và ông đã kịp thời thoát thân an toàn.

Trước chuyến du hành vũ trụ này, Virgin Galactic đã trải qua hai chuyến bay thử nghiệm thất bại ( tổng cộng chỉ có ba chuyến bay thử nghiệm), ba cuộc khủng hoảng phá sản. Năm ngoái, chuyến bay thử nghiệm lại thất bại và Branson phải gây quỹ thông qua hình thức niêm yết cửa sau SPAC, và một lần nữa thoát khỏi khủng hoảng.

Một số người nói rằng ông thích thể hiện, là một con bạc, thậm chí là một kẻ mất trí.

Trước đó, để tạo đà cho Virgin-Cola thâm nhập thị trường Mỹ, ông đã từng ngồi trên một chiếc xe tăng thời Thế chiến thứ hai, nghiền nát 3 tấn sản phẩm Coca-Cola suốt chặng đường và tuyên chiến với Coca-Cola. Mánh lới quảng cáo này được coi là sự kiện hoang dã nhất của Virgin.

Branson lái xe tăng vào Quảng trường Thời đại
Branson lái xe tăng vào Quảng trường Thời đại

Có một câu chuyện đùa giữa các nhà tư vấn của Branson: họ được thuê để tổ chức kế hoạch điên rồ của ông chủ.

Nhưng không thể phủ nhận rằng Branson, người mắc chứng khó đọc khi còn nhỏ, có một trực giác vượt trội hơn hẳn trong kinh doanh.

Tập đoàn Virgin của ông có hơn 200 công ty con và hơn 400 thương hiệu. Khi nhận thấy vẫn còn khoảng trống trên thị trường, ông nhanh chóng thâm nhập và thực hiện mánh lớn marketing theo cách độc đáo nhất.

Kể cả chuyến du hành vũ trụ này, Branson cũng coi đây là một cơ hội kinh doanh lớn. Ông tin rằng tên lửa phóng phải là "một chiếc Chevrolet bền bỉ" có thể thực hiện các sứ mệnh bay lên bầu trời mỗi tuần một lần trong tương lai; ông bán một vé trị giá 200.000 USD, thấp hơn nhiều so với giá vé của Bezos 3,5 triệu USD, và hiện hơn 600 vé đã được bán ra.

2. Vị tỉ phú "điên ngầm"

Trước sự hào phóng về tiền bạc và phong cách ngạo nghễ của Branson, Bezos đã phải hứng chịu rất nhiều lời chỉ trích. Công ty hàng không vũ trụ của ông, Blue Origin, đã công khai chê bai chuyến bay của tỉ phú Branson: "Đây không phải là một tàu vũ trụ thực sự".

Nguyên nhân là do độ cao bay của tàu vũ trụ không đạt đến "Đường Karman" cách bề mặt Trái đất 100 km, mà chỉ đạt "ranh giới không gian" 80 km do Cục Hàng không Liên bang quy định.

"New Shepard" ban đầu được thiết kế để vượt qua "Karman Line"

"New Shepard" ban đầu được thiết kế để vượt qua "Karman Line"

Trong một loạt tweet, Blue Origin đã nêu bật các vấn đề tầm thường như cửa sổ nhỏ đến các vấn đề nghiêm trọng như thiếu cơ chế thoát hiểm trong tàu vũ trụ của Virgin Galactic.

Bezos không điên rồ như Branson, ông ấy trầm tính, xa lánh công chúng đến mức người ta chỉ nhớ đến vụ ly hôn của ông ấy. Nhưng ngay từ năm 2000, Bezos đã âm thầm thành lập Blue Origin. Vào thời điểm đó, mức lỗ ròng của Amazon vừa đạt mức cao nhất mọi thời đại.

Jeff là một người thích kiểm soát chi tiết và hoang tưởng. Theo Musk, ông và Bezos chỉ gặp nhau hai lần riêng tư và các chủ đề thảo luận đều là về hàng không vũ trụ thương mại. Một lần, họ tranh cãi về việc có nên thêm hydrogen peroxide vào nhiên liệu cho tên lửa hay không.

Những người khác mô tả ông như một nhà độc tài, hoặc một cỗ máy không có cảm xúc.

Ông tin tưởng vào công nghệ và thuật toán, biến mảng kinh doanh sinh lời cao nhất của Amazon thành điện toán đám mây, biến các tài xế xe tải và người giao hàng thành làm nô lệ bởi các thuật toán và thậm chí 74% công nhân kho hàng của Amazon thậm chí không dám đi vệ sinh trong giờ làm việc.

Hơn 80.000 người Mỹ đã viết đơn thỉnh cầu, hy vọng rằng ông bay vào vũ trụ và không quay trở lại.

Một cuộc đình công phản đối thuật toán của Amazon
Một cuộc đình công phản đối thuật toán của Amazon

Mặc dù Bezos không nổi tiếng bằng tính cách phóng khoáng, hoang dại của Branson, nhưng Blue Origin của ông ấy đã ra đời được 21 năm, là hãng hàng không lâu đời nhất trong số các hãng hàng không thương mại và đã đạt được 15 chuyến bay thử nghiệm.

Là một công ty tư nhân, Blue Origin có bệ đỡ là khối tài sản khổng lồ của Bezos. Công ty còn kiếm được 100 triệu USD tiền đầu tư từ túi của người giàu nhất mỗi năm. Nhưng hàng không thương mại là một hố sâu hút tiền không đáy và vấn đề tài chính kéo dài cuối cùng trở thành một trong những yếu tố hạn chế sự phát triển của Blue Origin.

Bezos giải thích rằng mục tiêu của ông không phải là mục đích kinh doanh ngắn hạn mà là một cuộc hành trình đầy tham vọng hơn quanh Mặt trăng, xuất phát từ ước mơ khi mới 5 tuổi của ông. Phương châm của Blue Origin cũng khẳng định bản lĩnh của ông: bước từng bước và dũng cảm tiến về phía trước.

3. Vị tỉ phú chơi ngông

Musk không có cái "điên ngầm" của Bezos, cũng không có cái "khùng" của Branson, nhưng ông có cái "ngông" của riêng mình.

Khi PayPal do Musk đồng sáng lập được bán cho eBay, tất cả mọi người đều thích thú tham gia bữa tiệc, chỉ có Musk ngồi trong góc, tay cầm một cuốn sổ tay hướng dẫn tên lửa của Liên Xô mốc meo và khó hiểu.

Giấc mơ của Musk là lên sao Hỏa. Ông đã đánh giá chính xác ba xu hướng chính trong tương lai: Internet, năng lượng sạch và thương mại hàng không vũ trụ. Vì lý do này, ông thành lập PayPal, công ty lật đổ ngành tài chính truyền thống và Tesla, công ty lật đổ ngành ô tô truyền thống, nhưng có vẻ như cả hai đều phục vụ cho việc vận hành công ty hàng không vũ trụ SpaceX.

Chúng ta có thể thấy những "hạt mầm" được Musk chôn ở khắp mọi nơi:

Chiếc xe thể thao đầu tiên của Tesla được đưa vào vũ trụ, Roadster, có in dòng chữ "Made on Earth by human" trên bảng pin. Màn hình của xe có dòng chữ "Don't Panic". Dưới gầm xe còn có một bảng tên với tên của hơn 600 nhân viên SpaceX.

"DON'T PANIC" xuất hiện trên màn hình

"DON'T PANIC" xuất hiện trên màn hình

Musk bị ám ảnh không gian đến mức không nề hà điều gì. Ông đã dành nhiều tháng để nghiền ngẫm những cuốn sách như "Nguyên lý lực đẩy tên lửa" và "Khái niệm cơ bản về động lực học thiên thể", rồi lập một bảng chi phí thu hút sự chú ý của giới chuyên môn, bảng liệt kê chi tiết quá trình xây dựng, lắp ráp và phóng.

Sau đó, chúng ta đã chứng kiến ​​sự ra đời của "Falcon 9". Tên lửa phóng tái chế này có thể mang theo lượng hàng hóa bằng một chiếc xe bus lên quỹ đạo. Chi phí của một lần phóng sẽ là 62 triệu USD. Hồi tháng Ba, Musk nói rằng bộ phận tên lửa đẩy chiếm khoảng 70% chi phi phóng tàu vũ trụ của SpaceX. Vì thế, việc sử dụng lại tên lửa sẽ tiết kiệm được hàng triệu USD. Về việc kiểm soát chi phí cuối cùng, ông ngang hàng với với Branson và Bezos.

Tuy nhiên, Elon Musk, người tràn đầy tự tin, cũng từng đứng trước bờ vực phá sản. Năm 2008, ba tên lửa đầu tiên của SpaceX phát nổ hoặc không vào quỹ đạo, và số tiền ông kiếm được từ PayPal đã bị hoang phí. Trong lúc tuyệt vọng, Musk nhận được cuộc gọi từ NASA và hợp đồng hơn 1 tỉ USD là cơ hội hồi sinh của Musk.

Ngày nay, SpaceX đã trở thành nhà cung cấp chính của NASA, cung cấp dịch vụ cho các phi hành gia và vật tư đến và đi từ không gian. Musk cũng có khả năng thương thuyết tài ba, liên tục phóng đại định giá của SpaceX và tiếp tục thu hút đầu tư. Ít nhất về khả năng tài chính, Musk đang dẫn đầu tuyệt đối.

Vào ngày Branson bay vào vũ trụ, Musk cũng đến xem, nhưng ông không tỏ ra bất mãn, Musk vốn dĩ đã thành công trong lĩnh vực hàng không thương mại có người lái, chỉ là bản thân chưa được trải nghiệm. Musk thậm chí cũng đã đặt vé trên chuyến bay vũ trụ thương mại của Virgin Galactic.

Trên thực tế, ông và Branson từng có một cuộc giao lưu ngắn ngủi, chỉ thảo luận về vấn đề công nghệ vũ trụ, nhưng ông không ngờ rằng cuối cùng hai bên sẽ trở thành đối thủ của nhau.

Các nhà khoa học của SpaceX tự hào nói rằng: "Cho dù đó là Branson hay Bezos, tàu vũ trụ của họ đều là chuyến bay dưới quỹ đạo, và hành trình vũ trụ trong tương lai của Musk mới là chuyến bay trên quỹ đạo thực sự".

Kinh doanh được sinh ra từ trí tưởng tượng. Chúng ta cần nhìn lên những vì sao, và kinh doanh vũ trụ sẽ bùng nổ hơn bao giờ hết khi có những người dám mơ mộng và dám biến ước mơ thành sự thật như ba vị tỉ phú trên.

Theo Sina