Cuộc chiến “đả Hổ” của Trung Quốc năm 2019: những điểm nổi bật

VietTimes -- Năm 2019, cuộc chiến “đả Hổ, đập Ruồi” của Trung Quốc vẫn tiếp diễn mạnh mẽ, không hề suy giảm. Từ ngày 6/1/2019 khi Trần Cương, Bí thư Đảng ủy Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, nguyên Phó Thị trưởng Bắc Kinh bị điều tra đến ngày 1/12, Mã Minh, Phó Chủ tịch Chính Hiệp Khu tự trị Nội Mông bị mất chức, ít nhất 19 quan chức cấp tỉnh và cấp bộ bị ngã ngựa năm 2019, trong đó 9 người đang bị thẩm tra và điều tra.
Hình Vân, cựu Phó Chủ tịch HĐND Khu tự trị Nội Mông, nhận hối lộ tương đương 449 triệu Nhân dân tệ (1.571 tỷ VND) bị kết án tử hình hoãn thi hành. (Ảnh: Tân Hoa xã)
Hình Vân, cựu Phó Chủ tịch HĐND Khu tự trị Nội Mông, nhận hối lộ tương đương 449 triệu Nhân dân tệ (1.571 tỷ VND) bị kết án tử hình hoãn thi hành. (Ảnh: Tân Hoa xã)

Cũng trong năm 2019, có ít nhất 23 cán bộ diện trung ương quản lý ngã ngựa trước đó bị đưa ra xét xử, trong đó có hai nguyên Ủy viên Trung ương và một nguyên Ủy viên dự khuyết Trung ương.

19 quan chức cấp tỉnh và bộ bị quật ngã

Ngày 31/12/ 2019, trang Tin tức Trung Quốc (Chinanews) đưa tin, trong cả năm 2019, có ít nhất 3 quan chức cấp trưởng bộ và 16 cấp phó bộ đã bị cách chức.

Trong số 19 quan chức này có: 2 cựu Bí thư tỉnh ủy (cựu Bí thư tỉnh ủy Thiểm Tây Triệu Chính Vĩnh và cựu Bí thư tỉnh ủy Vân Nam Tần Quang Vinh); 3 nguyên Phó tỉnh trưởng (phó tỉnh trưởng Tứ Xuyên Bành Vũ Hành, phó tỉnh trưởng Hà Nam Từ Quang, phó tỉnh trưởng Hà Bắc Lý Khiêm); 2 Bí thư thành ủy thuộc tỉnh (Vân Quang Trung, Ủy viên thường vụ Khu ủy Nội Mông, nguyên Bí thư Thành ủy tỉnh Hovhot, Trương Kỳ, nguyên Ủy viên thường vụ tỉnh ủy Hải Nam, Bí thư thành ủy Hải Khẩu); 2 Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh (Hướng Lực Lực, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Nam, và Trương Mậu Tài, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn Tây), 2 quan chức cấp cao của hệ thống Chính Hiệp (Mã Minh, nguyên Phó Chủ tịch Chính Hiệp Nội Mông và Khương Quốc Văn, Chủ tịch Chính Hiệp thành phố Cáp Nhĩ Tân); 2 quan chức cao cấp trong hệ thống Chính Pháp (Dương Khắc Cần, Bí thư đảng ủy Viện trưởng Viện Kiểm sát tỉnh Cát Lâm và Trương Kiên, Chánh án Tòa án tỉnh An Huy); 2 quan chức cao cấp trong hệ thống tài chính (Lưu Sĩ Dư, Chủ tịch Ủy ban Giám sát chứng khoán quốc gia và Hồ Hoài Bang, Bí thư, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển quốc gia); 2 quan chức cấp cao trong hệ thống năng lượng và điện lực (cựu Bí thư và Chủ tịch Công ty TNHH Điện lực miền Nam Trung Quốc Lý Khánh Khuê và Vân Công Dân, Tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Điện).

Hai người còn lại là Trần Cương, Bí thư Đảng ủy Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Trung Quốc (Ủy viên Trung ương, nguyên Phó thị trưởng Bắc Kinh) và Ngụy Truyền Trung, Phó Tổng cục trưởng Giám sát, Kiểm tra và Kiểm dịch Chất lượng quốc gia.

Trần Cương, nguyên Ủy viên Trung ương, Bí thư Đảng ủy Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, nguyên Phó thị trưởng Bắc Kinh - "Hổ" đầu tiên bị quật ngã trong năm 2019.
Trần Cương, nguyên Ủy viên Trung ương, Bí thư Đảng ủy Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, nguyên Phó thị trưởng Bắc Kinh - "Hổ" đầu tiên bị quật ngã trong năm 2019.

Trong số 19 quan chức trên, 8 người thuộc lứa “hậu 6X” và số còn lại là “hậu 5X”. Trong số đó, Trần Cương là người trẻ nhất, sinh tháng 5 năm 1966.

3 người gồm Lưu Sĩ Dư, Lý Khánh Khuê và Bành Vũ Hành được xử lý nhẹ hơn do sự chủ động tự thú hoặc thẳng thắn khai nhận. 9 người bao gồm Triệu Chính Vĩnh, Hồ Hoài Bang, Từ Quang, Trương Kiên, Lý Khiêm, Trương Kỳ, Khương Quốc Văn, Vân Công Dân, Mã Minh, đang bị điều tra.

Trong số 19 quan chức, một số ngã ngựa do cấp dưới cũ và quan hệ cha con. Tần Lĩnh, cựu chủ tịch của Tập đoàn Huarong Investment Co., Ltd., bị nghi ngờ nhận hối lộ và tham nhũng, là con trai của Tần Quang Vinh; trước khi Mã Minh và Dương Khắc Cần bị bắt, nhiều cán bộ thuộc cấp của họ đã bị điều tra.

Ngoài ra, trong số quan chức ngã ngựa năm 2019, ngoài các quan chức cấp tỉnh và bộ nêu trên, còn có hai quan chức cấp trưởng sở diện Trung ương quản lý,   là Triệu Cảnh Văn, Chủ tịch điều hành của China CITIC Group và Triệu Hồng Thuận, Phó Cục trưởng Cục chuyên doanh Thuốc lá Trung Quốc.

Bên cạnh đó còn có 3 sĩ quan cấp Thiếu tướng và Trung tướng gồm Tiền Vệ Bình, Phó chủ nhiệm Bộ Phát triển trang bị Quân ủy; Từ Hướng Hoa, Phó Tư lệnh Chiến khu miền Tâycủa PLA và Nhiêu Khai Huân, Phó Tư lệnh và Tham mưu trưởng Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược PLA.

Hơn 1/3 số “Hổ” đã bị xét xử là quan chức cấp phó tỉnh

Trong số 23 quan tham đã bị pháp luật trừng trị, có các cán bộ lãnh đạo của các bộ và ủy ban ở trung ương, cũng có các “quan đầu” của các tỉnh, thành, khu tự trị, hoặc người phụ trách các doanh nghiệp nhà nước quan trọng. Điều này đã kế tiếp những đặc điểm “sâu rộng và không có vùng cấm” của cuộc chiến “đả Hổ” ở Trung Quốc những năm gần đây. 

Bạch Hướng Quần, Phó Chủ tịch Khu tự trị Nội Mông bị đưa ra xét xử. (Ảnh: Tân Hoa xã)
Bạch Hướng Quần, Phó Chủ tịch Khu tự trị Nội Mông bị đưa ra xét xử. (Ảnh: Tân Hoa xã)

Điều đáng chú ý là, trong số 23 “Hổ” bị đưa ra xét xử trong năm 2019, có 8 Phó tỉnh trưởng  hoặc Phó chủ tịch Khu tự trị. Trong đó 7 người, gồm Lưu Cường, Phó tỉnh trưởng Liêu Ninh; Phùng Tân Trụ, Phó tỉnh trưởng Thiểm Tây; Quý Tương Kỳ, Phó tỉnh trưởng Sơn Đông; Lý Di Hoàng, Phó tỉnh trưởng Giang Tây; Bạch Hướng Quần, Phó chủ tịch Khu tự trị Nội Mông; Bồ Ba, Phó tỉnh trưởng Quý Châu và Miêu Thụy Lâm, Phó tỉnh trưởng Giang Tô, đều bị quật ngã khi đang trong nhiệm kỳ giữ chức.

Trên thực tế, không chỉ những người này, mà trong số các cán bộ vừa bị UBKTKLTW tóm cổ năm nay nhưng chưa xét xử, cũng có một số phó tỉnh trưởng, như Từ Quang, Phó tỉnh trưởng Hà Nam và Lý Khiêm, Phó tỉnh trưởng Hà Bắc lần lượt bị điều tra vào tháng 8 năm nay. Vậy điều gì đã khiến cho vị trí “phó tỉnh” này trở thành một bước đột phá mới cho các nỗ lực chống tham nhũng? Qua phân tích về nguyên nhân ngã ngựa của những người này thì thấy không tách rời khỏi sự lạm dụng quyền lực trong tay họ.

4 trong số 23 người bị xét xử thuộc hệ thống Hội nghị Chính trị Hiệp thương (Chính Hiệp), như Cận Tuy Đông, Phó bí thư đảng ủy, Phó chủ tịch Chính Hiệp Hà Nam và Lý Sĩ Tường, nguyên Ủy viên Dự khuyết Trung ương khóa 18, Phó bí thư đảng ủy, Phó chủ tịch Chính Hiệp thành phố Bắc Kinh. Mặc dù các thành viên này của hệ thống Chính Hiệp đã bị điều tra và xử lý vì tham nhũng, nhưng hầu hết các vấn đề của họ đều không xảy ra trong quá trình giữ chức ở cơ quan Chính Hiệp và đây không còn là nơi ẩn náu của các phần tử tham nhũng sau khi phạm tội.

Trong số 23 “Hổ”, Trương Hóa Vi và Khưu Đại Minh có nhân thân khá đặc biệt. Trương Hóa Vi là một cán bộ lâu năm trong hệ thống kiểm tra kỷ luật. Ông từng là Trưởng phòng Phòng 5 của UBKTKLTW và Phó trưởng Đoàn Tuần thị (thanh tra) Tài chính Doanh nghiệp đầu tiên của Ban Tổ chức Trung ương. Ông là người lãnh đạo Đoàn Tuần thị đầu tiên của Trung ương bị ngã ngựa.

Khưu Đại Minh, Phó Bí thư UBKTKL tỉnh ủy Cát Lâm là một “lão thần”, đã làm việc trong hệ thống kiểm tra và giám sát kỷ luật trong hơn chục năm. Từ khi bị quật ngã ngày 11/9/2018 đến khi bị xét xử, Vụ án Khưu Đại Minh kéo dài gần 1 năm và 2 tháng. Trong thời gian này, Minh trở thành tấm gương phản diện về hình mẫu “con ngựa hại đàn” của hệ thống kiểm tra kỷ luật, liên tục được các tờ báo và tạp chí của UBKTKLTW điểm tên.

Quyền kiểm tra giám sát đáng lẽ phải là sức mạnh trong tay để trừng phạt cái ác và phát huy điều tốt, nhưng đã trở thành một công cụ để Khưu Đại Minh và những người khác trao đổi ân huệ và tìm kiếm lợi ích cá nhân. Minh đã phải nhận mức án 14 năm tù, nộp phạt 1.7 triệu Nhân dân tệ (NDT), tịch thu toàn bộ số tiền của nhận hối lộ trị giá 36 triệu NDT.

Tần Quang Vinh, nguyên Bí thư tỉnh ủy Vân Nam ra đầu thú, đang bị điều tra.
Tần Quang Vinh, nguyên Bí thư tỉnh ủy Vân Nam ra đầu thú, đang bị điều tra.

Nhận hối lộ là tội phổ biến nhất

Trong số 23 quan tham đã bị xét xử trong năm 2019, người liên quan nhiều tội nhất là Lý Di Hoàng, cựu Phó tỉnh trưởng Giang Tây, dính đến 4 tội danh: nhận hối lộ, tham ô, biển thủ công quỹ và nhân viên doanh nghiệp nhà nước lạm quyền. Hai người khác phạm 3 tội danh. Về kết quả tuyên án, nặng nhất là Hình Vân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân Khu tự trị Nội Mông, bị kết án “tử hoãn” (tử hình hoãn thi hành) và 4 người bị kết án tù chung thân.

Trong số các tội danh, nhận hối lộ có thể được coi là “tiêu chuẩn”. Tất cả 23 quan tham đã hầu tòa đều có liên quan đến tội nhận hối lộ và phải nhận các mức hình phạt khác nhau cho các khoản tiền và tình tiết khác nhau. Trong số đó, Hình Vân liên quan đến số tiền hơn 400 triệu NDT (1.400 tỷ VND) bị kết án tử hình hoãn thi hành 2 năm, tước quyền chính trị suốt đời và tịch thu toàn bộ tài sản cá nhân. Sau 2 năm hoãn thi hành án tử hình được giảm xuống án tù chung thân, nhưng không được giảm án tiếp hoặc phóng thích.

Tuy nhiên, cũng có người phạm phải tội rất hiếm thấy. Ví dụ, từ năm 2011 đến tháng 1 năm 2013, Lưu Cường để được trở thành Phó tỉnh trưởng Liêu Ninh, đã sử dụng chức vụ và ảnh hưởng của vai trò là Bí thư thành ủy Phủ Thuận, gom tiền của các doanh nghiệp để biếu xén, hối lộ mua phiếu bầu, phá hoại hoạt động bầu cử, tình tiết nghiêm trọng, ảnh hưởng xã hội rất xấu. Tòa án đã phán quyết Lưu Cường phạm tội “phá hoại bầu cử” và các tội khác như nhận hối lộ. Ông ta bị kết án 12 năm tù và bị phạt 1,2 triệu NDT.

Tiền Vệ Bình, Trung tướng, Phó Chủ nhiệm Bộ Phát triển trang bị Quân ủy (người trong vòng đỏ) đang bị điều tra. (Ảnh: Đa Chiều).
Tiền Vệ Bình, Trung tướng, Phó Chủ nhiệm Bộ Phát triển trang bị Quân ủy (người trong vòng đỏ) đang bị điều tra. (Ảnh: Đa Chiều).

Các quan tham bị xét xử năm 2019 cũng thiết lập kỷ lục mới về số tiền tham nhũng. Hình Vân, cựu Phó Chủ tịch HĐND Khu tự trị Nội Mông, bị buộc tội nhận hối lộ tương đương 449 triệu Nhân dân tệ (1.571 tỷ VND). Các công tố viên Viện Kiểm sát tỉnh Liêu Ninh cáo buộc ông ta lập kỷ lục mới về số tiền nhận hối lộ của các quan chức cấp cao.

Chống tham nhũng trong lĩnh vực tài chính bước vào thời kỳ then chốt

Mười từ nóng chống tham nhũng hàng đầu năm 2019 của Trung Quốc gần đây đã được công bố và “chống tham nhũng trong lĩnh vực tài chính” nằm trong số đó. Từ cấp bộ đến các địa phương, từ ngân hàng đến chứng khoán, các “cá mập” và “nội quỷ” trong lĩnh vực tài chính nối nhau ngã ngựa đã trở thành một đặc điểm nổi bật của công cuộc chống tham nhũng của Trung Quốc năm 2019.

Một số chuyên gia đã chỉ ra rằng chống tham nhũng tài chính của Trung Quốc đã bước vào giai đoạn then chốt. Từ năm 2019, trong hệ thống tài chính có tổng cộng 3 cán bộ diện trung ương quản lý là Lưu Sĩ Dư, Chủ tịch Ủy ban Giám sát chứng khoán, Hồ Hoài Bang, cựu chủ tịch của Ngân hàng Phát triển Trung ương, Cố Quốc Minh, Tổng giám đốc Cơ quan nghiên cứu phát triển Ngân hàng Giao thông cùng hơn 35 cán bộ quản lý cấp trung ương và cấp tỉnh đã bị điều tra.  

Điều đáng nói là một số quan chức đã nghỉ hưu được coi là đã “hạ cánh an toàn” cũng không thoát khỏi bị trừng phạt. Điển hình là Từ Thiết, cựu Cục trưởng chi nhánh Sơn Đông thuộc Ủy ban Giám sát chứng khoán Trung Quốc, đã nghỉ hưu 6 năm nhưng vẫn bị khai trừ khỏi đảng.

Không chỉ quan chức trong hệ thống tài chính, các quan chức lãnh đạo cũng phạm tội trong lĩnh vực này. Trần Thụ Long, Ủy viên thường vụ, Phó tỉnh trưởng An Huy; Bạch Hướng Quần, Phó chủ tịch Khu tự trị Nội Mông, đều phạm tội giao dịch nội gián và tiết lộ thông tin nội bộ; Vương Hiểu Quang, Phó tỉnh trưởng Quý Châu phạm tội giao dịch nội gián.

Lưu Sĩ Dư, Ủy viên Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Giám sát chứng khoán quốc gia đang bị điều tra. (Ảnh: Đa Chiều).
Lưu Sĩ Dư, Ủy viên Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Giám sát chứng khoán quốc gia đang bị điều tra. (Ảnh: Đa Chiều).

Số tiền phạm tội của họ thật kinh sợ. Vương Hiểu Quang đã lợi dụng sự thuận tiện trong công việc, mối quan hệ công tác để lấy được thông tin nội bộ bất hợp pháp từ người khác rồi trực tiếp hoặc chỉ đạo người thân của mình mua cổ phiếu có liên quan trong giai đoạn nhạy cảm. Giá trị giao dịch tích lũy lên tới hơn 490 triệu NDT, sau đó bán ra kiếm lợi nhuận hơn 162 triệu NDT (567 tỷ VND).  Trần Thụ Long kiếm được 30,31 triệu NDT (106 tỷ VND) và Bạch Hướng Quần kiếm được số tiền bất hợp pháp tới 40,52 triệu NDT (141,8 tỷ VND).

Điều đáng chú ý là mức tiền phạt cho cả ba cũng rất đáng kinh ngạc, người bị phạt nhiều nhất tới 170 triệu NDT, kẻ ít nhất cũng 62,5 triệu NDT. Thông qua bản án buộc họ phải nhả ra hết những thu nhập bất hợp pháp, không được lợi lộc gì, là một trong những định hướng để trừng phạt quan chức phạm tội kinh tế của Trung Quốc.