Cung - cầu ngoại tệ cuối năm “lặng gió“

Những năm trước đây, càng vào cuối năm, nhu cầu ngoại tệ thường có xu hướng tăng mạnh với tỷ giá tăng cao. Thế nhưng, trong những ngày cuối năm 2019 này, cung - cầu ngoại tệ trên thị trường  dường như có phần bình lặng.

Tỷ giá tại nhiều ngân hàng trong những ngày cuối năm không có nhiều biến động, giao dịch trong ngưỡng 23.080-23.234 đồng Việt Nam (VND) đổi một đô la Mỹ (USD). Tỷ giá niêm yết của nhiều ngân hàng thương mại như Vietcombank trong nhiều ngày gần đây quanh mức 23.110 đồng (mua vào) và 23.230 đồng (bán ra).

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sáng nay (26-12) niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.162 đồng/đô la, giảm 1 đồng so với phiên ngày hôm trước. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần là 23.857 đồng/đô la và tỷ giá sàn là 22.467 đồng/đô la.

Chỉ số US Dollar Index (DXY) trên thị trường thế giới trong phiên giao dịch sáng nay đứng ở mức 97,63 điểm, giảm 0,76% so với 1 tháng trước.

Tỷ giá USD/VND không có nhiều biến động so với cuối năm 2019 khi cặp đôi USD/VND chỉ tăng giá khoảng 0,1% so với thời điểm cuối năm 2018.

Theo ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối Kinh doanh Tiền tệ và Thị trường vốn của Ngân hàng HSBC Việt Nam, cặp tỷ giá USD/VND gần như duy trì đà ổn định xuyên suốt trong hầu hết các tháng của năm nay. Thậm chí, đồng nội tệ còn tăng giá so với đồng bạc xanh khi NHNN chủ động hạ giá mua vào ngày cuối tháng 11.

“Cụ thể, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng trong năm chỉ dao động trong biên độ tương đối hẹp và dao động quanh tỷ giá mua vào của NHNN ở mức 23.200 và sau đó là 23.175 khi NHNN hạ giá mua đô la Mỹ. Từ đó, NHNN cũng mua được lượng lớn ngoại tệ, gia tăng dự trữ ngoại hối lên mức cao kỷ lục từ trước tới nay”, ông Khoa chia sẻ.

Đánh giá về nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp và người dân thời điểm hiện tại, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Nguồn vốn và Ngoại hối của Ngân hàng VIB, cho rằng không có sự căng thẳng về cung - cầu ngoại tệ.

Hoạt động xuất nhập khẩu xăng dầu trước đây, theo ông Trung, cần nguồn ngoại tệ lớn để chi trả, nhưng hiện tại Việt Nam đã có thể chủ động cân đối nguồn cung nhiên liệu trong nước nên giảm áp lực lên nhu cầu mua ngoại tệ để thanh toán.

“Cung - cầu ngoại tệ hiện nay khá là ổn. Nhu cầu ngoại tệ đều được các ngân hàng thương mại (NHTM) đáp ứng được”, ông Trung nhận định.

Đồng quan điểm trên, bà Hoàng Nữ Ngọc Thủy, phụ trách công tác phân tích thị trường tại một NHTM, cho biết thị trường ngoại hối những ngày cuối năm nay đang tiếp tục diễn biến êm đềm.

“Gắn với chu kỳ của nền kinh tế, nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp để phục vụ nhập khẩu, trả nợ vay hay chuyển lợi nhuận về nước có phần tăng lên nhưng không đột biến. Trong khi đó, dòng tiền từ kiều hối, đầu tư nước ngoài vẫn duy trì trạng thái khả quan. Chính vì vậy, cân đối cung - cầu ngoại tệ vẫn được đảm bảo tốt, khách hàng bán ròng ngoại tệ về NHTM và không xuất hiện sự căng thẳng trên thị trường”, bà Thủy nói.

Theo nhận định của các chuyên gia, năm 2019 là năm bình lặng nhất của cặp tỷ giá USD/VND trong giai đoạn 2015-2019 và là năm thứ 2 chứng kiến sự tăng giá của đồng nội tệ so với đô la Mỹ trong giai đoạn này (bên cạnh năm 2017).

So với các quốc gia trong khu vực thì đồng nội tệ của Việt Nam cũng thuộc nhóm ổn định nhất khi mức biến động -0,1% của cặp tỷ giá USD/VND là thấp hơn nhiều so với diễn biến các cặp tỷ giá khác như USD/CNY +1,9%, USD/KRW +4,4%, USD/THB -6,7%, USD/IDR -2,75%.

Theo ước tính, trong năm 2019, Ngân hàng Nhà nước mua vào hơn 16 tỉ đô la, nâng dự trữ ngoại hối lên khoảng 73 tỉ đô la.

Theo TBKTSG