Cục Thuế TPHCM phát hiện hơn 13.000 vụ gian lận thương mại

Năm 2015, Cục Thuế TPHCM đã phát hiện và xử lý 13.002 vụ gian lận thương mại, thu nộp vào ngân sách đến gần 3.245 tỉ đồng, theo báo cáo của UBND thành phố hôm nay, 4-2, về tình trạng gian lận thương mại năm 2015.
Lực lượng chức năng kiểm tra hàng lậu tại TPHCM - Ảnh: TL
Lực lượng chức năng kiểm tra hàng lậu tại TPHCM - Ảnh: TL

Báo cáo cho thấy hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn ra phức tạp trên địa bàn thành phố. Theo nhận định của UBND thành phố, hoạt động buôn lậu diễn ra trên tất cả các tuyến đường biển, đường thủy nội địa, đường bộ, đường sắt, đường hàng không và bằng nhiều hình thức (buôn lậu, buôn bán chính ngạch, tiểu ngạch).

Ngoài việc ngành thuế thành phố phát hiện và xử lý hơn 13.000 vụ gian lận thương mại, trong năm 2015 Chi Cục Quản lý Thị trường thành phố, Công an thành phố và các cơ quan thanh tra chuyên ngành của thành phố cũng đã phát hiện, xử lý gần 8.200 vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại khác.

Theo phân tích của UBND thành phố, các đối tượng cầm đầu các đường dây buôn lậu thường không xuất hiện mà giao cho tay chân, cấp dưới hoạt động. Nhiều đối tượng buôn lậu trong thời gian qua đã thành lập các công ty “ma” thuê người đứng tên làm giám đốc để thực hiện hành vi buôn lậu với quy mô rất lớn, khi hàng hóa về Việt Nam thì thuê các công ty dịch vụ giao nhận đứng ra làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa, khi bị cơ quan chức năng phát hiện thì bỏ trốn, trong khi các đối tượng đứng tên giám đốc thuê, các đối tượng giao nhận hoàn toàn không biết mặt hoặc không có thông tin về đối tượng chủ mưu, cầm đầu.

Đáng chú ý là thời gian qua, số lượng hàng buôn lậu rất lớn từ hàng chục container trở lên, tập trung vào những mặt hàng có giá trị lớn như kim khí điện máy, sữa, thực phẩm chức năng, gỗ, vải, điện thoại di động, máy tính bảng các loại…

Ngoài ra, hiện nay tình hình sử dụng giấy tờ giả đối với xe ô tô nhập lậu có nguồn gốc từ Campuchia diễn ra khá phổ biến. Sau đó, các đối tượng chuyển nhượng, mua bán qua nhiều người sử dụng ở nhiều tỉnh, thành khác nhau, khi cơ quan điều tra phát hiện, bắt giữ rất khó chứng minh yếu tố chủ quan của người mua, người bán để xác định đối tượng thực hiện hành vi làm giả.

Chưa kể tội phạm lợi dụng chính sách miễn thuế đối với xe ô tô ngoại giao, nước ngoài, các tổ chức quốc tế tạm nhập, tái xuất (biển kiểm soát NG, NN, QT); xe ô tô nhập khẩu theo diện Việt kiều hồi hương để nhập lậu ô tô về tiêu thụ trong nước cũng diễn ra phổ biến.

Theo TBKTSG