Cục Quản lý cạnh tranh đẩy mạnh 'số hóa' cải cách hành chính

Nhằm đẩy mạnh hiệu quả hoạt động, thời gian qua Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã tích cực phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ triển khai hiện đại hóa nền hành chính thông qua việc ứng dụng CNTT vào công việc hành chính.

Hiện toàn bộ hồ sơ của Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng được lưu trữ trên hệ thống, không dùng bản giấy

Theo Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, thời gian qua Cục đã ứng dụng hệ thống IMOIT, hệ thống thư điện tử của Bộ, hệ thống CNTT tích hợp ThinkFair một cách tích cực, hỗ trợ hiệu quả các hoạt động từ trao đổi thông tin, chỉ đạo điều hành công việc giữa lãnh đạo, các đơn vị và cá nhân.

Thực tế đã góp phần rút ngắn thời gian xử lý công việc, giảm tải, tiết kiệm giấy tờ, nâng cao hiệu quả hoạt động của Cục trong công tác quản lý nhà nước.

Cục đã vận hành Cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử về quản lý bán hàng đa cấp, trang thông tin điện tử về bảo vệ người tiêu dùng có tích hợp tính năng giao tiếp giữa trung ương và địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong công tác quản lý cũng như phục vụ công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, cung cấp thông tin và tiếp nhận, xử lý các thông tin phản hồi của cá nhân, tổ chức về lĩnh vực quản lý.

Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng ứng dụng dịch vụ công trực tuyến để giải quyết các thủ tục hành chính.

Cụ thể: mức độ 4 có 2 thủ tục (đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; đề nghị hưởng miễn trừ đối với tập trung kinh tế).

Mức độ 3 có 10 thủ tục: thông báo tập trung kinh tế; cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; cấp sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; cấp lại giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; gia hạn giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; xác nhận thông báo tạm ngừng hoạt động bán hàng đa cấp; xác nhận thông báo tiếp tục hoạt động bán hàng đa cấp sau thời gian tạm ngừng; xác nhận thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp; cấp chứng chỉ đào tạo viên; cấp lại chứng chỉ đào tạo viên.

Mức độ 2 có 4 thủ tục: Đề nghị hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; chỉ định cơ sở đào tạo đào tạo viên bán hàng đa cấp; rút tiền ký quỹ; sử dụng tiền ký quỹ.

Áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 (Hệ thống ISO) giúp công khai, minh bạch các trình tự công việc, cụ thể hóa trách nhiệm của từng bộ phận, đơn giản hóa quy trình và rút ngắn thời gian giải quyết công việc… qua đó nâng cao hiệu quả, chất lượng xử lý công việc; hỗ trợ lãnh đạo trong công tác quản lý; phục vụ doanh nghiệp và người dân dễ dàng tiếp cận các trình tự thủ tục trong giải quyết công việc.

Ngoài các ứng dụng phổ biến trên, Cục còn triển khai ứng dụng CNTT trong một số hoạt động chuyên môn đặc thù, nâng cao hiệu quả công tác thủ tục hành chính, cụ thể: tại Cục vận hành Hệ thống Thinkfair trong xử lý công việc nội bộ và hệ thống Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng.

Trong năm 2017, gần 900 bộ hồ sơ đã được xử lý trực tiếp trên phần mềm hệ thống Thinkfair một cách thông suốt từ khâu văn phòng tiếp nhận hồ sơ đến khâu xử lý và phê duyệt của chuyên viên và lãnh đạo phòng, lãnh đạo Cục. Toàn bộ hồ sơ được lưu trữ trên hệ thống, không dùng bản giấy.

Theo ICT News

http://ictnews.vn/cntt/nghi-quyet-36nqtw/cuc-quan-ly-canh-tranh-day-manh-so-hoa-cai-cach-hanh-chinh-167603.ict