Khai mạc kì họp thứ 8 - Quốc hội khóa XIV:

Cử tri, nhân dân lo lắng về diễn biến phức tạp ở Biển Đông

VietTimes -- Cùng với đánh giá tình hình chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được tăng cường, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết vẫn còn nhiều vấn đề cử tri, nhân dân băn khoăn, lo lắng, nhất là diễn biến phức tạp ở Biển Đông.
Tình hình Biển Đông là một trong những vấn đề nổi cộm khiến cử tri, nhân dân lo lắng, băn khoăn thời gian gần đây.
Tình hình Biển Đông là một trong những vấn đề nổi cộm khiến cử tri, nhân dân lo lắng, băn khoăn thời gian gần đây.

Đó là một trong những vấn đề được tổng hợp trong Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân do Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày tại phiên khai mạc kì họp thứ 8 - Quốc hội khóa XIV, vừa diễn ra sáng nay (21/10).

Theo ông Trần Thanh Mẫn, từ sau kì họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.526 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước.

Các ý kiến của cử tri, nhân dân đều đánh giá cao những chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội của đất nước thời gian qua. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố; độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia được giữ vững; công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được mở rộng; vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.

Toàn cảnh phiên khai mạc kì họp thứ 8 - Quốc hội khóa XIV
Toàn cảnh phiên khai mạc kì họp thứ 8 - Quốc hội khóa XIV

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều vấn đề cử tri, nhân dân băn khoăn, lo lắng, trong đó có những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Cùng với đó, nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí mới được ngăn chặn ở mức độ nhất định; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số địa phương chưa triệt để gây bức xúc trong nhân dân; biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng Sông Cửu Long,...

Nội dung báo cáo về Biển Đông cũng được nhấn mạnh trong Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 và kế hoạch phát triển  kinh tế - xã hội năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Báo cáo của Thủ tướng nêu rõ, tình hình biển Đông gần đây diễn biến phức tạp, trong đó có việc vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của Việt Nam được xác định theo luật pháp quốc tế, trái với Tuyên bố DOC và các thỏa thuận cấp cao.

“Chúng ta đã, đang và tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng nhiều biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và đấu tranh trên thực địa; đồng thời gìn giữ môi trường hòa bình và quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước. Chủ trương đúng đắn, lập trường chính nghĩa và các nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta đã nhận được sự đồng tình, chung sức của nhân dân cả nước và sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế”, Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo trước Quốc hội
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo trước Quốc hội

Cũng theo Thủ tướng, thời gian qua, quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được giữ vững; các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh. Khu vực phòng thủ, tăng cường tiềm lực quốc phòng được chú trọng xây dựng, nền quốc phòng toàn dân được củng cố, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; ngăn chặn kịp thời các hoạt động, âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động.

Theo chương trình làm việc, tại kì họp này, Quốc hội sẽ nghe báo cáo về công tác đối ngoại năm 2019, trong đó có tình hình Biển Đông.

Liên quan tới tình hình Biển Đông, Bộ Ngoại giao Việt Nam thể hiện rất rõ quan điểm: Việt Nam kiên quyết phản đối việc nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc hành động vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên vùng biển của mình được xác định phù hợp với các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với phía Trung Quốc về vấn đề này, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không có những hành vi làm gia tăng căng thẳng, gây phức tạp tình hình, đe dọa đến hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông cũng như ở khu vực; không để tái diễn hành động vi phạm tương tự. Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và các quyền lợi hợp pháp của Việt Nam tại Biển Đông bằng các biện pháp luật pháp quốc tế cho phép.

Việt Nam khẳng định quan điểm nhất quán là mọi hoạt động kinh tế biển của Việt Nam, trong đó có hoạt động dầu khí đều được triển khai trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hoàn toàn thuộc Việt Nam, được xác định từ lãnh thổ đất liền, theo đúng quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

Những yêu sách bất hợp pháp, không phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, không thể là cơ sở để khẳng định rằng có tồn tại các vùng biển tranh chấp hay chồng lấn. Các hành vi cản trở hoạt động dầu khí của Việt Nam trên vùng biển của mình như nêu trên là sự vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Việt Nam cũng khẳng định lại lập trường của mình đối với vấn đề chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Đánh giá kết quả đạt được, bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo, kể từ khi kì họp thứ 7 kết thúc các bộ, ngành đã rất tích cực tập trung chỉ đạo giải quyết, trả lời một khối lượng rất lớn  2.224 kiến nghị của cử tri trên toàn quốc gửi tới kì họp, trong đó đã trả lời nhanh chóng, đầy đủ, đúng thời hạn với số lượng lớn kiến nghị của cử tri, nổi bật là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (147/147 kiến nghị), Bộ Công thương,…

Một số cơ quan đã giải quyết xong toàn bộ kiến nghị cử tri gửi đến kì họp thứ 7 như: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Ngân hàng nhà nước Việt Nam. Nhiều Đoàn ĐBQH đánh giá cao về nội dung trả lời của các bộ, ngành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Quốc phòng; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Nội vụ; Bộ Công an; Bộ Tài chính,...