Cử tri bức xúc tình trạng tham nhũng, kê khai tài sản cán bộ, "lợi ích nhóm" BOT

VietTimes -- Cử tri và nhân dân rất bức xúc về tình trạng lạm dụng quyền hạn làm trái quy định về công tác cán bộ; việc bổ nhiệm sai quy trình, thiếu hoặc không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành và địa phương.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn - Ảnh: Hải Nguyễn/Lao động
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn - Ảnh: Hải Nguyễn/Lao động

Sáng nay (23/10) sau khi Khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân.

Ông Trần Thanh Mẫn cho biết, cử tri và nhân dân rất phấn khởi, thể hiện sự tin tưởng mạnh mẽ vào Đảng, Nhà nước trong việc quyết liệt đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đã phát hiện và xử lý nghiêm nhiều vụ án tham nhũng; có phương án giải quyết, xử lý đối với một số dự án đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả; xử lý nhiều cán bộ, công chức vi phạm, kể cả cán bộ cao cấp.

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân vẫn cho rằng, việc phát hiện tham nhũng nhìn chung còn chưa kịp thời; số hành vi tham nhũng bị xử lý hành chính, kỷ luật nhiều nhưng số bị xử lý hình sự và kết quả thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp; việc kê khai và kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ còn hình thức. Cử tri và Nhân dân rất bức xúc về tình trạng lạm dụng quyền hạn làm trái quy định về công tác cán bộ; việc bổ nhiệm sai quy trình, thiếu hoặc không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành và địa phương.

Cử tri và Nhân dân đề nghị Đảng, Nhà nước quyết liệt hơn nữa trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, kiên quyết xử lý những đảng viên, cán bộ, công chức có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, có hành vi tham nhũng, lãng phí, kể cả cán bộ đã nghỉ hưu; đồng thời công khai kết quả xử lý cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân biết để giám sát.

Đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương đề xuất, hoàn thiện, sửa đổi quy định pháp luật có liên quan nhằm ngăn chặn những kẽ hở trong công tác tổ chức cán bộ; làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của Nhân dân, báo chí trong phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Cử tri và nhân dân cho rằng, việc lập quy hoạch các khu đô thị, các dự án lớn thiếu khoa học, nhất là việc xây dựng quá nhiều chung cư cao tầng tại các khu vực trung tâm trong khi hạ tầng chưa đồng bộ. Tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài và úng ngập nghiêm trọng khi có mưa lớn, triều cường, gây khó khăn cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Nhân dân nhiều thành phố, trong đó có Hà Nội và TP HCM đề nghị Chính phủ chỉ đạo chính quyền địa phương công khai và thực hiện nghiêm các quy hoạch đã được phê duyệt. Trước khi triển khai lập, điều chỉnh các dự án lớn tại trung tâm các đô thị cần tổ chức lấy ý kiến nhân dân, thực hiện tốt việc đánh giá tác động môi trường, đảm bảo tính khả thi.

Chủ trương của nhà nước về đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội được cử tri đánh giá cao. Tuy nhiên, cử tri tại một số địa phương bức xúc và phản ánh về việc phê duyệt, đầu tư, quản lý và vận hành các trạm BOT giao thông còn nhiều bất cập, khoảng cách đặt trạm thu phí quá dày, mức phí cao, gây bất bình trong nhân dân.

Trước Quốc hội, ông Trần Thanh Mẫn đưa ra hàng loạt các trạm thu phí BOT còn nhiều bất cập như trạm thu phí cầu Bến Thủy (Nghệ An), Sông Rác (Hà Tĩnh), Tam Nông (Phú Thọ), Cai Lậy (Tiền Giang) và Bờ Đậu (Thái Nguyên). Ngoài ra, cử tri cũng cho rằng, việc quản lý các trạm BOT còn chưa chặt chẽ, gây lãng phí và thất thoát.

“Cử tri và Nhân dân hoan nghênh việc Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ GTVT rà soát các dự án BOT và đề xuất các giải pháp để giải quyết những bất hợp lý hiện nay, xử lý nghiêm các vi phạm, chống tiêu cực, “lợi ích nhóm” trong thực hiện các dự án BOT”, ông Trần Thanh Mẫn cho hay.