Ông Archimesdes L. A. Patti:

"Cụ Hồ thấu hiểu quần chúng"

VietTimes -- "Cụ Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập. Tuy khó nắm bắt hết nội dung của Tuyên ngôn qua người phiên dịch, song Patti cảm nhận được “cứ nghe giọng nói của Cụ Hồ, bình tĩnh, rõ ràng, ấm cúng và thân mật, và nghe thấy được quần chúng trả lời thì chúng tôi không còn nghi ngờ gì nữa là Cụ đã thấu tới tận quần chúng”- A.Patti.
Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước VNDCCH.
Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước VNDCCH.

Trên đường từ sân bay Gia Lâm về Hà Nội ngày 22/8/1945, Patti thấy có nhiều biểu ngữ và cờ đỏ sao vàng tràn ngập phố xá. Hà Nội thanh bình sau ngày Việt Minh giành được chính quyền.

Trưa 29/8, Cụ Hồ cho xe đón Patti đến phố Hàng Ngang gặp Người. Người thông báo cho Patti về phiên họp đầu tiên của Chính phủ mới ở Bắc Bộ phủ, rằng ngày 2/9 Người sẽ công bố nền độc lập dân tộc, ra mắt các thành viên Chính phủ và chương trình hành động của Chính phủ cho mọi người đều biết.

Archimedes L.A.Patti (1913-1998).
Archimedes L.A.Patti (1913-1998).

Patti được Cụ Hồ cho xem bản thảo Tuyên ngôn độc lập và rất ngạc nhiên khi trong đoạn đầu nhắc đến một số từ rất giống với Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776. Patti tỏ ý ngạc nhiên thì nhận được câu hỏi lại nhã nhặn của Cụ Hồ: “Tôi không thể dùng được câu ấy à?”. Patti lúng túng: “Tất nhiên, tại sao không”.

Patti cũng nhận thấy các từ “tự do” và “quyền sống” đã bị thay đổi. Cụ Hồ liền nói: “Đúng, không thể có tự do mà không có quyền sống, cũng như không thể có hạnh phúc mà không có tự do”.

Sáng 1/9, thứ bảy, ai cũng bận rộn, hớn hở và vội vàng, nhưng không ai tỏ ra hấp tấp. Trước cửa nhà, trên ban công, ngoài cổng ra vào đầy cờ đỏ, hoa, đèn và những khẩu hiệu “Độc lập và tự do cho Việt Nam!”, “Hoan nghênh Đồng Minh!”.

Buổi chiều, Patti được Cụ Hồ mời cơm. Ông Hoàng Minh Giám phấn khởi thông báo dân chúng đã tự bỏ tiền ra để sửa sang, làm vệ sinh và trang trí phố phường phục vụ ngày lễ. Ông Võ Nguyên Giáp tỏ ý muốn có một số đội diễu binh, nhưng bộ đội vừa mới ở rừng về không có đủ thời gian luyện tập, do vậy các đơn vị chỉ xếp hàng đứng tại chỗ. Sau bữa cơm, Cụ Hồ mời Patti uống cà phê. Người ôn lại những sự cộng tác của Người với người Mỹ tại Trung Quốc và bày tỏ mong muốn người Mỹ ủng hộ nền độc lập của nước Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhóm Con Nai năm 1945
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhóm Con Nai năm 1945

Trưa 2/9, nhóm của Patti đi đến Quảng trường Ba Đình. Đội danh dự trong trang phục mũ bấc, đồng phục kaki, quần soóc, tất cao và vũ khí mới. Đây là lực lượng được huấn luyện, trang bị và có kỷ luật nhất. Ngoài ra, còn có các đội dân quân, tự vệ với nhiều loại vũ khí khác nhau. Không khí oi bức, nhưng đôi lúc có vài cơn gió nhẹ làm phấp phới cả biển cờ trên quảng trường. Bất chợt, có tiếng còi và hiệu lệnh quân sự phát ra từ các đội hình. Đội danh dự và các đơn vị bộ đội đứng thẳng. Mấy phút sau nổi lên tiếng hô “Bồng súng chào!”. Trên lễ đài, mọi người đều mặc đồ trắng, thắt cavát và đầu để trần, trừ Cụ Hồ mặc đồ kaki màu sẫm.

Cụ Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập. Tuy khó nắm bắt hết nội dung của Tuyên ngôn qua người phiên dịch, song Patti cảm nhận được “cứ nghe giọng nói của Cụ Hồ, bình tĩnh, rõ ràng, ấm cúng và thân mật, và nghe thấy được quần chúng trả lời thì chúng tôi không còn nghi ngờ gì nữa là Cụ đã thấu tới tận quần chúng”.

Trước khi về Mỹ, tối 31/9/1945, Patti được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời dự tiệc chia tay. Sau bữa cơm, Cụ chia sẻ với Patti sự thất vọng khi Mỹ đang trang bị và tiếp tế cho quân Pháp tái xâm lược Đông Dương. Cụ tỏ ý không thể nào hiểu được việc “cả Mỹ và Anh đã nhiều lần tuyên bố công nhận quyền của các dân tộc tự lựa chọn lấy hình thức chính quyền mà họ muốn; cả Mỹ và Anh đều tuyên bố trong Hiến chương Đại Tây Dương về sự cần thiết phải khôi phục chủ quyền và quyền tự trị cho các dân tộc đã bị người ta cưỡng đoạt mất. Tại sao điều đó lại không được áp dụng cho Việt Nam?” - Cụ Hồ hỏi Patti, rồi khẳng định: “Điều đó, họ sẽ phải trả bằng một giá đắt”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiễn Patti ra tận cửa ngoài, cảm ơn Patti đã chịu nghe Cụ “diễn thuyết” và nói: “Bon voyage (Chúc lên đường may mắn), mong sớm quay trở lại, lúc nào ông cũng được chúng tôi hoan nghênh”. Khi xe nổ máy, “tôi  nhìn lại vẫn thấy bóng dáng nhỏ nhắn của Cụ Hồ ở cửa, vẫy chào tạm biệt. Cụ hiện ra mong manh đấy nhưng thực tế thật là bất khuất”.

Thiếu tá Archimesdes L. A. Patti nguyên là Trưởng phòng Đông Dương, Cơ quan Phục vụ chiến lược (OSS, tiền thân của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ - CIA). Ngày 22/8/1945, Patti được OSS phái đến Hà Nội với nhiệm vụ thu thập tin tức tình báo, trợ giúp và phối hợp với quân đội Tưởng Giới Thạch tổ chức giải giáp quân đội Nhật và giải quyết vấn đề tù binh chiến tranh. Vận may đã giúp cho Patti trở thành một trong rất ít những người Mỹ đầu tiên tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham dự buổi Lễ độc lập của Việt Nam tại Quảng trường Ba Đình. Năm 1980, Patti xuất bản cuốn sách “Why Việt Nam” (Tại sao Việt Nam), mô tả những ngày sục sôi Tổng khởi nghĩa của dân tộc Việt Nam, biểu thị lòng tôn kính đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời thể hiện sự “áy náy” đối với việc nước Mỹ bỏ lỡ cơ hội thiết lập quan hệ với nước Việt Nam mới - một “sự nhỡ nhàng” kéo dài suốt… 50 năm.