Covid-19 và canh bạc cả đời của người đàn ông giàu nhất hành tinh

Không giống như những thiên tài công nghệ khác, Jeff Bezos không đặt cược vào lợi nhuận từng quý hay từng năm, thay vào đó tìm cách xây dựng một đế chế trường tồn.

1. Bất chấp cả dịch bệnh

Khi Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu, gần như ông lớn nào cũng phải đối mặt với những khủng hoảng chưa từng thấy trong lịch sử hoạt động. Theo báo cáo của Strategy Analytics, thị trường smartphone đã suy giảm tới 38% trong quý 2, một con số chưa từng có tiền lệ. Một báo cáo khác từ Canalys cho thấy thị trường PC cũng giảm 8%, mặc dù nhu cầu "gia tăng mạnh" nhưng chuỗi cung ứng gặp rối loạn, cung không đủ cầu. Apple, Huawei, Samsung, Xiaomi…, kẻ thì cảnh báo suy giảm, kẻ thì báo tin vui nhưng không đạt kỳ vọng.

Các ông lớn là vậy, giới startup cũng không khá khẩm hơn là bao. Khi các quốc gia bị phong tỏa và người dân bị hạn chế đi lại, những "kỳ lân" khởi nghiệp như Uber hay Airbnb cũng nhanh chóng chứng kiến lượng người dùng suy giảm mạnh. Trong nhiều trường hợp, các dịch vụ này còn gặp chỉ trích nặng nề khi ép buộc nhân công đối mặt với các nguy hiểm gia tăng trong mùa dịch..

Ấy thế mà bất chấp những khó khăn to lớn đang bao trùm lên toàn bộ ngành công nghiệp hi-tech, có một ông lớn vừa mới chạm mức cổ phiếu cao nhất trong lịch sử. Trong lúc ngành công nghiệp hi-tech đang vật lộn với bài toán cho nhân công nghỉ việc hay chấp nhận rủi ro, ông lớn này tuyển liên tiếp 100.000 lao động trong tháng 3 và 75.000 lao động trong tháng 4. Dịch bệnh càng gây khó khăn, khách hàng càng tìm đến ông lớn này - đến mức mà các khách hàng mới mua thực phẩm nay còn bị từ chối.

2. Gã khổng lồ đặc biệt

Như bạn đã đoán ra, ông lớn đó chính là Amazon. Đế chế bán lẻ số 1 hành tinh đang bước chân vào giai đoạn thịnh vượng chưa từng có khi người dùng bị hạn chế đi siêu thị và chuyển sang mua hàng qua mạng. Tại "quê nhà" Hoa Kỳ, 250.000 cửa hàng đã buộc phải đóng cửa, mở rộng đường cho Amazon siết chặt gọng kìm lên ngành bán lẻ. Hiện tại, giá trị vốn hóa của Amazon đang đạt 1,12 nghìn tỷ USD, đứng sau duy nhất gã khổng lồ phần mềm Microsoft.

Nhưng ít ai biết rằng, ông lớn này đã phải trải qua biết bao nhiêu sóng gió kể từ khi thành lập hơn 20 năm trước.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất thập niên 90 do bong bóng dot-com gây ra, giá cổ phiếu Amazon đã có ngày giảm từ 107 USD xuống còn 7 USD, tiền mặt cạn kiệt đến mức chỉ còn đủ "sống" trong 10 tháng. Năm 2014, Amazon tham chiến smartphone và… thất bại thảm hại, lỗ 170 triệu USD.

Năm 2018, các nhà phân tích chỉ ra một sự thật thú vị: lợi nhuận cả đời của Amazon tính đến hết năm 2017 vẫn không bằng… lợi nhuận một quý của Apple. Ngay cả khi đã hoạt động ổn định trong 3 năm qua, khả năng sinh lời của Amazon vẫn thua xa các ông lớn công nghệ khác. Quý 4/2019, lợi nhuận của Amazon chỉ đạt 3,3 tỷ USD, bằng 1/7 Apple.

Ấy vậy mà giờ đây Apple đã tuột khỏi "câu lạc bộ nghìn tỷ", Amazon thì vẫn đang tiếp tục "lên đỉnh". Ngày 14/4 theo giờ Mỹ, công ty của tỷ phú Jeff Bezos chạm mức 2242 USD, vượt mốc 2170 USD đạt được vào tháng 2 vừa qua.

3. Minh chứng Covid-19

Khác với Apple hay phần lớn các gã khổng lồ công nghệ khác, Amazon không đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên hết. Thực tế, do phần lớn doanh thu đến từ một thị trường vô cùng khắc nghiệt là thị trường bán lẻ, Amazon đã thường xuyên đan xen các quý lỗ/lãi. Ngay cả trong những năm vừa qua, khi nền kinh tế tương đối ổn định, Amazon vẫn có nhiều quý chứng kiến lợi nhuận chỉ mỏng như dao cạo.

Nhưng Amazon vẫn đứng vào hàng ngũ các gã khổng lồ công nghệ thống trị thế giới. Từ những ngày đầu thành lập, Amazon đã khai sinh ra một triết lý sau này được coi là "kim chỉ nam" cho các startup: đốt tiền để chiếm thị phần. Khi đã trở thành "bá chủ" của thị trường bán lẻ trực tuyến, Amazon có quyền tự do làm bất cứ điều gì mình muốn: mở rộng sang các mảng kinh doanh mới (thực phẩm), ra mắt các phương thức giao hàng của tương lai, thử sức với phần cứng hay đơn giản chỉ là tuyển dụng ồ ạt như hiện nay. Lợi nhuận có thể tăng hoặc giảm, nhưng Amazon sẽ mãi mãi là một gã khổng lồ không thể gục ngã.

Covid-19 chính là minh chứng cho sức mạnh tuyệt đối của Amazon khi sánh vai cùng các ông lớn khác. Lợi nhuận của Amazon có thể thấp hơn Apple, nhưng khi dịch bệnh nổ ra, doanh thu của Apple cũng sớm suy giảm, hoạt động bị gián đoạn, chiến lược nhiều khả năng cũng không thực hiện được. Lòng tin của Phố Wall vào Apple vì thế cũng trồi sụt bất thường.

4. Không thể gục ngã

Còn Amazon thì sao? Ngay cả trong dịch bệnh, Amazon vẫn đứng vững. Công ty của tỷ phú Jeff Bezos giờ đã là bá chủ trong một ngành kinh doanh thiết yếu, không thể suy giảm ngay cả trong những hoàn cảnh ngặt nghèo nhất. "Trong dịch bệnh, mọi người sẽ tập trung vào sức khỏe, thực phẩm và xà phòng rửa tay hơn là mua iPhone", nhà phân tích Dan Ives khẳng định với Fortune. Amazon bán tất cả các sản phẩm sức khỏe, thực phẩm, xà phòng. Khi các cửa hàng Apple Store bị buộc phải đóng cửa vô thời hạn, người tiêu dùng vẫn có thể mua iPhone từ Amazon.

Bảo sao, trải qua thảm họa dot-com hay suy thoái kinh tế 2008 mà các startup, các kỳ lân chỉ giỏi… đốt tiền vẫn cứ tiếp tục mọc lên như nấm. Cũng giống như Jeff Bezos ngày nào, họ mang tham vọng thống trị một lĩnh vực nào đó, biến mình trở thành một kẻ không thể gục ngã giống như Amazon.

Lợi nhuận ngắn hạn còn có nghĩa khi một ngày nào đó, công ty của bạn bỗng dưng kiệt quệ vì một thảm họa khó lường trước như Covid-19? Bạn muốn lợi nhuận ngắn hạn, hay muốn nắm trong tay một đế chế đánh bại cả dịch bệnh? Đây là canh bạc cả đời của người giàu nhất hành tinh, và ngay lúc này đây, một thảm họa y tế toàn cầu đã chứng minh rằng ông đã chọn đúng.

Theo Trí thức trẻ