Covid-19: Khẩu trang- đeo hay không đeo?

VietTimes -- Trong khi một số ý kiến tại Mỹ đồng thuận việc đeo khẩu trang sẽ làm giảm nguy cơ lây lan dịch Covid-19, một số khác lại cho rằng điều này chưa chắc tạo ra sự bảo vệ tốt hơn, khi các biện pháp khác như rửa tay, tạo khoảng cách an toàn khi tiếp xúc sẽ bị xem nhẹ, và đặc biệt dẫn đến sự thiếu hụt khẩu trang cho đội ngũ nhân viên y tế.  
Đeo khẩu trang đúng cách giúp tránh lây lan virus corona (Ảnh internet)
Đeo khẩu trang đúng cách giúp tránh lây lan virus corona (Ảnh internet)

Theo một quan chức liên bang, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (Centers for Disease Control and Prevention - CDC) hiện đang thảo luận nội bộ, xem xét điều chỉnh hướng dẫn phòng chống Covid-19 chính thức theo hướng khuyến khích người dân thực hiện các biện pháp che mặt nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Hướng dẫn mới của CDC nêu rõ, người dân không nên sử dụng khẩu trang y tế, bao gồm cả khẩu trang phẫu thuật và khẩu trang N95, vốn đang rất thiếu và cần thiết cho các nhân viên y tế. Thay vào đó, người dân được khuyến khích sử dụng khẩu trang vải hoặc khẩu trang tự chế, theo một quan chức khác chia sẻ trên Facebook cá nhân. Giới quan chức lưu ý biện pháp đeo khẩu trang sẽ như một giải pháp giúp “san phẳng đường cong” (“flattened the curve”, làm giảm số lượng người nhiễm bệnh trong cùng một lúc nhằm tránh quá tải cho hệ thống chăm sóc y tế tại một thời điểm).

Giới quan chức CDC lưu ý biện pháp đeo khẩu trang sẽ như một giải pháp nhằm “san phẳng đường cong” (flattened the curve) - Ảnh: CNBC.
Giới quan chức CDC lưu ý biện pháp đeo khẩu trang sẽ như một giải pháp nhằm “san phẳng đường cong” (flattened the curve) - Ảnh: CNBC.

Trong cuộc họp báo hàng ngày của Nhà Trắng mới đây, Tổng thống Donald Trump đã được hỏi liệu mọi người có nên đeo khẩu trang hay không? Ông Trump cho biết: “Đó chắc chắn là điều chúng ta có thể thảo luận”.

Hiện tại, CDC đang khuyến nghị tất cả người dân thực hiện cách ly xã hội, không đứng gần hơn trong vòng 06 feet với người khác, đặc biệt là những người bị nghi nhiễm bệnh. Virus Corona lây lan qua các giọt bắn hô hấp không được sol khí (aerosol, hệ keo của các giọt chất lỏng trong không khí hoặc chất khí khác) và do đó nó không lơ lửng trong không khí mà rơi nhanh xuống đất. Các giọt dịch tiết hô hấp bị bắn ra khi nói chuyện và bị bắn xa hơn khi ho hoặc hắt hơi.

Bên đồng thuận

Một nhóm các nhà khoa học, chuyên gia y tế, học giả và người có ảnh hưởng đã nhấn mạnh với mọi người về việc đeo khẩu trang hoặc che phủ mặt có thể bằng vật dụng tự chế khi đến những nơi công cộng hoặc đông người nhằm giảm tốc độ lây truyền của Covid-19.

Nhà nghiên cứu khoa học người Úc - Jeremy Howard không đồng tình với khuyến nghị trước đây của CDC và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khi chỉ những người bị bệnh và nhân viên chăm  sóc y tế mới cần đeo khẩu trang, những người khỏe mạnh không nhất thiết phải đeo khẩu trang.

Thomas Inglesby - Giám đốc Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins đã đề cập trong một cuộc phỏng vấn rằng CDC nên khuyến khích mọi người sử dụng khẩu trang phi y tế hoặc tự che phủ mặt. “Tôi cho rằng đây là một bước thận trọng mà tất cả chúng ta có thể thực hiện nhằm giảm sự lây truyền từ những người bị nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng”, ông cho biết. “Khẩu trang tự chế, có thể được may từ quần áo cũ của gia đình, vốn không hoàn hảo và không nên coi đây là cái cớ để ngừng cách ly xã hội”.

Nổi bật trong số những người thúc đẩy quan điểm này là Scott Gottlieb, một bác sỹ nội khoa và là Cựu ủy viên của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) trong chính quyền ông Trump. Gottlieb là tác giả chính của kế hoạch ứng phó với đại dịch được xuất bản vào Chủ nhật bởi Viện Doanh nghiệp Mỹ, định hình lộ trình khôi phục nền kinh tế. Kế hoạch cho biết, trong giai đoạn đầu khi dịch bệnh lây lan nhanh, mọi người, kể cả những người không có triệu chứng nên được khuyến khích đeo khẩu trang tại nơi công cộng. Trên chương trình “Face the Nation” của đài truyền hình CBS phát sóng vào Chủ nhật vừa qua, Gottlieb cho biết cụ thể hơn: “Chúng ta nên phổ biến hướng dẫn từ CDC về cách mọi người có thể tự chế một chiếc khẩu trang cho riêng mình”.

Khẩu trang vải hoặc handmade được CDC khuyến khích - Ảnh: Mario Anzuoni /Reuters.
Khẩu trang vải hoặc handmade được CDC khuyến khích - Ảnh: Mario Anzuoni /Reuters.

Gottlieb và các cộng sự thừa nhận rằng khẩu trang tự chế, có thể ngẫu hứng từ một thứ gì đó như khăn tay (bandanna), hay thậm chí là khẩu trang y tế, cũng không đủ để bảo vệ khỏi việc bị lây nhiễm virus. Tuy nhiên, nó có thể hạn chế lượng dịch tiết hô hấp bắn ra từ người đeo khẩu trang. Các nhà dịch tễ học tin rằng, những người nhiễm bệnh có thể lây truyền virus ngay cả khi họ không có triệu chứng.

Gần đây, môt bài báo trên tạp chí Lancet đã làm rõ các khuyến nghị khác nhau được đưa ra bởi các Chính phủ trên khắp thế giới trong đại dịch. Các tác giả cho biết, có thể đề nghị những người dễ bị tổn thương nên tránh những khu vực đông người và sử dụng khẩu trang y tế một cách hợp lý khi tiếp xúc tại những nơi có nguy cơ cao. Covid-19 có thể bị lây truyền trước khi có triệu chứng. Sự lây lan trong cộng đồng sẽ giảm nếu tất cả mọi người, kể cả những người bị nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng đeo khẩu trang.

Theo Viện Công nghệ & Nhân lực Quốc tế, một video đã đăng tải trên Youtube cho thấy các nhà nghiên cứu sử dụng chùm tia laser trong phòng thí nghiệm tối để nghiên cứu việc nói chuyện cũng bắn ra các giọt chất lỏng, và kêu gọi mọi người nên che mặt để ngăn chặn những giọt bắn này khi nói chuyện. Đoạn video kết thúc với sự xuất hiện không chính thức của Harold Varmus - Cựu Giám đốc Viện Sức khỏe Quốc gia và Viện Ung thư Quốc gia Mỹ. “Các thí nghiệm về chùm tia laser chứng minh rõ ràng rằng, bạn không nhất thiết phải ho hay hắt hơi mới phát ra các giọt chất lỏng, mà có khả năng nguồn lây nhiễm virus đáng kể là từ nói chuyện, nói ít cũng đủ để tạo ra chúng”, ông Varmus cho biết trên The Washington Post.

“Đeo khẩu trang cũng có tác dụng như một lời nhắc nhở cho tất cả rằng chúng ta đang trong tình trạng khủng hoảng, hãy cố gắng trở thành một người công dân có trách nhiệm bằng cách che miệng lại”, ông Varmus cho biết “Không có gì bạn có thể làm để biến rủi ro thành con số 0, hãy cân bằng các hành vi và tài nguyên một cách hợp lý và nếu bạn gặp ai đó trong 20 giây, sẽ khác với việc bạn gặp trong 20 giờ”.

Bên không đồng thuận

Một số ý kiến có phần sâu xa hơn cho rằng việc đeo khẩu trang chưa chắc đã tạo ra sự khác biệt cũng như tác động tích cực tới Covid-19. Đeo khẩu trang có thể khiến mọi người cảm thấy an toàn hơn (một cách giả tưởng), dẫn đến sự buông lỏng và không thực hiện nghiêm cách ly xã hội. Khẩu trang bị nhiễm virus nếu không được làm sạch hoặc xử lý đúng cách cũng sẽ là nguồn phát tán virus.

Khuyến nghị tất cả người dân nên đeo khẩu trang có thể sẽ dẫn đến sự thiếu hụt khẩu trang cho đội ngũ nhân viên y tế - Ảnh: Aljazeera
Khuyến nghị tất cả người dân nên đeo khẩu trang có thể sẽ dẫn đến sự thiếu hụt khẩu trang cho đội ngũ nhân viên y tế - Ảnh: Aljazeera

Nỗi sợ hãi của các chuyên gia y tế đã tác động đến người dân khiến họ ráo riết săn lùng khẩu trang, làm nguồn dự trữ trong các kho bị can kiệt. Đó là lý do tại sao bác sĩ phẫu thuật Jerome Adams đã đăng Twitter vào cuối tháng 2: Hãy dừng mua khẩu trang!

Nhà dịch tễ học Ilhem Messaoudi tại TP.Irvine, bang California đưa ra lưu ý: Virus Corona lây lan chủ yếu qua các giọt bắn hô hấp. Duy trì khoảng cách 06 feet và rửa tay thường xuyên vẫn là các cách hiệu quả nhất để ngăn chặn sự lây nhiễm. Bà Messaoudi cho biết thêm: “Trong khi các thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) cho đội ngũ nhân viên y tế của chúng tôi đang bị thiếu hụt thì thật thiếu trách nhiệm đối với những ai đang đề xuất đeo khẩu trang, giảm nguồn cung cho bác sĩ và y tá, những người tiếp xúc rất gần dưới 06 feet với bệnh nhân có triệu chứng và bệnh nhân chuyển biến nặng.”

Hai tuần trước, CDC đã bổ sung và điều chỉnh các chiến lược nhằm tối ưu hóa việc cung cấp khẩu trang. Tại các cơ sở chăm sóc y tế, khi khẩu trang bị hết, có thể sử dụng khẩu trang tự chế, chẳng hạn từ khăn tay (bandanna), khăn quàng cổ như một phương sách cuối cùng để bảo vệ khi chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19.

Bên hai chiều

Jeffrey Duchin, một quan chức y tế cấp cao của Seattle và Quận King, Washington, nơi đầu tiên bùng phát mạnh dịch Covid-19 tại Mỹ cho biết. Bộ Y tế không khuyến khích người không bị mắc bệnh đeo khẩu trang bởi vì lợi ích việc làm này mang lại là không chắc chắn và cũng bởi sự thiếu hụt khẩu trang cho nhân viên y tế.

“Về mặt lý thuyết, khẩu trang tự chế có thể bảo vệ được nếu tối ưu hóa vật liệu và tính phù hợp, nhưng điều này không chắc chắn”, ông Duchin cho biết trong một e-mail với tờ The Washing Post. “Cũng có khả năng việc đeo khẩu trang có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm hơn nếu các khuyến nghị khác (như rửa tay và giữ khoảng cách) ít có khả năng được tuân theo hoặc nếu khẩu trang bị nhiễm virus và bị chạm vào.

Tuy nhiên, ông Duchin không hoàn toàn phản đối. Ông cho biết: “Khẩu trang vải nếu được tự chế tốt hoặc được sản xuất thương mại đến người dân sẽ không làm giảm nguồn cung cần thiết cho đội ngũ nhân viên y tế và có thể tạo ra sự bảo vệ nhất định”.