Covid-19 giúp sách online lên ngôi

VietTmes -- Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát, doanh thu của các đơn vị sách truyền thống giảm mạnh. Ngược lại, số lượng sách bán online và sách điện tử lại tăng mạnh.  
Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo khai mạc Hội sách trực tuyến quốc gia 2020
Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo khai mạc Hội sách trực tuyến quốc gia 2020

Theo số liệu của Cục Xuất bản, In và Phát hành ( Bộ TT&TT), trong những tháng đầu năm 2020, doanh thu của các đơn vị phát hành sách truyền thống giảm mạnh nhất là ở hai thị trường lớn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. 

Tuy nhiên, một điểm sáng của ngành in và xuất bản thời gian này là số lượng sách bán qua hình thức online và sách điện tử đã tăng mạnh. Thời gian cách ly xã hội, hạn chế đi lại, trẻ nhỏ học tập tại nhà cùng với việc các địa điểm vui chơi giải trí, rạp chiếu phim, quán cà phê, nhà hàng, điểm du lịch… đóng cửa đã khiến cho nhu cầu mua sách về nhà đọc tăng cao.

Đơn vị lớn nhất trong lĩnh vực bán sách online hiện nay như Tiki trong hai tháng đầu năm 2020 tỷ lệ tăng trưởng mặt hàng sách tăng 150% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, 5 mảng sách bán chạy nhất là: Sách văn học, kỹ năng sống, thiếu nhi, kinh tế và truyện tranh. Đặc biệt, hai loại sách có mức độ tăng trưởng cao trong hai tháng đầu năm nay so với cùng thời điểm năm ngoái là sách y học (tăng gấp 2,7 lần) và sách thường thức gia đình (tăng gấp 2 lần).

Một số đơn vị khác như Fahasa, Anfabook, Nhã Nam, Thái Hà book đều ghi nhận sự tăng trưởng này với mức từ 20-30%, Phương Nam tăng trên 70%. Sự tăng trưởng đột biến của phát hành sách online ít nhiều bù đắp một phần doanh thu cho các đơn vị, giúp cho các đơn vị có thêm cơ hội duy trì hoạt động.

Trong thời Covid-19, bên cạnh thị trường sách online, thị trường sách điện tử cũng có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Theo Waka (đơn vị duy nhất trong khối phát hành sách được cấp phép phát hành sách điện tử), doanh thu tăng khoảng 20-30% trong tháng 2. Cuối tháng 2, lượng user truy cập vượt hơn 15.000 lượt trong đó đối tượng bạn đọc VIP tăng đáng kể. Số thư viện mua tài khoản tăng. Việc huy động kinh phí để tổ chức xuất bản sách in truyền thống (với sự phối hợp với các nhà xuất bản, nhà sách) sau khi xuất bản phiên bản điện tử thuận lợi hơn. Việc thí điểm bán lưu niệm và các vật phẩm văn hóa khác qua fan club cũng có nhiều thuận lợi, mở ra nguồn doanh thu mới ngoài sách.

Đặc biệt việc, Bộ TT&TT khai trương Hội sách trực tuyến quốc gia 2020 vừa qua sẽ là cơ hội rất lớn cho các đơn vị phát hành sách trực tuyến vì được Bưu điện Việt Nam thực hiện ưu đãi chi phí vận chuyển.

Có thể nói các đơn vị phát hành bán sách qua hình thức online và sách điện tử đã biến thách thức thành cơ hội trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 hoành hành.