Covid làm hoàn thiện môi trường kinh tế số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Đại dịch Covid-19 đã làm nổi lên mô hình kinh tế mới - Covidnomics - vượt ra ngoài khuôn khổ các định hình kinh tế trước đây. Việt Nam được coi là một điển hình của mô hình kinh tế mới này.

Trên thực tế, giá trị kinh tế số của Việt Nam trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2019 đã chiếm 4,2%, cao nhất các nước Đông Nam Á. Trong năm năm kể từ năm 2015, nguồn dữ liệu của Google, Temasek, Bain & Company cho biết mức độ tăng trưởng kinh tế số hàng năm của Việt Nam đạt đến 38%, so với Indonesia 49%, Philippines 32%, Thái Lan 29%, Malaysia 21%, và Singapore 17%. Nhưng đại dịch Covid-19 làm cho kinh tế số vượt ngưỡng ở hầu hết các lĩnh vực, và đây là lúc sử dụng ưu thế Covidnomics để hoàn thiện môi trường kinh tế số ở Việt Nam.

Sự ra đời mô hình kinh tế Covidnomics

Thuật ngữ Covidnomics mới xuất hiện trên trang web của Diễn đàn Kinh tế thế giới từ giữa tháng 9-2020 theo sau bài viết mang tựa đề The Rise of Covidnomics. Nhóm nghiên cứu do giáo sư kinh tế Kaushik Basu (thuộc Đại học Cornel) dẫn đầu đã lấy dữ liệu đến quí 2-2020 để phân tích và nhận ra yếu tố phi kinh điển. Cường độ của đại dịch và ảnh hưởng của nó trên nền kinh tế của mỗi nước khác nhau, tùy vào chính sách can thiệp của quốc gia đó. Basu viết: “Trong cuộc khủng hoảng virus corona, điều quan trọng là các nhà kinh tế làm việc cùng với các chuyên gia y tế để phát triển một kế hoạch phục hồi toàn diện. Nếu không, việc ưu tiên cái này và loại bỏ cái kia có thể dẫn đến suy thoái kinh tế hoặc y tế”.

Hai nền kinh tế hoạt động kém nhất trong quí 2-2020 là Peru và Ấn Độ, nơi GDP giảm lần lượt 30,2% và 23,9% so với cùng kỳ. Sự sụt giảm kỷ lục này do đại dịch gây ra, nhưng cũng do cách đối phó với nó. Ở Peru, sự sụt giảm GDP có liên quan đến tỷ lệ tử vong thô (CMR- crude mortality rate) do Covid-19 khá cao, trong khi sự sụt giảm ở Ấn Độ khó giải thích hơn. Tuy nhiên, người ta nhận ra các loại kết nối y tế - kinh tế tạo ra phạm vi cho các can thiệp chính sách nhằm giữ cho nền kinh tế không bị suy yếu (cho dù có dịch hay không có dịch). Đây là phạm trù đặc biệt của mô hình kinh tế Covidnomics.

Mỹ và châu Âu, hai khối kinh tế tiên tiến nhất thế giới, cũng đã bị virus corona “hạ gục”. Các chính sách can thiệp được đưa ra bao gồm các gói kích thích và chu cấp ngân khoản cá nhân nhằm tránh nguy cơ sụp đổ hệ thống kinh tế - xã hội. Các chính phủ đang tìm kiếm và can thiệp bằng các chính sách thông minh, được thiết kế tốt, cho phép họ kiểm soát virus mà không làm nền kinh tế ngừng trệ. Họ có thể tác động cả việc cung cấp lương cao cho những người đối mặt trực tiếp với virus corona như bác sĩ hay người giao hàng để có thể giữ nguyên chuỗi cung ứng trong khi phá vỡ chuỗi lây truyền virus.

Cuộc chuyển hướng ào ạt sang nền kinh tế số

Nhưng, các chính sách can thiệp chỉ là nhất thời trong khi cuộc chuyển hướng số hóa nền kinh tế là lâu dài. Sự chuyển hướng lúc đầu chỉ để đối phó với hoàn cảnh đại dịch bùng phát, nhưng nay đã trở thành một nhân tố phát triển bền vững cho nền kinh tế. Đại dịch virus corona đã thúc đẩy việc áp dụng kỹ thuật số trên toàn thế giới. Người tiêu dùng muốn có các sản phẩm và dịch vụ theo yêu cầu cho dù đó là đồ ăn, hàng tạp hóa, khóa học thể dục, y tế, hội nghị, học tập hay giải trí từ xa. Khi các cộng đồng và nền kinh tế trỗi dậy khỏi đại dịch, tư duy tiêu dùng mới sẽ gửi tín hiệu rõ ràng đến các thương gia ở mọi hình dạng và quy mô, rằng mua sắm trực tuyến và “giao dịch không chạm” là điều cần thiết để xây dựng doanh nghiệp và đảm bảo lòng trung thành của khách hàng hiện tại và trong tương lai.

Một cuộc khảo sát của công ty tư vấn McKinsey công bố trong tháng 10-2020 đã chứng minh sự chuyển hướng ào ạt này và cũng cho thấy vai trò ưu tiên kinh tế số về lâu dài. Và, trên thực tế kinh tế số đang vượt ngưỡng nơi nhiều lĩnh vực mà trước đây chúng ta nghĩ đang hoặc sắp bão hòa. Chỉ trong thời gian ngắn, cuộc khủng hoảng Covid-19 đã tăng tốc số hóa những tương tác giữa khách hàng và chuỗi cung ứng cũng như các hoạt động nội bộ của các công ty tương đương nhiều năm trước, con số cụ thể ở đây là ba năm đối với Bắc Mỹ và châu Âu, bốn năm đối với châu Á- Thái Bình Dương.

Cũng qua cuộc khảo sát này, việc áp dụng kỹ thuật số đã thực hiện một bước nhảy vọt ở cả cấp độ tổ chức và ngành, thúc đẩy bởi hàng loạt người tiêu dùng chuyển sang các kênh trực tuyến, và rồi các công ty và ngành công nghiệp đã nhanh chóng phản ứng lại. Có lẽ đáng ngạc nhiên hơn hết là tốc độ tạo ra các dịch vụ kỹ thuật số hoặc nâng cao kỹ thuật số. Tại các khu vực, kết quả cho thấy tỷ lệ các công ty đang phát triển các sản phẩm và dịch vụ này tăng trung bình toàn cầu tương đương với bảy năm. Một lần nữa, bước nhảy vọt về sản phẩm bản chất kỹ thuật số ở châu Á - Thái Bình Dương chỉ trong mấy tháng sau dịch bệnh bùng phát đã vượt quá 10 năm, trong khi mức độ tương đương ở châu Âu là bảy năm và Bắc Mỹ là sáu năm. Từ đây, có thể nhận ra vị trí kinh tế số của Việt Nam trong tương lai.

Covidnomics hoàn thiện môi trường kinh tế số

Để tạo nên những bước nhảy vọt này, trước hết là sự xuất hiện số lượng và chủng loại ứng dụng (app). Ở Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, những ứng dụng mới xuất hiện trên cả năm công cụ kinh tế số chính là social media, video streaming, instant messaging, eCommerce và food delivery.

Hệ thống ứng dụng, cũ và mới, như đang hình thành nên một loại văn hóa hay khuynh hướng tiêu dùng trong tương lai khi đại dịch qua đi. Đến 85% người tiêu dùng kỹ thuật số trên khắp Đông Nam Á cho biết họ đã thử các ứng dụng kỹ thuật số mới trong quí đầu tiên của năm 2020. Các ứng dụng có mức tăng cao nhất nằm trong mạng xã hội đạt mức 38%, phát video 35%, tin nhắn 30%, thương mại điện tử 23%, và mạng lưới giao thực phẩm 17%.

Xem ra, thương mại điện tử hay eCommerce chỉ chiếm một tỷ lệ khiêm tốn, 23%, so với các lĩnh vực kinh tế số khác. Vì thế đã có tác giả nghĩ rằng kinh tế số Việt Nam không tăng trong thời đại dịch, nhưng không phải, họ mới chỉ dùng con số kinh doanh của các trang thương mại điện tử như Shopee, Lazada hay Sendo, Tiki... Người tiêu dùng nay đang đổ xô vào các ứng dụng mới trong tầm tay và cũng đơn giản hơn. Những con số trên xuất hiện trong báo cáo “Southeast Asia Digital Consumer Trends that Shape the Next Normal” do Bain & Company và Facebook công bố. Họ cũng nhắc lại “một trong những cơ hội lớn nhất chưa được khai thác cho chi tiêu trực tuyến nằm ở hàng tạp hóa: thị trường trị giá 350 tỉ đô la Mỹ ở Đông Nam Á với mức thâm nhập 0,3% trong khu vực”. Đó là của năm 2019, còn nay con số đã tăng vọt lên.

Bản chất của mô hình kinh tế Covidnomics là can thiệp chính sách, và nay là lúc để thiết kế các chính sách hoàn thiện nền kinh tế số vốn là thành phần tất yếu của thời kỳ bình thường mới (new normal).

Ở Việt Nam, việc tăng cường kỹ năng số là quan trọng nhất vì chúng ta rất thiếu nhân lực cho nền kinh tế số. Lượng sinh viên công nghệ thông tin ra trường thì rất nhiều nhưng trình độ nói chung thiếu và yếu, và đây là lúc để thiết kế một chính sách đào tạo mới. Việc rà soát các quy định cản trở phát triển kinh tế số cũng là nhiệm vụ cấp bách, bao gồm rào cản hậu cần, phương thức thanh toán, tiếp cận băng thông, năng lực hỗ trợ, và cuối cùng là môi trường vĩ mô cùng cải thiện những quy định liên quan đến kỹ thuật số và kinh tế số.

Tài liệu tham khảo:

https://www.weforum.org/agenda/2020/09/the-rise-of-covidnomics-medial-economic-priorities

https://theaseanpost.com/article/southeast-asias-Internet-economy-booming

https://www.mckinsey.com/business-functions/strategy-and-corporate-finance/our-insights/how-covid-19-has-pushed-companies-over-the-technology-tipping-point-and-transformed-business-forever

https://theaseanpost.com/article/post-pandemic-digital-consumer-trends

https://theaseanpost.com/article/aseans-digital-economy-not-growing-fast-enough

Theo TheSaiGonTimes