Tăng giá điện thêm 8,36% để lành mạnh hóa tình hình tài chính cho ngành điện

VietTimes – Thông tin này vừa được Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng chia sẻ. Đây sẽ là lần điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân thứ 8, kể từ năm 2010 - mà tất cả đều là điều chỉnh tăng.
Giá bán lẻ điện bình quân sẽ tăng mạnh từ cuối tháng 3 này. (Ảnh: Internet)
Giá bán lẻ điện bình quân sẽ tăng mạnh từ cuối tháng 3 này. (Ảnh: Internet)

Phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân do Bộ Công thương xây dựng, dự kiến sẽ được công bố chính thức trong ít ngày tới, để đưa vào áp dụng từ cuối tháng 3/2019.

Sau khi được điều chỉnh, giá bán lẻ điện bình quân sẽ tăng từ mức hiện tại, là 1.720,65 đồng/kWh, lên thành 1.864,4 đồng/kWh - tương đương với khoảng 8 cents/kWh, bằng con số tương ứng ở các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và thấp hơn nhiều quốc gia khác trong khu vực.

Ý nghĩa của việc tăng giá điện, theo Thứ trưởng Vượng, là một biện pháp cần thiết để lành mạnh hóa tình hình tài chính cho EVN và các doanh nghiệp ngành điện, đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành.

Trước khi đưa ra quyết định điều chỉnh giá điện, Bộ Công thương và các cơ quan liên quan đã cân nhắc thấu đáo, xem xét trên nhiều yếu tố - mà quan trọng nhất vẫn là nguyên tắc cung cầu.

Theo đó, thời gian qua, nhu cầu tiêu thụ điện trong nước liên tục tăng cao  - ở mức trên 10%/năm. Để đáp ứng nhu cầu này, ngành điện phải huy động nhiều hơn các nguồn điện có giá thành cao – như điện khí, điện dầu, điện gió, điện mặt trời, điện than… để cân đối.

Trong khi, trên thị trường trong nước và thế giới, từ năm ngoái đến năm nay, giá dầu khí, giá than đã tăng đáng kể. Thực tế này cộng với chi phí thuế, phí tăng thêm đã làm tăng chi phí đầu vào cho ngành sản xuất, phân phối điện thêm hàng chục nghìn tỷ đồng.

Nếu không điều chỉnh giá bán điện, EVN và các doanh nghiệp ngành điện sẽ gặp nhiều khó khăn, đe dọa sự tồn tại và phát triển bền vững.

Tác động giảm GDP 0,22%, tăng lạm phát 0,24%

Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, kế hoạch tăng giá điện thực tế đã được đặt ra từ năm 2018 nhưng vì mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã chỉ đạo hoãn việc tăng giá điện.

Đến năm nay, vấn đề này điều chỉnh giá điện lại được đặt ra và đã được thường trực Chính phủ chấp thuận.

Về lý do tại sao mức điều chỉnh lại được ấn định ở 8,36% mà không phải ít hơn, ông Vượng cho biết, trong 7 lần điều chỉnh trước đó (tính từ năm 2010), mức điều chỉnh đều đạt trên 6%, cá biệt có lần điều chỉnh tới 15%. Lần điều chỉnh gần nhất vào cuối năm 2017 là hơn 6,08%.

Theo quy định hiện hành, việc điều chỉnh tăng giá điện từ 5 – 10% thuộc thẩm quyền của Bộ Công thương, nhưng cần có sự chấp thuận về mặt chủ trương của Thủ tướng.

Vị Thứ trưởng Bộ Công thương cũng tiết lộ, tính toán các yếu tố liên quan theo mô hình kinh tế lượng thì mức điều chỉnh giá điện lần này đáng ra phải là gần 10%. Nhưng sau khi cân nhắc các vấn đề và xem xét cả kế hoạch hoạch vĩ mô cho năm 2019, thường trực Chính phủ đã thống nhất mức điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân lần này ở mức 8,36%.

Mức điều chỉnh 8,36% như đã nói được tính toán là sẽ tác động làm tăng chỉ số lạm phát (CPI) lên 0,24% và làm giảm chỉ số tăng trưởng GDP đi 0,22%. Tuy nhiên, tác động này sẽ được khỏa lấp và hỗ trợ trong cân đối vĩ mô, đảm bảo các mục tiêu kinh tế - xã hội về đích theo kế hoạch.

Giữ giá được bao lâu?

Trước câu hỏi rằng sau lần tăng giá tới đây, dự kiến được bao lâu, Bộ Công thương mới lại điều chỉnh giá tiếp, ông Vượng cho biết “điều này không ai dám chắc”, bởi nó phù thuộc vào diễn biến thị trường.

Tuy nhiên, theo quy định, hai lần điều chỉnh giá điện liên tiếp không được cách nhau dưới 6 tháng./.