Tàu ngầm nguyên tử thuộc Hạm đội Biển Bắc lại thử tên lửa ICBM Bulava

VietTimes -- Ngày 14.01.2019, Bộ Quốc phòng Nga công bố thông tin cho biết, tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa thuộc Hạm đội Biển Bắc đã phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa Bulava-30. Thông tin liên tiếp về những loại vũ khí chiến lược của Nga đã trở thành nỗi ám ảnh của truyền thông phương Tây.
Tàu ngầm nguyên tử Nga phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Bulava. Ảnh Russian Gazeta.
Tàu ngầm nguyên tử Nga phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Bulava. Ảnh Russian Gazeta.

Bộ Quốc phòng Nga không cho biết chiến hạm nào thuộc Hạm đội Biển Bắc đã phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Bulava-30. Tên lửa này đã được phóng khi tàu đang ở trạng thái lặn ngầm.

Tên lửa Bulava-30 được chế tạo để trang bị cho các tàu ngầm chiến lược lớp Borey. Cho tới nay mới chỉ có 3 tàu ngầm nguyên tử lớp Borevy được đưa vào biên chế. Hạm đội biển Bắc được trang bị tàu đầu tiên của dự án mang tên "Yuri Dolgoruky".

Tàu ngầm Yuri Dolgoruky được đưa vào biên chế năm 2013, đồn trú tại Gadzhiyevo, căn cứ thường xuyên của phi đoàn tàu ngầm hạt nhân Hạm đội Biển Bắc. 

Yuri Dolgoruky được trang bị 16 tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn Bulava-30, mỗi tên lửa có thể mang 10 đầu đạn hạt nhân có các đường bay và mục tiêu riêng biệt. Tầm bắn của tên lửa Bulava đạt đến 9.300km.

Những thành tựu khoa học liên tiếp của Nga đặt Mỹ và phương Tây trong một tình huống rất phức tạp. Mặc dù truyền thông Mỹ và các cường quốc khác cố gắng đưa ra những bình luận có lợi cho ưu thế của hệ thống vũ khí chiến lược Mỹ và phương Tây, nhưng những vũ khí Nga hiện có đang từng bước đẩy phương Tây vào cuộc chạy đua phát triển công nghệ vũ khí mới - Điều mà trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, phương Tây đã buộc Liên Xô phải thực thi. Với sự phát triển vũ khí vượt trội của Trung Quốc về số lượng, của Nga về chất lượng, ngân sách quốc phòng của các nước châu Âu sẽ tăng đến mức gây "sốc" cho người đóng thuế tại các quốc gia này. 

Tàu ngầm nguyên tử Nga phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Bulava. Video: Bộ Quốc phòng Nga.