Syria bị Israel không kích - Nga muốn xây thế trận phòng không giống Việt Nam

VietTimes -- Ngày 21.01.2019, Trung tâm chỉ huy và điều hành công tác quốc phòng Nga cho biết, không quân Israel không kích Syria từ 3 hướng khác nhau, chỉ riêng không phận Địa Trung Hải đã có 4 chiếc F-16, nhưng các tên lửa hành trình và bom bay có điều khiển không đánh trúng được mục tiêu dự kiến.
Tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 khi bị tên lửa Israel tấn công. Ảnh minh họa South Front
Tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 khi bị tên lửa Israel tấn công. Ảnh minh họa South Front

Trên hướng sân bay quốc tế Duvali ngoại ô Damascus, các tổ hợp phòng không Pantsir-S1 và Buk-M2 bắn hạ 7 tên lửa hành trình có điều khiển. TASS dẫn nguồn Trung tâm Quốc phòng cho biết: các tổ hợp phòng không Syria ngăn chặn thành công cuộc không kích của Israel vào sân bay quốc tế Damascus, không có tên lửa hoặc bom bay nào đánh trúng mục tiêu, hạ tầng cơ sở của sân bay an toàn.

Theo tuyên bố của Bộ quốc phòng Syria, hệ thống phòng không bắn hạ khoảng 30 tên lửa và bom lượn có điều khiển của không quân Israel. Bộ quốc phòng Syria cũng không đề cập đến những tuyên bố từ phía Bộ quốc phòng Israel về các phương tiện phòng không (Pantsir-S1) bị phá hủy, cũng không nêu chi tiết cụ thể về những tổn thất hạ tầng cơ sở của Syria.

Ngay sau năm 2011, toàn bộ lực lượng phòng không Syria hoàn toàn bị phá hủy và tan rã. Không quân Israel rất an toàn khi không kích các mục tiêu trên không phận Syria. Từ năm 2015, được sự giúp đỡ của các cố vấn quân sự Nga, quân đội Syria bắt đầu tổ chức lại lực lượng phòng không trên nhiều khu vực trọng yếu của đất nước. 

Hiện nay, hệ thống phòng không Syria khá phức tạp với nhiều vũ khí phương tiện khác nhau. Trong biên chế có tổ hợp Pantsir-S1, các tổ hợp tên lửa phòng không S-75 và S-125  (bao gồm cả phiên bản nâng cấp Pechora-2M), các tổ hợp "Kvadrat", "Buk"-M2E và S-200.

Nga đã cung cấp và kết nối các phương tiện phòng không Syria bằng một hệ thống trinh sát, chỉ huy, điều hành tác chiến nhất thể hóa. Nhưng trong một thời gian ngắn ngủi, hệ thống từ chỉ huy cao cấp đến các kíp trắc thủ (kể từ sự cố IL-20 Nga) vẫn chưa thể thuần thục kỹ năng tác chiến trong một môi trường phòng không đơn nhất, khả năng cơ động và kịp thời tăng cường lực lượng trên các hướng tấn công chính của đối phương rất hạn chế. Hiện nay các lực lượng và phương tiện phòng không chính của Syria tập trung gần Damascus, trên khu vực bờ biển và gần thành phố Homs.

Nga viện trợ hệ thống tên lửa tiên tiến S-300 PMU2 cho Syria, nhưng trong tình huống hệ thống phòng không Syria đang phải tổ chức và huấn luyện lại, S-300 PMU2 chưa phát huy được tác dụng. Nếu các tổ hợp tên lửa tầm thấp và tầm trung không thể bảo vệ vững chắc không gian chiến trường, tổ hợp S-300 PMU2 có thể trở thành mục tiêu bị Israel và các nước phương Tây tập trung phá hủy. Phòng không Syria sẽ hoàn toàn sụp đổ.

Để giải quyết tình trạng này, bộ quốc phòng Nga quyết định sử dụng các cuộc không kích của Israel như một đối tượng huấn luyện sát thực tế chiến đấu, buộc các đơn vị phòng không Syria phải nâng cao sức chiến đấu và khả năng chuyên nghiệp hóa của mình bằng các phương tiện đã cũ, đảm bảo chắc chắn không phận Syria bằng các loại vũ khí đã cũ trước khi đưa S-300 PMU2 vào trận, tương tự như thế trận phòng không Việt Nam áp dụng trước đây trong cuộc chiến chống Mỹ.

Rõ ràng, với tính cách phong trào, tự do và thiếu kỷ luật của người Ả rập, kinh nghiệm chiến đấu, tổ chức chỉ huy và điều hành tác chiến theo tinh thần “tử vì đạo” là một trở ngại rất lớn. Việc biến hệ thống phòng không Syria trở thành hệ thống phòng không nhân dân đa tầng như ở Việt Nam đòi hỏi một thời gian khá lớn.

Trong cuộc tập kích đường không của Israel lần này, có thể quân đội Syria đã có tổn thất về trang thiết bị phòng không. Con số 4 quân nhân Syria thiệt mạng và 6 người khác bị thương cho thấy một trận địa phòng không đã bị tấn công. Căn cứ trên video, được đăng tải trên tài khoản quân đội Israel, chuyên gia quân sự Yuri Lyamin bình luận về sự cố đã diễn ra, tạm công nhận tên lửa Israel đã phá hủy 2 xe Pantsir-S1.

Phương tiện phòng không đầu tiên rất khó xác định là Pantsir-S1, nhưng tổ hợp bị tấn công trực tiếp vào thời điểm đang phóng tên lửa tấn công các mục tiêu trên không. Phương tiện phòng không thứ hai rõ ràng là Pantsir-S1.

Chuyên gia quân sự độc lập Lyamin cho rằng, không quân Israel sử dụng tên lửa hành trình Delilah có tầm bắn 250km để tấn công Pantsir. Tên lửa có một tính năng kỹ thuật thú vị là khả năng bay tuần thám, theo dõi trong khu vực mục tiêu trước khi tấn công.

Các phi công Israel đã sử dụng một chiến thuật rất đặc biệt, được gọi là "quá tải”. Tổ hợp phòng không bị tấn công bằng nhiều tên lửa khác nhau, trong đó đòn tấn công bằng Delilah sẽ là đòn quyết định hủy diệt mục tiêu. Mục tiêu thứ 2 rõ ràng là Pantsir-S1, nhưng tổ hợp phòng không trong trạng thái không sẵn sàng chiến đấu, có thể đã bắn hết đạn và đang chờ nạp lại, hoặc kíp trắc thủ đã mất cảnh giác bỏ xe trên địa bàn trống trải.

Nhà bình luận quân sự Syria, Mohammed Saleh Alftayeh nhận xét: video được làm từ nhiều phần riêng biệt (đoạn 0h17). Theo video, không quân IDF sử dụng tên lửa hành trình Harop tấn công hệ thống Pantsir-S1. IAI Harop có thể nói là một máy bay không người lái chống radar, được trang bị radar thụ động, có khả năng tự động xác định tọa độ mục tiêu phát sóng vô tuyến, được trang bị hệ thống camera quang ảnh nhiệt để xác định mục tiêu và truyền thông tin về sở chỉ huy.

Ngày 10.05.2018, IDF (Lực lượng Phòng vệ Israel) đã sử dụng tên lửa hành trình lai ghép máy bay không người lái IAI Harop phá hủy một tổ hợp Pantsir-S1 không hoạt động của quân đội Syria.

Tên lửa, máy bay không người lai IAI Harop của Israel. Ảnh South Front
 Tên lửa, máy bay không người lai IAI Harop của Israel. Ảnh South Front

Nhà bình luận quân sự Alftayeh nhận xét, Pantsir bị tấn công khi đang ngừng hoạt động. Do vị trí radar của Pantsir-S1 đang ở trong trạng thái cơ động chiến đấu, ngoài ra trong video còn thấy có một xe vận tải đang ở gần Pantsir-S1, có thể là xe nạp đạn.

Tóm tắt những tình tiết này cho thấy, video của Israel được làm từ nhiều phần khác nhau, do đó không thể rõ ràng, đó là tổ hợp Pantsir-S1 đang chiến đấu bị phá hủy hay là một tổ hợp tên lửa khác, do không có đặc trưng của hỏa lực pháo phòng không 30mm. Phần tiếp theo của video là Pantsir-S1 bị hủy diệt khi đang trong trạng thái không sẵn sàng chiến đấu.

Tổ hợp Pantsir-S1 khi bị phá hủy đang không hoạt động. Tổ hợp có thể đã sử dụng hết đạn và đang chờ nạp lại. Chính tại thời điểm này, tên lửa Israel đã tấn công.

Tỏ hợp Pantsir khi bị tấn công đang trong trạng thái tạm ngừng chiến đấu, có thể để nạp đạn lại. Ảnh: South Front.
Tỏ hợp Pantsir khi bị tấn công đang trong trạng thái tạm ngừng chiến đấu, có thể để nạp đạn lại. Ảnh: South Front.

Thực tế chiến trường cho thấy, chiến thuật phòng không của quân đội Syria không được bố trí thành hệ thống đa tầng đa nòng với một hệ thống chỉ huy thống nhất, không năng động sáng tạo và chưa có khả năng cơ động cao. Các phương tiện phòng không tác chiến đơn lẻ, không có sự phối hợp nhuần nhuyễn của các lực lượng khác nhau, dẫn đến tình trạng bỏ lọt mục tiêu trên hướng kẻ thù tấn công.

Các phương tiện phòng không không có vị trí trú ẩn, ngụy trang sau khi sử dụng hết cơ số vũ khí và tái nạp đạn, hoàn toàn không cảnh giác, đề phòng các cuộc tấn công từ rất nhiều hướng và nhiều phương tiện tác chiến đường không của Israel. Nhược điểm mất cảnh giác và không chuẩn bị điều nghiên chi tiết kẻ thù luôn khiến quân đội Syria phải trả giá đắt trong cuộc chiến tranh phức tạp với một đối thủ rất mạnh như Israel.

Tổ hợp tên lửa phòng không Buk-M2 xuất kích trên một trận địa phòng không Syria. Video: tài khoản VK Thông tin Quân sự.