Bóng dáng khu phức hợp ven sông Sài Gòn nhìn từ một bức hình minh họa

VietTimes -- Các doanh nghiệp – nhất là doanh nghiệp đại chúng, doanh nghiệp niêm yết – vốn rất cân nhắc trong việc lựa chọn hình ảnh minh họa cho báo cáo thường niên. Nếu là hình ảnh về các dự án thì đó phải là những dự án tiêu biểu, nổi bật, thậm chí là mang tính biểu tượng…
Hình ảnh chụp từ phần Chairman’s Statement trong một báo cáo thường niên năm 2017.
 Hình ảnh chụp từ phần Chairman’s Statement trong một báo cáo thường niên năm 2017.

Bức ảnh này được chụp từ báo cáo thường niên năm 2017 (Annual Report 2017) của một tập đoàn bất động sản. Nó được sử dụng để minh họa cho phần Thông điệp của Chủ tịch HĐQT (Chairman’s Statement).

Hình ảnh thể hiện phối cảnh của một khu phức hợp bất động sản hiện đại, đồng bộ và bề thế - chạy theo một dải bờ sông, được giới hạn bởi hai chi lưu của con sông và nhìn thẳng sang một bầu đất, nhiều khả năng là một bán đảo. Bán đảo này, thoạt nhìn, có vẻ được quy hoạch khá tốt – ngoài những tòa nhà còn có cả một khu liên hợp thể thao nằm sát bờ sông (hình ảnh một sân vận động), và nối với khu phức hợp bởi một cây cầu dây văng hiện đại.

Khung cảnh xung quanh khu phức hợp được phối cảnh, cho thấy nó thuộc về một đô thị đang phát triển, với những khu dân cư, những khối nhà cao thấp và những con đường nhỏ to không vuông vắn.

Một bản phối cảnh tương đối rõ nét, đủ thành phần và ít nhiều quen mắt đối với nhiều nhà phát triển địa ốc trên địa bàn TP. HCM.

Người viết đã thử gửi bức ảnh này cho ba nhà doanh nghiệp bất động sản tại thành phố này. Cả ba đều nói, đó là khu đất ven sông Sài Gòn ở Quận 4, chạy dọc theo đường Nguyễn Tất Thành – từ cầu Khánh Hội (bắc qua rạch Thị Nghè) đến cầu Tân Thuận (bắc qua kênh Tẻ).

Quan điểm của người viết cũng trùng hợp như vậy, khi lần đầu tiên nhìn thấy tấm hình. Bất kể hiện trạng dải đất vẫn đang chủ yếu là các kho bãi, bến cảng; và cây cầu nối qua sông vẫn chỉ là trong dự kiến (cầu Thủ Thiêm 3, nối Quận 2 và Quận 4 (chỗ đường Tôn Đản)).

Các trục đường chính, mép sông, thế đất… trong bức hình phối cảnh gần như trùng khớp với địa thế của đôi bờ sông Sài Gòn, đoạn quận 4 và phần bên kia sông của bán đảo Thủ Thiêm. Ô đất sát bờ sông đoạn giao giữa con rạch phía trái bức ảnh vẫn thấy thấp thoáng dáng vẻ quen thuộc của khu di tích Bến Nhà Rồng; hay hình ảnh sân vận động của bên bán đảo – nếu ai đó đã từng xem qua quy hoạch tổng thể của bán đảo Thủ Thiêm, hẳn sẽ thấy một sân vận động tương tự được quy hoạch cùng vị trí đó và cả những cung đường…

Liệu có nơi nào trên thế giới lại có thể giống đến vậy (?!).

Một phối cảnh trong ý tưởng thiết kế “The Saigon Riverfront: A New Vision for Ho Chi Minh City’s Historic Port”. (Nguồn: architech.vn; inla.cn; ndh.vn)
 Một phối cảnh trong ý tưởng thiết kế “The Saigon Riverfront: A New Vision for Ho Chi Minh City’s Historic Port”. (Nguồn: architech.vn; inla.cn; ndh.vn)

Thực tế, nếu ai đã từng biết đến ý tưởng thiết kế “The Saigon Riverfront: A New Vision for Ho Chi Minh City’s Historic Port” (tạm dịch: “Bờ sông Sài Gòn: Một tầm nhìn mới cho khu cảng lịch sử của thành phố Hồ Chí Minh”) được cho là do Sasaki Associates công bố vào năm 2017, chắc chắn sẽ tin rằng, bức hình phối cảnh mà tập đoàn nọ dùng để minh họa cho Chairman’s Statement đích thị là của dải đất dài 2km ven bờ Tây của sông Sài Gòn, thuộc Quận 4, TP.HCM.

Sasaki Associates – công ty thiết kế toàn cầu có trụ sở tại Boston (Hoa Kỳ) và mở văn phòng tại Thượng Hải (Trung Quốc) – nên nhớ chính là đơn vị, vào năm 2003, đã thắng giải thưởng cao nhất tại cuộc thi thiết kế Trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm, bán đảo xanh rộng 657 hecta đối diện Quận 1.

Sasaki Associates từng thắng giải thưởng cao nhất tại cuộc thi thiết kế Trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm. (Ảnh: sasaki.com)
Sasaki Associates từng thắng giải thưởng cao nhất tại cuộc thi thiết kế Trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm. (Ảnh: sasaki.com)

Sau đó, Sasaki Associates đã cùng Ban Quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm và Viện Quy hoạch Xây dựng TP.HCM đã cùng làm việc để hoàn tất đồ án quy hoạch 1/5000 và 1/2000 Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Mục tiêu chính của đồ án mới là cập nhật cải thiện quy hoạch năm 1996 và 1998.

Tháng 4/2010, Sasaki Associates đã trúng gói thầu thiết kế quy hoạch chi tiết khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm, trị giá 600 nghìn USD.

SRE Group Limited

Các doanh nghiệp – nhất là doanh nghiệp đại chúng, doanh nghiệp niêm yết – vốn rất cân nhắc trong việc lựa chọn hình ảnh minh họa cho báo cáo thường niên. Nếu là hình ảnh về các dự án (đã hình thành hoặc dự kiến trong tương lai) thì đó phải là những dự án tiêu biểu, nổi bật, thậm chí là mang tính biểu tượng; và dĩ nhiên, những dự án ấy phải do chính họ thực hiện, đầu tư, phát triển, hay chí ít cũng phải là một công trình ghi dấu.

Việc tập đoàn được đề cập ở đầu bài viết lấy phối cảnh khu phức hợp ven sông làm hình ảnh minh họa cho Chairman’s Statement hẳn sẽ khiến bạn tin rằng đó là dự án/thương vụ tiêu biểu của họ trong năm 2017.

SRE Group Limited có lấy ngẫu nhiên bức hình trên để minh họa cho Chairman’s Statement? (Ảnh chụp báo cáo thường niên 2017 của SRE Group Limited)
 SRE Group Limited có lấy ngẫu nhiên bức hình trên để minh họa cho Chairman’s Statement? (Ảnh chụp báo cáo thường niên 2017 của SRE Group Limited)

Khu phức hợp ấy, như đã nói, lại khớp như đặt với dải đất ven sông chạy dọc theo đường Nguyễn Tất Thành (Q.4, TP.HCM). Logic theo lẽ thông thường, nhiều người sẽ nghĩ rằng, tập đoàn kia hẳn phải là chủ đầu tư của khu phức hợp chạy dọc 2km bờ Tây sông Sài Gòn ở Quận 4.

Người viết cũng đã kiên nhẫn đọc hết báo cáo thường niên và nhiều báo cáo khác của tập đoàn này, nhưng tuyệt nhiên không thấy một dòng nào đề cập đến dự án tại TP. HCM.

Tập đoàn này khác với suy nghĩ của nhiều người, không phải là cái tên sừng sỏ trong giới địa ốc Việt Nam như Vạn Thịnh Phát hay đại gia nào đó - những ông lớn từng được nhắc đến nhiều tại dự án khu phức hợp Nhà Rồng – Khánh Hội ven bờ sông Sài Gòn, khu vực Quận 4.

Mà đó là một tập đoàn nước ngoài. Cụ thể là SRE Group Limited, một pháp nhân hoạt động theo mô hình holding company, được thành lập ở “thiên đường thuế” Bermuda vào năm 1999, nhưng lại đặt trụ sở chính tại Hong Kong, thực hiện niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hongkong (KHEX: 01207.HK) từ ngày 10/12/1999. Theo tìm hiểu, SRE Group Limited bắt đầu mang tên gọi hiện tại từ ngày 7/5/2007, sau khi đổi từ tên cũ Shanghai Real Estate Limited.

Cập nhật đến cuối năm 2017, cổ đông lớn nhất và giữ vai trò công ty mẹ của SRE Group Limited là China Minsheng Jiaye Invesment Co., Ltd. (viết tắt: CMIG Jiaye) - với tỷ lệ sở hữu 60,8%.

Ảnh chụp màn hình website của CMIG.
 Ảnh chụp màn hình website của CMIG.

CMIG Jiaye được thành lập ngày 16/7/2014 tại quận Hoàng Phố, TP. Thượng Hải (Trung Quốc) với vốn đăng ký (registered capital) ở mức 13,4 tỷ RMB (nhân dân tệ). Ngoài SRE Group Limited, CMIG Jiaye còn sở hữu chi phối ở hàng hoạt công ty niêm yết khác như CMIG Drawin (00726.HK), Yida China (03639.HK), và là một trong các cổ đông thiểu số lớn nhất của Yango Group (000671.SZ). Ngoài ra, CMIG Jiaye cũng sở hữu những khoản đầu tư chiến lược vào Jiangsu Changbao Co.,Ltd.(002478.SZ), và Ningbo Ligong Environment And Energy Technology Co.,Ltd.(002322.SZ).

Mà CMIG Jiaye lại là một thành viên chủ chốt của Tập đoàn đầu tư dân sinh Trung Quốc (China Minsheng Investment Group, viết tắt: CMIG) – một trong những tập đoàn đầu tư toàn cầu hàng đầu tại Trung Quốc, nên có thể hiểu SRE Group Limited là một phần trong hệ sinh thái của CMIG.

Chủ tịch CMIG Dong Wenbiao trong lần tiếp các DN đến tìm cơ hội hợp tác. (Ảnh: CIMG)
Chủ tịch CMIG Dong Wenbiao trong lần tiếp các DN đến tìm cơ hội hợp tác. (Ảnh: CIMG) 

CMIG được thành lập bởi 59 công ty tư nhân hàng đầu vào ngày 21/8/2014, với vốn đăng ký ở  mức 50 tỷ nhân dân tệ (khoảng 7,3 tỷ USD).

“Chúng tôi đã tạo dựng và duy trì được sự hiện diện mạnh mẽ tại Trung Quốc và các quốc gia tham gia Sáng kiến “Vành đai, Con đường” nhờ phát huy lợi thế về nguồn vốn, nguồn nhân lực tài năng và bề dày kinh nghiệm. Thông qua mạng lưới trao đổi nguồn vốn, kinh tế và văn hóa toàn cầu, CMIG đã góp phần thúc đẩy đầu tư bền vững và những thay đổi tích cực của nền kinh tế Trung Quốc”, CMIG tự giới thiệu trên website.

Doanh nhân Zhu Qiang

Trở lại với báo cáo thường niên năm 2017 của SRE Group Limited, như đã đề cập, người viết không thấy chi tiết nào trong báo cáo này đề cập cụ thể đến các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam và TP. HCM. Do đó, không loại trừ khả năng hình ảnh minh họa cho Chairman’s Statement đã được bộ phận thư ký của công ty này được lấy một cách ngẫu nhiên; Hoặc có thể có một nơi nào đó trên thế giới này – nơi mà SRE Group tham gia đầu tư – lại giống y đúc khu Quận 4, TP.HCM đến vậy; Hoặc…

Tuy nhiên, còn một chi tiết cũng nên lưu ý, đó là trong cơ cấu quản trị của SRE Group Limited có một lãnh đạo tên Zhu Qiang.

“Ông Zhu Qiang, năm nay 38 tuổi, được bầu tham gia Hội đồng Quản trị Công ty vào ngày 4/12/2015 và là một thành viên của Ủy ban Đầu tư. Ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Đầu tư của Công ty TNHH Đầu tư Minsheng Jiaye Trung Quốc. Ông có bằng cử nhân chuyên ngành quản lý kỹ thuật năm 2002 và bằng thạc sỹ chuyên ngành quản lý kinh tế và công nghệ vào năm 2005 từ Đại học Tongji.

Ông Zhu có trên mười năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực đầu tư và phát triển bất động sản, từng kinh qua nhiều vị trí, như Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Franshion Changsha, Tổng Giám đốc Công ty THHH Địa ốc Changsha Meixi Lake Jinyue. Ông cũng từng là Quản lý cấp cao phụ trách mảng đầu tư và phát triển của Công ty THHH Địa ốc Franshion (Trung Quốc) (nay được biết đến như Tập đoàn Jinmao Trung Quốc), một công ty được niêm yết trên Sàn chứng khoán Hồng Kong (mã chứng khoán: 817).

Zhu cũng  từng là Giám đốc phụ trách đầu tư, Ban quản lý đầu tư tại Jinmao, chuyên gia phân tích thị trường của Ban Quản lý Tập đoàn Yunfeng. Zhu hiện cũng là thành viên HĐQT của một số công ty con khác trong Tập đoàn” -  trích phần thuyết minh về ông Zhu Qiang trong báo cáo thường niên năm 2017 của SRE Group Limited.

Thuyết minh về ông Zhu Qiang trong Báo cáo thường niên 2017 của SRE Group Limited.
 Thuyết minh về ông Zhu Qiang trong Báo cáo thường niên 2017 của SRE Group Limited.
Chuyển biến bên trong dự án khu phức hợp Nhà Rồng - Khánh Hội
Ông Zhu Qiang (SN: 1979), theo tìm hiểu của VietTimes, là một doanh nhân có trải nghiệm kinh doanh khá tích cực tại thị trường địa ốc TP.HCM. Dữ liệu cập nhật từ cơ quan thuế cho thấy, nhà quản trị doanh nghiệp tới từ Thượng Hải đang đứng tên đại diện cho ít nhất 5 pháp nhân: CTCP Đường Khánh Hội; Công ty TNHH Phát triển Hạ tầng Bến Nghé, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Eastern View, CTCP Blue Pearl; CTCP Tập đoàn đầu tư phát triển đô thị Ngọc Viễn Đông. Tại hầu hết các doanh nghiệp vừa kể, ông Zhu đều giữ trọng trách Tổng Giám đốc.

Trong đó, đối với Công ty TNHH Phát triển Hạ tầng Bến Nghé (Bến Nghé), như VietTimes từng đề cập, đây chính là cổ đông chi phối phần lớn cổ phần của chủ đầu tư Khu phức hợp Nhà Rồng - Khánh Hội, một siêu dự án bất động sản bên bờ sông Sài Gòn, chạy dọc theo đường Nguyễn Tất Thành (Q. 4). Chủ sở hữu của Bến Nghé, nên biết, chính là CTCP Đường Khánh Hội./.