Vượt qua Apple, liệu Huawei có thể hiện thực hóa tham vọng thống lĩnh thị trường smartphone?

VietTimes -- Mặc dù xuất phát chậm hơn Apple 3 năm nhưng, theo lời tuyên bố của CEO Richard Yu, Huawei đang trên con đường tiến tới ngôi vương của ngành công nghiệp smartphone vào năm 2020.

Dạo một vòng xung quanh những thành phố lớn tại Trung Quốc, bạn sẽ thấy các cửa hàng bán lẻ của Huawei ở khắp các con phố. Lẽ dễ hiểu bởi Huawei đang là một trong những nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới.

Video: Những hình ảnh hiếm hoi bên trong trụ sở Huawei tại Thâm Quyến, Trung Quốc. Nguồn: CNBC

Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoa Vi (tên đầy đủ của Huawei) Trung Quốc đã chính thức vượt qua Apple để chiếm lĩnh vị trí thứ 2 trên thị trường, theo báo cáo thị phần cuối Q2/2018. Chưa dừng lại ở đó, CEO Richard Yu tuyên bố Huawei đang đặt mục tiêu đánh bại gã khổng lồ Hàn Quốc Samsung, để thống lĩnh ngành công nghiệp smartphone toàn cầu vào năm 2020.

Trả lời phỏng vấn trên CNBC, CEO Huawei nói: “Năm tới, chúng tôi sẽ tiến rất gần tới vị trí dẫn đầu, với thị phần có thể ngang bằng Samsung. Và ít nhất 1 năm sau (2020), có khẳng năng chúng tôi sẽ tận dụng được cơ hội trở thành nhà sản xuất smartphone số 1”.

Phát triển thần tốc

Chễm chệ ở vị trí thứ 2 trên thị trường smartphone toàn cầu, các sản phẩm công nghệ mà Huawei đang tập trung nghiên cứu và phát triển là smartphone gập, mạng viễn thông 5G và kính thực tế tăng cường (AR). Khó để tin rằng công ty có trụ sở tại Thẩm Quyến còn chưa sở hữu thương hiệu smartphone riêng cho tới năm 2010, 3 năm sau khi chiếc iPhone đầu tiên xuất hiện.

Xây dựng đế chế tại Trung Quốc nhờ nền móng là mảng thiết bị viễn thông, tới nay Huawei không những trở thành tên tuổi hàng đầu lĩnh vực này. Công ty còn là nhà thiết kế và gia công thiết bị hàng đầu thế giới.

Giám đốc điều hành tập đoàn Huawei, Richard Yu trong lễ ra mắt Huawei P20 tại Le Grand Palais ở Paris hồi tháng 3. Ảnh: CNBC
 Giám đốc điều hành tập đoàn Huawei, Richard Yu trong lễ ra mắt Huawei P20 tại Le Grand Palais ở Paris hồi tháng 3. Ảnh: CNBC

Quay về năm 2010, mẫu smartphone đầu tiên do Huawei sản xuất IDEOS chạy trên nền hệ điều hành Android được bán ra với giá khoảng 60 USD. 8 năm sau, mẫu thiết bị cầm tay mang thương hiệu Huawei tích hợp chip xử lý trí tuệ nhân tạo cùng nhiều tính năng độc đáo, có giá lên tới hơn 1.000 USD.

CEO Richard Yu là nhân vật đứng sau thành công của Huawei. Ông từng làm việc trong bộ phận kinh doanh (B2B) và trở thành Giám đốc mảng tiêu dùng vào năm 2012. Tầm nhìn chiến lược của ông Yu đã giúp Huawei tiến từ một công ty chỉ biết gia công phần cứng trở thành một thế lực trong ngành công nghiệp smartphone.

Thời điểm đó, CEO Huawei đã sớm nhận ra tiềm lực của công ty, thị hiếu của người dùng smartphone và sự bùng nổ của mạng viễn thông 4G. Ông Yu quyết định Huawei sẽ ngừng sản xuất điện thoại cơ bản (feature phone) và dốc toàn lực vào thị trường smartphone cao cấp với màn mình lớn và dung lượng pin khủng.

Chặng đường chông gai

Là nhân vật đại diện mảng tiêu dùng Huawei, ông Yu thường xuyên xuất hiện trong các sự kiện ra mắt sản phẩm của công ty. Là một người thẳng thắn và luôn mong muốn tìm kiếm điều mới mẻ, CEO hiện nay của Huawei đã không ít lần khiến hội đồng quản trị phật lòng.

Ảnh: Huawei
 Ảnh: Huawei

Trong thời gian nắm giữ cương vị Giám đốc mảng tiêu dùng Huawei, ông Yu từng phát biểu: “Tôi là người đơn giản, ghét sự quan liêu”. Ông chia sẻ: “Tôi thường khuyến khích đội ngũ có khả năng sáng tạo, phát triển những thứ mới mẻ táo bạo, làm điều mà nhiều người cho là hơi điên khùng để thách thức bản thân và toàn bộ ngành công nghiệp”.

Ông Yu kể rằng Huawei có lịch sử tập trung vào lĩnh vực doanh nghiệp và đã gặp không ít thách thức để thúc đẩy mảng điện tử tiêu dùng: “Thách thức lớn nhất đối với tôi là làm việc cho một công ty hoạt động trên mô hình B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp). Suy nghĩ này đã ăn sau vào các nhà quản lý, giám đốc điều hành, mọi nhân viên. Nhưng tôi phải tìm cách vận hành công ty tiêu dùng với những nhân sự này”. Ông Yu nói thêm: “Rất nhiều tranh luận, nhiều trở ngại bởi mọi người nói: ‘Bạn đang làm sai’. Trên thực tế chúng tôi phải vận hành nó đúng cách. Và đây là rào cản lớn nhất”.

Trí tuệ nhân tạo và smartphone màn hình gập

Vượt qua khó khăn, Huawei đã thành công trong lĩnh vực tiêu dùng. Phần lớn các sản phẩm đem đến tiếng vang cho công ty là smartphone bởi chúng tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến và mức giá khá phải chăng. Ví dụ, P20 Pro là smartphone đầu tiên sở hữu cụm 3 camera với giá chỉ khoảng 1.000 USD.

Hiện tại, Huawei đang tập trung phát triển chip xử lý AI riêng dành cho smartphone, tương tự Apple. Ông Yu quan niệm trí tuệ nhân tạo là công nghệ then chốt đưa smartphone lên một tầm cao mới và giúp công ty phát triển trong tương lai.

Theo CEO Huawei, AI sẽ là cơ sở để phát triển tất cả mọi dịch vụ trong tương lai. Nó kết nối ứng dụng, giúp chúng hoạt động trên nền tảng đa thiết bị. Và trong 10 năm nữa, tất cả điện thoại sẽ hỗ trợ AI.

Đồng thời, Huawei dự định sẽ tung ra mẫu smartphone gập đầu tiên vào tháng 3 năm tới. Đó cũng là thiết bị cầm tay đầu tiên của công ty hỗ trợ mạng viễn thông 5G. Ông Yu nói rằng kính thực tế tăng cường (AR) cũng là một trong những lĩnh vực được họ quan tâm. Bên cạnh đó, gã khổng lồ Trung Quốc sẽ không ngần ngại cạnh tranh ở mảng sản xuất máy tính xách tay và loa thông minh, như một cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng.

Huawei dự kiến sẽ ra mắt mẫu smartphone gập đầu tiên, tích hợp công nghệ 5G tại MWC 2019. Ảnh: Teknoratz
Huawei dự kiến sẽ ra mắt mẫu smartphone gập đầu tiên, tích hợp công nghệ 5G tại MWC 2019. Ảnh: Teknoratz

Và lãnh đạo Huawei  cho biết công ty cũng nhìn thấy tương lai trong lĩnh vực khác, ngoài phần cứng. Công ty sở hữu các dịch vụ lưu trữ đám mây, cung cấp âm nhạc, video phổ biến ở Đại lục. Tuy chưa được biết tới nhiều ngoài biên giới Trung Quốc nhưng số lượng người sử dụng Huawei Music hàng tháng đã lên tới 100 triệu, trong khi Spotify là 191 triệu người trên toàn cầu.

Tuy nhiên khác với Apple, biểu tượng công nghệ Mỹ đã thành công nhờ sở hữu hệ điều hành iOS dành cho iPhone. Với tiềm năng sẵn có, Huawei vẫn phải nỗ lực trong lĩnh vực kinh doanh dich vụ như các nhà sản xuất phần cứng truyền thống khác. Ví dụ điển hình là Samsung, công ty Hàn Quốc vẫn đang vật lộn với sự phụ thuộc vào Google.

Trưởng nhóm nghiên cứu tại CCS Insight, Ben Wood nhận định: “Hiện tại, tên tuổi của Huawei gắn liền với thiết bị phần cứng. Đó là điều cần thiết để thiết lập ý thức của người tiêu dùng, trước khi có thể mở rộng sang mảng cung cấp dịch vụ”.

Ông Wood cho rằng: “Rất nhiều dịch vụ được công nhận như Spotify với âm nhạc và Netflix với phim truyền hình đã có số lượng lớn người dùng. Rất khó để Huawei giành được thị phần trong lĩnh vực này”. Chuyên gia CSS Insight nói thêm: “Tuy nhiên, lịch sử cho thấy Huawei có thể cực kỳ ngoan cường. Vì vậy, tôi sẽ không loại trừ công ty sẽ phát tận dụng nền tảng là số lượng đông đảo người dùng Trung Quốc, để phát triển dịch vụ của mình. Nhưng đó sẽ là hành trình dài”.

Rào cản chính trị

Giám đốc điều hành tập đoàn Huawei, Richard Yu giới thiệu chip Huawei Balong 5G01 tại MWC 2018 ở Barcelona. Ảnh: CNBC
Giám đốc điều hành tập đoàn Huawei, Richard Yu giới thiệu chip Huawei Balong 5G01 tại MWC 2018 ở Barcelona. Ảnh: CNBC 

Tất nhiên để hiện thực hóa tham vọng thống lĩnh thị trường smartphone toàn cầu, Huawei sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, nhưng rào cản chính trị chính là thách thức lớn nhất. Vào năm 2012, thiết bị viễn thông của Huawei đã bị cáo buộc là hiểm họa an ninh quốc gia và cấm nhập khẩu vào thị trường nội địa Mỹ. Washington cho rằng thiết bị Huawei kèm theo lỗ hổng backdoor giúp Bắc Kinh tiếp cận với những thông tin nhạy cảm.

Tới đầu năm 2018, quan chức tình báo Mỹ tiếp tục cảnh báo người dùng không nên mua điện thoại Huawei. Sau khi hợp đồng cung cấp Mate 10 Pro giữ Huawei và nhà mạng lớn AT&T đổ bể hồi tháng 1, CEO Richard Yu đã thẳng thừng tuyên bố để thành công, công ty không nhất thiết phải có mặt trên tất cả các thị trường.

Trong cuộc phỏng vấn của CNBC, ông Yu tái khẳng định: “Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã tạo nên rào cản lớn hơn cho chúng tôi. Bởi thị trường tiêu dùng vô cùng rộng lớn, nên tôi nghĩ chúng tôi có thể tập trung vào thị trường khác, thay vì Mỹ”.

Tuy nhiên, ông Yu cũng bỏ ngỏ khả năng quay trở lại Mỹ: “Thị trường quá lớn, chúng tôi không cần phải chờ đợi Mỹ. Thay vào đó, chúng tôi có thể tìm kiếm thêm cơ hội trên toàn cầu”. Nhưng Huawei vẫn hy vọng sẽ được phép quay lại Mỹ, và sẽ tiếp tục “kiên nhẫn”.

Ảnh: Gadgetguys
 Ảnh: Gadgetguys

Ngoài chính trị, Huawei cũng sẽ vấp phải sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường smartphone. Tại “sân nhà”, công ty có các đối thủ như Xiaomi, Vivo, Oppo. Chưa kể tới Samsung chắc chắn sẽ không từ bỏ ngôi vương một cách dễ dàng.

Hồi tháng 9, CEO Samsung Mobile, DJ Koh tuyên bố Samsung sẽ chuyển hướng chiến lược kinh doanh, tập trung hơn vào phân khúc smartphone tầm trung, cung cấp nhiều tính năng cải tiến cho smartphone bình dân. Động thái này có thể coi là mối đe dọa với Huawei. Gã khổng lồ Hàn Quốc đã thể hiện quyết tâm qua Galaxy A9, smartphone đầu tiên với cụm 4 camera.

Thống kê của Counterpoint Research cho thấy trong 5 năm qua, Samsung luôn nằm trong danh sách các nhà sản xuất smartphone hàng đầu. Trong đó, 2 lần giành vị trí số 1. Giám đốc nghiên cứu Counterpoint Neil Shah ước tính Huawei cần phải thêm 30-40 triệu đơn vị máy tiêu thụ mỗi quý để vượt qua Samsung.

Ông Neil Shah nhận định: “Huawei cần chinh phục 3 thị trường quan trọng của Samsung là: Mỹ, Châu Âu và Ấn Độ”. Tại Ấn Độ, Huawei sẽ gặp khó khăn bởi đây là nơi Samsung sở hữu dây chuyền từ sản xuất đến phân phối, với thương hiệu đã được khẳng định. Còn việc Huawei có thể đặt chân vào Mỹ hay không vẫn là câu hỏi chưa có lời giải.

Tới nay, Huawei đã đạt được thành công nhất định và minh chứng là doanh số suy giảm của Samsung. Mặt khác, tham vọng của CEO Richard Yu vượt ngoài thị trường smartphone. Ông hướng tới chiến lược phát triển một hệ sinh thái thiết bị bao gồm loa và thiết bị đeo tay thông minh (wearable): “Trong 10 năm, chúng tôi muốn đóng vai trò nhà cung cấp giải pháp toàn diện hàng đầu cho cuộc sống thông minh”.