Mỹ, Trung Quốc với "ván đấu" siêu cường

VietTimes -- Hiện tại, Trung Quốc là một quyền lực mới trỗi dậy và đang ráo riết tạo ảnh hưởng của mình ở nhiều khu vực trên thế giới. Mỹ thì đang tìm cách loại bỏ hay ít nhất là kiềm chế Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực. Nhưng với mối quan hệ chặt chẽ và phụ thuộc rất cao về mặt kinh tế, hai nước sẽ khó có thể đối đầu về mặt quân sự và các hành động đều sẽ chỉ mang tính chất răn đe, National Interests nhận định.

Hai siêu cường đang dõi theo nhau một cách lo âu dọc Thái Bình Dương. Một trong hai đã xác lập được địa vị cao sau nhiều thập kỷ của xung đột Chiến Tranh Lạnh, bên còn lại là một quyền lực trỗi dậy đang hăm hở muốn giành ngôi bá chủ trong khu vực. Nhưng rất may mắn vì dù cho có hệ thống chính trị khác biệt sâu sắc, về bản chất Trung Quốc và Mỹ không thù địch nhau như phương Tây với Liên Xô trước kia. Thực tế, hai nước có mức độ phụ thuộc lẫn nhau rất cao về mặt kinh tế.

Nhưng lịch sử đã cho thấy luôn luôn có rủi ro chiến tranh khi một quyền lực đang trỗi dậy thách thức uy thế của phía còn lại. Bắc Kinh và Washington có những bất đồng sâu sắc tuy không toàn diện về vấn đề thống trị thế giới. Họ cũng có những lý do để ngờ vực lẫn nhau. Nhưng lịch sử đã có nhiều ví dụ về những quyền lực cạnh tranh vẫn cùng tồn tại rất hòa bình trong một thời gian dài. Ví dụ thế kỷ giữa sự thất bại của Napoleon và Thế chiến I - trong khoảng thời điểm đó không có một cuộc chiến mang quy mô lớn trong lòng châu Âu.

Và cán cân quyền lực giữa các nước sẽ đóng một vai trò bên cạnh những biện pháp ngoại giao. Một hạm đội có thể không bao giờ được sử dụng trong chiến tranh vẫn có thể ngăn ngừa một nước khác bằng cách răn đe bên đối lập.
Lục quân của quân đội Trung Quốc.
 Lục quân của quân đội Trung Quốc.

Ngày nay, Trung Quốc có một lực lượng quân đội lớn nhất thế giới với 2 triệu quân thường trực. Nhưng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc chỉ bằng 1/3 so với Mỹ, bằng khoảng 13% tổng ngân sách quốc phòng của toàn thế giới năm 2017 so với 35% của Mỹ (theo SIPRI).

Nhưng chính phủ Trung Quốc cũng đã nhận thức được quân số lớn là một sự phản ánh cấu trúc lỗi thời của một đội lục quân chất lượng thấp vào giữa thế kỷ 20. Bắt đầu từ năm 2015, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người có thể sẽ nắm quyền lâu dài ở Trung Quốc đã tuyên bố khởi đầu việc tái cấu trúc triệt để giảm quân số của lục quân PLA để nâng cao chất lượng của đội quân này.

Lực lượng lục quân và không quân của Trung Quốc thể hiện chất lượng không đồng đều, có cả những hệ thống từ thời đầu Chiến Tranh Lạnh và cũng có những vũ khí hiện đại. Ví dụ, PLA có 8.000 xe tăng nhưng 3.000 trong số chúng là xe tăng từ thập niên 1950 loại Type 59 và Type 63. Nhưng PLA cũng sở hữu 500 xe tăng loại Type 99 là loại vũ khí rất có uy lực giống như xe tăng M1 Abram của Mỹ. Không quân Trung Quốc cũng có vấn đề như vậy. Trong số 1.700 máy bay, có 1/3 là loại máy bay chiến đấu cũ kỹ J-7 trong khi trong số 1/4 có những máy bay hiện đại thế hệ thế tư như J-10 và J-11 có thể so sánh với máy bay F-15 và F-16 của Mỹ hay thậm chí là một vài chiếc máy bay tàng hình thế hệ thứ 5.

Máy bay J-11 của Trung Quốc.

Ngược lại, quân đội Mỹ đang có hơn 2.000 máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4, được bổ sung bằng những thiết kế của máy bay tàng hình thế hệ thứ 5. Về lý thuyết, máy bay mới của Mỹ thích hợp với việc chiến đấu tầm xa và thâm nhập sâu không phận của đối thủ.

Ngân sách quốc phòng khổng lồ của Mỹ phản ánh hướng đi công nghệ tiếp cận chiến tranh - tìm cách đưa máy bay không người lái hay tên lửa dẫn đường thay thế cho con người bất cứ khi nào có thể, đặc biệt khi mọi thương vong đều có thể gây kết quả là một cơn bão chính trị. Vì thế, Lầu Năm Góc muốn phát triển khả năng liên lạc và tình báo toàn diện để hướng tới một vài hệ thống vũ khí mới mức độ chính xác cao.

Điều này tương phản với những hệ thống vũ khí lớn, rẻ phổ biến trong quá khứ như thời Thế Chiến II. Luận thuyết này đẩy mạnh "tác chiến liên kết", trong đó các hệ thống vũ khí trao đổi thông tin cảm biến. Ví dụ, một tàu chiến có thể phát hiện ra máy bay chiến đấu đang tấn công và chuyển dữ liệu mục tiêu cho một máy bay gần đó - có khả năng sử dụng phép đo từ xa để phóng tên lửa mà không làm lộ vị trí vì không phải bật radar hay ngược lại.

Xe tăng M1 Abram của Mỹ vẫn được mệnh danh là vua trên chiến trường.

Trung Quốc cũng rất hăng hái đi theo học thuyết này và có thể đã có những bước tiến xa hơn trong việc phát triển thiết bị không người lái trang bị vũ khí và tăng khả năng mạng hơn Nga và nhiều nước châu Âu. Một mặt, công nghiệp Trung Quốc vẫn tụt hậu đáng kể trong việc phát triển các công nghệ như động cơ máy bay và phải hứng các vấn đề về quản lý chất lượng. Nhưng họ tương đối mạnh trong lĩnh vực điện tử và muốn "copy" lại những công nghệ của cả phương Tây và Nga. Hơn nữa, những hacker của Trung Quốc đã chứng tỏ năng lực trong việc thâm nhập vào các hệ thống máy tính nước ngoài và tạo ra các hoạt động tình báo công nghiệp nhưng Bắc Kinh ít nhất đã kiềm chế thực hiện các chiến thuật như can thiệp vào bầu cử...

Tình thế để can thiệp ở nước ngoài và phòng thủ trong nước

PLA và quân đội Mỹ có những nhu cầu rất khác nhau. Về mặt địa lý, Mỹ bị cô lập với kẻ thù và cần phải dựa vào một mạng lưới lớn ở nước ngoài trên 6 lục địa để giao chiến hay kiềm chế các đối thủ. Điều này cần hậu cần trải dài trên khắp địa cầu bao gồm hàng trăm máy bay vận chuyển, những máy bay chở nhiên liệu để tái nạp cho các máy bay chiến đấu và vận chuyển ở trên không, cùng các phương tiện đổ bộ và tàu sân bay để chuyên chở các đơn vị thủy quân lục chiến.

Và cũng quan trọng không kém là Mỹ cần có đồng minh ngoại giao mạnh mẽ để duy trì các căn cứ quân sự nước ngoài và giữ cho chúng được cung cấp đầy đủ nhiên liệu, nhân sự và đạn dược. Ví dụ, các chiến dịch của Mỹ tại châu Á phụ thuộc rất lớn vào liên minh với Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Philippines và gần đây hơn là Ấn Độ. Rất nhiều các nước châu Á, phương Tây và Trung Âu cũng cần dựa vào quân đội Mỹ để có được an ninh cần thiết.

Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng và boong-ke cho Pakistan dọc biên giới Ấn Độ.
Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng và boong-ke cho Pakistan dọc biên giới Ấn Độ. 

Trung Quốc chỉ mới bắt đầu có được những trang bị hậu cần như vậy và nước này nằm trong một khu vực có rất đông láng giềng vì bị vây bởi những đối thủ quân sự tiềm tàng như Ấn Độ, Nga và Nhật Bản (tác giả bài viết không tin rằng nước Nhật đương đại sẽ trở thành một quyền lực quân sự đe dọa với Trung Quốc trong tương lai gần nhưng Trung Quốc vốn có quá khứ đau đớn với cuộc xâm lược của Nhật Bản thì không nghĩ như vậy). Tiếp theo, Bắc Kinh chỉ có vài đồng minh quân sự như Pakistan, Triều Tiên và một vài nước Đông Nam Á. Nhưng Trung Quốc đang chậm rãi phát triển những tổ chức đa quốc gia như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và kế hoạch Con đường Tơ lụa đầy tham vọng với mục đích nuôi dưỡng các mối quan hệ mạnh mẽ hơn.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn có quan hệ căng thẳng với Ấn Độ - đất nước có dân số lớn tương đương nhưng có tổng sản phẩm quốc nội chỉ bằng 1/4 so với Trung Quốc. Năm 1962, trong một cuộc chiến ngắn, Trung Quốc đã chiếm phần lãnh thổ Himalaya của Ấn Độ. Hơn nữa, Bắc Kinh đã xây dựng lực lượng quân đội và mạng lưới đường xá trên vùng biên giới với Ấn Độ đồng thời đã cho xây một loạt các căn cứ quân sự gần nước này để "bao vây" Ấn Độ.

(còn tiếp)