Một ví dụ về xử lý nợ xấu

VietTimes -- Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank; Mã chứng khoán: STB) đang nổi lên như một điển hình về xử lý nợ xấu trong hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam. Dĩ nhiên là kể từ thời của tân Chủ tịch HĐQT Dương Công Minh.
Sacombank đang nổi lên như một điển hình về xử lý nợ xấu...
Sacombank đang nổi lên như một điển hình về xử lý nợ xấu...

Một bài phỏng vấn cũ

Bắt đầu nhận nhiệm vụ lãnh đạo tối cao ở Sacombank kể từ giữa năm 2017, cụ thể là sau Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 30/06/2017, và nửa năm sau, trong một bài phỏng vấn vào đầu năm 2018, ông Minh đã tuyên bố về kết quả xử lý nợ xấu: Tính đến cuối năm 2017, chúng tôi đã thực hiện được hơn 19.000 tỉ đồng (bao gồm: thanh lý tài sản nhận cấn trừ nợ gần 2.800 tỉ đồng; bán nợ theo giá thị trường 2.600 tỉ đồng; tự xử lý, thu hồi nợ xấu và các khoản phải thu được hơn 14.200 tỉ đồng), trong đó, hơn 15.000 tỉ đồng là thuộc Đề án tái cơ cấu đã được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Xử lý 19.000 tỉ đồng nợ xấu chỉ trong một năm – mà phần lớn là trong nửa năm tại nhiệm của ông Dương Công Minh, đó quả là một kết quả quá đỗi ấn tượng, nếu không muốn nói là phi thường.

“Chúng tôi đã “gồng mình lên” để tìm và áp dụng nhiều giải pháp khác nhau nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, tài sản tồn đọng”, Chủ tịch Sacombank chia sẻ.

“Giữa tháng 12-2017 Sacombank thông báo bán đấu giá công khai ba tài sản là quyền sử dụng đất tại Khu công nghiệp Đức Hòa III Long An với giá khởi điểm hơn 9.000 tỉ đồng. Đây là những tài sản giá trị lớn và nhờ đó Sacombank đã thu hồi được một tỷ lệ không nhỏ nợ xấu?” - câu hỏi thứ hai mà nhà báo Hải Lý (TBKTSG) – cây viết kỳ cựu trong giới báo chí tài chính – đặt ra cho người đứng đầu Sacombank trong bài phỏng vấn vừa kể.

Chủ tịch Dương Công Minh đáp lại câu hỏi, nhưng không đi chi tiết vào vấn đề. “Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ cho việc bán đấu giá các tài sản trên nhằm đảm bảo việc thu hồi nợ tốt nhất cho Sacombank. Các tổ chức tham gia đấu giá đều nhận định đây là các bất động sản rất có tiềm năng về đầu tư và không dễ tìm được các quyền sử dụng đất diện tích lớn và tập trung như vậy trên địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam, một khi được khai thác tốt, các tài sản có khả năng mang lại nguồn thu lớn”, ông nói.

Đồng thời cho biết: “Trên thực tế, chúng tôi không chỉ chú trọng xử lý các tài sản thế chấp có giá trị lớn, mà cả những khoản nợ nhỏ, nếu có thanh khoản là Sacombank bán ngay. Nhiều khoản nợ xấu từ vài tỉ đồng, vài chục tỉ đồng đến cả trăm tỉ đồng mà tài sản đảm bảo là cổ phần, cổ phiếu, nhà đất đã được thanh lý. Trong bộ máy tổ chức, Khối xử lý nợ hoạt động hết công suất, phải rà soát, đánh giá các khoản phải thu, các khoản có thể bán để thu nợ từng ngày, từng tuần”.

Một ví dụ về xử lý nợ xấu ảnh 1Sacombank đã lập hẳn một chuyên mục thanh lý tài sản trên website. (Ảnh chụp màn hình)

Chủ tịch Sacombank thông tin thêm rằng, trong nỗ lực xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng, ngân hàng đã lập hẳn một mục là  “Chuyên mục thanh lý tài sản” trên website sacombank.com.vn, để đăng tải công khai các tài sản cần thanh lý là bất động sản, xe cộ, máy móc ở TPHCM, Hà Nội và các tỉnh thành. “Tất cả khách hàng có nhu cầu đều có thể tham gia”.

Trên thực tế, đúng như lời của ông Dương Công Minh, không quá khi nói rằng Sacombank là nhà băng tích cực nhất của hệ thống trong việc thanh lý tài sản đảm bảo, thu hồi nợ xấu.

Tất cả các tài sản cần thanh lý đều được Sacombank đăng tải, cập nhật công khai trong “Chuyên mục thanh lý tài sản”.

Chẳng hạn như việc thanh lý “ba tài sản là quyền sử dụng đất tại Khu công nghiệp Đức Hòa III Long An với giá khởi điểm hơn 9.000 tỉ đồng” mà nhà báo Hải Lý đã nêu.

Đây được cho là những tài sản đảm bảo cho những khoản nợ xấu có liên quan đến ông Trầm Bê.

Một ví dụ về xử lý nợ xấu

Cần thiết phải nói rằng, việc thanh lý “ba tài sản là quyền sử dụng đất tại Khu công nghiệp Đức Hòa III Long An” là không dễ dàng.

Bằng chứng là Chuyên mục thanh lý tài sản trên website của Sacombank đã phải đăng tin tới 3 lần về việc chào bán. Sau hai lần “ế” khách, đến lần chào bán thứ 3, Sacombank đã phải hạ giá khởi điểm xuống gần 900 tỷ đồng, về chỉ còn 9.089 tỷ đồng – so với mức khởi điểm trong lần chào đầu tiên là 9.988 tỷ đồng.

Sau lần chào bán thứ ba này, không thấy Sacombank đăng tin thêm lần nào nữa.

Ba tài sản trên đã được bán. Khối xử lý nợ của Sacombank đã xác nhận điều này bằng dấu “đã thanh lý” trong trong tài liệu Thông tin bất động sản cần bán tỉnh Long An, trong “Chuyên mục thanh lý tài sản” trên website sacombank.com.vn.

Một ví dụ về xử lý nợ xấu ảnh 2Khối xử lý nợ của Sacombank xác nhận việc "đã thanh lý" cụm 1 tại KCN Đức Hòa III.

Tài liệu cho biết, cụm 1 được bán với giá thanh lý 2.630 tỷ đồng (giá chào bán 2.598 tỷ đồng); Cụm 2 được bán với giá thanh lý 2.885 tỷ đồng (giá chào bán 2.885 tỷ đồng); Cụm 3 được bán với giá thanh lý 3.685 tỷ đồng (giá chào bán 3.641 tỷ đồng).

Tương ứng, tổng số tiền mà Sacombank sẽ thu về từ việc thanh lý “ba tài sản là quyền sử dụng đất tại Khu công nghiệp Đức Hòa III Long An” là 9.200 tỷ đồng. Đó quả thực là một số tiền rất lớn! (Thêm nữa, nó đã chiếm gần một nửa con số 19.000 tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý mà ông Dương Công Minh đã công bố với nhà báo Hải Lý trong bài phỏng vấn).

Nhưng vì Sacombank không thông tin nên không rõ nhà đầu tư hay nhóm nhà đầu tư nào đã chi ra 9.200 tỷ đồng để mua lại ba tài sản nêu trên.

Việc thu xếp một số tiền lớn như vậy để thâu tóm 3 khu đất tại Khu công nghiệp Đức Hòa III Long An sẽ là một điệp vụ không dễ dàng, kể cả với các doanh nghiệp/doanh nhân được coi là đại gia.

Hẳn điều này sẽ khiến nhiều người băn khoăn?

Tuy nhiên, báo cáo mới được công bố của Sacombank đã hé lộ một số tình tiết.

Quan trọng hơn cả là việc bên nhận chuyển nhượng sẽ không phải chuyển ngay cho Sacombank cả 9.200 tỷ đồng một lúc như nhiều người hình dung. Mà họ chỉ phải chuyển trước 920 tỷ đồng – tương ứng với 10% tiền đặt cọc – khi ký hợp đồng. Trong khi, 8.280 tỷ đồng còn lại sẽ được thanh toán trả chậm trong vòng 7 năm kể từ ngày ký hợp đồng, ân hạn 2 năm đầu, phí chả chậm 7,5%/năm.

Thực ra, quan hệ này cũng chẳng khác là mấy việc Sacombank cho bên nhận chuyển nhượng vay 8.280 tỷ đồng, với thời gian vay 7 năm, thời gian ân hạn 2 năm và lãi suất 7,5%/năm. Ai nhìn thiếu tích cực hơn, có thể cho rằng đó là một thương vụ đảo nợ kèm theo đổi con nợ. Ở giác độ nào đó, nó có thể có sự hợp lý ít nhiều.

Nhưng nếu vậy, cũng cần phải làm rõ hơn là Sacombank đã cầm tài sản gì để đảm bảo cho việc trả chậm 8.280 tỷ đồng. Có khi nào sẽ lại là quyền sử dụng của 3 lô đất vừa chuyển nhượng (?!).

Tại khoản mục Các khoản phải thu trong báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2017, được biết, tại ngày 31/12/2017, Sacombank vẫn đang hoạch toán 8.280 tỷ đồng vào tiểu khoản Phải thu từ bán tài sản nhận cấn trừ nợ (trong mục Các khoản phải thu từ bên ngoài khác).

Liên quan đến việc hạch toán này, Sacombank thuyết minh: “Các khoản phải thu này liên quan đến việc chuyển nhượng tài sản đảm bảo tại Khu công nghiệp Đức Hòa III, tỉnh Long An đã được Ngân hàng thực hiện đấu giá thành công và ký hợp đồng với các đối tác vào ngày 29 tháng 12 năm 2017”. Xin nhấn mạnh vào chi tết “CÁC đối tác” – có vẻ như Sacombank không chỉ thanh lý ba tài sản tại Khu công nghiệp Đức Hòa III cho một bên.

Một ví dụ về xử lý nợ xấu ảnh 3Sacombank "đã thanh lý" Khu công nghiệp Đức Hòa III Long An. (Trích công bố của Khối xử lý nợ Sacombank)

Liên quan đến Khu công nghiệp Đức Hòa III, theo thông tin từ Công thông tin điện tử tỉnh Long An (www.longan.gov.vn): Chiều ngày 02/3/2018, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Nguyễn Văn Được đã chủ trì cuộc họp của lãnh đạo các sở, ngành tỉnh này và lãnh đạo một số địa phương trong tỉnh với Công ty cổ phần Him Lam.

“Tại cuộc họp, các đại biểu nghe phía nhà đầu tư Công ty Cổ phần Him Lam báo cáo đề xuất thành lập khu kinh tế mở Long An và đề xuất điều chỉnh công năng 7 khu công nghiệp thành phần trong khu công nghiệp Đức Hòa III (huyện Đức Hòa)” – cổng này đã gọi Công ty Cổ phần Him Lam (Him Lam) là “nhà đầu tư”.

Nhắc lại, Him Lam đã đề xuất điều chỉnh công năng 7 khu công nghiệp thành phần trong khu công nghiệp Đức Hòa III.

Nhấn mạnh rằng, Khối xử lý nợ của Sacombank đã đóng dấu “đã thanh lý” cho bản công bố thông tin bất động sản cần bán đối với Dự án Khu công nghiệp Đức Hòa III – Long An.

Vậy có khi nào Him Lam – doanh nghiệp “nhà” của ông Dương Công Minh – đã tham gia nhận chuyển nhượng tài sản mà Sacombank – nơi ông Minh đang làm Chủ tịch HĐQT – chào bán (?!).

Tất nhiên, đó chỉ là một giả thuyết và rất có thể nó không chính xác. Thông tin chính thức và chính xác chỉ có thể được công bố bởi người trong cuộc hoặc các cơ quan có đủ thẩm quyền.

Về Him Lam, theo tìm hiểu của VietTimes, sau sự rút lui của người sáng nghiệp Dương Công Minh, sang năm 2018 này, Him Lam vẫn duy trì quan hệ tín dụng khá bền chặt với một ngân hàng cũ của ông Minh, thông qua thương vụ với các chi nhánh/phòng giao dịch, như Chi nhánh Đông Đô (liên quan đến hợp đồng giữa Him Lam và Công ty CP Xây dựng Thương Mại Dịch Vụ Du lịch Hiệp Ân; Dự án Khu Cao ốc văn phòng kết hợp TMDV và căn hộ ở - officetel Lô Y, Khu nhà ở Him Lam, phường Tân Hưng, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh); PGD Đông Anh (liên quan đến hợp đồng Him Lam ký với Công ty Cổ phần Đầu Tư Vĩnh Tuy về việc chuyển nhượng một phần dự án “Khu nhà ở Him Lam Vĩnh Tuy”);…

Đáng chú ý, đầu tháng 3 vừa rồi, Him Lam đã vay của Chi nhánh Hà Nội 540 tỷ đồng, đảm bảo bằng Các khoản lợi thu được từ việc kinh doanh, khai thác giá trị của quyền sử dụng đất hoặc hạ tầng kỹ thuật trên đất (lợi tức của thửa đất hoặc của hạ tầng kỹ thuật trên đất) tại một dự án. Tài sản này được định giá 4.091,06 tỷ đồng. Giá trị này khá tương đồng với mức giá chào bán mà Sacombank từng đưa ra cho một trong 3 quyền sử dụng đất tại Khu công nghiệp Đức Hòa III.

Trở lại với Sacombank, xin được kết thúc bài viết bằng lời chia sẻ của ông Dương Công Minh trong bài phỏng vấn được đề cập đầu bài viết: “Chúng tôi hiểu xử lý nợ xấu chưa bao giờ dễ dàng, kiểm soát để nợ xấu phát sinh từ những khoản vay mới ở mức thấp nhất lại càng khó. Chính vì thế, chúng tôi đang và sẽ điều hành, quản lý ngân hàng minh bạch, từng bước áp dụng các chuẩn mực Basel II; giải quyết dứt điểm sở hữu chéo, đa dạng hóa cơ cấu cổ đông; tiết giảm chi phí hợp lý, sao cho có lợi nhất cho cổ đông”./.