VPI: Quỹ đất ấn tượng từ BT

VietTimes -- Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú – Invest (HNX: VPI) đang sở hữu một quỹ đất rất ấn tượng. Cách thức mở rộng quỹ đất và thâu tóm các khu đất đắc địa của VPI cũng ấn tượng không kém.
VPI đang sở hữu một quỹ đất rất ấn tượng - (Ảnh minh họa - Nguồn VPI)
VPI đang sở hữu một quỹ đất rất ấn tượng - (Ảnh minh họa - Nguồn VPI)

Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú – Invest (HNX: VPI), như VietTimes đã đề cập, là cái tên đã đồng hành cùng Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư xây dựng Bắc Ái (Bắc Ái) – chủ đầu tư “kín tiếng” của BOT Cai Lậy – trong một dự án PPP tầm cỡ trên địa bàn Tp. HCM. Đó là dự án đầu tư Xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa (Quốc lộ 1), quận Thủ Đức, theo hình thức Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (BT).

Thực tế, dự án BT trên chỉ là một trong rất nhiều các dự án PPP mà VPI đã tham gia. Thậm chí có thể nói rằng, xét riêng trong lĩnh vực đối tác công – tư, VPI còn ở một tầm rất khác so với Bắc Ái.

Theo công bố, tính đến thời điểm hiện tại, VPI đã trực tiếp lưu danh tại ít nhất 6 dự án PPP, gồm 05 dự án BT và 01 dự án B0T. Các dự án tập trung chủ yếu ở khu vực Thủ đô. Chỉ có duy nhất dự án đầu tư Xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa được triển khai ở Tp. HCM.

Thông qua các dự án “đổi đất lấy hạ tầng” này, VPI đã đem về cho mình một quỹ đất ấn tượng tại Sài Gòn và đặc biệt là Hà Nội - thành phố vẫn được mệnh danh là đô thị có giá địa ốc đắt bậc nhất thế giới.

VPI có xuất phát điểm là Chi nhánh tại Hà Nội của Công ty Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nhà Quảng Ninh do Nhà nước làm chủ sở hữu, bắt đầu chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần (100% vốn tư nhân) vào tháng 3/2008. Có lẽ không quá khi khen rằng, các nhà lãnh đạo VPI đã rất biết làm ăn!

“Làm trường đổi đất”

Dự án BT và cũng là dự án PPP đầu tiên mà VPI tham gia đầu tư là Dự án xây dựng trụ sở mới trường Đại học Kỹ thuật - Hậu cần Công an nhân dân theo hình thức Xây dựng – Chuyển giao (BT). Dự án có tổng mức đầu tư 528 tỷ đồng, được thực hiện trong thời gian 2010 – 2012 và là dự án BT đầu tiên của ngành công an.

Trong dự án nhiều bên cùng có lợi này, VPI đã bỏ vốn đầu xây dựng một ngôi trường mới khang trang, đồng bộ, hiện đại, có quy mô lên tới 26,3 ha cho Đại học Kỹ thuật - Hậu cần Công an nhân dân (T36) tại Thuận Thành (Bắc Ninh).

Đổi lại, T36 đã sử dụng 1,7 ha đất nội đô tại Yên Hòa (Cầu Giấy) – vốn là khuôn viên cũ của trường – đối ứng cho dự án.

VPI: Quỹ đất ấn tượng từ BT ảnh 1Dự án Home City thường xuyên được truyền thông đề cập khi nhắc đến VPI. Nhưng Home City ở đâu trên bản đồ phân bổ dự án này của VPI...

Hiện khu vực này đã tọa lạc dự án Home City – Trung Kính Complex, gồm 4 tòa tháp cao từ 27 – 30 tầng. Cách đây ít tháng, dự án từng bị gây nên những ồn ào do bức xúc của cư dân với chủ đầu tư - là Công ty TNHH Một thành viên Văn Phú - Trung Kính, một pháp nhân từng do VPI sáng lập và sở hữu. Trong các báo cáo tài chính gần đây của VPI, không thấy Công ty TNHH Một thành viên Văn Phú - Trung Kính được liệt kê trong danh sách công ty con hay công ty liên kết. Bản đồ phân bổ các dự án của VPI tại Hà Nội được công bố trong cáo bạch niêm yết mới phát hành cũng không thấy sự hiện diện của Home City – Trung Kính Complex.

Tương tự là Dự án xây dựng trụ sở mới trường Đại học Y Tế Công cộng theo hình thức Xây dựng – Chuyển giao (BT) – dự án BT đầu tiên của Bộ Y tế.

Năm 2015 – 2016, VPI đã đầu tư 606 tỷ đồng để xây dựng trụ sở mới trường Đại học Y Tế Công cộng trên khuôn viên 7,73 ha tại phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). Đổi lại, VPI được thực hiện đầu tư, xây dựng, kinh doanh khai thác dự án khác trên cơ sở quy hoạch Khu đất tại số 138B phố Giảng Võ, quận Ba Đình, Tp. Hà Nội được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 6907/QĐ-UBND ngày 22/12/2014.

Khu đất 9.031 m2 tại số 138B Giảng Võ chính là khuôn viên cũ của Đại học Y tế Công cộng. VPI dự kiến sẽ triển khai tại đây dự án khu hỗn hợp và nhà ở với tổng mức đầu tư 1.651 tỷ đồng. Dự án đang được thực hiện thủ tục xin cấp phép xây dựng, dự kiến khởi công vào quý 1/2018.

“Làm đường đổi đất”

Bên cạnh hai dự án “làm trường đổi đất”, VPI còn tham gia đầu tư 3 dự án BT khác theo hình thức “làm đường đổi đất”.

Đó là các dự án: Dự án các tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu đô thị, dân cư quận Hà Đông theo hình thức Xây dựng – Chuyển giao (BT); Dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa – Quốc Lộ 1 – Quận Thủ Đức theo hình thức Xây dựng – Chuyển giao (BT); Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường 70 đoạn Văn Điển – Hà Đông theo hình thức Xây dựng - Chuyển giao (BT).

Cả ba dự án này đều đang được triển khai và thời gian dự kiến thực hiện là từ 2017 – 2019 và 2017 – 2020.

Để đổi lại việc đầu tư xây dựng 6,2 km đường đấu nối hạ tầng các khu đô thị, dân cư quận Hà Đông; nâng cấp, mở rộng tuyến 15 km đường 70 đoạn Văn Điển – Hà Đông, tất nhiên VPI và các nhà đầu tư trong liên danh cũng sẽ được Hà Nội tưởng thưởng xứng đáng bằng các quỹ đất.

Chi tiết về các quỹ đất đối ứng cho từng dự án là một vấn đề cần được tìm hiểu thêm. Song được biết, VPI và các thành viên trong liên danh nhà đầu tư tham gia dự án của họ đang hoàn thiện thủ tục để triển khai một số dự án trên địa bàn Hà Nội. Có thể kể đến như: Tòa nhà hỗn hợp Grandeur Palace – Mỹ Đình (quy mô 2,3 ha; tổng mức đầu tư dự kiến 3.760 tỷ đồng); Dự án khu nhà Dương Nội (2,6 ha, 365 tỷ đồng); Dự án khu nhà cao tầng Kiến Hưng (1 ha, 971 tỷ đồng); Dự án khu chức năng đô thị Kiến Hưng (7,6 ha, 1.263 tỷ đồng); Dự án khu nhà Phú Lãm (2.354 tỷ đồng); Dự án khu đô thị Bắc Lãm (4.954 tỷ đồng); Dự án khu nhà Hà Cầu (1.866 tỷ đồng); Dự án khu đô thị Hữu Hòa (150 ha).
VPI: Quỹ đất ấn tượng từ BT ảnh 2

Tương tự hai dự án “làm đường đổi đất” tại Hà Nội, để đổi lại việc đầu tư xây dựng 2,75 km đường kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa – Quốc Lộ 1, Quận Thủ Đức (Tp. HCM), VPI và hai thành viên khác trong liên danh đầu tư sẽ được thanh toán bằng quỹ đất xứng đáng.

Như đã đề cập, thông qua pháp nhân dự án là CTCP Văn Phú Bắc Ái (do VPI sở hữu 60%), VPI đang triển khai và sở hữu hàng loạt dự án bất động sản trên 6 lô đất đắc địa tại Tp. HCM, là: Dự án số 129 Đinh Tiên Hoàng; Dự án số 132 Đào Duy Từ; Dự án số 582 Kinh Dương Vương; Dự án số 234 Lý Tự Trọng; Dự án số 12 Kỳ Đồng; Dự án số 42 Trương Định.

Với quỹ đất nhận được từ việc thực hiện các dự án BT, VPI có rất nhiều giải pháp khai thác để thu hồi vốn đầu tư và sinh lời. Cách làm quen thuộc và được cho là có lời nhất là trực tiếp triển khai các dự án bất động sản để “mua tận gốc bán tận ngọn”. Hoặc cũng có những giải pháp đơn giản và nhanh gọn hơn.  Chẳng hạn như chuyển nhượng lô đất có được cho những nhà đầu tư thứ cấp, như cách mà CTCP Văn Phú Bắc Ái đã làm với khu đất tại số 132 Đào Duy Từ, phường 6, quận 10 (Tp. HCM) – là khu đất mà UBND Tp. HCM đồng ý giao liên danh nhà đầu tư để thu hồi vốn đầu tư khi thực hiện dự án BT đường kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa.

Theo đó, ngày 25/11/2017, CTCP Văn Phú Bắc Ái đã ký Hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại số 132 Đào Duy Từ, phường 6, quận 10 (Tp. HCM) cho Công ty TNHH Joming. Được biết, để hiện thực hợp đồng nguyên tắc này, năm 2017, Công ty TNHH Joming đã chuyển cho CTCP Văn Phú Bắc Ái 74 tỷ đồng để đặt cọc. CTCP Văn Phú Bắc Ái, như đã biết, là công ty con của VPI. Còn Công ty TNHH Joming được thành lập ngày 06/09/2016, vốn điều lệ 670 tỷ đồng, do ông Vòng Vảy Pắn (SN 1972, dân tộc Hoa, đăng ký hộ khẩu thường trú tại Đức Trọng – Lâm Đồng) làm chủ sở hữu.

BOT

Trong 6 dự án PPP mà VPI tham gia chỉ có duy nhất một dự án BOT. Đó là Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang theo hình thức Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT).

Theo dữ liệu của Bộ Giao thông Vận tải, đây là dự án BOT nhóm A, có chiều dài 45,8km, với tổng mức đầu tư là 4.213,22 tỷ đồng (chưa quyết toán).

Phạm vi của dự án bắt đầu từ Km113+985 - QL1 cũ (nút giao QL31) thuộc địa phận TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang; đến Km159+100 - lý trình QL1 (Trạm thu phí Phù Đổng cũ), thuộc địa phận TP. Hà Nội. Mục tiêu đầu tư của dự án là nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, cải thiện điều kiện khai thác, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang; phục vụ phát triển kinh tế xã hôi, bảo đảm an ninh quốc phòng khu vực nói chung, cũng như của Thủ đô Hà Nội và 02 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang; phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển GTVT.

Liên danh nhà đầu tư của dự án gồm 4 cái tên, đứng đầu là VPI, với tỷ lệ sở hữu 33%. Ngoài ra còn có: Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại 319 (25%); Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương (21%); Tổng Cty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (21%).

Dự án được khởi công vào tháng 10/2014, thông xe kỹ thuật vào tháng 1/2016, chính thức thu phí vào tháng 5/2016. Thời gian vận hành, khai thác là 15 năm 3 tháng.

Thực tế, bên cạnh 6 dự án PPP trực tiếp tham gia nêu trên, VPI còn gián tiếp tham gia một số dự án đối tác công – tư khác. Chẳng hạn như dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Hà kéo dài đến Voi Phục.

Theo đó, khi CTCP Đầu tư Đô thị Kang Long (Kang Long) được UBND Tp. Hà Nội cho phép nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến đường trên theo hình thức xã hội hóa đầu tư (Kang Long được đầu tư trên các lô đất ký hiệu X5 và X6 làm đối ứng để xây dựng tuyến đường Thái Hà đến Voi Phục), CTCP Đầu tư Văn Phú – Land đã góp vốn đầu tư xây dựng tuyến đường này để được hưởng lãi suất hoặc hưởng quyền ưu tiên mua sản phẩm đầu tư trên các lô đất X5 và X6 khi tuyến đường mở qua, sản phẩm là đất ở được dự kiến chia lô có hạ tầng ngoài nhà. Tính đến thời điểm này, CTCP Đầu tư Văn Phú – Land đã góp cho Kang Long hơn 72 tỷ đồng.

Ngoài ra, VPI và các ông chủ của công ty này còn rất tích cực tham gia các thương vụ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để gia tăng quỹ đất.

Sẽ không quá lời khi nói quỹ đất mà VPI đang sở hữu là “ấn tượng”. Cách thức mở rộng quỹ đất và thâu tóm các khu đất đắc địa của VPI thậm chí còn ấn tượng hơn. Với các nhà đầu tư, quỹ đất là một điểm thu hút và là lý do thúc đẩy nhiều người đầu tư vào cổ phiếu VPI.

Cách đây ít tuần, VPI đã chính thức đưa cổ phiếu lên niêm yết và giao dịch tập trung tại HNX, cơ hội đầu tư vào VPI sẽ rộng mở hơn cho những ai quan tâm. Tất nhiên sẽ còn nhiều điểm để bàn về “tân binh” này./.