Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tiếp tục trả lời chất vấn

VietTimes --  14h chiều ngày 16/11, sau giờ nghỉ giải lao, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tiếp tục đăng đàn trả lời những thắc mắc của đại biểu QH.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - Ảnh: QH
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - Ảnh: QH

Theo chương trình làm việc, hôm nay (16/11), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn kéo dài 3 ngày.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng sẽ là “tư lệnh ngành” đầu tiên trả lời chất vấn. Các nhóm vấn đề chất vấn bao gồm: công tác quản lý thuế (giải quyết nợ đọng thuế; thanh tra, kiểm tra; chống thất thu thuế, chuyển giá), hải quan đảm bảo nền tài chính an toàn, bền vững và giải pháp tăng cường quản lý nợ công an toàn, hiệu quả. 

Cùng với Bộ trưởng Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, thay mặt Thủ tướng Chính phủ trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ. Tùy theo nội dung chất vấn liên quan, các “tư lệnh ngành” khác như: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổng Thanh tra Chính phủ, Tổng Kiểm toán nhà nước... có thể tham gia trả lời chất vấn.

Thời gian dành cho Bộ trưởng Bộ Tài Chính dự kiến kéo dài đến 14h50 cùng ngày. Sau đó, Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết thúc nhóm vấn đề chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Đến 15h chiều cùng ngày, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ 2, về việc điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo hỗ trợ sản xuất kinh doanh và tăng trưởng tín dụng; Hoạt động của các ngân hàng yếu kém đã được xử lý và giải pháp đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

VietTimes xin tường thuật trực tiếp các phiên chất vấn này để cử tri và nhân dân cả nước cùng theo dõi.

(Nhấn F5 để cập nhật nội dung...)

Video trực tiếp phiên chất vấn ngày 16/11:

Đại biểu nói Uber, Grab phát triển “vô độ, nợ thuế nhiều”

Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đông Nai) xin được tiếp cận vấn đề thử nghiệm Uber, Grab dưới góc độ nguồn thu. Theo ông Dương Trung Quốc, đây là loại hình phát triển “vô độ, chiếm lĩnh một thị phần rất lớn nhưng đóng góp thuế thấp".

Tại thời điểm sắp kết thúc thử nghiệm, nhà sử học đặt câu hỏi liệu có nên tiếp tục hay không, vì theo ông, "đây là loại hình doanh nghiệp đầu tư rất ít, lỗ nhiều, nợ thuế nhiều, bản thân chủ nước ngoài lĩnh đủ, tất cả những hệ lụy còn lại để trong nước”.

Bên cạnh đó, ông Dương Trung Quốc gửi câu hỏi của một cử tri lão thành, từng là quan chức cao cấp của ngành kinh tế về cách làm thế nào thoát khỏi tình trạng thu ngân sách không đủ chi thường xuyên, trả nợ gốc, lãi vay và hoàn toàn không có tích lũy. Có nên phát hành trái phiếu Chính phủ không khi mà 10 tháng giải ngân được có 8% và ngân sách phải trả lãi từng ngày?


Người dân đang chờ thuế giảm để mua xe

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đặng Hoàng Tuấn (đoàn Long An), Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, theo cam kết chúng ta phải cắt giảm thuế quan, từ 1/1/2018, 90 dòng thuế từ Asean sẽ về 0%, trong đó có ô tô. “Đây không phải là thất thu mà là giảm thu thuế” – Bộ trưởng Dũng nói.

Ông Dũng cho biết, 6 tháng đầu năm 2017, tỷ trọng xe nhập khẩu từ Asean vào VN đã tăng 50,4% về lượng và 82,6% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Năm 2018, xe nhập khẩu vào VN sẽ còn tiếp tục tăng.

Theo VAMA, tính đến tháng 9/2017, tổng số lượng xe bán ra thị trường giảm so với năm ngoái. Ông Dũng cho rằng, người mua đang chờ sau ngày 31/12 khi thuế nhập khẩu về 0% sẽ mua xe, điều này ảnh hưởng tới công ăn việc làm của lao động trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô trong nước, kể cả việc thu ngân sách rất lớn.

Trước tình hình này, ông Dũng cho biết, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ nghiên cứu thay đổi biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, đề xuất giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi với linh kiện ôtô chưa sản xuất được xuống 0% trong 5 năm, từ 2018-2022 và phải gắn với điều kiện xe sản lượng sản xuất hằng năm, nhằm kích thích sản xuất trong nước, qua đó tăng thu thuế nội địa. 


14h00: Sau giờ nghỉ giải lao, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tiếp tục đăng đàn trả lời những thắc mắc của đại biểu QH.


11h55: Câu hỏi nào đang chờ Bộ trưởng Dũng trả lời vào chiều nay?

Chiều nay, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng sẽ có 50 phút để trả lời trước khi Quốc hội chuyển qua phần chất vấn và trả lời chất vấn Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng.

Trước khi nghỉ giải lao, nhiều đại biểu đã nêu câu hỏi đối với Bộ trưởng Dũng.

Đáng chú ý, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) có nêu vấn đề về phương thức kiểm soát thuế trong tương lai. Bởi theo đai biểu Cường, cuộc cách mạng 4.0 đã làm phát triển bán hàng qua mạng hay như trường hợp của Uber và Grap nên việc kiểm soát thuế mang tính chất truyền thống sẽ không còn phù hợp nữa.

Vấn đề thứ hai đại biểu Hoàng Văn Cường muốn người đứng đầu Bộ tài chính trả lời là về trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc quản lý nợ công. “Luật mới sửa đổi quy định đầu mối quản lý duy nhất là Bộ Tài chính. Nhưng nếu luật thông qua, trong tương lai xảy ra những khoản không trả nợ, vay đầu tư công không hiệu quả thì trách nhiệm của Bộ Tài chính như thế nào?” – vị đại biểu đoàn Hà Nội đặt câu hỏi.

Bên cạnh đó, đại biểu Đặng Hoàng Tuấn (đoàn Long An) nêu vấn đề về lộ trình giảm thuế ô tô từ năm 2018. Đại biểu Tuấn cho rằng, thị trường ôtô chậm do tâm lý chờ đợi mua xe giá rẻ của người dân, dân đăng ký học lái xe đông cho thấy sự chuẩn bị của người dân để chờ xe giá rẻ. Điều này sẽ tạo áp lực lên hạ tầng giao thông.

Đại biểu Tuấn đặt câu hỏi về giải pháp để chống thất thu thuế, giải quyết vấn đề như trên? Làm sao để giải tỏa tâm lý chờ đợi cho dân và để phát triển ngành ôtô?

Những câu hỏi này sẽ được Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng giải đáp vào chiều nay 16/11…

11h00: Nợ đọng thuế của Việt Nam tương đương với Lào, Campuchia

Trước đó, đại biểu Dương Xuân Hoà, đoàn Lạng Sơn đặt câu hỏi và đề nghị Bộ trưởng so sánh tỷ lệ nợ đọng thuế của Việt Nam so với các nước.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận nợ đọng thuế của Việt Nam đang cao, nhưng tỷ trọng vẫn ngang với các nước trong khu vực, tương đương đương với Lào và Campuchia, nếu so với OACD thì cao hơn một chút.

"Chúng tôi sẽ báo cáo Quốc hội thực trạng, nguyên nhân về các khoản thuế khó có khả năng thu hồi hiện đang ở mức khá cao", ông Dũng nói.

Giải pháp về chống chuyển giá

Về vấn đề chuyển giá trong khu vực FDI, Bộ trưởng cho biết số vốn FDI hiện khoảng 300 tỷ USD. Hiện, Bộ Tài chính hiện vẫn đang tham mưu để hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý thuế, các giải pháp về chống chuyển giá, thất thu thuế, kiện toàn bộ máy tổ chức, củng cố và hoàn thiện cơ sở dữ liệu phục vụ cho quản lý thuế, kiểm soát hoạt động chuyển giá thông qua hoạt động của từng tổ chức chức năng...

Nói về các khâu có thể chuyển giá, Bộ trưởng Dũng nhắc lại việc chuyển giá có thể diễn ra ngay từ khâu đầu tư, cấp phép đầu tư, đưa vào giá thấp báo giá cao. Khâu thứ hai là sản xuất kinh doanh. Năm 2016 kiểm tra hơn 1.400 cuộc với DN FDI. 2017 thì thanh tra tiếp 1.228 DN FDI. Tình hình chuyển giá, kê khai đang phức tạp nên cần tiếp tục hoàn thiện thể chế. Ông cho biết khâu đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư quan trọng, đáng 500 thì bảo 1 tỷ, đó là nguy hiểm.


10h30: Tổng nợ đã vượt quá 25% tổng thu ngân sách

Phó Thủ tướng Vương Đình HuệPhó Thủ tướng Vương Đình Huệ

Bổ sung ý kiến trả lời của Bộ trưởng Tài chính, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ và Thủ tướng đã tính toán rất kỹ trần nợ công chỉ là 1 yếu tố.

Trong đó, quan trọng là khả năng trả nợ, “tổng trả nợ của chúng ta đã quá 25% so với tổng thu ngân sách” – Phó Thủ tướng cho biết.

Theo Phó Thủ tướng, quan điểm chung là Chính phủ nói không với tăng trần nợ công. Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo bộ tài chính cơ cấu lại thu chi ngân sách nhà nước. Chính phủ cũng đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công và ngân sách trung hạn đảm bảo cân đối ngân sách, giữ vững an ninh tài chính.


10h10: Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nói gì về hiệu quả đầu tư công?

Chia lửa với người đứng đầu Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã đăng đàn giải thích với các đại biểu QH về hiệu quả đầu tư công.

Về pháp lý, người đứng đầu Bộ KH&ĐT cho biết, trước đây chưa có luật đầu tư công, quyết định đầu tư khá tùy tiện, vượt cân đối ngân sách, mỗi giai đoạn 5 năm, có hơn 20.000 dự án mà không rõ nguồn vốn ở đâu không rõ khả năng giải ngân, dàn trải dẫn đến thất thoát, dừng, giãn, hoãn rất lớn.

Sau đó có nghị định của Chính phủ, rồi luật đầu tư công, nay chỉ giảm còn khoảng 1000 dự án kiểu như vậy mỗi năm. Nợ đọng, ứng của các giai đoạn trước thì đến 2016 - 2020 đang tập trung giải quyết.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Chí Dũng, hiệu quả đầu tư công chưa cao do thời gian triển khai đâu tư bị kéo dài, như đền bù giải phóng mặt bằng, đấu thầu… dẫn đến vốn đầu tư vượt lên và phải điều chỉnh. Trong khi không có nguồn vốn bổ sung nên phải dừng, hoãn… Ngoài ra, các dự án phê duyệt có tổng mức đầu tư không sát với thực tế, vượt xa so với tính toán và nhu cầu. Hiện Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng và các bộ có liên quan xây dựng định mức, làm cơ sở tính toán tổng mức đầu tư hợp lý.


9h30: Nợ công không xấu, nhưng đầu tư công không hiệu quả thì…

Nhấn nút xin tranh luận về nợ công, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội) đặt vấn đề: “Bộ trưởng nói nhiều đến nợ công, giới hạn nợ công. Nhưng vấn đề chính không phải là con số nợ mà hiệu quả tiền đi vay như thế nào.

“Nợ công thì không xấu, nhưng hiệu quả đầu tư thấp thì mới xấu” – Ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo vị đại biểu này, nếu đi vay mà đầu tư hiệu quả thì mới có thể trả nợ gốc và tiền lãi. Còn đầu tư không hiệu quả thì rất nguy hiểm. Ông dẫn chứng Chính phủ phải giả quyết 12 dự án đầu tư công, thua lỗ nghìn tỷ và phải bù lỗ trong quá trình hoạt động.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Dũng thừa nhận hiệu quả đầu tư công là vấn đề trọng tâm, năm trong chương trình tái cơ cấu. Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, đây cũng là trách nhiệm của Bộ KH&ĐT và các ngành, các địa phương trong quá trình sử dụng.

Nói về trách nhiệm của Bộ Tài chính, ông Dũng cho biết cơ quan này đang nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, giảm tối đa bảo lãnh tín dụng, giám sát chi tiêu nợ công và hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về nợ công.


Có thu được đồng thuế nào từ Google, Uber, Grap hay không?

Tranh luận với trả lời của Bộ trưởng Tài chính, đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (đoàn Thừa Thiên Huế) nói “Bộ trưởng báo bức tranh thuế tốt. Nhưng một số lĩnh vực thất thu thuế. Kinh doanh bất động sản, đất vàng ở TP lớn, kinh doanh hàng Google, Uber, Grab, thất thu thuế lớn, có lĩnh vực không thu được đồng thuế nào thì Bộ trưởng có giải pháp gì?”, đại biểu đặt câu hỏi.

Theo Đại biểu Hoàng Quang Hàm đặt câu hỏi, ông băn khoăn khi hai bộ trưởng giải thích về ODA, nợ công. Tuy nhiên thực tế việc quản lý ODA hiện nay bất cập, tổng mức ODA ngoài tầm kiểm soát. “Để có số liệu vay nợ ODA, quốc gia cần bao nhiêu thời gian để tổng hợp và hiện nay là bao nhiêu?” – đại biểu Hàm hỏi. Đồng thời, ông Hàm cũng đề nghị làm rõ là với tình hình hiện nay có đảm bảo vay ODA trong mức 300.000 tỷ không, trần nợ công là bao nhiêu?


9h05: Truy thu, truy hoàn 3.085 tỷ đồng tiền phạt chuyển giá

Được Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc việc ưu tiên trả lời về vấn đề chuyển giá và giải pháp khắc phục, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết,  năm 2016, cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra 1.406 cuộc với DN FDI, tổng số truy thu, truy hoàn 1.310 tỷ đồng, giảm lỗ 1.983 tỷ đồng, giảm khấu trừ hơn 3 tỷ đồng. Trong khi năm 2017 đã kiểm tra 1.288 DN, số tiền truy thu, truy hoàn là 3.085 tỷ đồng, giảm lỗ 6.812 tỷ đồng, giảm khấu trừ 265 tỷ đồng.

Bộ trưởng Dũng cho rằng, chuyển giá không chỉ trong quá trình sản xuất mà còn ngay từ khâu đầu tư. “Trang thiết bị giá rẻ nhưng kê khai cao để trích khấu hao chuyển giá” – người đứng đầu Bộ Tài chính lấy ví dụ.

Về vấn đề pháp lý, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết năm 1995, Bộ này đã có văn bản hướng dẫn về chuyển giá, trong thời gian gần đây đã tiếp tục hoàn thiện chính sách. Riêng trong năm 2017, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 20 về quản lý thuế đối với DN phát sinh giao dịch liên kết, đồng thời ban hành các thông tư dựa trên kinh nghiệm của OECD.


8h50: Phải có lộ trình để tránh bội chi trong áp lực nợ công

Người đầu tiên đặt câu hỏi với Bộ trưởng Dũng là đại biểu Nguyễn Tảo (đoàn Lâm Đồng). Ông Tạo có hai câu hỏi: Thứ nhất là vấn đề xử lý việc kéo dài thời gian thông quan gây tăng chi phí trong vấn đề hải quan. Bộ trưởng có những giải pháp gì góp phần nâng cao hiệu quả việc kiểm tra chuyên ngành. Thứ hai là việc nợ công sát trần hơn 60% GDP, trong khi Chính phủ vẫn đàm phán ký các khoản vay mới. “ Điều này ảnh hưởng thế nào trong kiểm soát chi tiêu nợ công” – ông Tảo đặt câu hỏi.

Tiếp đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP. HCM) cũng nêu vấn đề làm sao vừa kiểm soát được nợ công, lại vẫn phải đảm bảo nguồn vốn cho phát triển.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, nợ công đang tăng cao, áp lực trả nợ là tương đối lớn. Vì vậy, “chúng ta phải có lộ trình để tránh bộ chi trong áp lực nợ công” – ông Dũng nói.

Theo Bộ trưởng Dũng, để đảm bảo nợ công an toàn, cần phải triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc hoàn thiện thể chế, thông qua Luật quản lý nợ công sử đổi, tăng cường quản lý nợ công, vốn ODA và sử dụng nợ công.


Sau khi nghe Trưởng Ban Dân nguyện, UBTVQH Nguyễn Thanh Hải báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã bắt đầu điều hành phiên chất vấn.

Tại phiên chất vấn này có sự tham dự của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

8h20, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng bắt đầu phiên trả lời chất vấn. Theo thống kê, có 58 đại biểu đăng ký câu hỏi với người đứng đầu Bộ Tài chính.