Lượng phóng xạ tăng vọt ở Bắc Âu, chuyên gia chưa có lời giải

VietTimes – Lượng phóng xạ tăng vọt trong những ngày qua và các chuyên gia vẫn chưa biết nguồn gốc của sự việc này.
Lượng phóng xạ tăng vọt ở Bắc Âu. Ảnh: Tuổi Trẻ
Lượng phóng xạ tăng vọt ở Bắc Âu. Ảnh: Tuổi Trẻ

Thông tin từ tờ Dân trí, Tổ chức Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân Toàn diện (CTBTO), cho biết một trong các trạm quét không khí để tìm các hạt phóng xạ đã tìm thấy mức độ bất thường của Caesium-134, Caesium-137 và ruthenium-103.

Họ khẳng định đồng vị này là sản phẩm phân hạch hạt nhân, có thể là từ một nguồn dân sự. Các chuyên gia của Tổ chức Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân Toàn diện (CTBTO) đang đưa ra giả thuyết về nguồn gốc của bất thường gồm một phần của một số quốc gia vùng Baltic và bán đảo Scandinavia cũng như một vùng đất phía tây nước Nga.

Một chuyên gia chia sẻ rằng họ có hệ thống giám sát an toàn mức phóng xạ tiên tiến và không có bất kỳ báo động khẩn cấp nào. Hiện vẫn chưa biết nguồn gốc bất thường này từ đâu.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế cũng đã đặt câu hỏi với các quốc gia rằng họ có phát hiện các đồng vị bất thường này hoặc bất kỳ sự kiện nào có thể liên quan đến điều này hay không nhưng chưa nhận được xác nhận nào.

Tại Phần Lan, cơ quan an toàn hạt nhân nước này cho biết họ cũng tìm thấy một lượng nhỏ các các đồng vị trong các mẫu được thu thập ở bờ biển phía nam. Nồng độ này đủ nhỏ để được cho là khởi nguồn từ hoạt động bình thường hoặc bảo trì lò phản ứng hạt nhân.

Nhà máy điện hạt nhân. Ảnh: Internet
Nhà máy điện hạt nhân. Ảnh: Internet

Theo thông tin từ VNE, hạt nhân phóng xạ là những nguyên tử có nhân không ổn định. Năng lượng dư thừa bên trong nhân được giải phóng thông qua quá trình phân rã phóng xạ. Dù các mức phóng xạ hiện tại được cho là vô hại với con người nhưng chúng là phụ phẩm từ phản ứng hạt nhân.

Các nhà chức trách Hà Lan phân tích dữ liệu từ các nước láng giềng và kết luận phóng xạ đến từ phía tây nước Nga. Trong khi đó, thông tin từ hãng thông tấn TASS, cuối tuần qua hai nhà máy điện hạt nhân phía tây bắc của Nga, ở Leningrad và Kola, vẫn hoạt động bình thường và mức độ phóng xạ không thay đổi.

Theo ông Jan Johansson - Chuyên gia bảo vệ bức xạ tại Cơ quan an toàn bức xạ Thụy Điển, các biến thể là cực kỳ thấp, thậm chí thấp hơn nhiều so với sự cố nhà máy điện Fukushima năm 2011 ở Nhật Bản. Vấn đề ở đây là sự kết hợp của các chất này, nó không phải là thứ chúng ta thường thấy.

Hiện tại, các chuyên gia hạt nhân vẫn chưa tìm ra nguồn gốc chính xác của sự bất thường đối với vụ việc này.