Cổ phiếu DTP của CPC1 Hà Nội chào sàn UPCoM

VietTimes – Cổ phiếu DTP của CPC1 Hà Nội chính thức giao dịch trên UPCoM với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 23.000/cổ phiếu, tương đương với mức định giá gần 280 tỷ đồng.
CTCP Dược phẩm CPC1 Hà Nội (Nguồn: CPC1 HN)
CTCP Dược phẩm CPC1 Hà Nội (Nguồn: CPC1 HN)

Hôm nay (18/6), hơn 12 triệu cổ phiếu của CTCP Dược phẩm CPC1 Hà Nội (CPC1 Hà Nội – Mã CK: DTP) chính thức được đưa vào giao dịch trên sàn UPCoM.

Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 23.000 đồng/cổ phiếu, đồng nghĩa với việc CPC1 Hà Nội được định giá gần 280 tỷ đồng.

CPC1 Hà Nội được thành lập năm 2009, nhà máy sản xuất và trụ sở chính tại cụm công nghiệp Hà Bình Phương, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Tp. Hà Nội. Công ty này có ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu. Đây là hoạt động cốt lõi đem về doanh thu, lợi nhuận chủ yếu cho công ty.

Các sản phẩm của công ty được chia thành 2 nhóm chính là thuốc và thực phẩm chức năng. Một số sản phẩm của công ty bao gồm sản phẩm Zensonid, sản phẩm Fogyma, sản phẩm Nebusal, nước cất ống nhựa.

Tháng 7/2011, CPC1 Hà Nội nhập dây chuyền FFS, công nghệ đóng ống uống với chức năng tạo hình ống, đóng dịch và hàn kính ống trên cùng một máy. Đến cuối năm 2013, công ty này nhập thêm dây chuyền Blow-Fill-Seal từ Mỹ.

Hiện nay, CPC1 Hà Nội có vốn điều lệ 121,7 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: CTCP Dược phẩm Trung ương CPC1 (nắm giữ 16,43% cổ phần), Lê Thị Kim Ánh (nắm giữ 17,19% cổ phần), Nguyễn Tiến Lung (nắm giữ 8,22% cổ phần), Lê Nam Thắng (nắm giữ 9,25% cổ phần), Nguyễn Thanh Bình (nắm giữ 18,85% cổ phần), Phùng Thanh Hương (nắm giữ 10,25% cổ phần), còn lại là các cổ đông khác.

Ông Lê Nam Thắng (SN 1974) là Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của CPC1 Hà Nội.

Tính đến cuối năm 2019, CPC1 Hà Nội có tổng tài sản đạt 497,8 tỷ đồng, trong đó có tài sản cố định là 253,2 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn là 127,4 tỷ đồng và hàng tồn kho 88,7 tỷ đồng.

Trong cơ cấu doanh thu thuần của CPC1 Hà Nội, chiếm tỷ trọng lớn nhất là doanh thu bán hàng hóa, thành phẩm (97,54% vào năm 2019 và 98,38% vào quý I/2020).

Ngoài ra, công ty cũng có doanh thu đến từ hoạt động cung cấp dịch vụ, trong đó, công ty cho các đơn vị thuê mặt bằng làm kho để thuốc, văn phòng, làm dịch vụ ủy thác nhập khẩu, và doanh thu này tương đối ổn định qua các năm.

Năm 2019, CPC1 Hà Nội có doanh thu thuần đạt 444 tỷ đồng, đạt 118,46% so với kế hoạch; lợi nhuận sau thuế hơn 93 tỷ đồng.

Sang năm 2020, công ty này đặt kế hoạch tổng doanh thu 550 tỷ đồng, tăng trưởng 23,8% so với năm 2019; lợi nhuận trước thuế ở mức 126,5 tỷ đồng, tăng 12,28% so với năm 2019.

Trong 3 tháng đầu năm 2020, CPC1 Hà Nội có doanh thu thuần đạt 136,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 34,4 tỷ đồng.

Năm 2020, CPC1 Hà Nội có kế hoạch chia cổ tức thấp nhất là 8%, đây cũng là mức phân phối lợi nhuận của năm 2019./.