Phần 2: Những điều chưa từng thấy trong làn sóng biểu tình ở Mỹ

VietTimes – Đã hai tuần trôi qua kể từ khi cuộc biểu tình đầu tiên nổ ra sau cái chết của Floyd, hàng nghìn người vẫn tập trung tuần hành đòi bình đẳng sắc tộc tại hơn 150 thành phố của Mỹ. Làn sóng biểu tình lần này có nhiều điều khác so với trước – Phân tích của Tiến sĩ Terry Buss, Học viện Hành chính Công Hoa Kỳ.
 Cơ quan tình báo Mỹ đánh giá có bằng chứng các nhóm cực đoan có tổ chức liên quan đến bạo lực trong biểu tình - Ảnh: AP
Cơ quan tình báo Mỹ đánh giá có bằng chứng các nhóm cực đoan có tổ chức liên quan đến bạo lực trong biểu tình - Ảnh: AP

Phần 1: Cảnh đốt phá ở Mỹ - Phiên bản 2020

Ngay từ đầu, nạn nhân đã nhận được sự đồng cảm qua báo chí, gia đình, bạn bè và những người quen biết. Anh Floyd không phải là một nhân vật vô hình trong một bức ảnh chụp bị nhòe mờ của cảnh sát. Anh ấy là một con người có thật, có gia đình. Anh ấy dạy các lớp học kinh thánh và làm việc tại cộng đồng của mình. Những người đàn ông da màu chết trong quá khứ không được khắc họa theo cách này.

Các cuộc biểu tình đã xảy ra khắp nước Mỹ đã 14 ngày và không hề thuyên giảm cho đến khi các cảnh sát bị buộc tội và bắt giam. Thông thường, với các vụ án thế này, phải mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm để bị truy tố. Việc truy tố nhanh trong vụ việc này có vẻ giống như một sự trao quyền cho những người biểu tình.

Theo dõi các phương tiện truyền thông, người ta sẽ thấy bất ngờ với sự tham gia của rất nhiều người da trắng trong các cuộc biểu tình. Không chỉ vậy, những người này có xu hướng là thanh niên và khá nhiều trong số đó là nữ giới. Có lẽ mọi thứ đang thay đổi.

Trong khi các cuộc biểu tình trước đây dường như luôn có những kẻ kích động bên ngoài đứng đằng sau thì sự kiện lần này hầu như không cho thấy các bằng chứng về việc đó. Các nhóm như Nhóm Báo đen (Black Panthers) và Nhóm giáo đồ Hồi giáo người Mỹ gốc Phi (Black Muslim) thường là những nhóm bị cáo buộc nhưng cũng chẳng ai làm gì được họ.

Tác giả Juan Williams, trong cuốn sách của mình có tiêu đề “Eyes on the Prize”, nói rất kỹ về vấn đề này. Trong số những người biểu tình phản đối cái chết của Floyd có thể dễ dàng nhận ra những thành viên của phong trào chống phát xít Atifa, những người theo chủ nghĩa vô chính phủ và nhiều nhóm đối tượng khác. 

Chủ nghĩa cực đoan tiếp tay cho biểu tình

Cuộc biểu tình thu hút số lượng lớn người tham gia. Một nhóm là những người đau buồn và tức giận trước vụ giết hại Floyd. Đó là những người trong cùng khu dân cư đang xót thương cho cái chết của người đàn ông này, trong đó có cả những thanh niên trẻ người da màu và da trắng, cùng với các nhà hoạt động.

Trong số này có một số kẻ cơ hội - khi thấy các cửa hàng bị đốt cháy hoặc phá nát, họ quyết định “hôi” luôn số hàng hóa trong cửa hàng mà không bị bắt. Họ đã trở thành những kẻ cướp bóc, hôi của xuất phát từ “tâm lý bầy đàn” như vậy.

Lại có những kẻ cướp bóc, hôi của khác được tổ chức bài bản. Những kẻ này đột nhập vào các cửa hàng không có cảnh sát bảo vệ. Nhóm này mang cả xe ô tô, và nhiều trường hợp mang theo cả xe có rơ mooc để cướp bóc một số lượng lớn hàng hóa các loại. Những kẻ này luôn chọn các cửa hiệu không có cảnh sát hoặc chủ cửa hàng canh gác.

Những nhóm cướp bóc, hôi của này không bạo lực, mặc dù họ vi phạm pháp luật.

Cảnh sát Orlando, Florida bắn hơi cay bên ngoài tòa thị chính ngày 2/6 (Ảnh: AP)
 Cảnh sát Orlando, Florida bắn hơi cay bên ngoài tòa thị chính ngày 2/6 (Ảnh: AP)

Các nhóm khác đến từ các khu vực xung quanh. Họ bày tỏ sự tức giận bất mãn và tìm cách kích động. Những người này phá hoại xe cảnh sát và phá hủy mọi thứ; và không từ bỏ cơ hội cướp bóc, hôi của. Qua thông tin báo chí có thể thấy thành viên của các nhóm này thường là thanh niên người da màu.

Một nhóm nữa là những kẻ mang tư tưởng cách mạng với mục tiêu lật đổ xã hội và chính phủ. Hình mẫu của nhóm này chính là Phái Hồng Quân (còn gọi là Băng đảng Baader Meinhof) ở Đức và Phong trào chống chính phủ Weather Underground hoạt động tại Mỹ trong thập niên 1960. Những kẻ này rất bạo lực và không ngại giết chóc.

Cách mạng muôn năm

Đặc biệt phải nhắc đến là những kẻ tham gia phong trào chống phát xít (Antifa) và những kẻ theo chủ nghĩa vô chính phủ. Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ông William Barr, đã tuyên bố rằng Antifa và những kẻ vô chính phủ đã hoạt động rất tích cực trong các cuộc biểu tình mang danh cái chết của Floyd.

Có vẻ như có nhiều kẻ từ hai nhóm này đã được đưa vào các thành phố để kích động bạo loạn. Đáng báo động là một số thành phố đã có báo cáo về việc phát hiện các điểm tập kết gạch, chai xăng, và đá cục mà những kẻ bạo loạn sử dụng để phá hoại tài sản.

Những nhóm này có quy mô nhỏ, không có tổ chức rõ ràng ở trong nước. Các nhóm này hoạt động rất tích cực trong thời gian ông Trump làm Tổng thống, xuất hiện tại các sự kiện của phe cánh hữu để gây rối. Mục tiêu được yêu thích của những nhóm này thường là các tác giả, các diễn giả hoặc các học giả có khuynh hướng bảo thủ, và các cuộc tuần hành tranh cử của ông Trump.

Những nhóm này thường đối đầu với các nhóm cực đoan cánh hữu, các nhóm tân Quốc Xã (Neo-Nazis) và những người theo chủ nghĩa người da trắng thượng đẳng và thường lôi nhau vào những trận tranh cãi ầm ĩ.

Antifa đặt ra sứ mệnh là loại trừ phân biệt chủng tộc thông qua bạo lực. Nhưng gần như tất cả các thành viên của Antifa lại là người da trắng. Việc người da màu không phải là thành viên lẽ ra đã là chỉ dấu cho thấy nhóm này không đại diện cho cộng đồng người da màu. Trên thực tế, nhiều người da màu coi Antifa là một nhóm gồm những người da trắng đang cố gắng áp đặt quan điểm của họ lên người khác.

Để thấy được sự bất nhất của nhóm này, hãy xem xét từ góc độ sau. Nhóm này tuyên bố chống lại chủ nghĩa phát xít, nhưng sau đó các thành viên của họ lại vẽ tranh phun sơn graffiti lên Đài tưởng niệm Thế chiến II ở Washington DC, mà không nhận thức được rằng đây là đài tưởng niệm những người lính đã đánh bại Đức Quốc xã.

Họ cũng vẽ graffiti lên Đài tưởng niệm Abraham Lincoln. Chính Tổng thống Lincoln là người bãi bỏ chế độ nô lệ.

Quan trọng không kém, Mục sư Martin Luther King Jr. đã bắt đầu cuộc Tuần hành vì Tự do vào năm 1963 với bài phát phiểu “Tôi có một giấc mơ” tại đài tưởng niệm này trước 250.000 người biểu tình – đây là bài phát biểu quan trọng nhất về quyền dân sự mà ông đã từng thực hiện.

Có phải chăng là các thành viên Antifa đã hít phải quá nhiều hơi cay?!.

Ngay cả những doanh nghiệp có thiện cảm với những kẻ gây bạo loạn cũng không tránh khỏi là nạn nhân của tình trạng hỗn loạn. Trong ba năm qua, Nike đã chi hàng trăm triệu để quảng bá quan điểm chống cảnh sát của tập đoàn này. Nike đã thuê cựu ngôi sao bóng đá, Colin Kapernick, một người đi đầu trong phong trào chống sự tàn bạo của cảnh sát để tiếp tục cuộc chiến chống cảnh sát.

Trong các cuộc biểu tình, những kẻ bạo loạn đã thiêu rụi trụ sở của Nike. (Không ai biết liệu thủ phạm có phải là Antifa không.)

Tin “tốt lành!?”: Sau thất bại trong việc loại trừ phân biệt chủng tộc bằng những hành động phân biệt chủng tộc, Antifa đang lên kế hoạch tấn công vào Biến đổi khí hậu, hiển nhiên do được thu hút với những nỗ lực của thiếu niên người Thụy Điển, Greta Thunberg, lãnh tụ của các cuộc biểu tình trẻ em.

Còn những kẻ theo chủ nghĩa vô chính phủ thì muốn phá hủy hệ thống quản trị của nước Mỹ. Đối với những người này, càng tạo ra được nhiều bất hòa xã hội thì họ càng hài lòng. Điều may mắn là có vẻ như nhóm này không có nhiều thành viên.

Những nhóm này thường rất dễ để nhận ra. Họ đội mũ bảo hiểm, đeo găng tay, đeo khẩu trang, mặc áo giáp cá nhân và quần áo cả bộ màu đen. Mỉa mai thay “đồng phục” của Antifa giống hệt với đồng phục của đội cảnh sát tinh nhuệ SWAT chuyên trấn áp bạo loạn.

Những kẻ bạo loạn có hai mục đích. Họ muốn trà trộn vào những người biểu tình ôn hòa để ít có khả năng bị bắt giữ. Và bằng cách tạo ra sự khiếp sợ, những kẻ bạo loạn muốn làm nhụt chí những người biểu tình ôn hòa và tuân thủ pháp luật đi biểu tình để thực hiện quyền của họ.

Trong khi bạo loạn đang diễn ra, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Antifa là một tổ chức khủng bố. Điều này có nghĩa là chính phủ liên bang có thể sử dụng nhiều công cụ khác nhau để giải tán hoặc ngăn chặn các nhóm này.

Andy Ngo, một nhà báo công dân, đã ghi lại các hoạt động của Antifa bằng máy ảnh Go-Pro qua các cuộc biểu tình ở Portland, Oregon. Năm ngoái khi anh đang đưa tin, các thành viên Antifa đã phục kích anh từ phía sau, đánh vỡ hộp sọ và anh đã phải nhập viện.

Mặc dù đã biết rằng Antifa và những kẻ theo chủ nghĩa vô chính phủ đã hoạt động trong các cuộc biểu tình, các quan chức ở Minnesota và Minneapolis vẫn tiếp tục nói rằng những kẻ cực đoan cánh tả là người từ nơi khác đến và là những kẻ theo chủ nghĩa người da trắng thượng đẳng.

Điều này là sai sự thật. Các nhà phê bình cho rằng các quan chức này đang bảo vệ những kẻ cực đoan cánh tả. Chẳng ai biết thực hư ra sao.

Tất cả tài sản là trộm cắp

Nhiều thành viên phe cánh tả “tin rằng tất cả tài sản là trộm cắp”. Khi ông Barack Obama ra tranh cử tổng thống, ông đã trừng phạt những người kinh doanh khi nói rằng “nếu anh có một cơ sở kinh doanh – thì bản thân anh không làm nên điều đó. Những người khác đã làm”, với ý nói là chính phủ và người dân.

Triết lý này cho phép phe cánh tả bỏ qua cho những kẻ bạo loạn đã đốt cháy các tòa nhà và phá hoại tài sản, bỏ qua cho những kẻ cướp bóc, hôi của đã ăn cắp tài sản trong các cuộc biểu tình. Người đồng sáng lập của Phong trào “Black Lives Matter”, Opel Tometi, đã lập luận trên tài khoản Twitter của cô ta rằng việc cướp bóc hôi của và phá hủy tài sản trong các cuộc bạo loạn có thể tha thứ được vì tài sản luôn có thể thay thế được.

Những thành viên cánh tả đang cố tình biện hộ cho việc hủy hoại tài sản dường như đã quên một thực tế là hàng ngàn công nhân da màu nghèo và những chủ các cơ sở kinh doanh người da màu hiện đã mất kế sinh nhai. Theo Cục nghiên cứu kinh tế quốc gia, việc cướp bóc hôi của và đốt tài sản trong các cuộc bạo loạn trước đây đã gây hậu quả nặng nề, phải mất nhiều thập kỷ để xây dựng lại. Một số cộng đồng không bao giờ phục hồi được.

Các thành viên phong trào Boogaloo hôm 30-5 ở Louisville (Kentucky) (Ảnh: IPX)
Các thành viên phong trào Boogaloo hôm 30-5 ở Louisville (Kentucky) (Ảnh: IPX)

Ngoài ra, bạo loạn và cướp bóc đã dẫn đến cái chết và thương tích cho người biểu tình và cảnh sát. Điều này đã bác bỏ lập luận rằng bạo loạn và cướp bóc là tội ác không có nạn nhân. Ông David Dorn, một cảnh sát da đen 77 tuổi đã nghỉ hưu, đã bị bắn chết và xác của ông bị bỏ mặc trên đường phố St. Louis khi ông ấy cố gắng ngăn chặn những kẻ cướp bóc ăn cắp một chiếc TV.

Những tên sát nhân đã phát trực tiếp vụ giết người này trên mạng xã hội. Các thành viên Antifa đã bị bắt khi sau khi họ ném bom xăng vào một chiếc xe cảnh sát có người. Sáu mươi mật vụ đã bị thương trong một đêm khi đang làm nhiệm vụ bảo vệ Nhà Trắng. Danh sách còn rất dài.

Tấn công vào tài sản cũng là tấn công vào các giá trị cốt lõi của Mỹ. Mua, nắm giữ, nâng cấp và định đoạt tài sản là nền tảng của tất cả các quyền khác trong Hiến pháp. Đây là lý do tại sao Antifa, những kẻ theo chủ nghĩa vô chính phủ và những kẻ khác là những kẻ cướp bóc và đốt phá.

Một trong những việc mà các nhóm này đã làm là họ chối bỏ chủ nghĩa tư bản và sở hữu tài sản tư nhân. Khi có người thiệt mạng trong cuộc bạo loạn, các nhóm này vui mừng vì cảnh sát đã không thể bảo vệ nạn nhân. Họ cũng tin rằng những nạn nhân vô tội này đã chết cho một sự nghiệp chính nghĩa.

Trước khi bạo loạn xảy ra, một số thành phố, thành phố New York và gần như toàn bộ tiểu bang California, đã loại bỏ hoặc giảm nhẹ hình phạt cho các tội như lảng vảng rình rập, ngủ trên vỉa hè, trộm cắp vặt, sử dụng ma túy và nhiều tội khác. Nhiều thành phố không còn yêu cầu người vi phạm phải nộp tiền tại ngoại nữa.

Dù đây là một quyết định xuất phát từ ý tốt nhưng việc này lại trở thành một món quà cho những kẻ bạo loạn: họ không còn bị bắt nữa và khi bị bắt, họ không bị bỏ tù. Điều này có nghĩa là mặc dù hàng trăm người đã bị bắt tại các thành phố như New York, họ đã được thả ngay trong vài phút để quay lại đường phố và tiếp tục bạo loạn.

Ở những thành phố không từ bỏ các yêu cầu nộp tiền tại ngoại, nhiều nhóm “thiện nguyện” khác nhau đã gây quỹ để trả tiền bảo lãnh giúp những kẻ bạo loạn được thả. Tại Minneapolis, các nhà hoạt động đã quyên góp được 31 triệu đô la để cung cấp tiền bảo lãnh cho người biểu tình.

Hơn 800.000 người Mỹ đã đóng góp vào quỹ này. Các thành phố khác cũng có những quỹ tương tự. Thông điệp từ những hành động từ thiện này: Bạo loạn là chấp nhận được.

Mới gần đây, những kẻ phá hoại ở Washington đã sơn dòng chữ “Mạng sống của người da đen là quan trọng” phủ dài cả một dãy nhà dọc con phố đối diện Nhà Trắng. Trên Twitter, thị trưởng Washington, bà Bowser đã lên tiếng ủng hộ hành động phá hoại này: “khu vực này từ giờ trở đi sẽ là “Black Lives Matter Plaza”. Tốt vậy thật sao!

Đảng Dân chủ khuyến khích bạo lực

Đảng Dân chủ đã từng rất cẩn trọng để không tiếp tục tham vọng chính trị của họ bằng cách thúc đẩy bạo lực một cách công khai. Điều đó đã thay đổi trong kỷ nguyên của ông Trump.

Trước đó, chiếc ghế tổng thống của ông Obama phụ thuộc một phần vào sự ủng hộ của cử tri người da màu. Theo phía cảnh sát, khi bạo loạn xảy ra, ông Obama đã không lên án những kẻ bạo loạn, mà thay vào đó, lại dành những lời lẽ không tốt đẹp cho cảnh sát.

Bạo lực chống lại cảnh sát gia tăng dưới thời của tổng thống Obama, với nguyên nhân sâu xa hoặc từ chính những phát biểu của ông hoặc do ông đã không lên tiếng.

Tháng 01 năm 2016, nữ nghị sĩ Maxine Waters, một phụ nữ da màu từ tiểu bang California, đã kêu gọi tất cả những người theo phe Dân chủ đuổi hết các thành viên đảng Cộng hòa và những người làm việc trong chính quyền của ông Trump khỏi những nơi công cộng.

Bà này yêu cầu những người ủng hộ phe Dân chủ “hãy đối mặt với họ” và hét lên “Chúng tôi không muốn các người ở đây; hãy biến đi”. Bà ta đã phát động phong trào này trong những cuộc diễn thuyết khắp nước Mỹ.

Kết quả là ngay sau đó các thành viên cấp cao của đảng Cộng hòa đã gặp phải sự thách thức của những người biểu tình, họ bị ngăn chặn không thể đi ăn tại nhà hàng, không thể đi mua sắm, thậm chí không thể đi dạo với gia đình,

Cảnh sát yêu cầu một thiếu niên tuân thủ lệnh giới nghiêm sau 20h ở khu Bronx, New York (Ảnh: New York Times)
Cảnh sát yêu cầu một thiếu niên tuân thủ lệnh giới nghiêm sau 20h ở khu Bronx, New York (Ảnh: New York Times)

Ông Keith Ellison, một người Mỹ gốc Phi, hiện là Tổng chưởng lý bang Minnesota chịu trách nhiệm truy tố những cảnh sát trong vụ sát hại George Floyd, đã từng là nghị sỹ. Theo báo Chicago Tribune, tháng 1 năm 2018, ông Ellison đã bày tỏ sự ủng hộ dành cho Antifa bằng cách đăng trên Twitter bức ảnh ông ta đang cầm trong tay cuốn sách: “Antifa: Sổ tay hướng dẫn chống phát xít”, trong đó nói về các cách thức châm ngòi bạo lực. Cũng trong thời gian này, ông Ellison là đồng chủ tịch của Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ (DNC).

Ông Bernie Sander đã từ bỏ bạo lực để đạt được tham vọng chính trị, nhưng nhân viên của ông rõ ràng là không. Nhóm Project Veritas, một nhóm bảo thủ dùng các hình thức tiếp cận bí mật để phơi bày sự đạo đức giả của những người theo chủ nghĩa xã hội, đã ghi được hình ảnh người tổ chức hoạt động cộng đồng của ông Sanders đang ba hoa rằng nếu ông Trump tái đắc cử thì những chính người theo chủ nghĩa xã hội sẽ “thiêu rụi nước Mỹ”.

Một nhân viên khác của ông Sanders thì tranh luận rằng những kẻ cướp bóc thực sự chính là các tập đoàn doanh nghiệp chứ không phải người biểu tình.

Điều quan trọng là không phải ai cũng đồng ý với sự im lặng này.

Trong lúc nước sôi lửa bỏng, gia đình George Floyd đã lên tiếng kêu gọi biểu tình ôn hòa và bất bạo động. Điều họ muốn là những người đang khóc thương Floyd hãy tưởng nhớ anh, họ không mong muốn những hành vi của những kẻ bạo loạn.

Mục sư Al Sharpton, nhà lãnh đạo của phong trào dân quyền đã đọc điếu văn tại đám tang anh Floyd và ông nói rằng gia đình “sẽ không cho phép những kẻ bạo động lấy Floyd ra làm công cụ”.

Tin nóng: Thành phố New York tuyên bố họ sẽ không truy tố hầu hết những người biểu tình. Còn chuyện tồi tệ nào có thể xảy ra nữa?

Trớ trêu là: Đảng Dân chủ thúc đẩy bạo lực, dẫn đến bạo lực sẽ gia tăng hơn nữa khi người dân bắt đầu tự vũ trang.

Những mâu thuẫn trong đại dịch

Vì đại dịch Covid-19, nhiều thành phố ở Mỹ đã phải đóng cửa các hoạt động kinh doanh. Ngoại trừ các dịch vụ thiết yếu cho người dân, tất cả doanh nghiệp đều phải đóng cửa. Người dân được yêu cầu ở trong nhà. Khi ra ngoài, tất cả đều phải đeo khẩu trang. 13% lực lượng lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp.

Đây là thời điểm “tuyệt vời” để tổ chức các cuộc biểu tình quy mô lớn: Hàng chục ngàn người đang vi phạm hướng dẫn cách ly xã hội – hành động này sẽ khiến virus tái lây lan khắp nước Mỹ.

Nhiều người biểu tình đeo khẩu trang: việc này có hai mục đích – một là để phòng ngừa virus và hai là để giấu thân phận. Điều này khiến Antifa rất ưng ý. Ngoài ra, vì hầu hết doanh nghiệp đều đóng cửa nên những kẻ bạo loạn có thể thoải mái lựa chọn nơi đốt phá và cướp bóc.

(còn tiếp)