Trò chuyện với TS Trần Đình Thiên về dịch covid- 19:

Kỳ cuối: “Thoát ta” hay “thoát Trung”?

VietTimes -- Khi kết luận về những đề xuất cải cách kinh tế nhân dịch Covid, PGS - TS Trần Đình Thiên nói: “Đã đến lúc ta phải “thoát ta” rồi! “Thoát ta” chứ không phải “thoát Trung” nhé!”
TS Trần Đình Thiên: "Đã đến lúc ta phải "thoát ta"!
TS Trần Đình Thiên: "Đã đến lúc ta phải "thoát ta"!

Tôi sực nhớ đến chuyện, cách đây gần 6 năm, ngày 1/5/2014, khi Trung Quốc đưa Hải Dương 981 vào gần Hoàng Sa tiến hành thăm dò dầu khí, trên mạng và trong một số hội thảo người ta đã nói và bàn đến “thoát Trung”.

Vậy thuật ngữ “thoát ta” của ông khác gì so với “thoát Trung”?

- “Thoát Trung” là khái niệm có nội hàm phong phú, độ “nhạy cảm” cao, và còn gây tranh cãi. Tuy vậy, đây lại là một vấn đề đặc biệt quan trọng trong công cuộc phát triển hiện đại của các nước Đông Á. Do đó, nó cần phải được làm rõ, với một thái độ khoa học khi thảo luận.

Câu chuyện sẽ rất dài dòng. Ở đây, tôi chỉ xin nêu một số ý vắn tắt.

“Thoát Trung” trước hết là thoát khỏi những trói buộc xã hội kiểu Phương Đông truyền thống, là giải phóng các cá nhân và xã hội khỏi những tập tục trói buộc, những quy định đè lên họ, làm triệt tiêu khát vọng tự do, dân chủ, nỗ lực sáng tạo của các cá nhân, kìm hãm sự phát triển nhân cách.

Điểm lưu ý là những trói buộc đó có hạt nhân “Nho giáo”, bắt nguồn từ Trung Quốc, lan tỏa và thâm nhập vào các nước châu Á bằng nhiều cách, kể cả thông qua con đường xâm lược, cai trị và “đồng hóa”, hóa thân thành “cốt cách văn hóa”, thành “tập tục xã hội” của quốc gia tiếp nhận. Thoát khỏi những thứ “bóng đè” có nguồn gốc Trung Hoa đó, vì thế, được gọi là “thoát Trung”, thực chất là thoát khỏi những trói buộc xã hội có gốc gác Trung Hoa, là “tự thoát khỏi chính ta”.

Không bàn đến “thoát Trung” theo nghĩa thoát khỏi sự đô hộ của các triều đại phong kiến Trung Quốc, khái niệm “thoát Trung” gần đây còn một hàm ý khác. Đó là thoát khỏi sự lệ thuộc phát triển, lệ thuộc kinh tế, thoát khỏi “bẫy nợ”, “bẫy đầu tư” mà Trung Quốc “cài đặt”, thoát khỏi tình trạng thâm hụt thương mại nặng nề với Trung Quốc…, hiện đang là vấn đề đặt ra cho nhiều nước, kể cả những nước phát triển.

“Thoát Trung” ở khía cạnh thoát khỏi cái bẫy phụ thuộc này, mà một bên “cài đặt” là phía Trung Quốc, là rất không dễ dàng.

Nền kinh tế Việt Nam, cả mấy chục năm trời, không thể phát triển công nghiệp hỗ trợ - do quen nhập khẩu “đầu vào” từ Trung Quốc – vừa rẻ, vừa sẵn, lại “tiện đường”. Thế là có một nền công nghiệp “ăn sẵn”, thiếu hụt nền tảng, chỉ gia công, lắp ráp. Bây giờ, muốn trỗi dậy, vươn lên trên chuỗi cung ứng cũng rất khó. Vì doanh nghiệp Việt Nam mấy chục năm không được chuẩn bị năng lực đó, bây giờ không thể có năng lực đó. Thế là phụ thuộc nặng vào nhập khẩu “đầu vào” từ thị trường Trung Quốc, và khó thoát bẫy lệ thuộc.

Liệu ta có thoát được cái bẫy đó không? Rất khó. Nhưng phải khẳng định: tự ta cả thôi, tất cả tùy thuộc vào chính ta. Ta có thực sự muốn thoát lệ thuộc hay không, có dám chịu trả giá để có nền kinh tế tự chủ, tự cường – tất nhiên là tương đối – tất cả là do ta cả. Chả có “ông bạn vàng” nào sẵn lòng giúp ta việc đó.

Phải “thoát Ta” để “thoát Trung” chính là như vậy. Đó cũng là cách hiểu “thoát ta” với sắc thái nghĩa khác “thoát Trung”. Ta phải chịu trách nhiệm với chính ta. Phải biết cắn răng chịu đau, không hèn, không sợ, để có quyết sách vươn lên tự chủ thì mới được. Chỉ nói “thoát Trung”, khi gặp khó, toàn đổ cho bên ngoài, còn mình đúng cả, e rằng nền kinh tế Việt chẳng bao giờ vươn dậy được.

Tôi không muốn đề cập đến loại ý kiến cho rằng “làm sao có thể thoát Trung” – với lý lẽ ta ở cạnh Trung Quốc, không thể không đi lại giao thương buôn bán với họ, phải chung sống với Trung Quốc. Không ai tranh luận học thuật về “thoát Trung” theo nghĩa thô thiển như vậy, dễ sa vào ngụy biện, và đánh lạc hướng vấn đề. 

Vậy các nước khác muốn phát triển, nhất là những nước có hoàn cảnh giống Việt Nam, đã “thoát” như thế nào?

Nhật Bản thời Minh Trị dùng khái niệm “thoát Á” – cốt lõi là “thoát Nho – thoát Trung” với nội hàm như trên - để diễn tả quá trình tự mình vượt thoát chính mình. Nước Nhật phải tự “lột xác”, từ bỏ cả một hệ thống thủ tục, lề thói, nhân lõi là Nho, là Khổng, bứt khỏi “phương thức sản xuất Châu Á” kìm hãm phát triển. Họ đã chọn cách phát triển của phương Tây, chọn kinh tế thị trường – tư bản chủ nghĩa.

Không riêng gì nước Nhật. Một loạt nước Đông Á đều làm như vậy và thành công. Hồng Kông, Ma Cao, sau này Đài Loan, đã “thoát Trung” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, nhờ đó tiến vượt lên. Hàn Quốc, Đài Loan, và Singapore tiếp theo, cũng đều “thoát Á”, “thoát Trung” như vậy, làm nên điều thần kỳ Đông Á, trở thành những quốc gia độc lập tự cường, không nước lớn nào “bắt nạt” được.

Tôi muốn nhấn mạnh trường hợp Singapore, quốc đảo có 2/3 dân số gốc Hoa. Ông Lý Quang Diệu, khi mới cầm quyền, định hướng phát triển cho Singapore với lập luận rằng Singapore là nước nhỏ, nếu cứ tồn tại trong “vũng lầy kém phát triển châu Á”, sẽ là cực kỳ rủi ro. Chỉ có một cách để Singapore đứng vững và độc lập là “vươn lên gia nhập vào thế giới phát triển”, nghĩa là phải “thoát Á” theo nghĩa rộng. Mà thoát Á ở Singapore, thực chất là “thoát Trung”, là tự thoát của ít nhất 60-70% dân số gốc Hoa.

Mạch logic “thoát Á”, “thoát Trung” đó dẫn tôi tới một luận điểm được coi là rất quan trọng về mặt phương pháp luận và chiến lược: không chỉ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan…. muốn phát triển đều phải “thoát Trung”. Ngay cả Trung Quốc, muốn phát triển được theo logic hiện đại, cũng phải “thoát Trung”.

Việc ông Đặng Tiểu Bình sang Mỹ, đội mũ cao bồi, mặc quần áo bò, tuyên bố từ bỏ “kinh tế kế hoạch hóa tập trung”, đi theo kinh tế thị trường, chính là đọc lời tuyên ngôn đoạn tuyệt với nước Trung Hoa cũ. Chính nhờ đó, Trung Quốc trỗi dậy – một sự trỗi dậy phi thường, ghê gớm mà lịch sử loài người chưa từng thấy.

Trung Quốc còn phải thoát khỏi chính Trung Quốc mới phát triển được, huống hồ Việt Nam. Không có lý gì để Việt Nam phải “né” khái niệm “thoát Trung”. Lịch sử đã từng như vậy. Hiện đại càng là như vậy. Phải có khí phách như vậy.

Nhưng như đã nói, Việt Nam “thoát Trung” phải chính là “thoát ta”. Không thoát ta thì làm sao có thể “thoát Trung” triệt để được?

Điều này gợi nhớ lại khái niệm “anh hùng”. Hóa ra khái niệm “anh hùng” thể hiện hai phẩm chất khác nhau: phẩm chất “hùng” – là thắng người; còn phẩm chất “anh” là thắng chính mình. “Anh” mới thực là khó, cao hơn “Hùng” nhiều. Đạt đến “hùng” tuy rất khó, nhưng cơ bản cũng chỉ là đến trình độ “lấy thịt đè người” thôi.

“Thoát được ta” giống như đạt đến phẩm chất “anh” trong khái niệm “anh hùng”.

Tôi nghe nói người hình thành ra khái niệm “thoát Á” là Fukuzawa?

Không chỉ riêng Fukuzawa, mà một nhóm những nhà tư tưởng, mà Fukuzawa nổi trội nhất. Bản thân xã hội Nhật Bản thời đó, đi đầu là Vua Minh Trị - Duy Tân - cũng tự phát hiện nước Nhật thực sự “có vấn đề”, khi bắt đầu mở cửa tiếp xúc với tàu chiến phương Tây. Nước Nhật hiểu rằng đóng chặt cửa là chết; cứ ôm khư khư nền văn hóa “gia trưởng” thì sẽ không có cơ gì khi đối mặt với tàu buôn và hàng hóa phương Tây.

Hiểu như vậy nên nước Nhật bắt đầu thức tỉnh. Tôi nhấn mạnh “nước Nhật”, chứ không chỉ một vài người thức tỉnh. Nhưng các nhà chí sĩ như Fukuzawa đúc kết lý luận, khái quát thành phương châm “thoát Á”. Trên cơ sở đó, Vua Minh Trị phất cờ, cung cấp các điều kiện pháp lý bảo vệ cải cách, khuyến khích những người tiên phong đưa nước Nhật “thoát Á”, thoát khỏi những trói buộc kiểu Phương Đông.

Cách phát triển phải được nhận thức một cách lý luận như vậy, phải dựa trên sự hiểu biết lý luận, không thể mãi là kinh nghiệm, gặp chăng hay chớ. Lý luận đi trước dẫn đường, đánh thức cả nước Nhật. Nhờ đó mà nước Nhật thoát khỏi chính họ - một cách thực chất, để xác lập một nước Nhật mới – mới về cách thức phát triển, mới về con người, về cấu trúc xã hội, và về hệ giá trị. Mới cả về bạn bè, đối tác và các mối quan hệ. Không phải là “thoát khỏi” một nước nào theo nghĩa “rời xa” về địa lý hay là đoạn tuyệt về lịch sử - dân tộc và văn hóa.

Đây cũng là bài học rất lớn để Việt Nam “thoát ta”, trước hết, về mặt nhận thức lý luận con đường phát triển.

Xin ông hãy cho biết kinh nghiệm “thoát ta” của các nước trên thế giới.

Chính Trung Quốc thời Đặng Tiểu Bình cũng phải “thoát Trung” đó.

Trung Quốc đã từng là nước dẫn đầu thế giới – cả về phương diện sản xuất GDP lẫn phát minh sáng chế. Tính đến thế kỷ XVI, 80% số phát minh của loài người là do Trung Quốc, hay Trung Quốc đã sản xuất 35% GDP thế giới. Nhưng sau đó, đến đời cuối nhà Minh và nhà Thanh, Trung Quốc rơi vào trì trệ.

Châu Âu bắt đầu vượt lên, nhờ Phục hưng, nhờ Thế kỷ Ánh sáng mà thoát khỏi “đêm trường Trung cổ”. 

Châu Á tụt lại. Trung Quốc bị “coi thường”, với cả “bách niên quốc sĩ”.

Người Nhật phát hiện ra cách của Châu Âu hay, nên Nhật Bản cũng chủ trương “thoát Á”, chấp nhận cách phát triển của Phương Tây, áp dụng kinh tế thị trường tự do, mở cửa ra với thế giới, nhờ đó vượt lên.

Nhưng sau đó, Nhật Bản lại bị quá đà, lại thoát ly các giá trị “tự do, dân chủ”, sa vào chủ nghĩa quân phiệt - phát xít cực đoan. Và lại bị phương Tây chinh phục lần thứ hai.  Đấy là một câu chuyện “thoát” khác nữa của lịch sử.

Khi chấp nhận đầu hàng Mỹ, những gì nước Nhật muốn “thoát”, mà chưa “thoát” được, Mỹ làm nốt. Mỹ xé tan chế độ quân phiệt và hệ thống độc quyền kinh tế, làm lại hiến pháp, đẩy dân chủ hóa lên, suốt từ 1945 đến Thế vận hội Tokyo 1964. Nhật Bản lại trỗi dậy thần kỳ, giống như Tây Đức ở châu Âu – cũng từ bỏ chế độ phát xít, khôi phục kinh tế thị trường tự do, xã hội dân sự và nền pháp trị.

Hàn Quốc, Đài Loan, và Hồng Công, cũng vậy. Hồng Kông chính là của Trung Quốc, nhưng để Anh “cai trị” 99 năm nên mới phất lên như vậy, chứ nếu vẫn thuộc về Trung Quốc thì chắc bây giờ hãy còn vất vưởng. Singapore cũng thế, bùng lên được là do ông Lý Quang Diệu dẫn dắt theo mô hình Phương Tây.

Đó là những bằng chứng cho thấy rằng nước nào “thoát” được những trói buộc kiểu cũ, hay theo định nghĩa là “cổ truyền Trung Hoa”, mới có thể trỗi dậy được.

Trung Quốc phát triển được như ngày nay cũng phải “thoát Trung”. Thế còn khái niệm “Phục hưng Trung Hoa”, gần đây được giới lãnh đạo Trung Quốc sử dụng thì sao?

Kinh nghiệm Nhật Bản nêu trên cung cấp một gợi ý để xem xét câu chuyện “Phục hung Trung Hoa”. Việc từ bỏ hệ thống dân chủ - thị trường và trở lại chế độ quân phiệt – phát xít, với tham vọng xâm lược, bành trướng và đề đầu cưỡi cổ nước khác, bắt nước khác thần phục và lệ thuộc dẫn tới kết cục nước Nhật phải chấp nhận nỗi nhục “đầu hàng”.

Trung Quốc trỗi dậy, mong muốn “Phục hưng Trung Hoa”, nghĩa là tạo dựng lại một nước Trung Quốc đứng đầu thiên hạ, với các giá trị Trung Hoa. Giá trị Trung Hoa đó là gì vậy? Cách Trung Quốc triển khai hang nghìn Học viện Khổng Tử ở nước ngoài, với sứ mệnh truyền bá văn hóa Trung Hoa, các giá trị Trung Hoa có gợi cho anh điều gì không?

Tôi nghĩ chúng ta đang dõi theo một quá trình chuyển biến cực kỳ thú vị của Trung Quốc hiện đại: Đặng Tiểu Bình đưa Trung Quốc “thoát Trung”; còn Tập Cận Bình đang “Phục hưng Trung Hoa”. Điều gì sẽ xẩy ra đây?

Thôi, hãy đợi đấy.

Thế câu chuyện của Việt Nam thì sao? Tại sao ta vẫn chưa “thoát ta”, theo cách nói của ông?

Tự mạch câu chuyện ở trên đã hàm chứa gợi ý hành động cho Việt Nam: phải cải cách thị trường triệt để, và chọn đối tác rõ ràng. Phải can đảm trả giá, chịu đau – mà rất đau đấy - để thoát khỏi lệ thuộc phát triển. Vô cùng khó khăn. Nhưng càng để chậm sẽ càng khó. Nếu không thì sẽ muộn, sẽ bị loại khỏi cuộc đua hiện đại.

Gắn với vấn đề “thoát Trung”, có một vấn đề dễ được coi là “nhạy cảm”: mở cửa với ai, cho ai và chọn cách phát triển nào?

Việt Nam mở cửa và làm bạn với cả thế giới. Chiến lược đó là tuyệt đối đúng. Nhưng không đủ. Chúng ta phải biết chọn đối tác chiến lược. CPTPP hay EVFTA là những định hướng lựa chọn đối tác chiến lược “chuẩn”.

Tuy nhiên, điều tôi muốn đề cập là những nước “thoát Trung” – kể cả Trung Quốc đã chọn cách và hướng phát triển nào để đạt được thành công?

Câu trả lời cho các câu hỏi đó – sự phân tích ở trên đã chứa đựng gợi ý khá rõ.

Điều làm tôi băn khoăn là sao sau đến 35 năm “đổi mới thành công”, Việt Nam vẫn bị “tụt hậu phát triển” thậm chí vẫn “tụt hậu xa hơn”? Điểm khác cơ bản trên phương diện mô hình tăng trưởng và phát triển và định hướng đối tác chiến lược của ta so với các nền kinh tế “thần kỳ Đông Á” là gì?

Tôi còn nhớ khi Quốc hội Mỹ thông qua Hiệp định Thương mại song phương giữa Hoa kỳ và Việt Nam, cuối năm 2001, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có qua Mỹ, và gặp bà Ngoại trưởng Condoleeza Rice. Theo một người bạn của tôi, quan chức sứ quán Việt Nam tại Mỹ, và có tham dự buổi tiếp, ông Nguyễn Tấn Dũng chỉ quan tâm đến cá basa, bị đối xử bất bình đẳng ở Mỹ, trong khi đó bà Rice lại quan tâm đến mối quan hệ chiến lược giữa hai nước, vốn vừa đạt được mối quan hệ bình thường trong quan hệ kinh tế, sau khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao, trên bình diện toàn cầu.

Bạn tôi nhận xét bà Rice có vẻ không vui, khi hai bên quan tâm đến những vấn đề khác tầm. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, lúc đó là Bộ trưởng Thương mại và cùng tham dự cuộc gặp đó, đã xác nhận điều đó.

Theo ông, có lẽ chúng ta đã bỏ lỡ một cơ hội “xích lại gần” với Mỹ?

Tôi không biết chuyện này. Nhưng nếu đúng như vậy thì có thể “chỉnh lại” theo giả định thế này: ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn nói về cá basa, vì đó là lợi ích xuất khẩu của Việt Nam, của các chủ trang trại và nông dân Việt Nam, không nên và không được phép bỏ qua; nhưng sau đó, phải nối ca basa vào “chuỗi” câu chuyện chiến lược, “tầm vóc” hơn, với liều lượng thích hợp. Nếu như vậy, có thể mọi chuyện đã diễn ra theo một chiều hướng khác tích cực hơn. Chỉ dùng 1/3 thời gian cho cá ba sa thôi, còn 2/3 thời gian phải nói với bà Rice về mối quan hệ toàn cầu, mối quan hệ chiến lược.

Tư duy là cực kỳ quan trọng, và cách tiếp cận thế giới liên quan như thế này. Như Napoleon nói Trung Quốc là con sư tử, và tốt nhất là đừng đánh thức nó. Nhưng chính kinh tế thị trường đã đánh thức con sư tử đó, và người tỉnh giấc đầu tiên là Đặng Tiểu Bình. Ông đã không bị trói buộc bởi cách nghĩ của Trung Hoa cổ truyền, theo kiểu thánh hiền, và ông vượt lên, đón luồng gió mới, từ kinh tế thế giới.  Ông chủ động đi ra ngoài để làm việc đấy, để thu hút đầu tư từ nước ngoài, và con sư tử đó đã mạnh lên kinh khủng.

Việt Nam, nhờ kinh tế thị trường, cũng đã thức dậy rồi. Bây giờ còn việc phải nối đúng mạch vào đâu để lớn mạnh nhanh.

Kinh nghiệm của thế giới, của chính ta có thừa cho một câu trả lời “chuẩn”.

Vấn đề chỉ là ta có chịu “thoát ta”, có quyết thoát khỏi lối tư duy cũ, vượt qua những trói buộc ngàn đời hay không thôi.

Tôi nhớ là nguyên Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TP HCM Lương Văn Lý có nói rằng hồi đó Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao vào nửa sau những năm ’80 của thế kỷ trước rất quan tâm đến kinh tế thị trường. Đi đến đâu ông cũng nói về Samuelson (người đoạt giải Nobel về kinh tế), người viết cuốn sách về kinh tế thị trường hiện đại, và bắt Bộ Ngoại giao dịch ra tiếng Việt cho các lãnh đạo khác và các cán bộ ngoại giao đọc để hiểu về kinh tế thị trường. Tôi nghĩ nếu ông còn tại vị, sau khi Việt Nam bắt đầu xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có lẽ Việt Nam sẽ tiến nhanh hơn, gần hơn với kinh tế thị trường.

Xin cảm ơn ông!