Từ 11 ca mắc COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng ở Hà Nội:

Làm thế nào để ngăn chặn nguồn lây virus SARS-CoV-2 đến từ nhà hàng, quán ăn và trong các bệnh viện?

VietTimes – Hà Nội đã ghi nhận 11 bệnh nhân mắc COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng với tiền sử dịch tễ phức tạp, liên quan tới Đà Nẵng, nhà hàng v.v... - nơi và là điều lo ngại vì có thể lây lan cho nhiều người Làm thế nào để ngăn chặn nguồn lây từ những nơi tập trung đông người, là nội dung cuộc trao đổi của PV VietTimes với BS. CKII. Khổng Minh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. Hà Nội.
BS. CKII. Khổng Minh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. Hà Nội. (Ảnh: Minh Thúy - nguồn: Sở Y tế TP. Hà Nội)
BS. CKII. Khổng Minh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. Hà Nội. (Ảnh: Minh Thúy - nguồn: Sở Y tế TP. Hà Nội)

+ Trong chùm ca bệnh mắc COVID-19 giai đoạn 2 ở Hà Nội liên quan tới ổ dịch Đà Nẵng, đã xuất hiện bệnh nhân làm việc tại quán ăn, nhà hàng, hoặc đi đến bệnh viện... và là nguồn lây ra cộng đồng. Từ thực tế này, Hà Nội có biện pháp gì để ngăn chặn nguy cơ lây lan từ những nơi đông người, thưa ông?

BS. CKII. Khổng Minh Tuấn: Trước tình hình toàn thành phố đã có 35 ca mắc COVID-19, gồm 11 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 2 ca mắc thứ phát, có ca không có triệu chứng, cho khi phát hiện đã qua 14 ngày, UBND TP. Hà Nội đã có công điện khẩn về việc thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Trong đó, một nội dung quan trọng mà UBND TP. Hà Nội chỉ đạo là yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà máy, công trường thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Từ 0h đêm nay, các nhà hàng ăn uống, quán cà phê phải giãn cách chỗ ngồi tối thiểu 1m, có vách ngăn giữa các chỗ ngồi; nhân viên phục vụ phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình phục vụ, đo thân nhiệt cho khách, sát khuẩn tay và lau rửa bề mặt các vật dụng thường xuyên tiếp xúc.

Đối với các bệnh viện, Sở Y tế TP. Hà Nội đã chỉ đạo tất cả các cơ sở y tế phải phân luồng bệnh nhân đến khám bệnh; các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ phải được khám ở khu khám bệnh riêng, đồng thời, tăng cường lấy mẫu cho những người nghi ngờ nhiễm virus SARS-CoV-2 và có các biểu hiện sốt, ho, khó thở.

Nhân viên y tế thăm hỏi tình hình sức khỏe bệnh nhân (Ảnh: Minh Thúy - nguồn: Sở Y tế TP. Hà Nội)
Nhân viên y tế thăm hỏi tình hình sức khỏe bệnh nhân (Ảnh: Minh Thúy - nguồn: Sở Y tế TP. Hà Nội)

+ Thực tế, không ít người dân vẫn có tâm lý chủ quan, không đeo khẩu trang, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch khi đến những nơi đông người như nhà hàng, quán ăn, tụ điểm vui chơi,… Trước tình trạng này, ông có thể đưa ra khuyến cáo gì để người dân nhận thức đúng về tình hình dịch và chủ động phòng bệnh?

BS. CKII. Khổng Minh Tuấn: Hiện nay, có nhiều người vẫn chưa thực hiện giãn cách đúng theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ một số khu vực trọng điểm với nguy cơ lây nhiễm cao, thì người dân mới thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch như: Không tập trung quá 30 người ở nơi công cộng, đeo khẩu trang thường xuyên, nhân viên các nhà hàng, quán ăn sử dụng khẩu trang, đeo mạng che mặt khi phục vụ,…

Tôi cho rằng biện pháp quan trọng nhất hiện nay để chủ động phòng, chống COVID-19 chính là đeo khẩu trang và rửa tay bằng xà phòng, nước sát khuẩn thường xuyên. Mỗi người dân cần giữ khoảng cách tối thiểu 2m, tuân thủ 9 khuyến cáo phòng dịch COVID-19 của Bộ Y tế trong tình hình mới. Khi có tiền sử tiếp xúc với những người có nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 hoặc xuất hiện các biểu hiện, triệu chứng bất thường người dân phải thông báo ngay cho cơ sở y tế để hỗ trợ. Nếu thông tin người dân cung cấp không chính xác hoặc chậm, thì việc giúp đỡ sẽ gặp khó khăn.

Ngoài ra, những trường hợp bệnh nặng, cần điều trị thì phải đến bệnh viện. Nếu không thực sự cần thiết thì các trường hợp mắc bệnh nhẹ, thông thường có thể khám ở các phòng khám, y tế cơ sở, hạn chế tối đa việc thăm nom của người nhà (1 bệnh nhân có 1 người nhà để chăm sóc, luân phiên nhau), không để quá nhiều người nhà tới bệnh viện, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc COVID-19.

+ Hà Nội vừa phát hiện bệnh nhân 979 từng đi về từ Đà Nẵng, từng có kết quả test nhanh COVID-19 âm tính, nhưng sau đó xét nghiệm khẳng định Realtime-PCR lại cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Vậy kết quả test nhanh COVID-19 có đáng tin cậy và Hà Nội có đang tiếp tục thực hiện việc test nhanh không thưa ông?

BS. CKII. Khổng Minh Tuấn: Trong thời gian ngắn mà phải kiểm tra, sàng lọc một số lượng mẫu bệnh phẩm lớn, thì phải sử dụng test nhanh. Test nhanh COVID-19 chỉ mang tính chất sàng lọc nhanh trong thời gian ngắn. Do đó, đến thời điểm hiện tại Hà Nội không sử dụng test nhanh COVID-19 mà chỉ tập trung xét nghiệm mẫu bệnh phẩm bằng phương pháp Realtime-PCR cho kết quả khẳng định chính xác trường hợp nghi ngờ có nhiễm virus SARS-CoV-2 hay không. Mặc dù hơi mất thời gian nhưng đây là phương pháp xét nghiệm đảm bảo độ tin cậy và có giá trị.

+ Nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 được phát hiện khi không có biểu hiện bệnh, cũng như yếu tố tiền sử dịch tễ liên quan tới vùng dịch. Vậy làm thế nào để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm đối với nhân viên y tế trong bệnh viện thưa ông?

BS. CKII. Khổng Minh Tuấn: Để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm, tất cả các cơ sở y tế phải thành lập khu khám riêng cho bệnh nhân nghi ngờ mắc COVID-19. Việc phân luồng, phân tuyến khám, chữa bệnh phải được thực hiện ngay từ cổng ra vào bệnh viện - từ những người trông giữ xe hay bảo vệ đều phải làm tốt công tác phòng hộ, hướng dẫn, phân luồng cho bệnh nhân tới khám. Tất cả những trường hợp có triệu chứng liên quan đến COVID-19 phải được phân luồng khám riêng. 100% cán bộ y tế phải thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Từ thực tế nguồn lây nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Đà Nẵng là những người đang điều trị tại bệnh viện và nhân viên y tế, có thể thấy nhân viên y tế là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm số 1. Chính vì vậy, mỗi bác sĩ, nhân viên y tế phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ khi tham gia khám, chữa bệnh theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

+ Cảm ơn ông!