Vì sao trẻ không tăng chiều cao và giải pháp nào để khắc phục?

VietTimes – Theo BS.CKI. Trần Thị Ngọc Anh - Khoa Nội tiết (BV Nguyễn Tri Phương, TP. HCM), nếu chiều cao của bé tăng chậm hơn 4-6 cm/năm, cha mẹ nên đưa bé đi thăm khám sớm để tìm nguyên nhân. Nếu xác định nguyên nhân là thiếu hormone tăng trưởng, trẻ cần được điều trị kịp thời vì qua tuổi dậy thì, không thể điều trị bổ sung hormone được nữa.
Nguyên nhân vì sao trẻ không tăng chiều cao và giải pháp hữu hiệu. Ảnh: Internet
Nguyên nhân vì sao trẻ không tăng chiều cao và giải pháp hữu hiệu. Ảnh: Internet

Sự phát triển chiều cao của trẻ trong những năm đầu đời đóng vai trò rất quan trọng. Hiểu được điều này, nhiều bậc cha mẹ đã bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu cho trẻ. Tuy nhiên, kết quả đôi lúc không như mong đợi, trẻ vẫn chậm phát triển chiều cao.

Những chia sẻ của BS.CKI. Trần Thị Ngọc Anh - Khoa Nội tiết (BV Nguyễn Tri Phương, TP. HCM), sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm phát triển chiều cao ở trẻ và có giải pháp phù hợp.

 PV: Thưa bác sĩ, trong quá trình phát triển chiều cao của trẻ, tốc độ tăng trưởng chiều cao ở giai đoạn nào là vượt trội? Những yếu tố nào ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ?

BS.CKI. Trần Thị Ngọc Anh: Tăng trưởng chiều cao của trẻ được chia thành nhiều giai đoạn, trong đó có hai giai đoạn sự tăng trưởng chiều cao vượt trội là từ 0-3 tuổi và từ 10 tuổi đến tuổi dậy thì.

Thông thường, từ 4 tuổi trở đi, phụ huynh cần chú ý nhiều hơn đến tốc độ tăng trưởng chiều cao của trẻ. Nếu chiều cao của bé tăng chậm hơn 4-6 cm/ năm hoặc chiều cao của bé luôn nằm gần đường cong thấp nhất so với độ tuổi (theo biểu đồ theo dõi chiều cao) nên cho bé thăm khám sớm để tìm nguyên nhân.

Các yếu tố chi phối sự phát triển chiều cao của trẻ là di truyền, dinh dưỡng, môi trường sống, chế độ sinh hoạt thể dục thể thao và hormone tăng trưởng (GH). Trong đó, yếu tố di truyền là không thể thay đổi.

Riêng tỷ lệ thiếu GH ước tính chỉ chiếm khoảng 1/4.000 - 1/10.000 trẻ nhưng đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến chậm tăng trưởng ở trẻ em. Đối với trẻ thiếu GH nặng có thể có những biểu hiện như giảm sản vùng mặt giữa (tạo nên bộ mặt giống búp bê), tay chân nhỏ, bộ phận sinh dục nhỏ ở nam... Cha mẹ nên theo dõi sát chiều cao của bé, nếu thấy tốc độ tăng trưởng dưới từ 4-6cm/năm thì nên đưa bé đi khám ngay.

PV: Khi thấy con chậm cao, nhiều bậc phụ huynh có thói quen bổ sung canxi cho trẻ. Vậy trong trường hợp chậm cao do thiếu GH, việc bổ sung canxi có hiệu quả không thưa bác sĩ?

BS.CKI. Trần Thị Ngọc Anh: Canxi có vai trò rất quan trọng đến sự phát triển của cơ thể ở mọi độ tuổi, đặc biệt là trẻ nhỏ. Trẻ trong giai đoạn phát triển chiều cao nên được bổ sung canxi tự nhiên từ nguồn thực phẩm (sữa, các chế phẩm từ sữa, đậu nành, các loại rau xanh, cá, hải sản,..). Đặc biệt, cha mẹ không nên tự ý sử dụng các thuốc canxi tổng hợp nếu không có chỉ định của bác sĩ, tránh gây quá tải cho thận tăng nguy cơ sỏi niệu quản, sỏi thận; gây ức chế việc hấp thu các chất khác như sắt, kẽm…

BS.CKI. Trần Thị Ngọc Anh - Khoa Nội tiết (BV Nguyễn Tri Phương, TP. HCM)
BS.CKI. Trần Thị Ngọc Anh - Khoa Nội tiết (BV Nguyễn Tri Phương, TP. HCM)

Trường hợp trẻ chậm cao do thiếu GH thì cần có phương pháp điều trị thích hợp chứ không chỉ dựa vào việc bổ sung canxi hay cải thiện dinh dưỡng. Trẻ được chẩn đoán chậm tăng trưởng do thiếu GH được chỉ định bổ sung GH khi trẻ từ 4 tuổi trở lên. Mục tiêu của việc điều trị này là để thay thế sự thiếu hụt GH cho sự phát triển chiều cao, các hoạt động chuyển hóa và tình trạng sức khỏe chung.

Sau 3-6 tháng điều trị, trẻ sẽ được đo lại chiều cao và xét nghiệm máu để đánh giá kết quả và chỉnh liều thuốc. Trẻ đáp ứng với việc điều trị sẽ tăng chiều cao từ 8-12 cm/năm. Khi đến tuổi dậy thì, trẻ sẽ được đánh giá lại xem có tiếp tục hay ngưng bổ sung GH.

PV: Đề cập đến hormone tăng trưởng, có ý kiến lo ngại về sự an toàn khi dùng lâu dài cho trẻ. Bác sĩ có thể cho ý kiến về vấn đề này?

BS.CKI. Trần Thị Ngọc Anh: Các nghiên cứu cho thấy việc điều trị với GH ở trẻ là khá an toàn. Trẻ có thể có các phản ứng như sưng tại vị trí tiêm, nổi mẩn ngứa hoặc phát ban, trượt chỏm xương đùi, vẹo cột sống nặng hơn (rất hiếm gặp). Ngoài ra, trẻ cũng có thể gặp một số ảnh hưởng cấp tính như đau đầu, đau các khớp, đau cơ - các triệu chứng này thường lành tính, sẽ giảm hoặc biến mất khi giảm liều thuốc hoặc ngưng điều trị.

Nếu chiều cao của bé tăng chậm hơn 4-6 cm_năm, phụ huynh nên cho bé thăm khám sớm để tìm nguyên nhân
Nếu chiều cao của bé tăng chậm hơn 4-6 cm_năm, phụ huynh nên cho bé thăm khám sớm để tìm nguyên nhân (ảnh: Minh Thư)

Để việc điều trị bằng GH hiệu quả, bệnh nhân cần lưu ý tuân thủ đúng và đầy đủ các hướng dẫn điều trị (thao tác tiêm thuốc, thời gian tiêm, liều lượng thuốc). Phụ huynh nên đưa trẻ tái khám định kỳ theo hướng dẫn để điều chỉnh thuốc theo đáp ứng tăng trưởng, đánh giá các tác dụng phụ phát sinh, đồng thời cho trẻ vận động thể chất phù hợp, chế độ dinh dưỡng hợp lý, ngủ sớm và đủ giấc.

PV: Được biết BV Nguyễn Tri Phương là một trong số ít những bệnh viện phía Nam có thể chẩn đoán và điều trị bệnh lý chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu GH; đồng thời tổ chức chương trình khám tầm soát miễn phí cho trẻ từ năm 2017. Bác sĩ có thể chia sẻ chương trình này không ạ?

BS.CKI. Trần Thị Ngọc Anh: BV Nguyễn Tri Phương tổ chức chương trình tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao cho trẻ em trước tuổi dậy thì nhằm giúp phát hiện sớm và theo dõi các bất thường về tăng trưởng chiều cao ở trẻ em trước dậy thì, đặc biệt do thiếu hormone tăng trưởng. Qua đó, chương trình giúp phụ huynh có hướng điều trị sớm cho con em mình để có thể cải thiện chiều cao cho trẻ, giúp trẻ tự tin hơn trong cuộc sống sau này.

Qua các năm triển khai, BV nhận thấy rằng các bậc phụ huynh ngày càng quan tâm nhiều hơn đến việc theo dõi và nhận diện các rối loạn về phát triển chiều cao của trẻ, đưa con đi khám về vấn đề phát triển chiều cao từ rất sớm. Nhờ vậy, quá trình can thiệp vào chiều cao cho trẻ được kịp thời và hiệu quả hơn.

Chương trình “Tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ em chưa dậy thì” được BV Nguyễn Tri Phương triển khai lần đầu vào năm 2017. Sau 3 năm triển khai, chương trình đã tầm soát cho hơn 1.300 trẻ và có 111 trẻ được chỉ định điều trị.

BS. CK.II. Võ Đức Chiến – Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương cho biết: “Bệnh viện Nguyễn Tri Phương là bệnh viện đa khoa đầu tiên và duy nhất đã có chương trình khám tầm soát và chụp X-quang xương bàn tay miễn phí cho trẻ thiếu hormone tăng trưởng từ năm 2017.

Thông qua chương trình, các bác sĩ mong muốn có thể cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác nhất về bệnh lý này đến các bậc phụ huynh, hướng dẫn hướng điều trị đúng đắn và kịp thời nhất cho trẻ. Năm nay, chương trình dự kiến sẽ khám và tầm soát cho khoảng 300 trẻ.”

Chương trình hiện đang tiếp tục nhận đăng ký đến hết ngày 09/08/2020 qua hotline 0936 842 665 (từ 8h -17h tất cả các ngày trong tuần). Những bậc phụ huynh có nhu cầu tầm soát cho trẻ nhưng chưa đăng ký có thể gọi điện sớm để đăng ký.

Những trường hợp đã đăng ký trước đó, có thể cho trẻ đến tầm soát vào các buổi sáng thứ Bảy (từ 8h – 11h) trong khoảng thời gian từ 11/07 đến ngày 15/08/2020 theo lịch hẹn.