Đẩy mạnh đầu tư 5G , Trung Quốc ôm mộng “công xưởng thế giới” mới?

VietTimes – Đẩy mạnh đầu tư 5G không chỉ là cuộc chơi lớn về CNTT. Có phải Trung Quốc đang ôm giấc mộng sẽ trở thành một “công xưởng thế giới”mới, sản xuất tất cả mọi thứ dựa trên nền tảng 5G?
Giới thiệu mạng 5G tại Hội nghị 5G thế giới 2019 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: TTXVNN
Giới thiệu mạng 5G tại Hội nghị 5G thế giới 2019 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: TTXVNN

Chuyên gia phân tích Anjani Trivedi của Bloomberg, theo dõi mảng công nghiệp ở khu vực Châu Á, trong bài viết tựa đề “China Is Winning the Trillion-Dollar 5G War” đã nhận định rằng Trung Quốc đang gia tăng đầu tư vào 5G trong nước bất chấp bối cảnh công ty viễn thông Huawei của nước này đang bị chính quyền Hoa Kỳ cáo buộc là công cụ do thám và buộc phải rút lui ở một loạt các dự án mới đây ở Anh, Italia và Singapore.

Đến cuối năm nay, Trung Quốc sẽ có hơn nửa triệu các trạm thu phát 5G và hướng đến mục tiêu 5 triệu trạm phủ sóng toàn quốc, tăng nhanh từ khoảng 200.000 trạm đã đưa vào sử dụng. Công nghệ 5G cho phép liên lạc một cách nhanh hơn cho hàng trăm triệu người dùng điện thoại thông minh. Để so sánh, Hàn Quốc có tỷ lệ thâm nhập là gần 10% cho việc sử dụng 5G, cao nhất trên toàn thế giới nhưng mới chỉ có khoảng 115.000 trạm 5G như vậy hoạt động.

Các trạm này là một phần của một loạt các dự án mà Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố vào tuần trước nhằm thúc đẩy đổi mới công nghiệp trong chiến dịch của “Cơ sở hạ tầng mới”, nhằm mục tiêu đẩy mạnh hơn nữa việc tích hợp sâu rộng “Internet of Things” vào nền kinh tế.

Theo kế hoạch Made in China 2025, Trung Quốc có dự định đầu tư 1,4 ngàn tỷ đô la ($1.4 trillion) trong 6 năm, từ nay cho đến năm 2025, cho mục tiêu tự động hóa nền công nghiệp nước này. Các công ty khổng lồ như Alibaba, Huawei, SenseTime Group sẽ được tạo động lực và tài trợ cho công cuộc tham vọng này nhằm tránh sự phụ thuộc vào nước ngoài.

Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn xây dựng mạng lưới 5G mà theo ước tính của Goldman Sachs Group thì quốc gia này đã đầu tư (CAPEX) vào cơ sở hạ tầng 30 tỷ đô la trong năm nay so với 5 tỷ USD vào năm ngoái. Nếu so với con số 12 tỷ USD thị trường viễn thông Việt Nam thì riêng con số đầu tư vào 5G của Trung Quốc đã là rất lớn.

Đến năm 2025, số lượng thuê bao 5G trên toàn thế giới dự kiến sẽ đạt 2,6 tỷ, được thúc đẩy bởi một hệ sinh thái phát triển nhanh và đà tăng trưởng mạnh mẽ. Hơn 65% dân số toàn cầu sẽ được phủ sóng 5G, mạng này sẽ xử lý 45% lưu lượng dữ liệu di động của thế giới, theo Báo cáo di động của Ericsson (the Ericsson Mobility Report).

Còn theo báo cáo của GSMA (Global System for Mobile Communications) số lượng thuê bao 5G ở Trung Quốc sẽ gần xấp xỉ số thuê bao 4G và đạt con số 807 triệu thiết bị kết nối 5G. Một nghiên cứu của ABI dự báo các kết nối di động 5G ở Trung Quốc là 143 triệu, sẽ gấp 5 lần so với Hoa Kỳ vào cuối năm 2020. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì dân số của Trung Quốc nhiều hơn bốn lần so với Hoa Kỳ. Nhưng dựa trên những ước tính này, tỷ lệ thâm nhập 5G ở Trung Quốc vẫn sẽ cao hơn ở Mỹ.

Hình chụp báo cáo của Hiệp hội các nhà cung cấp di động toàn cầu GSMA Intelligence
Hình chụp báo cáo của Hiệp hội các Nhà cung cấp Di động toàn cầu (Ảnh: GSMA Intelligence)


Không phải lĩnh vực kết nối thuê bao người sử dụng như các hệ thống 3G, 4G chiếm thị phần lớn mà theo các chuyên gia, mảng sản xuất (manufaturing) sẽ chiếm 40% đầu ra của 5G.

Trong khi đại dịch gây khủng hoảng toàn cầu Covid-19 đang thu hút sự chú ý của thế giới, Bắc Kinh tập trung vào việc thực hiện chính sách công nghiệp hòng biến Trung Quốc trở thành nhà sản xuất chủ lực, nơi cung ứng các sản phẩm mà hầu hết các nước sẽ cần với chi phí hợp lý.

Nói cách khác, Trung Quốc đang ôm giấc mộng sẽ trở thành một “công xưởng thế giới” mới, làm chủ việc sản xuất tất cả mọi thứ dựa trên nền tảng 5G tiên tiến.