GS.TS. Trần Bình Giang: Các bác sĩ phải hết sức cảnh giác, chủ động phòng bệnh viêm phổi do virus Corona mới

VietTimes -- Mặc dù Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức không nằm trong danh sách các bệnh viện điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona mới (nCoV), nhưng các y, bác sĩ phải hết sức cảnh giác, chủ động trong việc phòng ngừa dịch bệnh.
GS.TS. Trần Bình Giang – Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức. Ảnh: Minh Thúy
GS.TS. Trần Bình Giang – Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức. Ảnh: Minh Thúy

Thông tin trên được GS.TS. Trần Bình Giang – Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức - chia sẻ tại buổi sinh hoạt khoa học về bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới (nCoV) được tổ chức chiều nay (11/2).

Theo GS.TS. Trần Bình Giang, mặc dù Bệnh viện không nằm trong danh sách điều trị bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm nCoV nhưng Bệnh viện đã chuẩn bị sẵn sàng cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

Bệnh viện đã bố trí phòng khám cùng khu vực cách ly để tiếp nhận bệnh nhân. Đề phòng trường hợp phát hiện bệnh nhân nghi mắc nCoV, Bệnh viện đã liên hệ với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để thực hiện các xét nghiệm khi cần thiết.

Các bác sĩ tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức tại buổi hội thảo. Ảnh: Minh Thúy
Các bác sĩ tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức tại buổi hội thảo. Ảnh: Minh Thúy 

GS.TS. Trần Bình Giang nhấn mạnh: Vấn đề quan trọng nhất để phòng bệnh dịch là khám bệnh lâm sàng và điều tra tiền sử dịch tễ của người bệnh. Do đó, các y, bác sĩ cần cảnh giác, chuyên nghiệp trong quá trình khám, điều trị cho bệnh nhân, bởi đã xuất hiện trường hợp nhiễm nCoV nhưng không có biểu hiện, triệu chứng của bệnh. Khi có trường hợp nghi ngờ nhiễm nCoV thông qua điều tra dịch tễ, Bệnh viện sẽ khởi động hệ thống cảnh báo bệnh dịch đến mỗi khoa, phòng.

Thông tin về việc sử dụng khẩu trang trong quá trình điều trị cho bệnh nhân GS.TS. Trần Bình Giang cho hay: Hiện, Bệnh viện chưa trang bị khẩu trang N95 cho các bác sĩ, bởi chưa nghiên cứu nào chứng minh được sự vượt trội của loại khẩu trang này có thể chống lại nCoV.

BS. Đoàn Mai Phương - nguyên Trưởng Khoa Vi sinh Bệnh viện Bạch Mai - lưu ý: Ngay khi phát hiện bệnh nhân nhiễm/nghi nhiễm nCoV, các bác sĩ phải thực hiện ngay các biện pháp cách ly để tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện, ngăn chặn virus lây lan ra cộng đồng. Thực tế, nCoV chủ yếu lây nhiễm qua các giọt bắn, tiếp xúc với các bề mặt (tay nắm cửa, mặt bàn,…). nCoV chỉ lây nhiễm qua không khí khi bệnh nhân tạo khí dung, can thiệp trực tiếp vào đường thở.

BS. Đoàn Mai Phương - nguyên Trưởng Khoa Vi sinh Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Minh Thúy
BS. Đoàn Mai Phương - nguyên Trưởng Khoa Vi sinh Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Minh Thúy 

Chia sẻ về quy trình sàng lọc và xử trí người nghi nhiễm nCoV, BS. Đỗ Mạnh Hùng – Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức – cho biết, nghiên cứu trên các bệnh nhân nhập viện tại Vũ Hán cho thấy hầu hết các bệnh nhân đều có 3 triệu chứng lâm sàng: sốt (83%), ho (82%), khó thở (31%). Ngoài ra còn có các triệu chứng khác như: đau mỏi người, đau đầu, đau họng, tăng tiết đờm, đi ngoài phân lỏng.

BS. Đỗ Mạnh Hùng – Phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức. Ảnh: Minh Thúy
BS. Đỗ Mạnh Hùng – Phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức. Ảnh: Minh Thúy 

Theo BS. Hùng, Bệnh viện đã bố trí khu phòng khám cách ly riêng biệt nếu có trường hợp người bệnh nghi nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV tới khám bệnh, khu điều trị cách ly riêng biệt với đầy đủ phương tiện máy móc thiết bị y tế và vật dụng thuốc men cần thiết trong trường hợp người bệnh ngoại khoa nghi ngờ hoặc nhiễm nCoV cần điều trị.

Bệnh viện cũng đã chuẩn bị 1 xe cấp cứu riêng biệt sẵn sàng vận chuyển người bệnh. Đường dây nóng trực cấp cứu của Bệnh viện đảm bảo hoạt động 24/24 kịp thời tiếp nhận thông báo về thông tin liên quan tới dịch bệnh.