Thú chơi Tết sách thanh tao của người Sài Thành

VietTimes – Tết đến xuân về, người Sài Gòn thong thả tận hưởng không khí lễ hội đầu năm cùng hai thói quen rất đỗi thanh tao không thể thiếu là “ngắm đường hoa, đi đường sách”.
Đường sách rộn rã kín lịch hoạt động những ngày xuân
Đường sách rộn rã kín lịch hoạt động những ngày xuân

Xuất hiện và trở nên phổ biến trong những năm gần đây, đi hội sách là thú chơi Tết thanh tao của người Sài Thành, như một ngày hội đặc biệt mà ta có dịp hòa nhịp trong cộng đồng tri thức hiện đại cùng gia đình và người thân.

Đầu năm Canh Tý 2020, Hội sách Tết trên đường sách Nguyễn Văn Bình với chủ đề “Xuân đất Việt, Tết an nhiên” sẽ diễn ra từ ngày 15/1 đến 30/1/2020 (ngày 21 tháng Chạp đến mùng 6 Tết Canh Tý).

do Tết đến nhất định phải đi Hội sách

Hoạt động đọc sách và mua sách trong dịp Tết vốn mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Khi cùng gia đình đến thăm hội sách, ta gửi gắm hi vọng “mua con chữ lấy may” trong năm mới, mong rằng những cuốn sách chọn lọc cẩn thận sẽ mang đến trí tuệ và nhiều điều may.

Lấy cảm hứng từ Tết cổ truyền, hội sách “Xuân đất Việt, Tết an nhiên” đưa quan khách đi ngược dòng thời gian, trở về một thời người Việt vẫn còn ông đồ già tỉ mẩn viết chữ Nôm trên tấm giấy đỏ, gia đình đoàn viên và cầu lộc tài năm mới.

Trong dòng sách này, không thể không nhắc đến những tác phẩm viết về ngày xuân Sài Gòn của nhà báo Phạm Công Luận, từ Sài Gòn – Chuyện đời của phố, Sài Gòn – Phong vị báo xuân xưa, Tùy bút - Hồi ký - Giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa hoặc Cảnh sắc phố thị Sài Gòn - Chợ Lớn (Tranh & Ký họa) của họa sĩ Phạm Công Tâm.


Hội sách “Xuân đất Việt, Tết an nhiên” có sự xuất hiện của nhiều đầu sách chọn lọc dành riêng cho dịp Tết về. Người Sài Thành hẳn là ai cũng từng có lần chiêm ngưỡng những tác phẩm sách ảnh, sách tranh, hay bút ký viết về Sài Gòn, có thể là một Sài Gòn Viễn Đông xưa cũ chỉ còn tồn tại trong hồi ức, hoặc một Sài Gòn nhộn nhịp đang vươn mình trỗi dậy tại phương Đông.

Hội sách còn trưng bày nhiều tác phẩm hiện đại – truyền thống xoay quanh chủ đề Tết Việt, từ truyện cổ tích để tìm lại tâm thức tốt đẹp của người xưa, những cuốn sách hướng dẫn làm món ăn ngày Tết, dọn dẹp nhà cửa hiệu quả, những câu chuyện du ký ngày xuân. Cả gia đình cùng nhau đi hội sách, là cầu chúc cho một năm mới may mắn, đổi thay cùng nhiều điều tốt đẹp sắp đến.

Hội sách “Xuân đất Việt, Tết an nhiên” còn mang đến nhiều sự kiện âm nhạc, giao lưu với các văn nghệ sĩ, tác giả sách nổi tiếng, những trò chơi dân gian dành cho các em thiếu nhi, cùng cơ hội hái lộc đầu xuân để khởi đầu một năm mới tràn đầy niềm vui.

 

Hái lộc vui xuân cùng sách

Khách quan sẽ tham gia hái lộc đầu xuân, nhận phong bao lì xì với lời chúc may mắn thông qua những trò chơi thú vị trong chương trình “Lộc đầu xuân – Gửi trao mơ ước”. Ai cũng có thể cơ hội để viết những điều ước an bình treo lên cây trong ngày đầu năm mới trong ngày 25/1/2020 (Mùng 1 Tết), từ 10h đến 12h và 19h đến 20h.

Bạn sẽ có dịp gặp gỡ những nhân vật ấn tượng trong năm, lắng nghe những lời trao đổi, đúc kết kinh nghiệm sống từ họ để truyền cảm hứng vượt lên chính mình và thấy mình tươi mới trong mỗi mùa xuân về. Chương trình “New Year – New Me” (Năm mới ta cũng mới) sẽ được tổ chức vào ngày 26/1/2020 (Mùng 2 Tết), từ 10h đến 12h.

Tết an nhiên – Đôi dòng thơ nhạc” là sự kiện âm nhạc, với điểm nhấn là những dòng thơ, những hoài niệm về khúc ca xuân một thời. Một đêm nhạc thơ đầy lãng mạn và hoài niệm yên bình giữa lòng phố thị sẽ diễn ra ngày 27/1/2020 (Mùng 3 Tết), 19h đến 20h.

Xuân đất Việt – Trẻ yêu quê” là dịp gia đình tạo cơ hội cho con em trải nghiệm Tết truyền thống, thông qua các trò chơi mô phỏng những tục lệ đáng quý ngày Tết dành cho trẻ nhỏ, để các em thêm yêu nét đẹp Tết quê hương. Chương trình tổ chức vào ngày 28/1/2020 (Mùng 4 Tết), 10h đến 12h.

Bên cạnh đó, người yêu sách còn có thể tham gia hội sách Tết "Điều kỳ diệu từ sách", diễn ra từ ngày 22 đến 28/1 (28 tháng Chạp đến mùng Bốn Tết Nguyên đán) trên ba tuyến đường: Mạc Thị Bưởi (từ Đồng Khởi đến Nguyễn Huệ), Nguyễn Huệ (từ Mạc Thị Bưởi đến Ngô Đức Kế) và Ngô Đức Kế (từ Đồng Khởi đến Nguyễn Huệ).