Số ca tai nạn giao thông do rượu bia giảm mạnh sau tuần đầu tiên xử phạt

VietTimes – Thống kê ban đầu của một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội cho thấy số ca tai nạn giao thông do rượu, bia đã giảm mạnh chỉ sau khoảng 1 tuần áp dụng Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 của Chính phủ.
Bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cấp cứu cho nạn nhân tai nạn giao thông.
Bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cấp cứu cho nạn nhân tai nạn giao thông.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thường xuyên tiếp nhận trường hợp bị tai nạn giao thông nặng từ nhiều tỉnh thành ở miền Bắc. Tuy nhiên, trong 6 ngày đầu năm 2020, các ca tai nạn giao thông do bia rượu đang có xu hướng giảm.

Theo TS. Đỗ Mạnh Hùng - Phó trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - tới ngày 6/1, Bệnh viện đã tiếp nhận 305 ca tai nạn giao thông, trong đó, 46 người có nồng độ cồn trong máu cao. Trong khi đó, vào cùng kỳ năm ngoái, Bênh viện tiếp nhận tới 324 bệnh nhân, trong đó có 49 bị tai nạn do uống bia, rượu.

Còn tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn, trung bình mỗi ngày, Khoa Cấp cứu tiếp nhận khoảng 100 - 130 bệnh nhân, số ca tai nạn có liên quan tới rượu, bia chiếm khoảng 30%. Đặc biệt, trong đêm 31/12/2019 và sáng 1/1/2020, Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn cấp cứu cho 28 trường hợp tai nạn giao thông có nồng độ cồn trong máu.

Sau khi Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 có hiệu lực, khoảng một tuần trở lại đây, số ca cấp cứu giảm mạnh. Bệnh viện chỉ phải tiếp nhận khoảng 60 - 70 ca cấp cứu, số ca liên quan đến rượu bia chiếm 10%. Đặc biệt là không có bệnh nhân nào nhập viện vì tai nạn giao thông sau khi uống rượu, bia. 

Một bệnh nhân gặp tai nạn giao thông đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn.
Một bệnh nhân gặp tai nạn giao thông đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn.

“Riêng ngày 7/1, trong ca trực của tôi, chỉ có 58 bệnh nhân nhập viện. Số ca cấp cứu giảm 50% so với trước” - Bác sĩ Vũ Xuân Hùng - Trưởng Khoa chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Thanh Nhàn - nói.

Theo bác sĩ Hùng, việc tăng mức phạt đối với người có nồng độ cồn đã bước đầu có những tín hiệu tích cực, số lượng bệnh nhân nhập viện do tai nạn giao thông, đặc biệt là tai nạn giao thông do rượu, bia giảm đáng kể.

Trung tâm Cấp cứu 115 cũng ghi nhận sự giảm mạnh về số ca cấp cứu. Ông Nguyễn Thành, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội cho biết, trước khi Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực, trung bình mỗi ngày trung tâm tiếp nhận khoảng 100 ca cấp cứu. Trong đó có 20% là các ca tai nạn giao thông.

Sau khi Luật có hiệu lực, từ ngày 1 - 6/1, chỉ có 44 trong 530 ca cấp cứu là tai nạn giao thông (chiếm 8,3%). 

“Chúng tôi không thể xác định có bao nhiêu ca tai nạn giao thông có liên quan tới rượu bia, vì chúng tôi chỉ có nhiệm vụ cấp cứu cho người gặp nạn. Chỉ các bệnh viện mới có đủ công cụ để xét nghiệm nồng độ cồn. Dù vậy, rõ ràng, số ca tai nạn giao thông đã giảm mạnh, từ 20% xuống 8%, từ sau khi Luật được áp dụng" - ông Nguyễn Thành cho biết.