Chưa có danh mục bệnh mãn tính trong kê đơn khám bệnh: Người bệnh chịu thiệt thòi?

VietTimes -- Hiện nay, trong đơn khám, chữa bệnh không có danh mục bệnh mãn tính, cấp tính, mà chỉ có danh mục bệnh dài ngày. Điều này không chỉ khiến việc thanh toán với Bảo hiểm Xã hội gặp khó khăn, mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người bệnh.
PGS. TS. Nguyễn Trường Sơn – Thứ trưởng Bộ Y tế. Ảnh: Minh Thúy
PGS. TS. Nguyễn Trường Sơn – Thứ trưởng Bộ Y tế. Ảnh: Minh Thúy

Thông tin trên được ThS. BS. Nguyễn Ngọc Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền - cho biết tại hội nghị tổng kết công tác y dược cổ truyền năm 2019, do Bộ Y tế tổ chức sáng nay (7/1).

Tại hội nghị, PGS. TS. Nguyễn Trường Sơn – Thứ trưởng Bộ Y tế - đã chỉ ra những tồn tại của ngành y dược cổ truyền, như chưa đạt được các mục tiêu đã đề ra, nguồn lực dành cho y dược cổ truyền còn hạn chế, nhiều chính sách cho y dược cổ truyền nhưng lại  áp dụng theo y dược hiện đại, phân bổ nguồn nhân lực chưa hợp lý,… Hiện, vẫn còn 6 tỉnh chưa ban hành kế hoạch hành động phát triển y dược cổ truyền gồm: An Giang, Bạc Liêu, Bắc Cạn, Bắc Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang.

Hội nghị tổng kết công tác y dược cổ truyển diễn ra sáng nay, 7/1. Ảnh: Minh Thúy
Hội nghị tổng kết công tác y dược cổ truyển diễn ra sáng nay, 7/1. Ảnh: Minh Thúy

Theo ThS. BS. Nguyễn Ngọc Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền - trong kê đơn khám, chữa bệnh có bệnh mãn tính và bệnh cấp tính nhưng lại không có danh mục bệnh mãn tính, cấp tính mà chỉ có danh mục bệnh dài ngày. Vì thế, khi kê đơn bệnh mãn tính, cấp tính, bảo hiểm y tế không thanh toán, do không có danh mục bệnh mãn tính, khiến người bệnh chịu nhiều thiệt thòi trong quá trình khám, chữa bệnh.

ThS. BS. Nguyễn Ngọc Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền. Ảnh: Minh Thúy
ThS. BS. Nguyễn Ngọc Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền. Ảnh: Minh Thúy

“Đây là một bất cập không thể giải quyết được tận gốc dẫn đến khó khăn trong thanh, quyết toán bảo hiểm y tế cho người dân.” - ThS. BS. Nguyễn Ngọc Tuấn nói.

Thực tế, khi mắc các bệnh mãn tính hoặc cấp tính cần điều trị dài ngày tại bệnh viện, người bệnh sẽ phải đối mặt với nhiều khoản phát sinh từ việc ăn, ở, đi lại,… Nếu không được bảo hiểm y tế hỗ trợ, người bệnh sẽ phải chịu gánh nặng chi phí lớn trong quá trình khám, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, ngân sách cũng như nguồn lực dành cho y học cổ truyền còn hạn chế, trong khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe bằng y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại của người dân ngày càng cao. Hiện, chưa có chính sách ưu tiên công tác khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền hoặc y học hiện đại.

Chính sách ưu đãi đầu tư cho nuôi trồng dược liệu chưa cụ thể, cũng chưa có chính sách bao tiêu sản phẩm dược liệu theo chuỗi từ vùng nuôi trồng dược liệu, bào chế, sản xuất thuốc dược liệu theo chuỗi từ vùng nuôi trồng dược liệu, bào chế, sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, nên không động viên người trồng, để có thể đảm bảo nguồn dược liệu có chất lượng ổn định.

Công tác nghiên cứu khoa học, kế thừa chưa được quan tâm đúng mức, chưa có chính sách cho sở hữu trí tuệ các nghiên cứu kế thừa, giữa các cơ sở nghiên cứu với kinh doanh sản xuất. Điều này khiến những nhà sáng chế không muốn phát huy tiềm năng nghiên cứu khoa học để có các sản phẩm hữu ích trong điều trị. 

Nhiều cấp chính quyền, cán bộ lãnh đạo chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của y dược cổ truyền; chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng và phát triển nền y dược cổ truyền trong chính sách y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân. 

Đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Minh Thúy
Đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Minh Thúy 

Ngoài ra, nhiều chính sách của y dược cổ truyền đang áp dụng theo y học hiện đại đã tạo ra sự khập khiễng và cản trở sự phát triển của y dược cổ truyền, như quy định liên quan đến thanh toán bảo hiểm y tế; các quy định liên quan đến cấp chứng chỉ hành nghề bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn; quy định liên quan đến danh mục kỹ thuật, phân tuyến kỹ thuật, đào tạo chuyên khoa,…

Để khắc phục những khó khăn này, PGS. TS. Nguyễn Thế Thịnh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền - cho hay: Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định ban hành Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030.

PGS. TS. Nguyễn Thế Thịnh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền. Ảnh: Minh Thúy
PGS. TS. Nguyễn Thế Thịnh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền. Ảnh: Minh Thúy

Theo đó, Bộ Y tế tổ chức thực hiện chương trình, đến năm 2025 đạt được mục tiêu 100% bệnh viện đa khoa y dược cổ truyền, bệnh viện đa khoa y dược cổ truyền – phục hồi chức năng được đầu tư xây dựng  cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y học hiện đại; 100% cán bộ được đào tạo, cập nhật kiến thức sử dụng trang thiết bị hiện đại phục vụ khám, chữa bệnh; 10% cơ sở khám, chữa bệnh y dược cổ truyền tuyến tỉnh trở lên được đầu tư mua sắm trang thiết bị sản xuất chế phẩm thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, dược liệu sản xuất tại cơ sở khám, chữa bệnh cung ứng trên địa bàn tỉnh được quỹ bảo hiểm y tế chi trả.