Terry F. Buss
Terry F. Buss

Chuyên gia. Học viện Hành chính Công Hoa Kỳ.

Các cuộc biểu tình chiếm lĩnh sân khấu chính trị thế giới năm 2019

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes - Trong năm 2019, người dân trên khắp thế giới đã đứng lên phản đối hoặc lật đổ những chính phủ bị cho là không đại diện cho lợi ích của họ. Viện Hòa bình Hoa Kỳ gọi năm 2019 là năm của biểu tình.

Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế - một cơ quan nghiên cứu chuyên theo dõi tình trạng bất ổn – phát hiện ra khoảng 80 nước đang rơi vào khủng hoảng. Tiến sĩ Terry F. Buss (Học viện Hành chính Công Hoa Kỳ) nhìn lại những xu hướng lớn của năm 2019.

Một số phong trào phản kháng có lý do chính đáng, một số khác bị giật dây bởi những kẻ gây rắc rối và vô chính phủ. Một số được thúc đẩy bởi những vấn đề có vẻ nhỏ nhặt, trong khi một số khác thì tìm cách thay đổi chính phủ.

Tôn giáo, ý thức hệ, sắc tộc, nghèo đói và chủ nghĩa khu vực khiến cho bất ổn lan rộng. Một vài phong trào phản kháng đã thành công trong việc kiến tạo những cấu trúc chính quyền mới, trong khi một số khác thậm chí còn làm cho hệ thống hiện tại trở nên mạnh hơn. Một số đã dẫn đến đổ máu và chết người, trong khi một số khác diễn ra trong hòa bình quanh các hòm bỏ phiếu.

Hầu hết các phong trào phản kháng bắt nguồn từ những mối bức xúc vì tham nhũng, sưu cao thuế nặng, chất lượng dịch vụ công tệ hại và năng lực điều hành kinh tế kém cỏi.

Dù sao chăng nữa, “giới tinh hoa chính trị” đã được cảnh báo rằng người dân sẽ không dễ dàng chấp nhận “cách vận hành như thông lệ” nữa. “Quyền lực của nhân dân”, một phong trào ở Philippines từng hạ bệ chính phủ cách đây 3 thập niên, nay đang thịnh hành trở lại.

Bốn cuộc nổi dậy thu hút sự chú ý nhất của giới báo chí trong năm 2019 là: Hong Kong, Brexit ở Anh, phong trào Áo khoác Vàng ở Pháp, và sự suy sụp của Venezuela. Nhưng vẫn còn quá nhiều phong trào phản kháng khác để có thể kể đủ tên.

Hong Kong

Chính quyền Hong Kong thông qua một đạo luật cho phép dẫn độ những tội phạm bị cáo buộc về Đại lục để xét xử. Hàng trăm nghìn người dân đã nhanh chóng tập hợp để xuống đường phản đối đạo luật này, bởi họ lo ngại rằng đây là một nỗ lực nhằm làm xói mòn nền tự trị của Hong Kong vốn được bảo đảm bởi chính sách “một quốc gia, hai chế độ”.

Cuộc biểu tình đã diễn ra suốt nhiều tháng trời ở Hongkong khiến nền kinh tế lớn ở châu Á này gần như ngưng trệ.
Cuộc biểu tình đã diễn ra suốt nhiều tháng trời ở Hongkong khiến nền kinh tế lớn ở châu Á này gần như ngưng trệ.

Các cuộc biểu tình bắt đầu vào ngày 31 tháng 3 và đến giờ vẫn tiếp diễn. Ban đầu, những người biểu tình dường như đại diện cho nhiều giới trong xã hội; giờ đây, lực lượng sinh viên và thanh niên áp đảo. Hiện tại, cảnh sát Hong Kong chịu trách nhiệm kiểm soát bạo lực nhưng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sẵn sàng can thiệp bất kì lúc nào.

Các cuộc biểu tình ngày càng leo thang về bạo lực và gây rối đến mức GDP của Hong Kong đã giảm 400 triệu đô la.

Hong Kong có ý nghĩa quan trọng vì nó đóng vai trò như một cuộc kiểm nghiệm về mức độ tự trị mà Chính phủ Trung Quốc có thể cho phép đối với hòn đảo đặc biệt này. Macao và Đài Loan đang lo lắng dõi theo diễn biến các cuộc biểu tình.

Hong Kong cũng đã trở thành một “trường hợp điển hình”, nổi tiếng trên toàn thế giới với nhiều quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ đã lên tiếng ủng hộ những người biểu tình.

Brexit

Brexit là một phong trào chính trị ở Anh nhằm tìm cách rút nước này ra khỏi Liên minh châu Âu (EU). Tháng 6/2016, công dân nước này đã bỏ phiếu thuận trong một cuộc trưng cầu dân ý để rời EU.

Một số không thích các chính sách nhập cư của nó; số khác phẫn nộ bởi những quy định xúc phạm và vô nghĩa; một số khác nữa muốn giữ chủ quyền quốc gia; trong khi nhiều người chỉ đơn thuần là không ưa bộ máy quan liêu không do dân bầu của EU.

Trong khi số công dân bỏ phiếu thuận đối với Brexit chỉ chiếm đa số rất nhỏ (52% so với 48%), các phe phái chính trị đã cố gắng cản trở ý chí của người dân thông qua các hoạt động của Nghị viện, các thách thức ở tòa án, các cuộc biểu tình trên đường phố và nỗi sợ hãi được thêu dệt trên truyền thông.

Chiến thắng vang dội của tân Thủ tướng Anh Boris Johnson là lời cảnh báo cho Đảng Dân chủ Mỹ?
Chiến thắng vang dội của tân Thủ tướng Anh Boris Johnson là lời cảnh báo cho Đảng Dân chủ Mỹ?

Những người phản đối Brexit đã có thể trì hoãn nó tới ba năm. Công đảng – đảng đối lập ở Anh đã thay đổi chính sách vài lần sau cuộc trưng cầu dân ý.

Vào ngày 13 tháng 12, cử tri đã bầu Boris Johnson làm Thủ tướng và trao quyền đa số vào tay Đảng Bảo thủ. Johnson xem thắng lợi này như một sự ủy nhiệm của người dân để cuối cùng Anh có thể rời EU.

“Cuộc bầu cử Brexit” quan trọng vì hai lý do: Nó có thể khích lệ các nước khác cũng rời EU hoặc thay đổi về căn bản tổ chức này. “Cuộc thử nghiệm vĩ đại” của EU nhằm xóa bỏ các chính phủ quốc gia thành viên có thể rơi vào hiểm cảnh.

Mặt khác, Công Đảng đối lập đã bị các cử tri quay lưng ở mức độ kỉ lục kể từ năm 1935. Lãnh đạo đối lập Jeremy Corbin, một nhà xã hội chủ nghĩa và bài Do Thái kiên định đã tự biến bản thân thành một vấn đề trong cuộc bầu cử. Các chính sách và cá tính của Corbin được xem là những nguyên nhân chính dẫn đến thất bại nặng nề của Công đảng.

Ngược lại, Đảng Quốc gia Scotland lại giành hầu hết số ghế ở Scotland, làm gia tăng khả năng họ sẽ bỏ phiếu rời Liên hiệp Anh và gia nhập EU.

Brexit cũng có ý nghĩa quan trọng đối với chính trị Mỹ trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 đang đến gần. Nhiều người coi Corbin có nhiều nét tương đồng với Bernie Sanders, người cũng đại diện cho một nghị trình xã hội chủ nghĩa cực đoan, cũng như quan điểm nhìn nhận về thế giới giống nhau.

Liệu thất bại của Corbin có phải là điềm báo trước thất bại của Sanders ở Mỹ?

Biểu tình Áo Vàng ở Pháp

Áo gilet vàng, “Gilets Jaunes,” là một phong trào dân túy ở Pháp, bắt nguồn từ việc phản đối tăng thuế nhiên liệu để chống biến đổi khí hậu. (Những người lái mô-tô ở Pháp được yêu cầu phải mang theo áo vest khoác vàng có phản quang trong cốp xe để mặc sau tai nạn giao thông.) Thuế xăng đánh mạnh vào tầng lớp lao động thu nhập thấp, những người phải mưu sinh dựa vào việc lái xe tải.

Phong trào Áo vàng nhanh chóng phát triển từ những cuộc biểu tình chống tăng thuế nhiên liệu thành những cuộc bạo loạn quy mô lớn nhằm chống lại điều mà những người biểu tình cho rằng giới tinh hoa trong chính phủ đã hoàn toàn thờ ơ với dân nghèo.

Phong trào biểu tình nổ ra vào mỗi cuối tuần kể từ tháng 11 năm 2018 khi 300 ngàn người tràn ra đường phố. Các cuộc biểu tình đến nay vẫn tiếp diễn.

Phong trào trở nên bạo lực khi những người biểu tình chống đối cảnh sát, đập phá các tượng đài quốc gia, gây cản trở giao thông và đốt phá các công ty. Các nhóm vô chính phủ nhanh chóng gia nhập phong trào và khiến nó càng trở nên hỗn loạn.

Người biểu tình ở Pháp đốt xe hơi và đập phá phong tỏa nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch ở Paris.
Người biểu tình ở Pháp đốt xe hơi và đập phá phong tỏa nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch ở Paris.

Tổng thống Emmanuel Macron đã cố gắng xoa dịu những người biểu tình bằng cách tổ chức một cuộc “đối thoại quốc gia” về những vấn đề họ quan tâm. Động thái này đã làm dịu tình hình trong chốc lát. Macron cũng hủy bỏ thuế nhiên liệu và phân bổ hàng tỉ vào các chương trình chống đói nghèo.

Ngày 9 tháng 12 vừa qua, các công nhân nghiệp đoàn, cùng với những người áo khoác vàng, đã chiếm lĩnh đường phố để phản đối kế hoạch cải tổ lương hưu tổng thể và theo ngành của chính phủ.

Giao thông công cộng bị đình trệ nghiêm trọng cho đến giờ. Những cuộc bạo loạn này vẫn tiếp diễn, mặc dù những người biểu tình có thể sẽ tạm dừng qua Giáng sinh.

Phong trào Áo vàng có ý nghĩa quan trọng vì chúng cho thấy khả năng huy động hàng triệu người tham gia không chỉ một cuộc biểu tình trong chốc lát mà có thể kéo dài hàng tháng trời.

Một cuộc biểu tình có thể trở thành một phong trào, và thậm chí có thể bầu được các thành viên tham gia Nghị viện, tất cả nhằm bảo vệ lợi ích của người lao động.

Venezuela

Vào tháng Một, cử tri đã tiếp tục bầu cho Nicolas Maduro tái cử nhiệm kì tổng thống thứ hai ở Venezuela. Maduro là một người theo chủ nghĩa xã hội kiên định, người thừa kế vị trí tổng thống từ ông Cesar Chavez quá cố, nhà sáng lập phong trào chính trị ở nước này.

Chavez đã biến quốc gia giàu nhất Nam Mỹ trở thành một trong những nước nghèo nhất bằng cách quốc hữu hóa các ngành công nghiệp, sử dụng doanh thu từ thuế để hỗ trợ các chương trình chống nghèo, và đi vay nợ. Chavez từng rất được mến mộ.

Maduro tiếp tục mở rộng chương trình của Chavez. Không may cho ông ta, giá dầu đã giảm mạnh kể từ khi ông ta lên nắm quyền và nguồn thu từ thuế nhanh chóng bốc hơi. Maduro bắt đầu vay nợ và bán dần các tài sản quốc gia. Ông ta cũng khuyến khích tham nhũng tràn lan để duy trì quyền lực, đặc biệt là tưởng thưởng cho quân đội về lòng trung thành của họ.

Khi ông này tái đắc cử, các đảng đối lập đã biểu tình phản đối, cho rằng cuộc bầu cử là gian lận.

EU, Tổ chức các nước châu Mỹ, 12 nước Mỹ Latin (Nhóm Lima) và Mỹ đã kêu gọi Maduro từ chức khi đối mặt với những bất thường lan rộng. Ông ta đã từ chối.

Mỹ đã tiến hành các lệnh trừng phạt quy mô lớn chống lại Maduro. Cấm vận, nền kinh tế và chính phủ yếu kém đã đẩy Venezuela vào hố sâu nghèo đói. Tuy nhiên, Maduro vẫn tại vị.

Người dân thủ đô Caracas, Venezuela tràn ra đường biểu tình phản đối ông Maduro tái đắc cử.
Người dân thủ đô Caracas, Venezuela tràn ra đường biểu tình phản đối ông Maduro tái đắc cử.

Hàng triệu người đã rời khỏi Venezuela, và quốc gia này thực sự đang chết đói. Không có hồi kết cho cuộc khủng hoảng này vì phe đối lập đang chùn bước và quân đội tiếp tục chống đỡ cho Maduro.

Venezuela có ảnh hưởng quan trọng đối với bầu cử ở Mỹ. Bernie Sanders ngưỡng mộ Maduro và ủng hộ các chính sách của ông này. Người Mỹ đang tự hỏi liệu bầu cho Sanders làm tổng thống có phải là hành động sáng suốt khi ông ta ủng hộ cho các chính sách thất bại hiển nhiên của Maduro.

Người Hồi giáo ở Châu Á

Vào tháng 12, Aung San Suu Kyi, một nhân vật được trao giải Nobel Hòa bình, lãnh đạo chính phủ Myanmar đã phải xuất hiện trước Tòa án Công lý Quốc tế để bào chữa cho những cáo buộc rằng chính phủ của bà này dính líu vào hành vi diệt chủng chống lại cộng đồng Hồi giáo thiểu số Rohingya.

Quân đội Myanmar đã trục xuất gần 1 triệu người ra khỏi đất nước, nhiều người trong số đó hiện đang sống trong các trại tị nạn ở Bangladesh. Rất ít tiến bộ đạt được trong việc giải quyết các vấn đề nhân đạo.

Cũng trong tháng 12, Ấn Độ đã cô lập bang Kashimi, quê hương của người Hồi giáo và Hindu. Thủ tướng Modi đã thúc đẩy Kashmir hội nhập sâu hơn vào Ấn Độ nhưng cô lập người Hồi giáo ra khỏi tiến trình này.

Modi cũng thông qua đạo luật cấp quyền công dân cho những người tị nạn là nạn nhân của đàn áp tôn giáo, ngoại trừ những người Hồi giáo, những người sẽ bị từ chối quyền công dân.

Trung Quốc cũng triển khai một chương trình giáo dục khoảng 1 triệu người Hồi giáo bản địa, người Duy Ngô Nhĩ, để hòa nhập tốt hơn vào xã hội Trung Quốc.

Kể từ năm 2004, phe ly khai Hồi giáo đã tiến hành nhiều vụ khủng bố ở Thái Lan. Năm 2019, 15 tay súng đã bị giết.

Malaysia hiện đang chủ trì một hội nghị quốc tế của các nước Hồi giáo nhằm tìm cách giúp người Hồi giáo đương đầu với những thách thức mà họ đang phải đối mặt.

Hồi giáo ở Trung Đông

Trung Đông, khu vực liên tục xảy ra chiến tranh, đã chứng kiến làn sóng biểu tình và bạo loạn báo hiệu bất ổn lan rộng.

Ngày 1 tháng 10, người dân Iraq tràn ra đường để phản đối tham nhũng, thất nghiệp và các dịch vụ công yếu kém. Một số nhóm cũng phản đối chính phủ Iraq vì quan hệ thân cận với chính phủ Iran. Khoảng 40 người đã bị giết. Thủ tướng Abdul Mahdi đã bị buộc phải từ chức vì bạo lực lan tràn. Bất ổn vẫn tiếp tục.

Ngày 23 tháng 10, hàng nghìn người trên khắp Lebanon bắt đầu biểu tình phản đối tham nhũng và việc cung cấp dịch vụ công nghèo nàn.

Ngày 1 tháng 12, biểu tình bùng nổ ở Iran khi chính phủ tăng giá nhiên liệu, sau đó nhanh chóng biến thành bạo loạn, một số có liên quan tới Nhà nước Hồi giáo. Khoảng 700 ngân hàng trên cả nước đã bị đốt cháy. Chính phủ đáp trả bằng bạo lực, có khoảng 1000 người bị giết cho tới nay. Đây được coi là cuộc bạo động nghiêm trọng nhất kể từ Cách mạng Hồi giáo 1979.

Các nhà quan sát đang lo ngại về nguy cơ "mùa Xuân Arab" thứ hai.
Các nhà quan sát đang lo ngại về nguy cơ "mùa Xuân Arab" thứ hai.

Israel đang sụp đổ. Ngày 6 tháng 5, Hamas – một nhóm thánh chiến người Palestine kiểm soát Gaza đã phát động một cuộc tấn công vào bức tường biên giới Gaza ngăn cách Israel với lãnh thổ Palestine. Hơn 20 người đã thiệt mạng.

Đã có thêm các cuộc xung đột nổ ra liên quan đến Cao nguyên Golan bị chiếm đóng, các khu định cư Do Thái được xây dựng trên vùng đất do người Palestine tuyên bố chủ quyền, tham nhũng trong chính phủ, và các di tích tôn giáo Jerusalem. Thủ tướng Israel Netanyahu đã bị truy tố ngày 21 tháng 11 vì tội lừa đảo và ăn hối lộ.

Sau hai cuộc bầu cử, Israel không thể thiết lập nổi chính phủ và một cuộc bầu cử thứ ba đang được tiến hành. Những bất ổn như vậy đem lại cơ hội cho các nước trong khu vực tìm cách tận dụng cuộc khủng hoảng chính phủ này. Nó cũng cản trở những nỗ lực để đạt được một thỏa thuận hòa bình với người Palestine. 

Ngày 11 tháng 4, quân đội Nam Sudan đảo chính lật đổ nhà độc tài đã trị vì 30 năm ở nước này. Tiếp sau đó lại là một cuộc đảo chính thất bại vào tháng 7. Những cuộc biểu tình kêu gọi thành lập chính phủ hợp pháp đang ngày một lan rộng.

Tổng thống Algeria, Bouteflika, sau 20 năm tại vị đã bị ép buộc từ chức sau hàng tuần lễ xảy ra biểu tình quy mô lớn. Người thay thế ông này, Thủ tướng Tebboune được bầu ngày 14 tháng 12 chỉ để tiếp tục đối mặt với biểu tình ở cấp độ lớn hơn.

Tổng thống Ai Cập el-Sisi gần đây phàn nàn rằng các nhóm dân quân, chính phủ nước ngoài và Nhà nước Hồi giáo đang “bắt giữ chính phủ Libya làm con tin”, kéo dài cuộc khủng hoảng 8 năm dọc biên giới nước này kể từ khi nhà độc tài Gaddafi bị lật đổ năm 2011.

Tunisia, có lẽ là quốc gia Arab duy nhất có dân chủ thực thụ thì giờ đang rung chuyển, nhưng họ vẫn kiên trì theo đuổi các mục tiêu dân chủ, với cuộc bầu cử Tổng thống Saied một cách hòa bình.

Những nước khác đang trong tình trạng nguy hiểm bao gồm: Burkino Faso, Mali, Congo, Somalia và Somaliland.

Một số nhà quan sát tin rằng một “mùa Xuân Arab” mới có thể xuất hiện, nhưng không phải để thúc đẩy dân chủ. Họ lo ngại rằng khu vực này có thể quay trở lại các chế độ độc tài trong quá khứ. Điều trớ trêu là, mùa Xuân Arab đầu tiên được khơi mào từ các cuộc biểu tình quy mô lớn ở Tunisia!

Mỹ Latinh

Các chính phủ trên khắp Mỹ Latin đang đối mặt với bất ổn.

Chính phủ Bolivia được dẫn dắt bởi Evo Morales, một người cổ xúy cho các quyền của thổ dân. Sau 13 năm làm tổng thống, ông này cố gắng tiếp tục ra tranh cử bất chấp hiến pháp. Ông ta sau đó phải rời khỏi đất nước dưới sự đe dọa của quân đội.

Ngày 19 tháng 12, lệnh bắt giữ và dẫn độ Morales từ Argentina về nước được ban hành. Chính phủ của Morales bị cáo buộc tham nhũng, quản lý kém và vi phạm Hiến pháp. Các cuộc bầu cử được lên kế hoạch tiến hành vào năm 2020.

Brazil bầu Jair Bolsonaro làm Tổng thống vào tháng 1. Ông này luôn tự mô tả bản thân như một Donald Trump của Brazil, một nhà dân túy bảo thủ. Bolsonaro nối tiếp chuỗi thành tích yếu kém của ba tổng thống tiền nhiệm. Michel Temer có tỉ lệ ủng hộ chỉ đạt 7% nhưng vẫn tại vị bất chấp các cuộc biểu tình lớn.

Kế nhiệm Temer là Dilma Rousseff và Lula Da Silva, hai chính trị gia theo đường lối xã hội chủ nghĩa, về sau bị cáo buộc tham nhũng. Lula được dân chúng yêu mến đến mức mà ông này có thể trỗi dậy lần nữa sau án tù để thách thức Bolsonaro.

Các cuộc biểu tình và bất ổn đang đe dọa nền dân chủ mong manh ở Mỹ Latinh
Các cuộc biểu tình và bất ổn đang đe dọa nền dân chủ mong manh ở Mỹ Latinh
Argentines, vào ngày 10 tháng 12 đã bầu ra một chính phủ mới thay thế chính phủ theo đường lối thị trường tự do đã thất bại. Chính phủ mới lần này có phó tổng thống là Cristina Kirchner, người từng nắm giữ vị trí tổng thống từ 2007 đến 2015. Chính phủ trước đây của bà này chìm ngập trong tham nhũng và bà ta đã khiến đất nước gần như phá sản.

Kirchner là một fan hâm mộ của Peron. Juan Peron, một vị tướng quân đội, từng nhiều lần là tổng thống của Argentines trong suốt giai đoạn từ 1946 đến 1974. Ông ta thường bị cáo buộc điều hành đất nước theo triết lý phát – xít, học theo mô hình chính phủ Ý của nhà độc tài Mussolini.

Daniel Ortega, tổng thống Nicaragua, cựu lãnh đạo phong trào du kích đã nắm quyền từ 2007. Ông này đã khiến dân chúng nổi giận vì bỏ tù các nhà lãnh đạo đối lập, nhà báo và những người biểu tình. Hơn 300 người đã bị giết bởi các lực lượng an ninh của ông ta. Ortega khước từ các lời kêu gọi từ chức. Chính phủ của ông ta tăng thuế và cắt giảm các dịch vụ công.

Honduras, El Salvador, Guatemala, Columbia, Ecuador, và Peru cũng đang lâm vào khủng hoảng kinh tế hoặc chính trị. Haiti, một trong những nước nghèo nhất thế giới đang tiếp tục hứng chịu một làn sóng biểu tình bạo lực mới.

Các thể chế dân chủ dường như đang bị đe dọa ở Mỹ Latinh sau nhiều năm tương đối ổn định. Đây là một vấn đề lớn đối với Mỹ khi nước này tiếp tục lơ là chú ý đối với khu vực này, trong khi những cường quốc khác như Trung Quốc và Nga đang nỗ lực xây dựng các mối quan hệ mới ở đây.

Tây Ban Nha

Tây Ban Nha đang gánh chịu tác hại do những người li khai ở Catalonia tìm cách độc lập khỏi nước này. Một nửa dân số xứ Catalonia ủng hộ việc rời khỏi Tây Ban Nha. Phong trào đòi độc lập, bắt đầu từ năm 2010, đến nay chưa có dấu hiệu gì là sẽ hạ nhiệt.

Các cuộc biểu tình lớn, đôi khi mang tính bạo lực, đã rung chuyển cả đất nước trong tháng 10 khi những người lãnh đạo phong trào li khai bị bỏ tù.

Australia

Ngày 18 tháng 5, các cử tri Australian đã gây sốc cho giới chính trị gia khi Đảng Quốc gia/Tự do bảo thủ đánh bại Công đảng, vốn được dự đoán sẽ giành thắng lợi.

Giống như cuộc bầu cử Brexit ở Anh, cử tri dường như không ưa lãnh tụ Công Đảng Bill Shorten. Nhiều người cũng khó chịu bởi mức thuế cao và các chính sách môi trường của Công đảng vốn lấy đi công ăn việc làm của nhiều công nhân trong ngành khai thác than và khoáng sản.

Cuộc bầu cử ở Australia có ý nghĩa quan trọng đối với Mỹ trong bối cảnh ông Bernie Sanders có nhiều điểm tương đồng với Bill Shorten cả về mặt chính sách lẫn tính cách.

Triển vọng 2020

Điều không may là, những xu hướng toàn cầu nói trên dường như sẽ khó có thể được giải quyết trong năm 2020,  nếu không muốn nói là có thể diễn biến tệ hơn nữa. Chẳng hạn như, hiện giờ khi Anh đã bỏ phiếu để rời EU, Brexit sẽ phá vỡ thương mại toàn cầu và chính sách an ninh khu vực ra sao?

Tương lai có vẻ như không mấy khả quan.

Trường Minh (chuyển ngữ)

Bài tiếp: Những sự kiện lớn để lại nhiều hệ lụy cho tương lai