Nam thanh niên bị tấm bê tông đè dập tim, suýt tử vong

VietTimes -- Đang làm việc, nam thanh niên bị tấm bê tông lớn đè lên ngực, gây tổn thương tim nặng nề. Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 đã kích hoạt quy trình báo động đỏ, kịp thời phẫu thuật cứu sống bệnh nhân.

Nam thanh niên bị tấm bê tông đè dập tim, suýt tử vong
Nam thanh niên bị tấm bê tông đè dập tim, suýt tử vong

Ngày 17/12, BV Nhân dân 115 cho biết đã kích hoạt quy trình báo động đỏ, kịp thời phẫu thuật cứu sống một thanh niên bị chấn thương tim do tấm bê tông đè vào ngực.

Bệnh nhân là anh  P.V.B (32 tuổi, ở Vĩnh Long) nhập viện vào BV Nhân dân 115 trong tình trạng còn tỉnh, có nhiều vết trầy xước ở giữa ngực. Người nhà cho hay anh B. đang làm việc thì bị bị tấm bê tông rất nặng đè vào người. Sau tai nạn anh B. đau ngực nhiều, người nhà đưa đến một phòng khám tư và nhanh chóng chuyển viện đến BV Nhân dân 115.

Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc chấn thương (chấn thương ngực kín) do tai nạn lao động.

Bệnh viện Nhân dân 115 kích hoạt quy trình báo động đỏ, kịp thời phẫu thuật cứu sống bệnh nhân bị bê tông đè dập tim
Bệnh viện Nhân dân 115 kích hoạt quy trình báo động đỏ, kịp thời phẫu thuật cứu sống bệnh nhân bị bê tông đè dập tim

Trước tình hình nguy kịch của bệnh nhân, các bác sĩ nhanh chóng kích hoạt quy trình báo động đỏ, hồi sức và chuyển ngay bệnh nhân lên phòng mổ.

Ê kíp bác sĩ phẫu thuật đã mở ngực chẻ dọc xương ức, phát hiện tụ máu cục sau thất trái và nhĩ trái khoảng 400 ml; ngoài màng tim có nhiều máu đỏ sẫm và cơ tim có nhiều vết máu bầm. Bên cạnh đó, tim bệnh nhân còn có nhiều vết rách, gây tổn thương rất nặng.

Sau ca mổ, sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt và chỉ 10 ngày sau, sức khỏe bệnh nhân ổn định nên đã được xuất viện. Hiện bệnh nhân đã tái khám 2 lần, bác sĩ ghi nhận sức khỏe tốt, không tràn dịch màn tim, không rối loạn nhịp tim

ThS. BS Đỗ Việt Thắng - Khoa Phẫu thuật tim – Lồng ngực mạch máu, BV Nhân dân 115, cho biết dập tim là tổn thương tim sau chấn thương ngực kín. Trường hợp của bệnh nhân B. là bị tổn thương nặng nên phải kích hoạt quy trình báo động đỏ, thực hiện các biện pháp xử trí kịp thời cứu sống người bệnh. 

Các tổn thương cấp tính sau chấn thương được điều trị tích cực sẽ không để lại di chứng lâu dài. Một số chứng trễ được ghi nhận như: rách cơ tim, block nhĩ thất hoàn toàn, suy tim, tràn dịch màng ngoài tim, viêm màng ngoài tim co thắt. Do đó, bệnh nhân bị chấn thương tim nên đi tái khám và theo dõi sức khỏe từ 3-6 tháng.

Với những trường hợp chấn thương kín đáo hoặc chấn thương tim muộn, nếu nghi ngờ bị chấn thương tim, bác sĩ phải theo dõi những bất thường để có biện pháp xử trí kịp thời.