Ngành gỗ Việt thời covid-19:

Bài 01: Vật lộn để tồn tại

VietTimes -- Doanh nghiệp gỗ đình trệ sản xuất kinh doanh bởi dịch Covid-19 trải khắp các địa phương phát triển chế biến gỗ, từ Bình Định, Đồng Nai, Bình Phước, Nghệ An đến TP.HCM. Hiện các doanh nghiệp buộc phải lựa chọn "Tồn tại để phát triển" và "đóng cửa để phá sản”. Tất nhiên, không doanh nghiệp nào muốn lựa chọn phương án thứ hai, nên nhiều doanh nghiệp đang vật lộn để tồn tại qua đại dịch.
Ngành gỗ Việt Nam đang đứng trước vô vàn khó khăn do đại dịch covid-19.
Ngành gỗ Việt Nam đang đứng trước vô vàn khó khăn do đại dịch covid-19.

Tồn tại hay không tồn tại?

 “Mọi việc diễn ra quá nhanh, chỉ trong 2 tuần”, ông Vũ Hải Bằng, Tổng giám đốc Woodsland, thốt lên sau khi các thông báo ngừng đơn hàng liên tiếp đến từ Mỹ và EU. Woodsland, một trong những công ty xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất của Việt Nam, với 60 triệu USD doanh thu năm 2019 và hơn 3.000 lao động.

“6-7 tuần nữa mới có thêm thông tin”, ông Bằng không biết các nhà mua hàng có nhận hàng của Woodsland nữa hay không. Công ty bắt đầu cho một số bộ phận nghỉ việc kể từ đầu tháng Tư, trong khi phần còn lại sản xuất cầm chừng.

Doanh nghiệp gỗ đình trệ sản xuất kinh doanh bởi dịch Covid-19 trải khắp các địa phương phát triển chế biến gỗ, từ Bình Định, Đồng Nai, Bình Phước, Nghệ An đến TP.HCM. Nhiều doanh nghiệp không còn đơn hàng phải dừng sản xuất.

Bây giờ, các doanh nghiệp buộc phải lựa chọn "Tồn tại để phát triển" và "đóng cửa để phá sản”. Tất nhiên, không doanh nghiệp nào muốn lựa chọn phương án thứ hai, nên nhiều doanh nghiệp đang vật lộn để tồn tại qua đại dịch.

Sản xuất gỗ tại Công ty TNHH Hiệp Long- Ảnh báo Công thương.
Sản xuất gỗ tại Công ty TNHH Hiệp Long- Ảnh báo Công thương.

Chính phủ vào tháng trước đã thông báo về gói tín dụng 250.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ tài khóa 30.000 tỷ đồng. Điều đó chỉ mang lại một ít phấn khởi cho doanh nghiệp vì đến nay vẫn chưa doanh nghiệp gỗ nào nhận được hỗ trợ.

Các đơn hàng bị hủy hoặc chậm, dòng tiền về Công ty Lâm Việt giảm mạnh. Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Lâm Việt, nói rằng đang rất cần tiền để lo cho người lao động nghỉ việc và những lao động còn lại, đồng thời phải trả lãi vay ngân hàng cũng như thanh toán các khoản tín dụng đến kỳ đáo hạn ngân hàng.

Chính phủ đã có những phản ứng chính sách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong nền kinh tế, trong đó có các doanh nghiệp trong ngành gỗ. TS. Tô Xuân Phúc của Forest Trends nói điều quan trọng là làm thế nào để thực hiện các cơ chế chính sách này nhanh và hiệu quả, đảm bảo các nguồn hỗ trợ kịp thời và đúng với các nhóm đối tượng cần hỗ trợ.

Một thực tế, các gói hỗ trợ này thuộc “sở hữu” của các ngân hàng, nên ngay cả khi được áp dụng với những điều kiện cởi mở nhất, cũng không thể lập tức cứu được ngành gỗ, vì các ngân hàng lo bảo tồn nguồn vốn, tránh nợ xấu.

Ngành gỗ cũng không thể lập tức quay trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch, khi tất cả các hệ thống cửa hàng bán đồ gỗ của Việt Nam tại các thị trường nhập khẩu chính đều đã đóng cửa, ông Điền Quang Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty Minh Phát 2, nhận xét.

Dù vậy, các doanh nghiệp gỗ vẫn cố gắng cầm cự để không bị phá sản. “Chúng tôi đang phải điều chỉnh lịch sản xuất từng ngày vì đơn hàng từ thị trường này giảm gần 50%”, ông Cù Đức Hoàng Tài, trợ lý Tổng giám đốc Công ty Juma Phú Thọ, cho biết. Trước dịch, gỗ dán của công ty này chiếm 30% trong tổng lượng gỗ dán xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ.

“Điều chúng tôi lo ngại nhất là dịch bệnh bùng phát mạnh tại Mỹ, nếu tình hình căng thẳng hơn có thể khiến chính phủ nước này đóng cửa thị trường hoàn toàn”, ông Tài nói. Hiện, xuất khẩu gỗ dán của Juma Phú Thọ sang Mỹ đã bị thu hẹp, khoảng 200 container/tháng thay vì 450 container/tháng trước dịch.

Các chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy nghiêm trọng. Từ thị trường Mỹ và EU, khoảng 80% nhà mua đã dừng hoặc hủy đơn hàng, trong khi con số này từ thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc khoảng 60-80%. Thậm chí một số nhà mua lớn rơi vào tình trạng phá sản, theo dữ liệu mới nhất của Forest Trends và các hiệp hội gỗ.

Dịch có dấu hiệu được kiểm soát tại Trung Quốc, thị trường lớn thứ 3 chiếm 12% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Việt Nam, nhưng xuất khẩu trở lại không đủ bù đắp.

Trung Quốc mua 60% lượng dăm gỗ của Việt Nam mỗi năm, nhưng dịch bệnh đã làm giảm 35%, trong khi các nhà mua hàng đang yêu cầu giảm giá dăm gỗ, ông Thang Văn Thông, Phó Tổng giám đốc Công ty Hào Hưng, cho biết.

Bộ Tài chính thông báo bổ sung “chế biến gỗ” vào Dự thảo Nghị định gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, trị giá 180.000 tỷ đồng. TS Tô Xuân Phúc, chuyên gia Forest Trends, nói điều quan trọng là làm thế nào để thực hiện các cơ chế chính sách này nhanh và hiệu quả, đảm bảo các nguồn hỗ trợ kịp thời và đúng nhóm đối tượng cần hỗ trợ.

“Hiện nay, cơ cấu dòng sản phẩm gỗ của Việt Nam đang sai khi sản xuất các sản phẩm không có nhu cầu lớn và nhu cầu tiềm năng cũng không tăng cao”, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST)- Ảnh internet.
“Hiện nay, cơ cấu dòng sản phẩm gỗ của Việt Nam đang sai khi sản xuất các sản phẩm không có nhu cầu lớn và nhu cầu tiềm năng cũng không tăng cao”, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST)- Ảnh internet.

Các doanh nghiệp gỗ phụ thuộc vào xuất khẩu cho biết họ không thể cầm cự đến  quý II mà không có hỗ trợ của Chính phủ. Đại dịch khiến Lâm Việt mất đầu vào tài chính, ông Nguyễn Liêm cho biết.

Công ty Lâm Việt đã phải giảm 300 lao động hồi cuối tháng 3, đầu tháng 4 giảm tiếp 300 lao động nữa. Trước đại dịch, công ty sử dụng 1.000 lao động để làm đồ gỗ xuất khẩu sang Mỹ và EU, với 150 container bình quân mỗi tháng, kim ngạch xuất khẩu khoảng 32 triệu USD/năm.

Cần xác định rõ dòng sản phẩm và thị trường chiến lược

Đến nay, các chính sách của Chính phủ và hoạt động của nhiều doanh nghiệp ngành gỗ vẫn đặt trọng tâm xuất khẩu. Các ưu tiên này không có gì sai, nhưng việc đứt gãy các chuỗi cung gỗ xuất khẩu đang thúc ép Việt Nam phải sớm xác định rõ thị trường chiến lược và dòng sản phẩm.

“Hiện nay, cơ cấu dòng sản phẩm gỗ của Việt Nam đang sai khi sản xuất các sản phẩm không có nhu cầu lớn và nhu cầu tiềm năng cũng không tăng cao”, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), nhận xét.

Chủ tịch VIFOREST cho rằng nhóm đồ gỗ phòng bếp, phòng tắm và bàn trang điểm đang chiếm khoảng 60% trong tổng cầu các loại đồ gỗ trên thế giới, phần còn lại là các nhóm đồ gỗ khác, như đồ gỗ văn phòng, đồ gỗ ngoài trời… Khi dịch bệnh xảy ra, chuỗi cung cho các sản phẩm đồ gỗ chiến lược không bị biến động lớn do cầu vẫn tồn tại, trong khi cầu các nhóm đồ gỗ khác gần như biến mất.

Tại Việt Nam hiện nay, theo ông Lập, sản xuất các mặt hàng thuộc nhóm đồ gỗ chiến lược đang bị chiếm lĩnh bởi các doanh nghiệp FDI Trung Quốc. Họ đang hưởng phần lợi ích lẽ ra thuộc về doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là từ hơn hai năm trước, khi nổ ra cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Số liệu xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam vẫn tăng mạnh bất chấp đình trệ của các doanh nghiệp gỗ trong nước. Trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 3/2020 ước tính là 900 triệu USD, tăng 20,6% so với tháng trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong quý I/2020 ước đạt 2,47 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước.

Mục tiêu xuất khẩu 20 tỷ USD vào năm 2025 đầy tham vọng, nhưng Việt Nam chưa xác định rõ ràng cơ hội tăng thị phần trên thị trường toàn cầu. Nếu có, cơ hội nằm ở đâu về mặt dòng sản phẩm và thị trường. Việt Nam cũng chưa có thông tin chính xác về các đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là các đối thủ cũng đang muốn tăng thị phần trong phần 94% thị phần toàn cầu còn lại.

TS. Phúc nói rằng, Việt Nam cần một chiến lược phát triển bền vững, xác định rõ dòng sản phẩm và thị trường chiến lược, bao hàm thông tin về xu hướng thay đổi cung – cầu thế giới. Chỉ khi đó, Việt Nam mới có thể định dạng chính xác ngành gỗ Việt Nam trên bản đồ chế biến, thương mại và tiêu thụ các mặt hàng gỗ toàn cầu.

Bài 02: Thời cơ để liên kết chuỗi nội địa