'Ấm ức' vì lỗ vẫn phải nộp thuế, HAGL hạch toán 'lãi' trăm tỉ

Lỗ nặng trong các năm qua, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) “ấm ức” vì vẫn phải đóng thuế nên đã “tự ý” thực hiện những quy định hiện chỉ mới là dự thảo và đang còn tranh cãi gay gắt. Tuy nhiên, HAGL cũng không phải là “nạn nhân’ duy nhất của Nghị định 20, với mục tiêu kiểm soát việc chuyến giá, chuyển lãi của các công ty có giao dịch liên kết.
Doanh nghiệp đang kỳ vọng được
Doanh nghiệp đang kỳ vọng được "hồi tố" khoản thuế nộp do giới hạn mức trần 20% chi phí lãi vay. Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN.

"Lá chắn thuế" quá mỏng

Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 đã kiểm toán của HAGL cho thấy tập đoàn này ghi nhận khoản lỗ sau thuế lên đến 1.808 tỉ đồng trong năm qua. Tuy nhiên, kiểm toán viên nhận định rằng HAGL có thể nhận thêm khoản lỗ 482 tỉ đồng nếu không có 2 hoạt động “bút toán” đặc biệt.

Cụ thể, kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ việc HAGL đã hoàn nhập số dư dự phòng thuế thu nhập doanh nghiệp tại ngày 31-12-2018 với số tiền hơn 335 tỉ đồng, đồng thời không ghi nhận khoản dự phòng thuế thu nhập doanh nghiệp tương tự theo quy định hiện tại của Nghị định 20 với số tiền ước tính là 147 tỉ đồng.

Theo kiểm toán viên, lý do ngoại trừ là vì HAGL đã áp dụng các nội dung mới trong dự thảo sửa đổi Nghị định 20, dù chưa được phê duyệt chính thức tại ngày phát hành báo cáo tài chính. Nghị định này này hiện đang được trình lên Chính phủ xem xét và vẫn đang còn nhiều tranh cãi xung quanh về các nội dung sửa đổi, trong đó có việc không cho phép doanh nghiệp thực hiện “hồi tố” như cách HAGL làm ở trên.

HAGL đã có công văn giải trình về vấn đề này. Theo đó, công ty cho biết đã không thực hiện việc hoàn nhập khoản thuế đã nộp và không trích lập chi phí thuế liên quan đến Nghị định 20, là vì trên thực tế công ty bị lỗ nặng trong 3 năm qua. Theo đó, khoản lỗ trước thuế năm 2017 là gần 470 tỉ đồng, năm 2018 là hơn 111 tỉ đồng, và năm 2019 lỗ gần 713 tỉ đồng.

“Chúng tôi hiểu rằng mục đích của Nghị định 20 là chống chuyển giá và đối tượng của thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là thu thuế trên lợi nhuận chịu thuế “hợp lý”. Tuy nhiên, công ty không phải là đối tượng của chống chuyển giá và cũng đang bị lỗ nặng, nên việc công ty phải nộp thuế TNDN do bị loại chi phí lãi vay phát sinh (Nghị định 20 loại cả lãi vay của ngân hàng độc lập và cũng không cho bù trừ với thu nhập lãi cho vay lại) vượt 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay và chi phí khấu hao trong năm là không hợp lý. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị với Chính phủ và tin tưởng rằng Chính phủ sẽ xem xét thấu đáo vấn đề”, văn bản của HAGL có đoạn.

Ý kiến của Công ty kiểm toán Ernst & Young Việt Nam trong báo cáo tài chính năm 2019 của HAGL.
Ý kiến của Công ty kiểm toán Ernst & Young Việt Nam trong báo cáo tài chính năm 2019 của HAGL.

Coi chừng "chống" nhầm đối tượng

Theo Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật Basico, các doanh nghiệp hoạt động theo nguyên tắc dựa trên luật định. Nghị định 20 hiện tại vẫn là cơ sở pháp lý có hiệu lực. Doanh nghiệp muốn làm khác thì phải có sự chấp thuận tạm thời, nếu không có nguy cơ dẫn đến tổn hại nhiều hơn nếu cơ quan quản lý cứng rắn áp chế tài.

Tuy nhiên, về cơ bản, LS Hải cho rằng trường hợp như HAGL đáng được áp dụng việc “hồi tố” như trên, giống như một giải pháp sửa sai tạm thời và hợp lý. Theo ông Hải, nghị định 20 có tinh thần "gốc" là phòng chống chuyển giá, nhắm đến các công ty nước ngoài có nghĩa vụ, quan hệ vay nợ giữa các thành viên trong tập đoàn đa quốc gia.

Nhưng từ khi ra đời đến nay thì Nghị định này lại “chống nhầm” đối tượng, không chỉ có trường hợp HAGL mà còn nhiều doanh nghiệp khác, vì cơ hội chuyển giá hầu như không xảy ra với các doanh nghiệp Việt, vốn đã thực hiện đúng nghĩa vụ thuế theo luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

“Bản chất câu chuyện ở đây không phải là việc doanh nghiệp tự ý làm, mà cần phải sửa nhanh cơ chế để cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý dễ làm việc”, LS Hải bình luận.

Có hiệu lực từ ngày 1-5-2017, Nghị định 20 ra đời với mục tiêu cao nhất là chống chuyển giá, chuyển nợ với mục đích trốn, "né" thuế với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Nghị định này tập trung chủ yếu vào các tập đoàn đa quốc gia vì sự khác biệt về thuế suất ở các quốc gia, nhưng kể từ khi thực hiện thì các doanh nghiệp nội lại than phiền nhiều hơn, đặc biệt là những tập đoàn tư nhân lớn, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có điểm chung là vay nợ nhiều và sở hữu nhiều công ty con.

Một trong những khó khăn lớn nhất là quy định “áp trần lãi vay 20%”, như ở trên HAGL cũng có đề cập. Thông thường, chi phí lãi vay được khấu trừ thuế, nhưng theo quy định thì tối đa chỉ được 20% tổng lợi nhuận (lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay và khấu hao trong kỳ). Nói nôm na, nếu chi phí trả lãi vay trong kỳ nhiều hơn mức tối đa thì phần dư ra không được xem là chi phí hoạt động, không được khấu trừ thuế nữa.

Quy định này khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó nếu có nhiều công ty liên kết, công ty con, nhiều giao dịch với nhau. Điều này đặc biệt đúng với các mô hình tập đoàn tại Việt Nam hiện nay, rất nhiều công ty mẹ đi vay vốn, sau đó cho vay lại các công ty trong nhóm của mình.

Trước đó, vào cuối năm 2019, dự thảo sửa đổi Nghị định 20 đã đưa vào nhiều ý kiến đóng góp, vướng mắc của các doanh nghiệp kể từ khi thực hiện. Tuy nhiên, trong văn bản dự thảo trình lên Chính phủ vào đầu tháng 3 vừa qua thì lại có một số thay đổi, theo đại diện phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), được dẫn lại bởi báo Đầu tư.

Cụ thể, nội dung tăng mức khống chế lãi vay từ 20% lên 30% được giữ lại. Hai nội dung còn lại mà doanh nghiệp đã đề xuất và được ghi nhận là việc cho phép chuyển chi phí lãi vay thuần vượt quá mức khống chế sang các năm tiếp theo và việc cho phép áp dụng cho kỳ tính thuế 2017 và 2018 đã không còn trong bản dự thảo trình Chính phủ.

Ngoài nội dung tăng mức trần khống chế lãi vay từ 20% lên 30% được giữ lại, còn 2 nội dung quan trọng khác được đề xuất và ghi nhận là cho phép chuyển chi phí lãi vay thuần vượt quá mức khống chế sang các năm tiếp theo, và cho phép áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2017 và 2018 thì không còn trong bản dự thảo trình Chính phủ.

Nhiều doanh nghiệp đang mong đợi quy định này được áp dụng luôn cho kỳ nộp thuế năm 2017 và 2018, tức có thể “hồi tố” lại khoản thuế đã khai, nộp thuế.

Việc “hồi tố” không khó để thực hiện và phù hợp nhiều quy định, như nhiều chuyên gia lên tiếng chia sẻ. Tuy nhiên, Bộ Tài chính hiện tại vẫn giữ quan điểm không cho phép thực hiện việc “hồi tố”. Còn doanh nghiệp thì càng lên tiếng mạnh mẽ hơn trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khiến tình hình tài chính doanh nghiệp càng căng thẳng.

Quy định về “vốn mỏng”

Các chuyên gia cho biết các quy định trong Nghị định 20 cũng đồng thời có tác dụng chống tình trạng “vốn mỏng” ở các doanh nghiệp, là những công ty đặc biệt tăng trưởng dựa vào mức vay nợ cao. Quy định về chống "vốn mỏng" cũng phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Trên thực tế, cơ cấu vốn của doanh nghiệp được tài trợ bằng 2 phương án là nợ vay hoặc vốn chủ sở hữu. Các doanh nghiệp thích đi vay để tài trợ đầu tư thay vì phát hành thêm cổ phần để tăng vốn, vì chi phí lãi vay là một khoản được giảm trừ thu nhập chịu thuế, hay còn gọi là “lá chắn thuế”. Do đó, một mức “trần” chặn trên đối với chi phí lãi vay được giảm trừ là điều cần thiết.

Cần sớm hoàn thiện Nghị định 20

Trước đó vào ngày 29-11 năm ngoái, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp về việc sửa đổi quy định áp mức chi phí lãi vay vào chi phí hoạt động của doanh nghiệp để nộp thuế theo Nghị định số 20.

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ dẫn lại thông tin từ Bộ Tài chính, cho biết từ 1-5-2017 tới hết năm 2018, đã có khoảng 11.970 đơn vị kê khai quan hệ liên kết. Trong đó, năm 2017 có 6.604 đơn vị và năm 2018 là 7.785 đơn vị phát sinh giao dịch liên kết. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 85%, còn lại là doanh nghiệp nội địa có phát sinh giao dịch liên kết.

Việc thực hiện các quy định về chống chuyển giá theo Nghị định 20 đã giúp cơ quan thanh tra, kiểm tra tài chính thu về ngân sách mỗi năm 11.089 tỉ đồng, trong đó truy thu, truy hoàn và phạt là 2.089 tỷ đồng, giảm khấu trừ bình quân 75 tỉ đồng, giảm lỗ 8.925 tỉ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế bình quân là 7.732 tỉ đồng.

Theo TBKTSG