Cách ly xã hội không phải là "ngăn sông, cấm chợ":

Ngăn sông, cấm chợ, cách ly và cấm đoán, hạn chế trái luật

VietTimes -- Nhiều người ủng hộ việc “cách ly y tế” và “ngăn sông, cấm chợ” vì lý do bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân, mà không phân biệt giữa chủ quyền địa phương với chủ quyền quốc gia và việc đó đúng hay trái luật.
Việc “cách ly y tế” kiểu “ngăn sông, cấm chợ” là đúng hay sai và khi nào thì được phép thực hiện?
Việc “cách ly y tế” kiểu “ngăn sông, cấm chợ” là đúng hay sai và khi nào thì được phép thực hiện?

LTS: Việc thực hiện "cách ly xã hội", có thể nói, bước đầu đã đạt được hiệu quả rất tốt. Tuy nhiên, việc cách ly kiểu "ngăn sông, cấm chợ" ở một số địa phương đang gây ra những tranh cãi về mặt pháp lý. Để rộng đường dư luận, VietTimes mở Diễn đàn "Cách ly xã hội không phải là "ngăn sông, cấm chợ", chung tay cùng cả nước chống đại dịch COVID-19 thành công.

Diễn đàn mở đầu bằng bài viết của Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên VIAS.

Ngăn sông, cấm chợ, cách ly và cấm đoán, hạn chế trái luật

Ngăn sông, cấm chợ

Ngày 6/04/2020, cháu tôi, từ nước ngoài về, đã cách ly y tế tập trung 14 ngày tại Sài Gòn, bay về Nội Bài. Sân bay vẫn có vài trăm khách đến mỗi ngày, nhưng đã cấm toàn bộ xe công cộng, kể cả xe ôm vào đón. Nếu như sử dụng xe của gia đình đón về Hải Phòng thì người đón sẽ bị cách ly tập trung 14 ngày và đứa cháu cũng lại bị cách ly tập trung tiếp 14 ngày nữa.

Công văn số 2449/UBND-VX, ngày 4/04/2020 của UBND thành phố Hải Phòng chỉ đạo nhiều nội dụng, trong đó có 2 nội dung: 

Thứ nhất, người đi ra khỏi Hải Phòng thì phải có Giấy xác nhận cho phép phương tiện ra ngoài thành phố của Chủ tịch UBND cấp quận, khi vào thì phải có Giấy xác nhận cho phép vào của các Chốt kiểm soát;

Thứ hai, cách ly y tế tập trung đối với tất cả những người đến từ hoặc đi qua các vùng dịch, kể cả quay trở lại Hải Phòng sau khi đi ra ngoài thành phố; trừ trường hợp người đã cách ly xong tại nơi khác (phải được xe của Ban phòng, chống dịch đi đón). Riêng xe tải chỉ cho “1 lái xe và 1 phụ xe” (chưa rõ người áp tải, giám sát hay giao nhận hàng hóa thì có được coi là “phụ xe” không?), được vào thành phố, nếu vượt quá thì cũng bị cách ly tập trung. Điều này gần giống như việc phong tỏa thành phố.

Cho đến hôm nay, đã có ít nhất 5 tỉnh, thành gồm: Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Nam, thực hiện việc cách ly tập trung 14 ngày đối với người đi vào địa phương mình, nếu như đến từ (kể cả đi qua) Hà Nội, Sài Gòn và hàng chục tỉnh, thành khác đã có người mắc bệnh dịch COVID-19.

Vậy việc “cách ly y tế” và “ngăn sông, cấm chợ” như trên là đúng hay sai và khi nào thì được phép thực hiện?

Công văn khẩn của UBND TP. Hải Phòng.
Công văn khẩn của UBND TP. Hải Phòng.

Cách ly y tế trái luật

Việc 5 tỉnh thành “ngăn sông, cấm chợ” và cách ly tập trung người đến từ Hà Nội, Sài Gòn cũng như một số tỉnh, thành có dịch khác là trái với các quy định sau đây:

Thứ nhất, trái với quy định về trường hợp phải “cách ly y tế” tại khoản 16, Điều 2 về “Gải thích từ ngữ”, Luật Phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2007: “Cách ly y tế là việc tách riêng người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm hoặc vật có khả năng mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nhằm hạn chế sự lây truyền bệnh”. 5 tỉnh, thành trên đã mặc định rằng người đến từ Hà Nội, Sài Gòn và các tỉnh, thành có dịch khác thuộc đối tượng bắt buộc phải cách ly, trong khi pháp luật và chính các địa phương đó lại không hề coi họ là đối tượng phải cách ly tập trung;

Thứ hai, trái với quy định “hạn chế ra, vào vùng có dịch đối với người và phương tiện” tại điểm a, khoản 1, Điều 53 về “Kiểm soát ra, vào vùng có dịch đối với bệnh dịch thuộc nhóm A”, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Hải Phòng chưa có ca bệnh nào, không phải là “vùng có dịch”, nên không thuộc trường hợp thực hiện các biện pháp “hạn chế ra, vào”. Thâm chí, sau khi đã ban bố “tình trạng khẩn cấp” thì cũng chỉ “Cấm người, phương tiện không có nhiệm vụ vào ổ dịch”, theo quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 54 về “Các biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp về dịch”, Luật Phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm;

Thứ ba, trái với quy định về 4 địa điểm cách ly y tế tập trung tại Điều 1 về “Áp dụng biện pháp cách ly y tế”, Nghị định số 110/2010/NĐ-CP ngày 30-9-2010 của Chính phủ “Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch”. Theo đó, việc cách ly tập trung của 5 tỉnh, thành nêu trên không thuộc vào trường hợp nào trong số 4 nơi cách ly y tế dành cho từng loại đối tượng cụ thể, gồm tại nhà, tại cơ sở y tế, tại cửa khẩu và tại nơi khác khi tại cửa khẩu bị quá tải;

Thứ tư, trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020. Chiều ngày 31-3-2020, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã giải thích rõ “Cách ly toàn xã hội không phải là biện pháp phong tỏa, nội bất xuất ngoại bất nhập, cũng không phải là lệnh giới nghiêm như thời chiến. Mục tiêu của biện pháp cách ly toàn xã hội là nhằm giảm tối đa tương tác giữa người với người trong xã hội”. Ngày 2/04/2020, ông Dũng cũng đã nói, việc “ngăn sông, cấm chợ” là sai với chỉ đạo của Thủ tướng.

Cách ly y tế không đồng nghĩa với "ngăn sông, cấm chợ".
Cách ly y tế không đồng nghĩa với "ngăn sông, cấm chợ".

Cấm đoán, hạn chế trái luật

Rất nhiều người nhiệt tình ủng hộ việc “cách ly y tế” và “ngăn sông, cấm chợ” nói trên vì lý do rất thuyết phục là, nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân, mà không phân biệt giữa chủ quyền địa phương với chủ quyền quốc gia và việc đó đúng hay trái luật.

Nếu việc cấm đoán, hạn chế là vì sự an toàn của người dân địa phương mình, thì chẳng lẽ sự an toàn của đồng bào 5 tỉnh thành trên là cao hơn người Hà Nội, Sài Gòn và các tỉnh, thành còn lại.

Trong một Nhà nước pháp quyền, lúc bình thường hay khi chống dịch như chống giặc, thì cũng vẫn phải thượng tôn pháp luật và chúng ta đã có đủ luật để hành động. Người dân và doanh nghiệp thì luôn được quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm. Ngược lại, công chức và cơ quan nhà nước thì chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Vế thứ nhất nhằm bảo đảm các quyền của người dân. Vế thứ hai nhằm ngăn chặn sự lạm quyền của cơ quan nhà nước, cũng là để tránh dẫn đến việc hạn chế quyền của người dân.

5 tỉnh, thành đã mặc định rằng người đến từ Hà Nội, Sài Gòn và các tỉnh, thành có dịch khác thuộc đối tượng bắt buộc phải cách ly, trong khi pháp luật và chính các địa phương đó lại không hề coi họ là đối tượng phải cách ly tập trung.
5 tỉnh, thành đã mặc định rằng người đến từ Hà Nội, Sài Gòn và các tỉnh, thành có dịch khác thuộc đối tượng bắt buộc phải cách ly, trong khi pháp luật và chính các địa phương đó lại không hề coi họ là đối tượng phải cách ly tập trung.

Điều trên đã từng được Giáo sư Luật Nguyễn Mạnh Tường trăn trở từ hơn nửa thế kỷ trước tại Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày 30/10/1956: “Khi pháp luật chỉ gò bó quần chúng mà không gò bó nhà cầm quyền thì nhà cầm quyền mỗi lúc có thể vẽ ra các đường mới mà quần chúng chưa từng biết”.

Hơn 10 năm trước tôi cũng đã viết trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 3/12/2009: “Nếu công chức nhà nước cứ tự mình “sáng tác” thêm công cụ để hạn chế quyền lợi, tăng thêm nghĩa vụ của dân, thì chính là hành động phạm luật, bóp méo, chà đạp pháp luật”.

Khoản 2, Điều 14 , Hiến pháp năm 2013 và khoản 2, Điều 2 về “Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự”, Bộ luật Dân sự năm 2015 hiện hành đều quy định, dù trường hợp cần thiết vì sức khóe cộng đồng, thì cũng chỉ có luật mới có thể hạn chế quyền con người, quyền công dân và quyền dân sự.

Việc làm của 5 tỉnh, thành trên chỉ đúng và chỉ được phép khi chính quyền trung ương có quy định rõ ràng, dựa trên cơ sở pháp luật như công bố dịch, ban bố tình trạng khẩn cấp, quy định điều cấm và chế tài xử phạt.

Nếu Chính phủ không có chỉ đạo kịp thời, thì rất có thể tất cả 63 tỉnh, thành cùng “lây chéo” việc cách ly y tế tập trung 14 ngày, cùng ngăn sông cấm chợ và cấm đoán, hạn chế việc đi lại, sản xuất, làm việc một cách trái luật vì lý do phòng, chống dịch.