Phòng cách ly áp lực âm có thật sự làm phát tán virus mạnh hơn như ý kiến của nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng?

VietTimes – Mấy hôm nay, phát ngôn trên trang cá nhân của PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế), cho rằng sử dụng phòng cách ly áp lực âm trong điều trị bệnh nhân COVID-19 không cẩn thận có thể phát tán virus mạnh hơn, đã làm dấy lên những luồng  tranh cãi trong dư luận.
Cán bộ y tế, cơ sở y tế chuẩn bị sẵn sàng chống dịch (Ảnh: Bộ Y tế)
Cán bộ y tế, cơ sở y tế chuẩn bị sẵn sàng chống dịch (Ảnh: Bộ Y tế)

Phương pháp cách ly tốt nhất

Trong khi rất nhiều cá nhân, tổ chức đang chung tay với các Chính phủ và các địa phương phòng, chống dịch bệnh COVID-19 bằng cách tài trợ lắp đặt, tặng phòng điều trị cách ly áp lực âm, để điều trị bệnh nhân vì thiết bị này nước ta còn thiếu và rất đắt. Tuy nhiên,  phát ngôn của PGS.TS Nguyễn Huy Nga đã làm dấy lên những luồng tranh cãi 

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga: “Lợi bất cập hại, nếu không cẩn trọng có thể góp phần phát tán virus ra môi trường xung quanh”.

Trong khi đó, phòng áp lực âm, theo các chuyên gia điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã điều trị khỏi bệnh cho bệnh nhân COVID-19 giải thích, thì là phương pháp cách ly tốt nhất được sử dụng trong bệnh viện, để ngăn chặn sự lây nhiễm chéo giữa các phòng bệnh với nhau.

“Phòng áp lực âm sử dụng một hệ thống thông gió có chức năng tạo áp suất âm, nghĩa là không khí chỉ có thể đi từ bên ngoài vào trong phòng chứ không thể có không khi thoát từ trong phòng đi ra. Cơ chế hoạt động của phòng áp lực âm là lọc, xử lý không khí từ ngoài vào và làm sạch nó, cộng với việc không để nó thoát ra bên ngoài nhờ đã có ngăn cách bởi phòng đệm. Nên phòng điều trị áp lực âm đã chặn tuyệt đối việc không khí bị nhiễm khuẩn lọt ra khỏi phòng. Đã như vậy, sao có thể phát tán virus ra môi trường xung quanh như PGS.TS Nguyễn Huy Nga phát biểu được?” – BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Thần kinh, BV Nhi Đồng 1 - đặt câu hỏi.

Phòng áp lực âm-Nguồn (GENK).
Phòng điều trị áp lực âm (Nguồn: GENK)


“Phòng điều trị áp lực âm ngoài phòng chính cho bệnh nhân nằm còn có 2 buồng đệm. Trước khi vào phòng cách ly, bác sĩ, nhân viên y tế phải qua buồng đệm đầu tiên. Sau thời gian điều trị cho bệnh nhân, nhân viên y tế sẽ rời khỏi phòng cách ly bằng buồng đệm thứ 2.

"Tại phòng đệm này, toàn bộ các vật tư y tế tiếp xúc với bệnh nhân sẽ được lấy ra và tiêu hủy, đảm bảo việc virus lây nhiễm không thể thoát ra môi trường. Tôi khẳng định phòng điều trị áp lực âm phải tốt hơn phòng thường” – BS Trương Hữu Khanh nói.

Các bác sĩ điều trị trực tiếp cho bệnh nhân COVID-19 tại BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cũng khẳng định phòng cách ly áp lực âm không thể phát tán virus ra bên ngoài và cách ly áp lực âm là phương pháp cách ly điều trị tốt nhất để tránh lây nhiễm từ bệnh nhân mang virus Corona có thể lây nhiễm sang các phòng bệnh khác.

Để dễ hiểu hơn, một số bác sĩ điều trị tổng kết ngắn, giải thích rằng phòng mổ là phòng áp lực dương, không khí trong phòng phẫu thuật buộc phải vô trùng, nên toàn bộ không khí từ trong phòng mổ sẽ được đẩy hết ra ngoài, không có chiều ngược lại.

Còn phòng điều trị các virus, trong đó có virus Corona, thì phải sử dụng công nghệ áp lực âm, chỉ cho phép không khí từ ngoài vào mà không cho phép chiều ra để đảm bảo tránh nhiễm khuẩn tối đa ra ngoài môi trường xung quanh.  

BS điều trị bệnh nhân COVID-19 trong phòng cách ly đặc biệt thông thường, có cửa sổ thoáng khi (Ảnh-Nguyễn Gia)
BS điều trị bệnh nhân COVID-19 trong phòng cách ly đặc biệt thông thường, có cửa sổ thoáng khi (Ảnh: Nguyễn Gia)


Đội ngũ y tế cần cảnh giác nguy cơ nhiễm khuẩn

Việc bên trong phòng áp lực âm vẫn có nguy cơ nhiễm khuẩn là hoàn toàn chính xác. Như các bác sĩ điều trị phân tích, thì điều chắc chắn khẳng định được là virus Corona lây chủ yếu qua giọt bắn và lây qua đường tiếp xúc, virus sẽ bám trên áo quần, dụng cụ, trang thiết bị y tế. Cho nên, bác sĩ, y tá, nhân viên y tế tiếp xúc với người bệnh COVID-19 trong hay ngoài phòng áp lực âm vẫn có nguy cơ phơi nhiễm như nhau.

Các bác sĩ, nhân viên y tế tham gia làm nhiệm vụ điều trị trực tiếp cho bệnh nhân tại các phòng cách ly áp lực âm đều hiểu rõ chuyện này và đã chấp hành nghiêm mặc áo bảo hộ, đeo kính và đeo khẩu trang phòng bệnh, cững như quy trình khử khuẩn.

Tuy nhiên, các bác sĩ điều trị COVID-19 tại BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM phân tích, khó tránh khỏi yếu tố rủi ro nghề nghiệp, chẳng hạn như các công đoạn mở nội khí quản, đặt ống thở cho bệnh nhân nặng phải thở máy, công đoạn hút đờm cho bệnh nhân… có nguy cơ rất cao đối với bác sĩ, nhân viên y tế. Một số bác sĩ đã bị nhiễm COVID-19 có thể chính là do nguyên nhân này.

Phòng cấp cứu người bệnh nặng tại BV chuyên chữa COVID-19 ở Cần Giờ là phòng cách ly đặc biệt, có cửa sổ thoáng khí (Ảnh: Sở Y tế TP.HCM)
Phòng cấp cứu người bệnh nặng tại BV chuyên chữa COVID-19 ở Cần Giờ là phòng cách ly đặc biệt, có cửa sổ thoáng khí (Ảnh: Sở Y tế TP.HCM)


“Tôi khẳng định phòng cách ly áp lực âm là phương pháp cách ly, điều trị bệnh nhân COVID-19 tốt nhất có thể. Nhưng nếu trong trường hợp không đủ tài chính hoặc điều kiện để xây dựng, không có phòng cách ly áp lực âm, thì vẫn có thể dùng phòng cách ly đặc biệt thông thường, có cửa sổ, thoáng khí, tuân thủ quy trình cách ly là được” – BS Trương Hữu Khanh bổ sung.

Chiều ngày 27/3/2020, Công ty Cổ phần Y tế Nhất Minh - là đơn vị vừa tài trợ lắp đặt một số phòng điều trị cách ly áp lực âm tại các BV lớn ở Hà Nội, Quảng Ninh, TP.HCM, đã gửi công văn  tới Bộ Y tế, phản hồi về phát ngôn của PSG.TS Nguyễn Huy Nga.

Công ty này cho biết: “Giải pháp lắp đặt thiết bị tạo áp lực âm không phải để điều trị bệnh COVID-19, nhưng là điều kiện cần phải có để hạn chế số lượng virus có trong không khí, đảm bảo an toàn hơn cho nhân viên điều trị, cộng đồng, góp phần vào quá trình điều trị cho bệnh nhân nhiễm do khả năng lọc không khí trong phòng tới 12 lần/giờ”.

Ngoài ra, theo khuyến cáo mới nhất của Trung tâm phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho dịch COVID-19 có nêu rõ:

“Việc thực hiện các thủ thuật cho bệnh nhân đã nhiễm hoặc có nguy cơ cao có thể gây ra các giọt có chứa virus (khi ho, hắt hơi) cần được thực hiện trong phòng áp lực âm kín - Khuyến cáo số 4”

“Quy trình thu thập bệnh phẩm cho các bệnh nhân nhiễm và có nguy cơ cao cần được thực hiện trong phòng áp lực âm kín - Khuyến cáo số 5”, đại diện Công ty Cổ phần Y tế Nhất Minh nêu.