Bác sĩ đầu tiên bị nhiễm COVID-19, Bộ Y tế làm việc đột xuất với Bệnh viện

VietTimes – Sau khi bác sĩ đầu tiên mắc virus Corona chủng mới (COVID-19), chiều nay, 24/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã có buổi làm việc đột xuất với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đới cơ sở 2– nơi điều trị bệnh nhân COVID-19 và là nơi bác sĩ đầu tiên bị mắc bệnh. 
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại buổi làm việc.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đánh giá cao nỗ lực của các thầy thuốc những ngày qua, trong việc cứu chữa bệnh nhân bị mắc căn bệnh nguy hiểm mới nổi.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã gửi thư và quà cùng lời thăm hỏi ân cần tới các thầy thuốc và các bệnh nhân mắc COVID-19 đang điều trị tại Bệnh viện, là ghi nhận của Chính phủ với Bệnh viện. 

Đoàn công tác của Bộ Y tế làm việc tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương
Đoàn công tác của Bộ Y tế làm việc tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương Phạm Ngọc Thạch báo cáo với Thứ trưởng Bộ Y tế về những biện pháp đảm bảo an toàn tại Bệnh viện, để tránh lây nhiễm cho các nhân viên y tế, sau khi phát hiện ca dương tính đầu tiên là bác sĩ. 

Theo ông Thạch, Bệnh viện hiện đang có khoảng 348 trường hợp điều trị và cách ly. Bên cạnh đó, hàng ngày, Bệnh viện phải xét nghiệm hàng trăm trường hợp, điều trị các trường hợp có triệu chứng lâm sàng. Trong các bệnh nhân điều trị tại đây, có 3 bệnh nhân nặng và 7 bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng nhẹ. 

Ông Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh
Ông Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh 

Ông Thạch cho biết đợt 2 của dịch, số bệnh nhân đến đông hơn, ở nhiều độ tuổi, nhiều bệnh nhân có bệnh lý nền như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, suy giảm miễn dịch, v.v.. Bệnh viện tổ chức phân luồng, cách ly nghiêm túc để phòng lây nhiễm chéo. Do lượng bệnh nhân đông, 1 bác sĩ thường xuyên làm việc ngay từ khi có dịch, ở khu vực đông bệnh nhân, đã bị mắc bệnh. Bệnh viện hiện có khu nhà tầng 9, đảm bảo cho 100 cán bộ cách ly. 2 tuần qua các bác sĩ đều tập trung ở lại Bệnh viện để chăm sóc cho người bệnh.

Báo cáo với Thứ trưởng, BS. Khiêm tóm tắt tình hình các bệnh nhân của Khoa Hồi sức tích cực và cho biết, có 3 bệnh nhân nặng điều trị và Bệnh viện thường xuyên trao đổi về phương pháp điều trị với các chuyên gia của Bộ Y tế cũng như báo cáo Bộ Y tế đều đặn tình hình.  

Báo cáo tình hình với Thứ trưởng Bộ Y tế tại buổi làm việc
              Báo cáo tình hình với Thứ trưởng Bộ Y tế tại buổi làm việc

BS. Khiêm cho biết bệnh nhân nữ, 64 tuổi, người Việt Nam hiện trong tình trạng nặng, đã phải duy trì bằng ECMO. Nam bệnh nhân người Anh điều trị ngày thứ 9 trong tình trạng duy trì thở máy. Một bệnh nhân khác người Việt 50 tuổi đã bước sang tuần thứ 2 bệnh nặng, có dấu hiệu sinh tồn ổn định và các bác sĩ liên tục theo dõi sát và báo cáo Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế. Theo hướng dẫn của Hội đồng chuyên môn hiện đã kết thúc quá trình lọc máu.

Ông Vương Ánh Dương – Trưởng phòng Nghiệp vụ (Cục Quản lý khám, chữa bệnh) cho biết, sau khi Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tiếp nhận bệnh nhân mắc COVID-19, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các bệnh viện, trong đó, yêu cầu hạn chế tiếp xúc, tiếp xúc thì đảm bảo khoảng cách 2m để phòng tránh lây nhiễm cho cho cả thầy thuốc và bệnh nhân; yêu cầu chấn chỉnh công tác quản lý người bệnh ở cơ sở y tế; tổ chức sàng lọc, phân loại, phân luồng, cách ly người bệnh; yêu cầu cách ly tại cộng đồng, nghiên cứu về một số loại thuốc điều trị vv…

Sau khi Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới có bác sĩ đầu tiên mắc bệnh, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã yêu cầu điều tra xác định các trường hợp mắc bệnh, tuân thủ sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân cho nhân viên y tế;bố trí nhân viên y tế kiểm tra, giám sát quá trình thăm khám, sàng lọc bệnh nhân, đảm bảo đủ trang thiết bị bảo hộ cho các thầy thuốc. 

Cuộc họp đột xuất của lãnh đạo Bộ Y tế với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới
Cuộc họp đột xuất của lãnh đạo Bộ Y tế với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới

Ông Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh lưu ý các khu vực cách ly cần phân loại cẩn thận: Khu vực bệnh nhân dương tính; khu vực bệnh nhân cần can thiệp y tế có diễn biến nặng; khu vực bệnh nhân nhẹ, ít phải can thiệp y tế. Những trường hợp nghi ngờ, chưa có kết quả xét nghiệm cần xếp vào khu vực riêng; tiếp tục theo dõi những người bệnh đã có kết quả âm tính; cách ly những người nghi ngờ trong bệnh viện. 

Ông Khoa cũng cho hay, các nghiên cứu đã chỉ ra 80% người tiếp xúc trong gia đình có thể lây nhiễm; việc vệ sinh bề mặt khử khuẩn đóng vai trò quan trọng.

Theo ông Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) - đã có thầy thuốc đầu tiên mắc COVID-19 và đây là điều không ai mong đợi, dù đã dự liệu. Vì thế, đề nghị Bệnh viện rà soát lại công việc khi bệnh nhân tăng cao, nhân viên y tế có khả năng lây nhiễm. Phải rà soát từ nhân lực, nguồn lực, kinh phí, trang thiết bị.

Ông Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế).
Ông Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế).

“Khi có bệnh nhân, nhân viên y tế phải “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, ở trong bệnh viện, không được đi ra ngoài. Từ trường hợp 2 điều dưỡng ở BV Bạch Mai mắc COVID-19, các bác sĩ không được đi ra ngoài, hay đi công tác xa, để tránh lây nhiễm nguồn bệnh. Nếu Bệnh viện cần chi viện, Bộ Y tế sẵn sàng đáp ứng” – Ông Khuê nhấn mạnh. 

Cũng theo ông Khuê, Bộ Y tế đã thành lập Hội đồng chuyên môn với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu ở các bệnh viện tuyến Trung ương như Bạch Mai, Chợ Rẫy, để hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân nặng. Hội đồng thường xuyên hội chẩn, báo cáo Bộ Y tế tình hình các ca bệnh, đồng thời, cập nhật, điều chỉnh phác đồ điều trị với bệnh nhân nặng. 

Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu: Ưu tiên số 1 với phòng điều trị cách ly bệnh nhân COVID-19 là thông thoáng, khử khuẩn thường xuyên. Chỉ cách ly áp lực âm với bệnh nhân mắc COVID-19 nặng. Giải pháp kiểm soát nhiễm khuẩn là rà soát lại theo đúng quy định của Bộ Y tế, có biện pháp kỷ luật đối với trường hợp vi phạm.

"Bệnh viện cũng cần hướng dẫn sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân, kiểm tra việc thực hiện qui trình của các khoa phòng, từ việc cởi bỏ quần áo bảo hộ có đúng không, để phòng lây nhiễm dịch bệnh. Chăm lo đời sống tinh thần vật chất cho bác sĩ, để họ có đủ sức lực, niềm tin để chiến thắng dịch bệnh" - Ông Khuê lưu ý!