Đế chế mì gói Uniben của nhà chủ VIB

VietTimes -- Mỳ gói và tinh thần khởi nghiệp là hai câu chuyện được nhắc đến nhiều nhất mỗi khi truyền thông muốn đề cập đến con đường đi lên của nhóm đại gia quyền lực và giàu có nhất Việt Nam hiện nay - nhóm trở về từ Đông Âu.

Theo chia sẻ của những người trong cuộc, mỳ gói hay sản xuất, kinh doanh mỳ gói vốn không phải sự lựa chọn hàng đầu hay ưu tiên của những du học sinh Việt Nam khi mới sang Đông Âu.

Mà ngược lại, “bối cảnh khó khăn lúc đó “buộc” chúng tôi phải chọn mỳ gói” - ông chủ đế chế hàng tiêu dùng Masan Nguyễn Đăng Quang tâm sự với các cổ đông tham dự phiên đại hội đồng cổ đông thường niên của tập đoàn này vào năm 2019.

“Thực sự chúng tôi không lựa chọn mỳ gói, mà ngược lại, bối cảnh khó khăn lúc đó “buộc” chúng tôi phải chọn mỳ gói” - Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang.
“Thực sự chúng tôi không lựa chọn mỳ gói, mà ngược lại, bối cảnh khó khăn lúc đó “buộc” chúng tôi phải chọn mỳ gói” - Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang.

Rồi mỳ gói, không chỉ giúp những người con ưu tú của Việt Nam lúc ấy (hầu hết là những học sinh, cán bộ xuất sắc, được nhà nước lựa chọn cử đi du học ở các ngôi trường danh tiếng của khối XHCN) vượt qua cơn đói lòng sau mỗi buổi lên giảng đường, mà nó còn giúp một số trở nên có của ăn của để, có tích lũy tư bản và có cả những trải nghiệm kinh doanh, tổ chức kinh doanh đầu đời.

Các sản phẩm kinh doanh hầu hết cũng chỉ xoay quanh kỳ gói.

Từ nền tảng tích lũy ban đầu ấy và những bài học xương máu thời “tranh tối tranh sáng” ở các nước Liên Xô cũ, họ trở lại cố quốc, lập nghiệp, phát triển và vươn lên thành nhóm đại gia máu mặt nhất.

Việt Nam lúc họ về, nền kinh tế bắt đầu chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường - một thời kỳ vàng cho các cơ hội kinh doanh, mà họ hẳn rất rõ sau những gì đã chứng kiến ở trời Âu.

Hầu hết đoạn tuyệt với “nghề” cũ. Nguồn tiền mang về từ Đông Âu được họ rót vào những kênh đầu tư màu mỡ nhất, như bất động sản, tài chính - ngân hàng,…

Duy chỉ có 2 người vẫn còn nặng lòng với “nghiệp” xưa.

Một người đã quá nổi tiếng, là Chủ tịch Tập đoàn Masan - ông Nguyễn Đăng Quang. Dù có vốn góp ở một vài ngân hàng và đang là lãnh đạo quyền lực bậc nhất của Techcombank - nhà băng xếp top trong nhóm Ngân hàng TMCP tư nhân Việt Nam ở Việt Nam - nhưng  mỳ gói (nay mở rộng hơn trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh - FMCG) mới là mới là cuộc chơi chính yếu, mang lại nhiều lợi ích nhất và làm nên thương hiệu cho ông Quang "Masan"

Người còn lại, ít đc để ý hơn, là ông Đặng Khắc Vỹ (SN 1968). Giống ông Quang và nhiều đại gia trở về từ Đông Âu khác, ông Vỹ cũng sở hữu một ngân hàng, là Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB). Nhưng khác ông Quang "Masan", ở Việt Nam, ông Vỹ chủ yếu được biết đến với cương vị Chủ tịch nhà băng này, chứ không phải là lĩnh vực FMCG - nơi mà thực ra được ông Vỹ dành nhiều tâm huyết và có tham vọng lớn.

Chủ tịch Ngân hàng VIB - ông Đặng Khắc Vỹ (Ảnh: Internet)
Chủ tịch Ngân hàng VIB - ông Đặng Khắc Vỹ (Ảnh: Internet)

Ông Vỹ là người hiếm hoi trong thế hệ trưởng thành từ Đông Âu còn tiếp tục duy trì sự nghiệp kinh doanh với trời Âu, kể cả sau khi về Việt Nam đầu tư lớn.

Đáng nể là hoạt động kinh doanh xứ người của ông Vỹ lại rất có thành tựu, thậm chí vươn đến tầm đế chế. Với Mareven Food, đại gia Đặng Khắc Vỹ là ông vua mì gói trong làng kinh doanh thực phẩm ở nhiều quốc gia.

Ít người để ý, ở Việt Nam lúc này, ông Vỹ đang đang phát triển hai thương hiệu mỳ rất nổi tiếng, là “3 Miền” và “Reeva”, với pháp nhân lõi là CTCP Uniben (Uniben).

Đế chế mì gói Uniben

Để hiểu rõ hơn về Uniben, cần trở về với cựu cổ đông lớn của ngân hàng VIB, là Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Hệ thống Quốc tế (Nettra).

Thành lập từ tháng 4/2007, quy mô vốn điều lệ ban đầu của Nettra là khá "khủng": 1.200 tỷ đồng.

Trong đó, cổ đông sáng lập nắm cổ phần chi phối, tương đương 64,54% vốn của Nettra, là ông Đặng Khắc Dũng - anh trai ông Khắc Vỹ. Tiếp đến là ông Đỗ Xuân Thụ - bố đẻ của Thành viên HĐQT VIB Đỗ Xuân Hoàng - với tỷ lệ sở hữu là 14,23%.

Một thành viên HĐQT VIB khác là ông Đặng Văn Sơn cũng trực tiếp góp 84 tỷ đồng để sở hữu 7% vốn của Nettra. Số cổ phần còn lại do ông Trần Chiến Thắng (trú tại Ba Đình, Hà Nội) nắm giữ.

Từng nắm giữ lượng lớn cổ phần VIB, với tỷ lệ sở hữu gần 15% vốn song từ cuối năm 2016, Nettra bất ngờ biến mất trong danh sách cổ đông ngân hàng này.

Trên thị trường địa ốc, Nettra từng được biết đến rộng rãi trong vai trò chủ đầu tư dự án Khu đô thị Monaco Garden (Quốc Oai, Hà Nội). Tuy nhiên, dự án này hiện đã bị chính quyền thu hồi.

Sau nhiều lần thay đổi cơ cấu cổ đông, đầu năm 2014, Nettra tăng vốn lên 1.500 tỷ đồng và trở thành công ty con của Công ty TNHH Công nghiệp Thực phẩm Việt Hưng (Viethung Food), mà nay chính là Uniben (do ông Vũ Tiến Dũng, SN 1978, làm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật).

Tới năm 2016, Nettra bất ngờ giảm vốn điều lệ xuống chỉ còn gần 578 tỷ đồng. Chỉ 1 năm sau đó, ngày 25/12/2017, Chủ tịch Nettra là ông Đặng Khắc Cường đã ký quyết định giải thể công ty này. Lý do được cho biết là công ty kinh doanh không hiệu quả, không đạt được yêu cầu mong muốn.

Nhà máy Uniben tại Bình Dương (Ảnh: Uniben)
Nhà máy Uniben tại Bình Dương (Ảnh: Uniben)

Quay trở lại với Viethung Food (nay là Uniben), dữ liệu của VietTimes cho thấy, doanh nghiệp này đã nhận được sự hậu thuẫn đáng kể từ dòng vốn VIB, thông qua hàng loạt hợp đồng tín dụng, nhất là trong quá trình xây dựng các nhà máy tại Hưng Yên và Bình Dương.

Tháng 11/2014, Uniben đã thế chấp loạt tài sản có liên quan tới nhà máy mì ăn liền tại KCN Phố Nối A mở rộng như: Hợp đồng thuê đất (giá trị 76,38 tỷ đồng); Công trình nhà máy (giá trị 132,4 tỷ đồng); các tài sản hình thành trong tương lai là toàn bộ danh chuyền máy móc thiết bị của nhà máy (tổng giá trị là 434 tỷ đồng). 

Tương tự, VIB cũng tài trợ vốn tín dụng để Uniben xây dựng dự án nhà máy tại KCN Việt Nam - Singapore II-A (xã Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương).

Theo giới thiệu của Uniben, những nhà máy này chuyên sản xuất các sản phẩm: mỳ, cháo, phở ăn liền, hạt nêm, nước mắm,…với 1,2 tỷ đơn vị được cung cấp ra thị trường hàng năm.

Hệ thống phân phối cũng được Uniben phát triển rộng khắp với 150 nhà phân phối, trên 500 siêu thị, trên 100,000 cửa hàng, với hơn 1,000 nhân viên bán hàng. Không dừng lại ở thị trường nội địa, các sản phẩm của Uniben hiện được xuất khẩu sang nhiều nước khác, tương ứng, tương lân cùng đế chế Mareven Food đã có sẵn vị thế và thương hiệu ở trời Âu.

"Thương hiệu "3 Miền" của chúng tôi trở thành một trong những thương hiệu được chọn mua nhiều nhất, Việt Nam 2016” do công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới Kantar Worldpanel công bố", Uniben tự hào giới thiệu.

Bên cạnh Uniben, dữ liệu của VietTimes còn cho thấy, VIB từng nhiều lần đầu tư trái phiếu của Masan Consumer Holdings - doanh nghiệp phụ trách mảng FMCG của Tập đoàn Masan./.